Cao Bằng triển khai các chương trình thúc đẩy chuyển đổi số

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 07:22, 15/10/2024

Nghị quyết số 06-NQ/TU của Cao Bằng về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đã xác định rõ chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.
Chuyển đổi số

Cao Bằng triển khai các chương trình thúc đẩy chuyển đổi số

Đỗ Thêu 15/10/2024 07:22

Nghị quyết số 06-NQ/TU của Cao Bằng về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đã xác định rõ chuyển đổi số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, thường xuyên của cả hệ thống chính trị.

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành xu hướng toàn cầu và là động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Cao Bằng đã có những bước tiến đáng kể trong việc thực hiện chuyển đổi số, phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Những nỗ lực này được thể hiện rõ qua việc triển khai các chương trình, kế hoạch cụ thể từ cấp chính quyền cho đến các tổ chức, doanh nghiệp, nhằm cải thiện môi trường số và đem lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Nghị quyết của Tỉnh ủy: Nền tảng để Cao Bằng thúc đẩy chuyển đổi số

Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST) giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đã xác định rõ “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, là đột phá chiến lược và động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.” Đây là một tuyên bố chiến lược, cho thấy quyết tâm của lãnh đạo tỉnh Cao Bằng trong việc định hình tương lai bằng cách ứng dụng công nghệ và số hóa vào mọi lĩnh vực.

Cao Bằng đã triển khai hàng loạt giải pháp chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là trong văn hóa và du lịch. Một số ứng dụng số hóa đã được phát triển để tăng cường trải nghiệm của du khách, chẳng hạn như ứng dụng di động Mobi Du lịch Cao Bằng, Cổng du lịch thông minh (https://caobangtourism.vn), và công nghệ số hóa VR360 giúp du khách trải nghiệm du lịch ảo, bảo tàng ảo, triển lãm ảo trực tuyến. Những công cụ này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả quảng bá du lịch mà còn giảm chi phí và thời gian cho các đơn vị tổ chức.

Một trong những nỗ lực lớn của Cao Bằng trong lĩnh vực chuyển đổi số là việc duy trì và triển khai hiệu quả các hệ thống thông tin dùng chung phục vụ chính quyền điện tử. Tỉnh đã phát triển hệ thống chính quyền số, nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức trong việc thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Cao Bằng đã hoàn thành việc kết nối, chia sẻ kho dữ liệu điện tử của các tổ chức, cá nhân, giúp người dân và doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Sự thành công trong việc phát triển chính quyền điện tử và chuyển đổi số tại Cao Bằng không thể thiếu sự hỗ trợ từ các chính sách và kế hoạch rõ ràng của UBND tỉnh. Điển hình là cuộc thi "Tìm hiểu về Chuyển đổi số năm 2024" được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong các tầng lớp nhân dân. Cuộc thi được phát động, tổ chức trong phạm vi toàn tỉnh Cao Bằng nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, kịp thời, đầy đủ về nội dung, tầm quan trọng, lợi ích và những giá trị thiết thực mà chuyển đổi số (CĐS) mang lại trong giai đoạn hiện nay.

cao-bang-2.jpg
Cuộc thi "Tìm hiểu về Chuyển đổi số năm 2024" được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong các tầng lớp nhân dân.

Ban tổ chức mong muốn, thông qua cuộc thi, nâng cao nhận thức về CĐS trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trong Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 07/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, CĐS tỉnh Cao Bằng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Nội dung của cuộc thi tập trung vào những vấn đề chung, tổng quan về CĐS; chương trình, kế hoạch của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai về CĐS; nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cao Bằng về triển khai CĐS. Thông tin, kiến thức, kỹ năng khai thác, sử dụng các hệ thống thông tin, nền tảng số do tỉnh Cao Bằng triển khai, dịch vụ công trực tuyến; kiến thức, kỹ năng về an toàn thông tin trên môi trường số. Các văn bản triển khai nội dung cơ bản về CĐS, nhận thức số, thể chế số, nhân lực số, hạ tầng số, hoạt động chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và dữ liệu số được quy định trong các văn bản của Đảng, Nhà nước của Trung ương và của tỉnh Cao Bằng.

Hình thức thi trực tuyến tại địa chỉ

https://cuocthitimhieuchuyendoiso.caobang.gov.vn hoặc truy cập qua liên kết trên trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Chú trọng đào tạo và nâng cao năng lực chuyển đổi số cho cán bộ

Không chỉ tập trung vào việc xây dựng hạ tầng và hệ thống số, Cao Bằng còn chú trọng đến việc đào tạo và nâng cao năng lực cán bộ trong lĩnh vực này. Chính vì thế, vừa qua, Trung tâm Công nghệ số và Truyền thông, thuộc Sở Thông tin và Truyền thông Cao Bằng, đã phối hợp với Trung tâm Đào tạo - Nghiên cứu Khoa học Tổ chức và Quản lý (thuộc Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) tổ chức lớp tập huấn cho 280 học viên là lãnh đạo, cán bộ, công chức tại các huyện Thạch An và Hạ Lang.

cao-bang-1.jpg
Cuộc thi "Tìm hiểu về Chuyển đổi số năm 2024" được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong các tầng lớp nhân dân.

Lớp tập huấn diễn ra trong thời gian 5 ngày, đã trang bị cho các học viên những kiến thức quan trọng liên quan đến chuyển đổi số. Nội dung chính bao gồm kiến thức tổng quan về chuyển đổi số và những nhiệm vụ cụ thể thuộc Đề án 06. Học viên được hướng dẫn hiểu rõ ý nghĩa và vai trò của dịch vụ công trực tuyến, đồng thời nắm bắt trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc triển khai dịch vụ công trực tuyến.

Ngoài ra, lớp học còn cung cấp thông tin về kết quả và tình hình thực hiện nhiệm vụ thuộc Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Các học viên được trang bị kiến thức sâu rộng về chuyển đổi số, bao gồm vai trò và ý nghĩa của quá trình này trong việc thúc đẩy chính quyền điện tử, chính quyền số. Đặc biệt, họ còn tìm hiểu về mục đích và tầm quan trọng của các hệ thống thông tin phục vụ cho chính quyền điện tử và chính quyền số.

Về mặt thực hành, các học viên được hướng dẫn kỹ năng khai thác và sử dụng các hệ thống thông tin phục vụ cho quản lý văn bản, điều hành và dịch vụ công trực tuyến. Những kỹ năng này giúp cán bộ, công chức cấp xã nắm vững hơn về các quy trình sử dụng hệ thống thông tin phục vụ công tác hành chính.

Qua lớp tập huấn, các học viên không chỉ nắm vững các kiến thức cơ bản mà còn hiểu rõ hơn về quan điểm, chủ trương và định hướng của Chính phủ và tỉnh trong quá trình chuyển đổi số và cải cách hành chính. Điều này giúp họ có thể lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai các nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị một cách hiệu quả và thực chất.

Những nỗ lực chuyển đổi số của Cao Bằng đang góp phần quan trọng vào việc xây dựng chính quyền điện tử và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao năng lực số cho cả hệ thống chính quyền và người dân.

Đỗ Thêu