Truyền thông chính sách về đa văn hóa cần thực hiện chuyên nghiệp, hiệu quả

Truyền thông - Ngày đăng : 13:54, 16/10/2024

Để thúc đẩy truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa các dân tộc ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, cần xây dựng chiến lược tổng thể truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa các dân tộc một cách dài hạn, mang tầm cỡ quốc gia và triển khai thực hiện đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành.
Truyền thông

Truyền thông chính sách về đa văn hóa cần thực hiện chuyên nghiệp, hiệu quả

Trường Thanh 16/10/2024 13:54

Để thúc đẩy truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa các dân tộc ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, cần xây dựng chiến lược tổng thể truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa các dân tộc một cách dài hạn, mang tầm cỡ quốc gia và triển khai thực hiện đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành.

Truyền thông chính sách về đa văn hóa là một bộ phận của truyền thông chính sách, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, phong phú và đa dạng về đời sống tinh thần của nhân dân; qua đó giới thiệu đất nước, văn hóa con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, đóng góp vào sự thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của nền kinh tế quốc dân.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, bùng nổ thông tin hiện nay, công tác truyền thông chính sách về đa văn hóa càng trở nên quan trọng, cấp thiết, cần được chú trọng thực hiện một cách chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.

da-van-hoa.jpg
Ảnh: Internet

Truyền thông chính sách về đa văn hóa đóng vai trò vô cùng quan trọng

Tại Hội thảo khoa học quốc tế “Truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền (AJC), Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Nhà xuất bản (NXB) Chính trị quốc gia Sự thật và Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp tổ chức mới đây, PGS. TS. Nguyễn Tất Thắng, Học viện Chính trị khu vực II (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho biết: Đa văn hóa, chủ nghĩa đa văn hóa phản ánh tính đa dạng văn hóa của nhân loại, ủng hộ niềm tin và hành vi công nhận, tôn trọng sự hiện diện của tất cả các nhóm văn hóa khác nhau trong một xã hội, thừa nhận các giá trị khác biệt, khuyến khích và cho phép các cộng đồng văn hóa đóng góp vào xã hội theo chuẩn mực quốc tế và pháp luật của mỗi quốc gia.

Truyền thông chính sách về đa văn hóa là quá trình giao tiếp và truyền tải thông tin liên quan đến các chính sách và chiến lược nhằm bảo vệ, thúc đẩy và đại diện cho sự đa dạng văn hóa trong xã hội. Quá trình này bao gồm các hoạt động và phương tiện truyền thông được sử dụng để quảng bá các chính sách và giải pháp về đa văn hóa, cũng như phản ánh các quan điểm và nhu cầu của các nhóm văn hóa khác nhau.

Mục đích của truyền thông chính sách về đa văn hóa là thúc đẩy sự hiểu biết và tôn trọng, bảo đảm sự đại diện công bằng, bảo vệ quyền lợi văn hóa. Do đó, yêu cầu của truyền thông chính sách về đa văn hóa phải bảo đảm thông tin được truyền tải chính xác, khách quan và không thiên lệch.

Công tác truyền thông chính sách phải bám sát thực tế, tôn trọng thực tế, lấy thực tế làm thước đo, được thực hiện công khai, minh bạch, chủ động, kịp thời; Có nhiều cách làm sáng tạo, đột phá, hiệu quả cao, phù hợp với nội dung tuyên truyền, tình hình, điều kiện và bối cảnh của từng vùng miền, địa phương.

Hơn thế nữa, kênh truyền thông cần phải được xây dựng sao cho phù hợp với các giá trị và phong tục của các nhóm văn hóa khác nhau, bảo đảm rằng tất cả các nhóm văn hóa đều được đại diện một cách công bằng trong các nội dung truyền thông.

Đặc biệt, cần có cơ chế để tiếp nhận phản hồi từ các cộng đồng và điều chỉnh các chính sách phương pháp truyền thông nếu cần thiết.

“Trên thế giới cũng như ở Việt Nam từ lâu đã quan tâm đến vấn đề bảo vệ, phát huy sự đa dạng văn hóa và xem đây là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển, đồng thời là cơ sở để giao lưu, hội nhập, bảo đảm sự bình đẳng giữa các quốc gia trên thế giới. Việc truyền thông chính sách về đa văn hóa vì thế cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng, và cần thực hiện một cách chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả”, PGS.TS. Nguyễn Tất Thắng nhấn mạnh.

Truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa các dân tộc Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn

PGS. TS. Lê Thị Thục, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Nghiên cứu khoa học, NXB Chính trị quốc gia Sự thật nêu rõ: Việt Nam là đất nước có bề dày lịch sử và văn hóa truyền thống hàng nghìn năm. Văn hóa Việt Nam có sự thống nhất trong đa dạng, là sự hòa quyện, kết tinh giữa bản sắc văn hóa 54 dân tộc anh em.

pgs.ts-le-thi-thuc.png
PGS.TS. Lê Thị Thục: Công tác truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa các dân tộc Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. (Ảnh: AJC)

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định văn hóa nói chung, văn hóa các dân tộc thiểu số nói riêng là một bộ phận quan trọng, là động lực của sự phát triển, và việc bảo tồn, phát huy đa dạng văn hóa các dân tộc chính là một giá trị cốt lõi của bản sắc văn hóa Việt Nam.

Ngay từ Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943, Đảng ta đã khẳng định: “Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội”. Quan điểm đề cao vai trò của văn hóa và chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số (DTTS) đã được thể hiện xuyên suốt trong các văn kiện chính thức của Đảng, đặc biệt là trong một số nghị quyết chuyên đề về phát triển văn hóa.

Trên cơ sở những quan điểm, chủ trương của Đảng, trong thời gian qua, nhiều chính sách phát triển văn hóa nói chung, văn hóa các dân tộc nói riêng đã được ban hành và triển khai thực hiện, bao quát nhiều lĩnh vực, như: bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết của các DTTS; bảo tồn văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc; giáo dục và nâng cao nhận thức về văn hóa dân tộc; phát triển du lịch gắn với văn hóa dân tộc; phát triển cơ sở hạ tầng văn hóa nhằm lưu trữ các văn bản cổ, hỗ trợ sáng tạo phát triển hoạt động nghe nhìn, sáng tác văn học, nghệ thuật về chủ đề DTTS…

“Có thể thấy rằng, trong thời gian qua, công tác truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa các dân tộc Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn”, PGS.TS. Lê Thị Thục cho biết.

Thực hiện động bộ các giải pháp

Tuy nhiên, theo PGS. TS. Lê Thị Thục, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa các dân tộc ở Việt Nam trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế, bất cập. Vì vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa các dân tộc ở Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

PGS. TS. Lê Thị Thục cho rằng, để thúc đẩy truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa các dân tộc ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay cần: Xây dựng chiến lược tổng thể truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa các dân tộc một cách dài hạn, mang tầm cỡ quốc gia và triển khai thực hiện đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành.

Đồng thời, tăng cường truyền thông đồng đều đến tất cả các dân tộc, trong đó cần chú trọng đến các cộng đồng DTTS, đặc biệt là DTTS rất ít người và những nhóm chưa được quan tâm đúng mức trong từng nhóm dân tộc; Đẩy mạnh tích hợp yếu tố văn hóa, ngôn ngữ bản địa và tính hiện đại hóa về phương thức truyền thông; Tăng cường đầu tư hạ tầng truyền thông và công nghệ truyền thông hiện đại.

Cùng với đó, tiếp tục quan tâm đào tạo và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân sự thực hiện truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa các dân tộc; Tiếp tục đẩy mạnh việc huy động nguồn lực tài chính và hợp tác quốc tế trong thực hiện truyền thông chính sách đa văn hóa nói chung và truyền thông chính sách về đa dạng văn hóa các dân tộc Việt Nam nói riêng.

Đặc biệt, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp xử lý những định kiến trong nhận thức và hành động, ứng xử đối với văn hóa của các cộng đồng DTTS.

Theo PGS. TS. Đoàn Triệu Long, Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực III (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), trong một quốc gia đa dân tộc, đa văn hóa như Việt Nam, định hướng chính thống, xuyên suốt trong các chính sách văn hóa là: Sự bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển; Các chính sách phát triển văn hóa dân tộc là một bộ phận hữu cơ của chính sách phát triển bền vững đất nước; Người dân phải là chủ thể trong thực hiện chính sách văn hóa dân tộc và được phát huy tính chủ động, sáng tạo và nội lực của cộng đồng các dân tộc.

Cùng với đó, chính sách văn hóa dân tộc phải mang tính toàn diện, vừa phải phù hợp với đặc điểm tự nhiên, lịch sử, xã hội, văn hóa của từng vùng, từng dân tộc; Tiếp cận liên - đa ngành trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách.

Truyền thông chính sách đa văn hóa ở Việt Nam trong thế tiếp biến văn hóa hiện nay cần chú ý bồi đắp lòng tự hào văn hóa truyền thống dân tộc trong mỗi người Việt Nam, nhất là giới trẻ, nhằm khẳng định vị thế quốc gia - dân tộc, giá trị di sản văn hóa dân tộc, góp phần nâng cao vị thế quốc gia trong quá trình đối thoại văn hóa.

“Truyền thông chính sách đa văn hóa phải chủ động đánh giá, dự báo xu hướng biến đổi văn hóa ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập để kịp thời điều chỉnh chính sách văn hóa cho phù hợp. Xu hướng giữ gìn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc phù hợp với điều kiện phát triển mới vẫn là xu hướng chủ đạo, nhằm hiện thực hóa các chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc”, PGS. TS. Đoàn Triệu Long nhấn mạnh./.

Trường Thanh