Vĩnh Long: Chuyển đổi số là nền tảng phát triển kinh tế địa phương
Báo chí - Ngày đăng : 15:37, 30/08/2024
Vĩnh Long: Chuyển đổi số là nền tảng phát triển kinh tế địa phương
Tỉnh Vĩnh Long đã và đang tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đã bước đầu đã cơ bản hình thành một số nền tảng dữ liệu. Góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, mang đến nhiều kết quả thiết thực.
Chuyển đổi số để phát triển bền vững
Nhằm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị, khóa XI về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, tỉnh Vĩnh Long đã chủ động, tích cực, cụ thể hóa các văn bản của Trung ương và địa phương trong việc lãnh, chỉ đạo đơn vị mình thực hiện đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thay đổi cách thức làm việc phù hợp với tình hình thực tế.
Theo kế hoạch thực hiện chuyển đổi số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của UBND tỉnh Vĩnh Long đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%, trong đó ưu tiên các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến.
Hiện nay tỉnh có 100% sản phẩm OCOP được đưa trên các sàn thương mại điện tử nội địa, có ít nhất 10 sản phẩm, hàng hóa ứng dụng các công nghệ số truy xuất nguồn gốc, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế nhằm tăng năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng chủ lực của tỉnh.
Ước tính đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, tỷ trọng kinh tế số chiếm 15% GRDP của tỉnh, có ít nhất 30 sản phẩm, hàng hóa ứng dụng các công nghệ số truy xuất nguồn gốc, đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế nhằm tăng năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tiêu thụ các mặt hàng chủ lực của tỉnh.
Hiện nay tính đến nửa đầu năm 2024, tỉnh Vĩnh Long đã bước đầu đã cơ bản hình thành một số nền tảng dữ liệu dùng chung, các hệ thống dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành từng bước được kết nối và chia sẻ trong và ngoài tỉnh. Công tác chuyển đổi số đảm bảo an toàn thông tin được sự quan tâm, chỉ đạo, đôn đốc triển khai thực hiện. Trong đó các hoạt động thúc đẩy kinh tế số không ngừng được chú trọng, mang đến nhiều kết quả thiết thực. Trong đó 100% cơ quan xúc tiến thương mại được cấp tài khoản trên Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số. Tỉnh có 73 website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến
Việc hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong tỉnh tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử ngành Công thương Vĩnh Long. Trong đó có 372 cơ sở, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong tỉnh tham gia với 1.315 sản phẩm từ thủ công mỹ nghệ, nông thủy sản, thực phẩm chế biến, đồ uống, gia dụng. Tỷ lệ sản phẩm OCOP và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu tham gia sàn, đạt 75%. Tỉnh Vĩnh Long thường xuyên cung cấp thông tin, tuyên truyền, giới thiệu các chính sách của trung ương và địa phương, các hoạt động, chương trình về xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp thông qua phát hành Bản tin hàng tháng và trang thông tin điện tử của Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp https://ipbc.vinhlong.gov.vn. Có 35 sản phẩm hàng hóa đủ tiêu chuẩn đưa vào áp dụng trong hệ thống truy xuất nguồn gốc theo kế hoạch của dự án, các sản phẩm như: Bưởi, rau củ quả, cam sành, sầu riêng, thanh trà, bánh, cốm, thủy sản.
Chuyển đổi số để phát triển tích cực vào tăng trưởng
Đặc biệt việc ứng dụng chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến thực hiện các dịch vụ công tại các cơ quan hành chính như có 567 trường hợp người nộp thuế đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử với cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công.
Theo đó ứng dụng eTax Mobile cũng được triển khai với hệ thống các chức năng, dịch vụ, hỗ trợ dành cho người nộp thuế là cá nhân trên phạm vi toàn quốc; hóa đơn điện tử, văn bản điện tử (TaxOffice) cho công chức, người nộp thuế.
Theo bà Nguyễn Thị Đoàn - Giám đốc Mobifone tỉnh Vĩnh Long cho biết: Thời gian qua, MobiFone đã bám sát vào kế hoạch của UBND tỉnh, qua đó đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể các nội dung theo định hướng kế hoạch của UBND tỉnh. Đơn vị đã chủ động liên hệ với các cơ quan, đơn vị để cụ thể hóa các nội dung, công việc cần triển khai theo đúng thỏa thuận hợp tác đã được ký kết. Bên cạnh đó MobiFone Tỉnh Vĩnh Long còn chủ động kết nối, ký kết hợp tác toàn diện với nhiều cơ quan, doanh nghiệp (DN) để hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, giúp cho các đơn vị từng bước tiếp cận các nền tảng về chuyển đổi số, ứng dụng cụ thể các giải pháp vào quản lý, điều hành của từng DN, giúp DN tối ưu chi phí, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả, nhưng trong hoạt động kinh tế số vẫn còn một số hạn chế nhất định. Một số DN, HTX, cơ sở kinh doanh thật sự chưa quan tâm nhiều đến chuyển đổi số, ứng dụng thương mại điện tử nên công tác tuyên truyền, tập huấn chưa đạt hiệu quả cao. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong các đơn vị, DN, đặc biệt là ở các DN nhỏ, hộ kinh doanh còn nhiều hạn chế, mang tính tự phát, đơn lẻ, thiếu sự kết nối, tương tác cũng là nguyên nhân khiến các hoạt động chuyển đổi số trong kinh tế còn tương đối chậm.
Cũng theo thông tin bà Nguyễn Thị Đoàn cho biết: Hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin của nhiều cơ quan, DN, nhất là các DN có quy mô nhỏ chậm do một số yếu tố trở ngại. Thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách, kế hoạch triển khai cụ thể với từng cơ quan, DN, xúc tiến kết nối, ký kết hợp tác toàn diện để cùng nhau cụ thể hóa các nội dung hợp tác trên tinh thần chia sẽ lợi ích, hợp tác bền vững, tận dụng được lợi thế của nhau vì sự phát triển chung.
UBND Tỉnh đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 của UBND tỉnh, Vĩnh Long, sẽ tiếp tục triển khai phát triển kinh tế số, hỗ trợ DN nhỏ và vừa, hỗ trợ DN, hộ gia đình đưa sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Voso.vn và các sàn thương mại điện tử khác nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Đồng thời triển khai kế hoạch thực hiện đề án ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại năm 2024. Hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế, áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt.
Vĩnh Long cũng xác định phát triển kinh tế số nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế và năng suất lao động. Thúc đẩy hình thành các mô hình sản xuất, kinh doanh mới có hiệu quả kinh tế cao, góp phần tích cực vào tăng trưởng GRDP hàng năm.