Chuyển đổi số để Lào Cai phát triển đột phá, nhanh và bền vững

Diễn đàn - Ngày đăng : 07:14, 15/10/2024

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị, Lào Cai xem xét ban hành chính sách hỗ trợ tổ công nghệ số cộng đồng để thúc đẩy chuyển đổi số toàn dân, toàn diện.
Diễn đàn

Chuyển đổi số để Lào Cai phát triển đột phá, nhanh và bền vững

QA {Ngày xuất bản}

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị, Lào Cai xem xét ban hành chính sách hỗ trợ tổ công nghệ số cộng đồng để thúc đẩy chuyển đổi số toàn dân, toàn diện.

Chiều ngày 14/10/2024, tại Lào Cai, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác của Bộ TT&TT đã có buổi làm việc với Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và lãnh đạo tỉnh về công tác TT&TT, chuyển đổi số (CĐS).

Tham gia đoàn công tác có Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long và đại diện một số đơn vị thuộc Bộ TT&TT, một số doanh nghiệp (DN) công nghệ.

toan-canh-hop-lao-cai-14102024.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc.

Lào Cai muốn đẩy nhanh CĐS

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường, đã thông tin về tình hình kinh tế - xã hội; tình hình phát triển lĩnh vực TT&TT trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Theo đó, thời gian qua, tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm đến phát triển lĩnh vực TT&TT, trong đó trọng tâm là CĐS.

Trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã lựa chọn 7 nhiệm vụ trọng tâm và 2 lĩnh vực đột phá, đó là đột phá về kết cấu hạ tầng (trong đó có đột phá về hạ tầng thông tin, viễn thông, hạ tầng số) và đột phá về phát triển du lịch.

Theo đó, tỉnh đã ban hành Đề án số 08-ĐA/TU về phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT) tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 - 2025; Nghị quyết số 20-NQ/TU về CĐS tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

psx_20241014_135851.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường: Tỉnh Lào Cai đặc biệt quan tâm đến phát triển lĩnh vực TT&TT, trong đó trọng tâm là CĐS.

Tỉnh cũng đã ban hành các cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực CNTT giai đoạn 2021 - 2025; Chính sách giảm phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh đối với hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Hướng dẫn quản lý đầu tư ứng dụng CNTT để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; Ban hành các chiến lược dữ liệu…

Trong lĩnh vực ứng dụng CNTT, CĐS, Lào Cai đã thành lập 1.556 tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ); nền tảng cửa khẩu số đã thực hiện đầu tư hạ tầng thiết bị và hoàn chỉnh các hạng mục phục vụ công tác phân luồng tại cửa khẩu Kim Thành, thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ quan liên quan; nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh triển khai tích hợp 29 ứng dụng, kết nối liên thông với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia; CĐS trong lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch cũng được triển khai; thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phát triển, đưa 197/205 (96%) sản phẩm OCOP của tỉnh lên các sàn thương mại điện tử.

Lào Cai cũng đang triển khai các dự án về thuê dịch vụ CNTT. An toàn thông tin (ATTT) cũng ngày càng được chú trọng quan tâm.

Tại buổi làm việc, tỉnh Lào Cai kiến nghị với Bộ TT&TT xem xét, hỗ trợ tỉnh chỉ đạo các DN viễn thông sớm khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống cho nhân dân, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh; Hỗ trợ điện thoại 4G cho 100% người dân vùng ảnh hưởng thiên tai, các hộ nghèo đối với những nơi bị tắt sóng 2G; Thực hiện triển khai 5G tại thị xã Sa Pa, TP. Lào Cai và các khu kinh tế, khu công nghiệp và cửa khẩu; Phủ sóng thông tin di động và hạ tầng Internet băng rộng cho 100% thôn bản của tỉnh Lào Cai nhằm thúc đẩy CĐS giai đoạn 2024 - 2025.

Tỉnh cũng đề nghị hỗ trợ thực hiện chia sẻ dữ liệu về hạ tầng viễn thông và xây dựng hệ thống thông tin có tích hợp bản đồ số hoặc sử dụng trên nền tảng bản đồ số quốc gia; Ban hành thông tư hướng dẫn về tổ chức các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực TT&TT tại địa phương; Rà soát, xây dựng hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật lĩnh vực công nghệ thông tin để các địa phương áp dụng thống nhất trên toàn quốc; Đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ cho tỉnh…

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong cho biết: Tỉnh Lào Cai luôn xem CĐS là một giải pháp thiết thực nhằm hướng đến cải cách, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, theo xu hướng sẽ sắp xếp tổ chức theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực.

bi-thu-lao-cai.jpg
Bí thư Tỉnh uỷ Đặng Xuân Phong: Lào Cai luôn xem CĐS là một giải pháp thiết thực nhằm hướng đến cải cách, xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Một trong những lĩnh vực mà tỉnh Lào Cai xác định là khâu đột phá để tiếp tục thực hiện trong nhiệm kỳ 2025 - 2030 và những năm tiếp theo là phát triển hạ tầng (trong đó có hạ tầng số); xây dựng chính quyền điện tử, cửa khẩu thông minh, đô thị thông minh, từng bước CĐS, hướng đến Chính quyền số, nền kinh tế số, kinh tế xanh và xã hội số gắn với thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp.

Đến năm 2030, tỉnh cơ bản hoàn thành CĐS các cơ quan trong hệ thống chính trị bảo đảm thống nhất, kết nối liên thông, đồng bộ…

Bí thư Đặng Xuân Phong mong Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và các chuyên gia tư vấn những giải pháp, định hướng để tỉnh Lào Cai có thể khắc phục khó khăn, tận dụng cơ hội, đẩy nhanh tiến độ CĐS.

Cũng tại buổi làm việc, các ngành, đại diện các cơ quan, đơn vị, DN viễn thông, công nghệ đã trao đổi nhiều ý kiến về lĩnh vực TT&TT, CĐS, phát triển hạ tầng, đảm bảo ATTT trên địa bàn tỉnh Lào Cai

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long đã đề xuất Lào Cai thực hiện CĐS, phát triển kinh tế số, xã hội số liên quan đến 7 thành phần cơ bản của khung CĐS cấp tỉnh.

Về thể chế, Lào Cai bám sát hướng dẫn của Bộ TT&TT, xây dựng, ban hành Kế hoạch CĐS năm 2025 của địa phương; Ưu tiên ứng dụng công nghệ số đưa hoạt động chỉ đạo, điều hành của địa phương lên môi trường điện tử, dựa trên dữ liệu; Triển khai mạnh mẽ các giải pháp để thúc đẩy CĐS của cả 3 trụ cột: chính quyền số; kinh tế số; xã hội số để cải thiện chỉ số CĐS (DTI), lưu ý các chỉ số còn hạn chế như: Hạ tầng số, ATTT và hoạt động kinh tế số...

Về hạ tầng, Lào Cai xây dựng và phê duyệt Quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động để đảm bảo phát triển hạ tầng viễn thông thuận lợi, an toàn, bảo vệ cảnh quan, môi trường; đầu tư hạ tầng cáp quang, di động, trung tâm dữ liệu, hạ tầng IoT; phát triển hạ tầng tiện ích số và công nghệ số như dịch vụ, trọng tâm là các nền tảng: định danh số; xác thực số; thanh toán số, hóa đơn số; tích hợp, chia sẻ dữ liệu; xác thực văn bản số; chữ ký số và chứng thực chữ ký số...

Về nhân lực, Lào Cai cần bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ tại các Chương trình, Kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 đã được cấp thẩm quyền của địa phương phê duyệt; ưu tiên các nguồn lực để phấn đấu hoàn thành các mục, tiêu nhiệm vụ đã đề ra...

Thúc đẩy CĐS tạo ra sự phát triển đột phá, nhanh và bền vững

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao những kết quả tỉnh Lào Cai đã đạt được trong thời gian qua và đề nghị nếu Lào Cai chọn thêm một nội dung để làm trung tâm, làm hạt nhân xuyên suốt trong giai đoạn tới 2030 thì nên chọn CĐS.

bt-nguyen-manh-hung.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: CĐS hội tụ trong mình cả 4 sức mạnh của thời đại.

Theo Bộ trưởng, CĐS hội tụ trong mình cả 4 sức mạnh của thời đại là: Khoa học công nghệ, kinh tế tri thức, đổi mới sáng tạo, cuộc cách mạng 4.0. CĐS sẽ tạo ra sự phát triển đột phá, tạo ra sự phát triển nhanh và bền vững.

Bộ trưởng tin rằng Lãnh đạo tỉnh Lào Cai có tinh thần đổi mới, đi đầu, cùng với sự trợ giúp của Bộ TT&TT, các DN công nghệ số Việt Nam thì sự nghiệp CĐS chắc chắn sẽ thành công và có sự phát triển đột phá.

Bộ trưởng cho biết CĐS không chỉ dựa trên công nghệ mà chủ yếu là thay đổi cách vận hành và dựa trên công nghệ số. Công nghệ, trong đó có AI hiện nay có thể giải được hầu hết những câu chuyện mà trước đây không thể.

CĐS có 3 điểm đặc biệt là sinh ra tài nguyên dữ liệu, tạo ra không gian sống mới và thay đổi lực lượng sản xuất. Tỉnh Lào Cai xem xét nghiên cứu xây dựng Nghị quyết CĐS của tỉnh cho nhiệm kỳ tới, trong đó, kết quả CĐS có thể là một tiêu chí để đánh giá cán bộ. Như vậy, có thể nói CĐS sẽ là một cuộc cách mạng.

Để CĐS, Bộ trưởng cho biết phải có người hiểu biết về CĐS, người làm công nghệ. Tỉnh có thể phát triển thêm lực lượng CĐS, đào tạo cán bộ các cấp có kiến thức về CĐS để dẫn dắt CĐS.

CĐS là chuyển đổi lên môi trường mới nên cần có kỷ luật. Kỷ luật là do người đứng đầu và phải bắt buộc. Người đứng đầu cũng là người trực tiếp làm CĐS.

Theo kế hoạch, hết năm 2025, Lào Cai phải đạt tỷ lệ 65% hồ sơ của người dân sử dụng DVCTT toàn trình, Bộ trưởng đề nghị tỉnh giao cụ thể cho các Sở, ban ngành thực hiện. Hiện nên xem xét thay đổi quản lý cách làm bằng thay đổi mục tiêu.

psx_20241014_125229.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thăm và làm việc với Sở TT&TT Lào Cai chiều 14/10/2024.

Bộ trưởng cũng kiến nghị tỉnh quyết tâm tăng chi cho CĐS từ 2 - 3% ngân sách và tổ CNSCĐ hiện đang hoạt động rất tốt khi đi từng nhà hướng dẫn từng người sử dụng công nghệ số. Không có quốc gia nào có lực lượng như tổ CNSCĐ. Hiện đã có 4 tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ chi cho thành viên của tổ. Lào Cai xem xét ban hành chính sách hỗ trợ tổ CNSCĐ để thúc đẩy CĐS toàn dân, toàn diện./.

QA