Ngành du lịch ứng dụng AI, dữ liệu góp phần phát triển kinh tế số

Kinh tế số - Ngày đăng : 07:33, 16/10/2024

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã bắt đầu tạo ra những biến chuyển mạnh mẽ trong ngành du lịch Việt Nam. Từ việc tối ưu hóa trải nghiệm du khách đến nâng cao hiệu quả quản lý, AI đang đóng vai trò là một công cụ quan trọng giúp ngành du lịch phát triển bền vững hơn.
Kinh tế số

Ngành du lịch ứng dụng AI, dữ liệu góp phần phát triển kinh tế số

P.V 16/10/2024 07:33

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã bắt đầu tạo ra những biến chuyển mạnh mẽ trong ngành du lịch Việt Nam. Từ việc tối ưu hóa trải nghiệm du khách đến nâng cao hiệu quả quản lý, AI đang đóng vai trò là một công cụ quan trọng giúp ngành du lịch phát triển bền vững hơn.

Xu thế phát triển

Được đo lường xuyên suốt 1 năm từ tháng 5/2023 - 4/2024, báo cáo "Xu hướng du lịch của người Việt năm 2024" của Kompa - một trong những công ty hàng đầu về Trí tuệ Doanh nghiệp dữ liệu (DATA intelligence) và Ứng dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (big Data & AI Applications) đúc kết các góc nhìn mới nhất về du lịch của người Việt từ hơn 1 triệu thảo luận của 82.391 người dùng mạng xã hội, khám phá những xu hướng nổi bật, vẽ ra chân dung đối tượng khách hàng tiềm năng mà các thương hiệu thuộc ngành du lịch lữ hành cần hướng đến.

Báo cáo đã xác định du lịch biển, khám phá thiên nhiên và du lịch tiết kiệm là những loại hình du lịch phổ biến nhất trong số du khách Việt Nam. Vũng Tàu, Đà Nẵng, Nha Trang là những điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất, nổi tiếng với những bãi biển đẹp và thắng cảnh thiên nhiên.

augmented-reality-using-for-in-tourism-4.0-1000x480.jpg
Du lịch 4.0 sẽ chuyển đổi dần các phần việc của du lịch truyền thống.

Theo báo cáo, đặt dịch vụ và tìm kiếm thông tin trên các ứng dụng du lịch với nhiều tính năng tiện ích, đã trở thành xu hướng chung khi du lịch của người Việt. Việc khách hàng càng ngày càng ưa chuộng sử dụng các ứng dụng du lịch hay nền tảng xã hội để tìm hiểu, thiết kế hành trình du lịch của mình như một động lực thúc đẩy các doanh nghiệp không ngừng đổi mới, cải thiện, mang đến cho người dùng nhiều chương trình ưu đãi, nhiều điểm đến lý tưởng, cũng như các trải nghiệm du lịch thuận tiện và liền mạch.

Ngành du lịch Việt Nam cũng đang hồi sinh mạnh mẽ trong năm 2024, một phần là nhờ chính sách thị thực thuận lợi hơn, thể hiện rõ rệt ở lượng khách quốc tế đến tăng đáng kể. Sự phục hồi ấn tượng này mang đến cơ hội tốt để Việt Nam củng cố vị thế là điểm đến du lịch hàng đầu ở Đông Nam Á và AI sẵn sàng đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực này.

Theo số liệu từ Tổng Cục thống kê, trong tháng 9/2024, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 1,3 triệu lượt người, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 9 tháng năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 12,7 triệu lượt người, tăng 43,0% so với cùng kỳ năm trước.

Tiềm năng đẩy mạnh sử dụng AI ở Việt Nam liên quan trực tiếp đến cơ sở hạ tầng số ngày càng hoàn thiện của đất nước, cũng như năng lực kỹ thuật số, tỉ lệ áp dụng công nghệ số ngày càng cao của người dân. Theo Chỉ số Phát triển du lịch và lữ hành do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố vào tháng 5/2024, Việt Nam xếp hạng 57 trong số 119 quốc gia về mức độ sẵn sàng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), bao hàm tỉ lệ được trang bị và tỷ lệ sử dụng cơ sở hạ tầng ICT cũng như các dịch vụ số.

Tại Việt Nam, nhiều công ty du lịch cũng đã bắt đầu tích hợp AI vào dịch vụ của mình. Một trong những ứng dụng đáng chú ý của AI trong ngành du lịch là trợ lý du lịch cá nhân. Các nền tảng này sử dụng dữ liệu lớn và học máy để gợi ý cho du khách các lựa chọn thân thiện với môi trường, từ việc chọn các phương tiện di chuyển ít phát thải carbon đến gợi ý về các điểm đến sinh thái. Nhiều công ty du lịch đã bắt đầu tích hợp AI vào dịch vụ của mình. Dự án Huuk Inc là một ví dụ nổi bật, nơi AI giúp người dùng lên kế hoạch du lịch thông qua việc phân tích các yếu tố môi trường và khuyến khích các lựa chọn bền vững.

AI không chỉ dừng lại ở việc gợi ý các hành trình du lịch mà còn giúp theo dõi, giảm thiểu tác động tiêu cực của du lịch đối với môi trường. Công nghệ này có thể phân tích dữ liệu về khí hậu, lưu lượng khách, các hoạt động tiêu thụ tài nguyên, từ đó đưa ra những giải pháp tối ưu hóa nhằm giảm thiểu lượng khí thải, sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn.

Những thách thức?

Mặc dù AI đang mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành du lịch Việt Nam, nhưng việc áp dụng công nghệ này vẫn phải đối mặt với không ít thách thức. Trước hết, hạ tầng công nghệ tại Việt Nam còn chưa phát triển đồng bộ, đặc biệt là ở các khu vực du lịch vùng sâu, vùng xa. Điều này làm hạn chế khả năng ứng dụng các giải pháp AI, từ đó làm giảm hiệu quả của việc cách mạng hóa ngành du lịch trên quy mô toàn quốc.

vinperl.jpg
Một thách thức khác là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực AI.

Một thách thức khác đến từ việc thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực AI, CNTT. Dù đã có nhiều nỗ lực trong việc đào tạo, phát triển nhân lực, số lượng chuyên gia AI tại Việt Nam vẫn còn hạn chế. Các DN du lịch nhỏ và vừa thường gặp khó khăn trong việc tìm kiếm, thu hút nhân tài để triển khai các dự án AI, dẫn đến việc chậm ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh.

Thêm vào đó, chi phí đầu tư ban đầu cho các giải pháp AI thường rất cao. Các DN du lịch, đặc biệt là những DN nhỏ và vừa, có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận công nghệ AI do hạn chế về ngân sách. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt các cơ chế hỗ trợ tài chính từ chính phủ, các tổ chức cũng khiến các DN e ngại trong việc đầu tư vào AI.

Cuối cùng, vấn đề bảo mật, quyền riêng tư cũng đặt ra một thách thức lớn. Khi AI thu thập, xử lý một lượng lớn dữ liệu khách hàng, rủi ro về việc bị tấn công mạng, rò rỉ thông tin cá nhân gia tăng. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách về việc xây dựng các hệ thống bảo mật vững chắc, nhằm bảo vệ dữ liệu của du khách, duy trì niềm tin vào công nghệ AI trong ngành du lịch

Xây dựng hệ thống dữ liệu ngành du lịch đáp ứng phát triển kinh tế số

Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2710/QĐ-BVHTTDL ngày 17/9/2024 về việc phê duyệt đề án “Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch”.

Theo đó, hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành du lịch được xây dựng, phát triển toàn diện thống nhất trên phạm vi toàn quốc, nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch, đồng thời góp phần quảng bá xúc tiến du lịch. Khai thác, kết nối, đồng bộ các CSDL gắn với cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản trị nhà nước dựa trên công nghệ hiện đại, xác định dữ liệu làm nền tảng phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2030, phát triển hệ thống CSDL có thể thu nhận, lưu trữ thêm các dữ liệu khác từ công nghệ vạn vật kết nối internet (IoT), áp dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big Data), AI là các công nghệ chính để xử lý, phân tích dữ liệu phục vụ phân tích, đánh giá, quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong ngành du lịch, các tổ chức, cá nhân liên quan; Tiếp tục duy trì, nâng cấp, hoàn thiện các CSDL trong lĩnh vực du lịch (DN lữ hành; cơ sở lưu trú du lịch; hướng dẫn viên du lịch; khu du lịch, điểm du lịch; thống kê du lịch).

Với các giải pháp đồng bộ, toàn diện như: thu nhận dữ liệu áp dụng công nghệ mới như AI, dữ liệu lớn; xây dựng các nền tảng dùng chung, đảm bảo phù hợp với từng đối tượng; tổng hợp, phân tích xử lý thông tin, dữ liệu phục vụ các yêu cầu nghiệp vụ; xây dựng, phát triển Hệ thống thông tin sử dụng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, vận hành... Đây được xem là định hướng quan trọng của ngành du lịch Việt Nam trong tương lai, xác định tầm quan trọng của dữ liệu lớn và AI vào quá trình xây dựng và vận hành CSDL/.

P.V