Hiệu quả chuyển đổi số từ hai mô hình có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 13:57, 21/10/2024

Chuyển đổi số đã trở nên sâu rộng, mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế - xã hội địa phương và đồng bào tộc thiểu số cũng được hưởng lợi từ công cuộc chuyển đổi số.
Chuyển đổi số

Hiệu quả chuyển đổi số từ hai mô hình có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số

Hoàng Linh 21/10/2024 13:57

Chuyển đổi số đã trở nên sâu rộng, mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế - xã hội địa phương và đồng bào tộc thiểu số cũng được hưởng lợi từ công cuộc chuyển đổi số.

Chuyển đổi số nông nghiệp tại Langbiang Farm

Tại chương trình chào mừng ngày Chuyển đổi số (CĐS) 2024 vừa được tổ chức tại Hà Nội, ông Trần Huy Đường, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH trang trại Langbiang (Langbiang Farm) đã chia sẻ Langbiang Farm đã được thành lập gần 20 năm, hoạt động với ba lĩnh vực chính là: sản xuất rau, hoa và làm du lịch canh nông. Trang trại có khoảng 200 lao động, trong đó 60% người lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Thu nhập bình quân của người lao động đạt khoảng 10 triệu đồng/người/tháng.

ong-tran-huy-duong.jpg
Ông Trần Huy Đường: CĐS phải làm một cách tổng thể. CĐS thì người đứng đầu có vai trò quyết định và truyền cảm hứng cho nhân viên cấp dưới. (Ảnh: VGP).

Langbiang Farm sản xuất rau, hoa và bán sản phẩm cho thị trường trong nước và quốc tế. Ở thị trường trong nước, Langbiang Farm đã bán sản phẩm cả trực tiếp, trực tuyến (online) và trên sàn thương mại điện tử. Trang trại cũng đã xuất khẩu các sản phẩm rau cho các thị trường nước ngoài, đặc biệt là Singapore, Hàn Quốc với sản lượng trung bình 2 - 4 container mỗi tuần.

liangbiang-farm-6.jpg

Để làm được việc này, ông Trần Huy Đường cho biết Langbiang Farm đã tự động hoá nhiều khâu sản xuất, công bố chất lượng hàng hoá, đạt các chứng chỉ VietGap, Global Gap và trở thành doanh nghiệp công nghệ cao được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. “Đó là một quá trình công ty đã phấn đấu và phải đạt được”.

Ông Trần Huy Đường cũng chia sẻ: “Công ty nhận thức CĐS là rất quan trọng vì sản phẩm của công ty là sản phẩm ngắn ngày, 3 tháng phải thu hoạch, trong khi đó thị hiếu của người tiêu dùng, thị trường cũng luôn thay đổi nhanh chóng nên công ty cũng phải luôn tiếp cận thông tin thị trường nhanh chóng. Đó là động lực bắt buộc công ty phải CĐS”.

Để CĐS, ông Đường cho biết Langbiang Farm đã đề ra tầm nhìn, từ đó đầu tư các nguồn lực một cách chiến lược. Theo chiến lược, có những cái công ty phải thay đổi và có những cái công ty tiếp tục duy trì. Điểm quan trọng là công ty đã đặt mục tiêu lấy chất lượng sản phẩm làm nền tảng và mục tiêu này là xuyên suốt, không thay đổi dù tất cả các sản phẩm, mặt hàng đều phải thay đổi theo thị trường.

Cụ thể hơn về các công việc triển khai CĐS, ông Đường chia sẻ công ty tính toán đầu tư cho hạ tầng, phần cứng phải được sử dụng lâu dài. Tiếp đến, công ty dùng bản đồ số tới 16 lớp, theo đó, mỗi lĩnh vực của công ty được quản lý theo một lớp. Tiếp theo, công ty thực hiện cơ giới hoá.

liangbiang-farm-3.jpg

Trong việc sử dụng phần mềm, ông Đường cho biết công ty đã có những giai đoạn phải rất mày mò, tìm kiếm, thậm chí đã mua phần mềm của nước ngoài và đã có thời gian công ty sử dụng các phần mềm rời rạc. Để đạt hiệu quả sản xuất, tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí, công ty đã chuyển sang sử dụng các phần mềm được Việt hoá, đồng bộ trong tất cả các lĩnh vực từ sản xuất, quản trị nhân lực đến tài chính, dữ liệu khách hàng và thị trường.

Langbiang Farm cũng đã thực hiện quét mã QR thay cho nhật ký điện tử để khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm. “Chúng tôi cũng đã bước đầu hợp tác với một doanh nghiệp Việt Kiều để đầu tư và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)”.

Ông Trần Huy Đường nhấn mạnh: “CĐS phải có lộ trình và phải đúng từ đầu, tự động hoá, tiếp đến là số hoá, thậm chí các hoạt động phải hướng tới đạt đến net zero. CĐS là để hướng tới khách hàng, để khách hàng có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhờ cung cấp dữ liệu cho khách hàng, thậm chí khách hàng quét mã QR trên bao bì sản phẩm có thể tiếp cận đến nguồn gốc sản xuất và thậm chí biết được cả dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. CĐS đã giúp công ty hoạt động và ra các quyết định thời gian thực (real time)”.

“CĐS phải làm một cách tổng thể. CĐS thì người đứng đầu có vai trò quyết định và truyền cảm hứng cho nhân viên cấp dưới. CĐS là một hành trình không phải là một điểm đến. CĐS phải được Việt hoá bởi những người làm nông nghiệp đa số là bà con nông dân. Nếu không Việt hoá thì khó CĐS”, Chủ tịch Langbiang Farm chia sẻ thêm.

Với những công việc Langbiang Farm đã làm, ông Trần Huy Đường cho biết CĐS mới chỉ đạt mức 2/4. Theo đó, Langbiang Farm rất cần Nhà nước hỗ trợ về phần mềm chuyên biệt cho nông dân, phổ cập trên Zalo. Langbiang Farm cũng có những địa điểm chưa có sóng điện thoại nên cần được hỗ trợ phủ sóng giống như đầu tư cho điện - đường - trường - trạm.

liangbiang-farm-5.jpg
Ảnh: Langbiang Farm

Thực hiện truy xuất nguồn gốc cũng là một vấn đề nhức nhối nên CĐS phải đảm bảo khách hàng Việt Nam cũng có được quyền lợi như khách hàng nước ngoài. Ngân hàng cũng phải mở các phần mềm để các cơ sở nông nghiệp như Langbiang Farm có thể tiếp cận được dữ liệu của khách hàng thời gian thực, ông Trần Huy Đường kiến nghị.

Du lịch Lô Lô Chải được quảng bá nhờ CĐS

Chia sẻ câu chuyện CĐS của thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, ông Sình Di Gai, Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Lô Lô Chải đã cho biết về giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động triển khai CĐS ở thôn, đặc biệt là trong công tác quảng bá du lịch đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.

ong-sin-a-gai.jpg
Ông Sình Di Gai. (Ảnh: Doãn Mạnh).

Ông Sình Di Gai cho biết trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0, CĐS đã và đang trở thành xu hướng tất yếu trên toàn thế giới, ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lĩnh vực, đặc biệt là du lịch bản địa. Lô Lô Chải đã nhận thức được thách thức và nhận thấy phải tận dụng công nghệ mới để phát triển du lịch cộng đồng.

Nằm ngay dưới chân núi Rồng và cách Cột cờ Lũng Cú chỉ khoảng 1 km, làng Lô Lô Chải là nơi sinh sống của hơn 90% bà con dân tộc Lô Lô, không sở hữu nhà có tường, xa trung tâm thương mại và hiện đại, sầm uất, hiện lưu giữ nhiều giá trị văn hoá cộng đồng của đồng bào dân tộc Lô Lô ở cao nguyên đá Đồng Văn xinh đẹp.

lo-lo-chai.jpg
Một góc thôn Lô Lô Chải .(Ảnh: baodantoc.vn).

Từ khi CĐS được được thúc đẩy trong những năm qua, với cương vị làm trưởng thôn, ông Sình Di Gai cho biết ông thường xuyên cùng các lãnh đạo trong thôn tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con, hộ kinh doanh homestay áp dụng công nghệ số để quảng bá du lịch cộng đồng. Qua quá trình triển khai CĐS, thôn Lô Lô Chải đã đạt được một số kết quả bước đầu.

Bà con trong thôn Lô Lô Chải đã biết cài đặt các nền tảng số để khai báo thông tin lưu trú, quảng bá du lịch như qua các nền tảng Zalo, Facebook, Agoda, Booking từ đó thu hút được hơn 53.670.000 du khách đến tham quan làng Lô Lô. Công an xã đã tổ chức lớp tập huấn về định danh điện tử VNeID cho các hộ kinh doanh homestay, hỗ trợ định danh điện tử và có giá trị sử dụng thay thế các giấy tờ truyền thống. Tổ công nghệ số cộng đồng có nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn đoàn viên, thanh niên, cán bộ công chức, hộ dân trên địa bàn cài đặt và sử dụng các ứng dụng số.

Lô Lô Chải đã có 463 người dân được kích hoạt tài khoản định danh, các chủ homestay đã nắm bắt được việc theo dõi đặt phòng, hướng dẫn bảo vệ du khách, người dân trên môi trường mạng, tố giác tội phạm qua ứng dụng…

Với những kết quả CĐS bước đầu, ông Sình Di Gai mong muốn cần đẩy mạnh khai thác, quảng bá du lịch trên các trang web, liên kết nối các trang web này để chia sẻ thông tin, tư liệu chung để đẩy mạnh thương hiệu du lịch trên các trang. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số phục vụ bà con xúc tiến quảng bá, kết nối du lịch trong và ngoài tỉnh.

Tiếp đến, ông Sình Di Gai đề xuất cần ưu tiên tuyển dụng nhân sự có chuyên môn cao để quản lý, vận hành app du lịch trong và ngoài tỉnh; Tăng cường bồi dưỡng năng lực CNTT cho đội ngũ cán bộ xúc tiến quảng bá du lịch.

Cùng với đó, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức CĐS đến cộng đồng du lịch, du khách, qua đó tăng cường sự kết nối quảng bá du lịch.

Cuối cùng, ông Sình Di Gai cho biết cần tiếp tục triển khai các dịch vụ du lịch thông minh, thay đổi cách tương tác với du khách trên môi trường số để nâng cao trải nghiệm của du khách, tích hợp, kết nối nền tảng thanh toán của địa phương với các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại các điểm đến du lịch; Hoàn thiện hệ thống CSDL liên quan đến du lịch./.

Hoàng Linh