Xây dựng hệ giá trị quốc gia trong bối cảnh chuyển đổi số và kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo

Diễn đàn - Ngày đăng : 09:57, 18/11/2024

Chuyển đổi số và AI: Được coi là động lực phát triển sản xuất, cải tiến mối quan hệ giữa người dân và công nghệ, giúp tăng cường hiệu quả kinh tế và xã hội.
Diễn đàn

Xây dựng hệ giá trị quốc gia trong bối cảnh chuyển đổi số và kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo

TS. Hồ Mạnh Tùng, Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam 18/11/2024 09:57

Chuyển đổi số và AI: Được coi là động lực phát triển sản xuất, cải tiến mối quan hệ giữa người dân và công nghệ, giúp tăng cường hiệu quả kinh tế và xã hội.

Tóm tắt:

Mục tiêu:Phân tích tác động của chuyển đổisố và trí tuệ nhân tạo (AI) đối với việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và con người Việt Nam.
- Các hệ giá trị: 9 giá trị quốc gia,4 giá trị văn hóa, 4 giá trị gia đình, và 8 giá trị cá nhân đã được xác định trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
- Chuyển đổi số và AI: Được coi là động lực phát triển sản xuất, cải tiến mối quan hệ giữa người dân và công nghệ, giúp tăng cường hiệu quả kinh tế và xã hội.
- Tiếp biến văn hóa số: Là quá trình các cá nhân và nhóm thích ứng với công nghệ số, bảo tồn giá trị văn hóa trong khi tiếp thu những tiến bộ kỹ thuật số.
- Thách thức: Giữ gìn bản sắc văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự trỗi dậy của AI, tránh sự đồng hóa văn hóa và nguy cơ xói mòn di sản.
- Đề xuất: Cần có chiến lược pháp lý hóa, cơ chế thưởng phạt và nghiên cứu liên ngành để phát triển hệ giá trị quốc gia trong kỷ nguyên số.

Trong bối cảnh việc chuyển đổi số và công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng chi phối tương tác giữa người và người, giữa con người và môi trường, giữa cá nhân và cơ quan, giữa khách hàng và người cung cấp dịch vụ, sản phẩm, giữa người dân và bên có thẩm quyền, v.v… việc lý giải, lường trước, và tìm cách tận dụng những cơ hội cũng như giảm thiểu rủi ro trong việc xây dựng hệ giá trị quốc gia là vô cùng cấp thiết. Tại Việt Nam, đã có nhiều bài báo khoa học, tham luận tại hội thảo phân tích thực trạng chuyển đổi số và ứng dụng AI ở nước ta với những cơ hội và thách thức mà hệ thống pháp lý, cơ chế quản lý đang gặp phải.

Tuy nhiên vẫn còn ít nghiên cứu đi sâu tìm hiểu ảnh hưởng của chuyển đổi số và kỷ nguyên AI đối với việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người.

ai-2.png

Hệ giá trị quốc gia Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số và sự trỗi dậy của trí tuệ nhân tạo

Về hệ giá trị quốc gia và mối quan hệ với hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nhấn mạnh nhiệm vụ: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kì mới”.[1] Trong điều kiện quá trình chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo đã trực tiếp ảnh hưởng tới công việc và đời sống của từng cá nhân, việc xây dựng, tôn tạo văn hóa ứng xử với máy móc thông minh và thế giới số là một vấn đề cấp thiết, một phạm trù không thể tách khỏi công cuộc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người nói chung.

Trong phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, 9 thành tố của hệ giá trị quốc gia đã được đưa ra: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. Về hệ giá trị văn hóa, 4 đặc trưng cơ bản đã được nêu ra: dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học. Về hệ giá trị gia đình Việt Nam, 4 nội dung đã được xác định là: ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Về chuẩn mực con người hay hệ giá trị cá nhân Việt Nam, 8 giá trị được xác định là: yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khái quát một cách súc tích, cô đọng tính gắn kết của bốn hệ giá trị: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo. Những giá trị ấy được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với những giá trị cốt lõi: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với hệ giá trị: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; trên nền tảng của hệ giá trị quốc gia và cũng là mục tiêu phấn đấu cao cả của dân tộc ta: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc”.[2]

Bàn về ý nghĩa lý luận và thực tiễn của 4 hệ giá trị trên, các chuyên gia đều khẳng định ba đặc điểm [2-5]. Thứ nhất, tính cốt lõi của các giá trị trên đến từ việc kết tinh, hun đúc từ lịch sử hào hùng, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự tồn vong của nước ta. Thứ hai, các giá trị đã phản ánh khát vọng, mong cầu, và mục tiêu chung của cả quốc gia. Thứ ba, các giá trị đã có cân bằng giữa sự kế thừa từ đặc trưng lịch sử, truyền thống của nước ta cũng như những giá trị phổ quát của văn minh toàn nhân loại.

Phân tích mối quan hệ của 4 hệ giá trị, theo GS.TS. Trần Văn Phòng, tự thân 4 hệ giá trị đã có mối liên kết chặt chẽ, trong đó, ở vai trò trung tâm là nhân dân, hay hệ giá trị con người; ở vị trí cơ sở, nền tảng là hệ giá trị văn hóa, và bệ đỡ là hệ giá trị gia đình. GS.TS. Trần Văn Phòng lập luận sở dĩ hệ giá trị con người hay chuẩn mực con người là trung tâm bởi vì nhân dân, hay con người trong xã hội chủ nghĩa, là chủ thể sáng tạo văn hóa cũng là chủ thể sáng tạo hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình. Hơn nữa, ông nhấn mạnh, nhân dân cũng đồng thời là chủ thể được hưởng thụ thành quả của sự xây dựng, bồi đắp hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia và hệ giá trị gia đình [5].

GS.TS. Hồ Sĩ Quý nhấn mạnh: “Hệ giá trị quốc gia không chỉ là những giá trị được đúc rút từ trong quá khứ dựng xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, mà còn đang được xây dựng trở thành hệ giá trị lý tưởng, phản ánh ý chí, niềm tin vào tương lai của cộng đồng các dân tộc Việt Nam”. Xây dựng hệ giá trị quốc gia vững mạnh là tiền đề cho việc tiếp tục củng cố sức mạnh đoàn kết đại dân tộc, nâng cao sự đồng thuận xã hội, và góp phần tạo nên sức mạnh tổng lực của quốc gia [6]. GS.TS. Trần Văn Phòng cho rằng cần phải khẳng định chức năng xã hội của hệ giá trị quốc gia là: nhận thức, định hướng và điều chỉnh. Đó là bởi vì trên cơ sở nhận thức đúng đắn về các giá trị, những định hướng đúng đắn cho đường lối phát triển mới có thể được đưa ra. Hơn nữa, trên cở sở có nhận thức và định hướng đúng đắn, những điều chỉnh kịp thời cho mỗi cá nhân, cộng đồng, và cả quốc gia mới thành được hiện thực.

Bàn rộng hơn, GS. TS. Trần Văn Phòng cho rằng việc xây dựng và tôn tạo hệ giá trị quốc gia thành công, sẽ trở thành động lực tinh thần có ý nghĩa, để cộng đồng các dân tộc Việt Nam, Chính phủ và các chủ thể quản lý xã hội, các tầng lớp cư dân... giải phóng tối đa nội lực và tiềm năng, thu hút các nguồn lực thời đại hợp lý từ cộng đồng quốc tế, thực hiện những mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra với các mốc cụ thể trong tương lai[4].

Bối cảnh chuyển đổi số và sự gia tăng ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở nước ta

Trong phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhân dịp kỉ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2024), chuyển đổi số và các công nghệ đang phát triển mạnh mẽ trong xu hướng chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, kết nối vạn vật, robot, v.v... đã được xác định là một động lực quan trọng trong phát triển lực lượng sản xuất, giúp hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.[7]

Việc nghiên cứu về ảnh hưởng của chuyển đổi số và kỷ nguyên AI tới 4 hệ giá trị của chúng ta là một nhiệm vụ cấp bách.[8]

Chuyển đổi số

Công ty tư vấn McKinsey ước tính những lợi ích của chuyển đổi là có thể gia tăng lợi nhuận kinh tế từ 20% đến 50% và mức độ hài lòng của khách hàng tăng 20% đến 30%. Trên thực tế, thị trường chuyển đổi số đang chuyển mình nhanh chóng, dự kiến sẽ đạt 3,3 tỷ USD vào năm 2025, theo một báo cáo của Research and Markets.[9]

Rõ ràng, việc tận dụng kinh tế số và sự gia tăng mạnh mẽ của công nghệ trí tuệ nhân tạo là điều kiện cần để Việt Nam có thể vươn mình mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu của thời đại về đổi mới quan hệ sản xuất, hòa nhập với thế giới. Đây là ý kiến chung của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước.[10]

Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số và gia tăng khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam, Đảng và Chính phủ đã có những quyết sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong công nghệ. Theo số liệu gần đây, lực lượng lao động nước ta ước tính sẽ chạm 53,2 triệu người vào năm 2025, trong đó 70% sẽ là lao động qua đào tạo, và tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm mạnh chỉ còn 25,8%. Trong đó, đã có nhiều lao động đảm bảo kĩ năng và tri thức có thể đáp ứng yêu cầu của kinh tế số.[7]

Ví dụ, năm 2022, để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các địa phương triển khai Chương trình SMEdx 2022, thành lập mạng lưới tư vấn và tổ công nghệ số cộng đồng. Điểm mới của chương trình là Bộ công cụ đánh giá mức độ chuyển đổi số của doanh nghiệp (DBI), áp dụng cho 3 nhóm doanh nghiệp: nhỏ và vừa, lớn và tập đoàn. SMEdx 2022 đã công bố 23 nền tảng số "Make in Viet Nam" trên trang web Smedx. vn. Những dịch vụ sản phẩm số đang được sử dụng nhiều nhất rơi vào lĩnh vực tài chính với nền tảng kế toán dịch vụ số MISA ASP với 4.965 doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ triển khai. Trong năm 2021, gần 400.000 doanh nghiệp đã được tiếp cận các tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số, hơn 600 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 doanh nghiệp được tư vấn hỗ trợ chuyên sâu về chuyển đổi số.[11]

Theo kết quả khảo sát trên 400 doanh nghiệp của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vào năm 2020 về chuyển đổi số trong doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu nhận thức và ứng dụng các công nghệ số vào các khâu, như quản trị nội bộ, mua hàng, logistics, sản xuất, marketing, bán hàng và thanh toán [10].

Trong lĩnh vực quản trị nội bộ, điện toán đám mây là công cụ kỹ thuật được nhiều doanh nghiệp Việt Nam sử dụng nhất, với 60,6%, tăng 19,5% so với thời điểm trước đại dịch COVID-19. Khảo sát trên cho thấy kỳ vọng lớn đối với quá trình chuyển đổi số, có tới 98% số doanh nghiệp kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khi thực hiện chuyển đổi số, trong đó lớn nhất là khả năng giúp giảm chi phí (chiếm tỷ lệ hơn 71%), giúp doanh nghiệp hạn chế giấy tờ (61,4%) đưa thêm giá trị gia tăng vào trong sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ (45,3%).[10]

Trí tuệ nhân tạo

Trong thời gian gần đây, để bắt nhịp cùng chuyển động mạnh mẽ của thế giới trong làn sóng công nghệ AI, tại Việt Nam, nhiều dự án phát triển, thử nghiệm các tiện ích AI đang được thực hiện với nỗ lực đưa Việt Nam trở thành top 4 trong phát triển AI khu vực ASEAN. Đây cũng là một mục tiêu cụ thể được đưa ra trong “Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030” được ban hành năm 2021. Hiện tại, theo chỉ số sẵn sàng AI toàn cầu (AI readiness index), Việt Nam hiện đứng thứ 59/193 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Nhiều nền tảng ứng dụng AI tạo sinh tại Việt Nam đã được giới thiệu và thử nghiệm: hệ thống GenAI của Tập đoàn FPT; ViGPT, VinBase 2.0 của Công ty Cổ phần VinBigData (Vingoup); “PhởGPT” của Công ty VinAI.[12]

phogpt-2.png

Rõ ràng, công nghệ AI đã và đang trở thành một phần tất yếu của cuộc sống thường nhật. Xu hướng dữ liệu hóa, thuật toán hóa, và nền tảng hóa để phục vụ các hoạt động hàng ngày (giải trí, theo dõi tin tức, mua bán, tuyển dụng, v.v...) là tất yếu. Theo đánh giá trên Báo điện tử Đảng Cộng sản (2024), công nghệ AI tạo sinh có tiềm năng thay đổi cán cân quyền lực, thậm chí thay đổi cấu trúc nền tảng của trật tự toàn cầu; làm gia tăng cạnh tranh giữa các nước lớn; v.v... Do đó, đầutưvàoAItạosinhlàcơhộiđểtạoranhững bước đột phá trong công nghệ quân sự, gia tăng vị thế quốc gia, nhưng cũng đặt ra các thử thách lớn về quản lý, phát triển, và ứng dụng.

Có thể thấy đa phần các nghiên cứu tập trung phân tích những lợi ích về kinh tế và quản lý (ví dụ như tăng hài lòng của khách hàng, việc giảm chi phí, tăng tính tối ưu trong quản lí, nhận diện rủi ro nhanh hơn, v.v...) của chuyển đổi số và AI đối với điều kiện ở nước ta. Mảng nghiên cứu về các rủi ro, bất cập đối với hệ giá trị vẫn còn tương đối ít. Phần tiếp theo tổng kết một vài kết quả nổi bật trong ngành nghiên cứu về tiếp biến văn hóa trên không gian số (digital acculturation) để đưa ra những nhận định rõ hơn về ảnh hưởng của chuyển đổi số và tương tác với AI đối với hệ giá trị ở nước ta.

Quá trình tiếp biến văn hóa trên không gian số

Nghiên cứu về quá trình tiếp biến văn hóa trên không gian số (digital acculturation) là mảng nghiên cứu quan trọng, mới nổi lên, thu hút được nhiều quan tâm của giới nghiên cứu cũng như chính sách trong thời gian gần đây. Đặc biệt với sự gia tăng của việc con người tương tác với số và máy móc thông minh, tiếp biến văn hóa số trong kỷ nguyên AI ngày càng trở nên là một chủ đề hấp dẫn.

Một cách khái quát, quá trình tiếp biến văn hóa số là quá trình mà các cá nhân và nhóm thích nghi với môi trường và công nghệ số, kết hợp chúng vào các hoạt động và bản sắc văn hóa của họ.[13-15] Ở một bên, quá trình này bao gồm việc áp dụng các công cụ số, tiếp thu các kỹ năng số và điều chỉnh các chuẩn mực văn hóa vào lĩnh vực số.[16, 17]

Nghiên cứu của một nhóm học giả tại Mỹ cho thấy yếu tố văn hóa có hiệu ứng điều tiết mức độ thụ hưởng lợi ích của việc nhận được sự hỗ trợ từ không gian mạng.[18] Hay đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng sự sáng tạo của cá nhân cũng góp phần giảm thiểu sự xung đột trong quá trình điều chỉnh, thích nghi với các giá trị mới của môi trường số.[8, 19, 20] Nghiên cứu gần đây đối với tính xã hội của máy móc cũng chỉ ra tầm quan trọng của việc hiểu rõ tương tác giữa các giá trị (ngầm định hoặc kỳ vọng) của con người, nhóm, hay xã hội với những giá trị ngầm định trong các thuật toán hay máy móc thông minh.

Ở một góc khác, quá trình tiếp biến văn hóa số còn bao gồm việc thiết kế, điều chỉnh tương tác với môi trường số và công cụ số sao cho phù hợp với các giá trị, và chuẩn mực văn hóa.[21-23] Ví dụ, nghiên cứu của nhóm học giả Hàn Quốc chỉ ra rằng đa phần người dùng có ý thức sử dụng mạng xã hội Facebook một cách phù hợp với bối cảnh văn hóa của chính họ.[24]

Ngoài ra, nghiên cứu tiếp biến văn hóa số còn chỉ ra các hậu quả của thất bại trong thích nghi đối với môi trường số: rủi ro với sức khỏe tinh thần như gia tăng căng thẳng và lo lắng, giảm tự tin vào bản thân, bất đồng - bất tương thích giữa không gian số và không gian xã hội thực, v.v... [16, 21]

Ví dụ, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này cũng chỉ ra rằng môi trường số cho phép con người kết nối với nhiều người, nhưng những kết nối xã hội mới này có rủi ro là làm quá tải khả năng xử lí thông tin và tiêu hao tài nguyên tư duy của những việc khác.[25]

Việc nghiên cứu tiếp biến văn hóa số, đặc biệt là yếu tố ảnh hưởng lên căng thẳng trong quá trình tiếp biến văn hóa, không chỉ giới hạn ở vấn đề về xung đột giá trị, mà còn liên quan tới thay đổi trong hành vi khi thường xuyên tham gia vào môi trường số (ví dụ như việc ngủ nghỉ, check-in, tranh luận trên mạng, hành vi liên quan tới thông tin riêng tư, v.v...). Tất cả những hành vi này đều có thể ảnh hưởng tới kết quả của quá trình tiếp biến văn hóa. [14, 26]

Theo một bài tổng quan tình hình nghiên cứu trên tạp chí uy tín, kết quả nghiên cứu trong ngành này cho thấy những người thích nghi tốt nhất có một vài đặc điểm sau đây: 1) có chiến lược tương đối rõ ràng trong việc tiếp biến văn hóa (thường bao gồm bốn chiến lược chính như: chia nhỏ, tách biệt, đồng hóa và tích hợp); 2) tiếp tục duy trì mối kết nối với những di sản, bản sắc và các giá trị cốt lõi của mình; 3) có kết nối và chuyển biến cụ thể về giá trị khi tương tác với chuẩn mực mới trong điều kiện số.[16, 27]

Hệ giá trị quốc gia Việt Nam và quá trình tiếp biến văn hóa số trong thời đại AI

Bảng 1 đã tổng hợp những khía cạnh nghiên cứu trong lĩnh vực tiếp biến văn hóa số, đồng thời lý giải các nội dung nghiên cứu trong từng khía cạnh và đưa ra một vài gợi ý cho việc xây dựng hệ giá trị quốc gia Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số và kỷ nguyên AI.

bang-1_mot-vai-goi-y.png
Bảng 1: Một vài gợi ý đối với xây dựng hệ giá trị quốc gia theo các khía cạnh nghiên cứu về tiếp biến văn hóa số

1. Thích ứng với văn hóa của môi trường số

Trong bối cảnh hiện nay, không gian số và các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) đang trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của con người. Tuy nhiên, những không gian này thường được xây dựng dựa trên các chuẩn mực, quy tắc và thông lệ riêng biệt, phản ánh các giá trị văn hóa và xã hội của từng quốc gia. Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, các chuẩn mực này có thể thay đổi nhanh chóng, thậm chí có thể trở nên lỗi thời hoặc không còn phù hợp với thực tiễn. Điều này đặt ra một thách thức lớn trong việc đảm bảo rằng các giá trị cốt lõi của quốc gia như hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và hạnh phúc vẫn được bảo vệ và phát huy trong môi trường số.

Chẳng hạn, một nền tảng công nghệ hay hệ thống chatbot được phát triển tại một quốc gia khác có thể áp dụng những chuẩn mực về tương tác dân chủ và văn minh mà không nhất thiết phù hợp với bối cảnh văn hóa và xã hội tại Việt Nam. Những quy tắc này có thể không phản ánh đúng cách mà người Việt Nam hiểu và thực hành các giá trị văn hóa của mình, dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong giao tiếp và tương tác. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dùng mà còn có thể tạo ra những hiểu lầm và xung đột văn hóa.

Khi công nghệ số và AI ngày càng phát triển và xâm nhập vào mọi lĩnh vực đời sống, việc thích ứng không chỉ giúp cá nhân và tổ chức duy trì sự độc lập trong việc quản lý và sử dụng công nghệ, mà còn góp phần vào việc xây dựng một xã hội văn minh và dân chủ. Sự thích ứng này bao gồm việc chấp nhận và sử dụng các công nghệ mới một cách hiệu quả, đồng thời duy trì các giá trị truyền thống và chuẩn mực đạo đức, những trách nhiệm đối với xã hội. Điều này là để đảm bảo rằng trong môi trường số, các giá trị như hòa bình, công bằng, v.v... vẫn được bảo vệ. Ta cần tránh trường hợp các nhóm yếu thế trong xã hội cảm thấy thiếu sự dân chủ, công bằng khi hình ảnh, văn hóa của họ không được truyền tải đúng đắn trên không gian số. Hoặc việc dùng AI tạo sinh để tạo nội dung liên quan tới văn hóa có thể mang đến các nội dung lệch chuẩn, gây cảm giác bất công đối với những nhóm trong xã hội cụ thể.

Khi các cá nhân và tổ chức biết cách điều chỉnh hành vi và thói quen của mình để phù hợp với văn hóa số, họ góp phần vào việc tạo ra một môi trường số ổn định, hỗ trợ sự phát triển của một xã hội độc lập, dân giàu, nước mạnh, và hạnh phúc. Hơn nữa, việc thích ứng với văn hóa trong môi trường số đòi hỏi một sự nhạy bén và linh hoạt từ cả người dùng lẫn các nhà phát triển công nghệ. Cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các chuyên gia văn hóa, công nghệ và chính phủ để xây dựng những nền tảng số phù hợp, có khả năng phản ánh và tôn trọng các giá trị văn hóa đặc trưng của Việt Nam. Chỉ khi đó, không gian số mới thực sự trở thành một môi trường hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của xã hội, đồng thời bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên số.

2. Việc tiếp thu các kỹ năng kỹ thuật số

Việc tiếp thu các kỹ năng kỹ thuật số đóng vai trò thiết yếu trong việc xây dựng một xã hội công bằng và dân chủ, nơi mà mọi người đều có cơ hội tiếp cận và sử dụng công nghệ để nâng cao cuộc sống. Kỹ năng kỹ thuật số không chỉ giúp các cá nhân nâng cao năng lực cá nhân mà còn hỗ trợ việc phát triển một nền kinh tế mạnh mẽ và bền vững. Khi mọi người trang bị cho mình các kỹ năng này, họ có khả năng tham gia vào các hoạt động trực tuyến, góp phần vào sự phát triển của một xã hội văn minh và công bằng.

Điều này cũng giúp xây dựng một môi trường dân chủ, nơi thông tin và quyền lực được phân phối công bằng, từ đó tạo ra điều kiện cho sự phát triển của một quốc gia mạnh mẽ và hạnh phúc. Hơn nữa, việc tiếp thu kỹ năng kỹ thuật số cũng là một yếu tố quan trọng trong việc duy trì sự độc lập của quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh quốc tế.

ai.png

3. Giữ gìn bản sắc văn hóa

Giữ gìn bản sắc văn hóa trong điều kiện tiếp biến văn hóa số là một nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, cần có một chương trình nghiên cứu liên ngành nhằm phân tích và làm rõ những rủi ro mà quá trình tiếp biến văn hóa số mang lại, đồng thời nhận thức rõ sự khác biệt trong quan niệm và hiểu biết của người Việt Nam về các giá trị văn hóa cốt lõi.

Cần thiết lập một chương trình nghiên cứu liên ngành bao gồm các lĩnh vực như xã hội học, nhân học, văn hóa học và công nghệ thông tin để phân tích các rủi ro này. Một số rủi ro chính bao gồm:

Sự xói mòn bản sắc văn hóa: Sự tiếp cận dễ dàng với các nền văn hóa khác qua Internet có thể dẫn đến việc người dân, đặc biệt là giới trẻ, dễ dàng tiếp thu và chấp nhận các giá trị văn hóa ngoại lai mà không nhận thức được giá trị của văn hóa truyền thống. Điều này có thể dẫn tới sự hiểu biết lệch lạc về các giá trị trong hệ giá trị quốc gia.

Nguy cơ đồng hóa văn hóa: Các giá trị văn hóa phương Tây có thể chiếm ưu thế, dẫn đến tình trạng đồng hóa văn hóa, làm mất đi sự đa dạng văn hóa và bản sắc dân tộc. Ví dụ cụ thể là tình trạng cá nhân hóa trên môi trường số có thể gây hại tới giá trị thống nhất, hòa bình,v.v...

Mất mát di sản văn hóa: Sự số hóa có thể dẫn đến việc các di sản văn hóa không được bảo tồn đúng cách, hoặc bị biến tướng trong quá trình truyền tải qua các nền tảng số. Ví dụ như hình ảnh trang phục của các dân tộc thiểu sổ có thể bị truyền tải sai lệch trên mạng xã hội.

Hơn nữa, cần xác định rõ những chiến lược cụ thể cho việc tiếp biến văn hóa số: điều kiện nào và khi nào thì nên đẩy mạnh sự tích hợp số, khi nào cần giảm thiểu tương tác với môi trường số, và khi nào cần hoàn toàn tách biệt khỏi môi trường số. Việc này phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển và điều kiện cụ thể của xã hội.

Một điểm quan trọng nữa trong chiến lược tiếp biến văn hóa số là việc có một tiến trình pháp lý hóa các cơ chế để thưởng phạt phân minh cho những hành động đã góp phần tôn tạo hệ giá trị quốc gia cũng như là các hành động gây tổn hại lên hệ giá trị quốc gia.

4) Xây dựng cầu nối kết nối trực tuyến và trực tiếp, giữa không gian số và không gian thực.

Xây dựng cầu nối giữa không gian số và không gian thực là một chiến lược quan trọng trong việc kết hợp và bảo vệ các giá trị văn hóa và xã hội. Việc này đảm bảo rằng các hoạt động và tương tác trực tuyến không chỉ hỗ trợ mà còn bổ sung cho các hoạt động trong thế giới thực, từ đó củng cố sự thống nhất và hòa bình trong xã hội. Các cầu nối này giúp tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa thế giới kỹ thuật số và thực tế, đảm bảo rằng các giá trị như độc lập, công bằng, và dân chủ được duy trì và phát huy trong cả hai không gian. Đồng thời, việc xây dựng cầu nối này cũng hỗ trợ việc phát triển một nền văn minh số và xã hội hạnh phúc, nơi mà công nghệ và các hoạt động truyền thống có thể phối hợp hài hòa để phục vụ cho mục tiêu chung. Điều này giúp tạo ra một môi trường phát triển bền vững, góp phần vào sự phát triển của một quốc gia mạnh mẽ và thịnh vượng.

Kết luận

Bảo tồn và phát huy những giá trị thuộc hệ giá trị quốc gia là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết trong thời đại hiện nay. Những giá trị này không chỉ giúp giữ vững bản sắc dân tộc mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, đối phó với những thách thức của thời đại, xây dựng xã hội nhân văn, đoàn kết và quảng bá hình ảnh đất nước. Người Việt Nam cần nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, hạnh phúc và văn minh.

Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc
lần thứ XIII. . Vol. Tập I. 2021: NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật.
2. Nguyễn Phú Trọng. “Văn hóa là hồn cốt dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn”. Toàn văn phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 [cited 2024/09/03; Available from: https://laodong.vn/thoi-su/van-hoa-la-hon-cot-dan-toc-van-hoa-con-thi-dan-toc-con-977389.ldo.
3. Hồ Sĩ Quý. Về xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa,
hệ giá trị gia đình và hệ giá trị con người Việt Nam trong thực
hiện hai nhiệm vụ chiến lược từ 1975 đến nay. Báo Điện Tử
Đảng Cộng Sản Việt Nam 2023 [cited 2024/09/04; Available
from: https://dangcongsan.org.vn/hoidonglyluan/lists/
xaydungdang/view_detail.aspx?itemid=153.
4. Hồ Sĩ Quý. Về hệ giá trị quốc gia. Trang Thông tin Điện tử Hội
đồng Lý luận Trung ương 2023 [cited 2024/09/03; 10/02/2023].
Available from: https://hdll.vn/vi/nghien-cuu---trao-doi/ve-he-
gia-tri-quoc-gia.html.
5. Trần Văn Phòng. Một số vấn đề về xây dựng hệ giá trị quốc gia.
Báo Nhân Dân, 2023 [cited 2024/09/03; Available from: https://
nhandan.vn/mot-so-van-de-ve-xay-dung-he-gia-tri-quoc-gia-
post738670.html.
6. Nhóm Phóng viên Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam. Xây
dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa trong thời kỳ mới.
2022 [cited 2024/09/04; Available from: https://dangcongsan.
vn/thoi-su/xay-dung-he-gia-tri-quoc-gia-he-gia-tri-van-hoa-
trong-thoi-ky-moi-625983.html.
7. Tô Lâm. “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực
lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước
vào kỷ nguyên mới”.Cần Thơ Online 2024 [cited2024/09/05;
Available from: https://baocantho.com.vn/chuyen-doi-so-
dong-luc-quan-trong-phat-trien-luc-luong-san-xuat-hoan-
thien-quan-he-san-xuat-dua-d-a177901.html.
8. Ho, M.-T. and Q.-H. Vuong, Five premises to understand
human–computer interactions as AI is changing the world. AI &
SOCIETY, 2024.
9. Khánh Nguyễn. Xây dựng chiến lược chuyển đổi số, một số nội dung cơ bản. Trang điện tử Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, 2023 [cited 2024/09/05; Available from: https://vass.gov.vn/tin-hoat-dong-chuyen-doi-so/Xay-dung-chien-luoc-chuyen-doi-so-mot-so-noi-dung-co-ban-12.

10. Nguyễn Đình Quyết. Chuyển đổi số trong doanh nghiệp ở
Việt Nam hiện nay: Những khó khăn cần tháo gỡ. Tạp chí Cộng
Sản 2023 [cited 2024/09/05; Available from: https://www.
tapchicongsan.org.vn/web/guest/gop-y-du-thao-cac-van-kien-
trinh-dai-hoi-xiii-cua-dang/-/2018/824511/view_content.
11. Vũ Văn Phúc and H.K. Hương., Chuyển đổi số trong các doanh
nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam Tạp Chí Cộng Sản, 2024: p. 10-3-
2024.
12. BĐTĐCS. AI tạo sinh: Bài toán phát triển và quản lý? 2024
[cited 2024 March 25]; Available from: https://dangcongsan.vn/
ban-doc/y-kien-ban-doc/ai-tao-sinh-bai-toan-phat-trien-va-
quan-ly-660083.html.
13. Berry, J.W. and F. Hou, Immigrant acculturation and wellbeing
in Canada. Canadian Psychology / Psychologie canadienne,
2016. 57(4): p. 254-264.
14. Mantello, P., et al., Machines that feel: behavioral
determinants of attitude towards affect recognition
technology—upgrading technology acceptance theory with
the mindsponge model. Humanities and Social Sciences
Communications, 2023. 10(1): p. 430.
15. Ho, M.-T., et al., Rethinking technological acceptance in the
age of emotional AI: Surveying Gen Z (Zoomer) attitudes
toward non-conscious data collection. Technology in Society,
2022. 70: p. 102011.
16. Durampart, M., P. Bonfils, and M. Romero, Digital
Acculturation in the Era of Artificial Intelligence, in Creative
Applications of Artificial Intelligence in Education. 2024,
Springer Nature Switzerland Cham. p. 45-56.
17. Guan, S.-S.A., Digital Acculturation or Displacement?:
Examining the Link Between Social Media and Well-Being.
Frontiers in Human Dynamics, 2021. 3.
18. Guan, S.-S.A., et al., Culture moderates the effect of social
support across communication contexts in young adult women
in the United States. Computers in Human Behavior, 2017. 75:
p. 775-784.
19. Ho, M.-T., P. Mantello, and Q.-H. Vuong, Emotional AI in
education and toys: Investigating moral risk awareness in the
acceptance of AI technologies from a cross-sectional survey of
the Japanese population. Heliyon, 2024. 10(16).
20. Ho, M.-T., P. Mantello, and M.-T. Ho, An analytical framework
for studying attitude towards emotional AI: The three-pronged
approach. Methods X, 2023. 10.
21. Vuong, Q.H., Mindsponge theory. 2022: Walter de Gruyter
GmbH.
22. Vuong, Q.H., The semiconducting principle of monetary and
environmental values exchange. Economics and Business
Letters, 2021. 10(3): p. 284-290.
23. Vuong, Q.H. and M.T. Ho, Escape climate apathy by harnessing
the power of generative AI. AI & SOCIETY, 2024.
24. Hong, S. and J. Na, How Facebook Is Perceived and Used by
People Across Cultures: The Implications of Cultural Differences
in the Use of Facebook. Social Psychological and Personality
Science, 2017. 9(4): p. 435-443.
25. Chan, M., Multimodal Connectedness and Quality of Life:
Examining the Influences of Technology Adoption and
Interpersonal Communication on Well-Being Across the Life
Span. Journal of Computer-Mediated Communication, 2015.
20(1): p. 3-18.
26. Bondanini, G., et al., Technostress Dark Side of Technology in
the Workplace: A Scientometric Analysis. International journal
of environmental research and public health, 2020. 17(21): p.
8013.
27. Vuong, Q.H. and N.K. Napier, Acculturation and global
mindsponge: an emerging market perspective. International
Journal of Intercultural Relations, 2015. 49: p. 354-367.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 tháng 10/2024)

TS. Hồ Mạnh Tùng, Viện Triết học, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam