Đổi mới công tác thông tin đối ngoại đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới

Truyền thông - Ngày đăng : 14:00, 28/12/2024

Công tác thông tin đối ngoại là một bộ phận quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng, công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân; là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh rèn luyện và trực tiếp triển khai phục vụ sự nghiệp đấu tranh Cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Truyền thông

Đổi mới công tác thông tin đối ngoại đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới

ThS. Đinh Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Bộ Thông tin và Truyền thông 28/12/2024 14:00

Công tác thông tin đối ngoại là một bộ phận quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng, công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân; là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh rèn luyện và trực tiếp triển khai phục vụ sự nghiệp đấu tranh Cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tóm tắt:
- Nhiệm vụ chính trị của công tác TTĐN: Là trách nhiệm của lãnh đạo các Bộ, ngành và địa phương; Cần phân vai và phân nhiệm rõ ràng, đảm bảo sự phối hợp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương.
- Đối tượng của TTĐN
+ Ở nước ngoài: Các tổ chức quốc tế, chính giới, học giả, báo chí, nhà kinh doanh và cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
+ Ở trong nước: Người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, và cộng đồng người dân Việt Nam.
- Nội dung TTĐN: Cần được phân tích, phân loại và phân hóa để phù hợp với từng đối tượng mục tiêu; cần đổi mới phương thức tuyên truyền, tập trung vào việc truyền thông về quyền con người và hình ảnh địa phương theo cách tiếp cận toàn diện và hiệu quả.
- Tham gia của xã hội trong TTĐN
+ TTĐN không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn cần sự tham gia của mọi tầng lớp trong xã hội.
+ Khuyến khích và ghi nhận những nỗ lực của cá nhân, tổ chức trong việc đóng góp cho công tác TTĐN, nhất là từ các KOL và KOC trên nền tảng truyền thông xã hội.
- Về cơ chế, chính sách
+ Các Bộ, ngành, địa phương cần chú trọng triển khai Chương trình hành động của Chính phủ theo Kết luận 57-KL/TW, với sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.
+ Sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2015: Cần có văn bản pháp luật phù hợp với sự phát triển của công nghệ số và mạng xã hội (MXH), bao gồm các cá nhân tham gia hoạt động TTĐN.
+ Chuyển đổi số (CĐS) trong TTĐN: Xây dựng chính sách hỗ trợ CĐS, cung cấp cẩm nang và các hội thảo để nâng cao nhận thức về TTĐN.
- Về phương thức thực hiện: Đổi mới hình thức TTĐN; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ; Tăng cường hợp tác quốc tế.

Trong suốt tiến trình lịch sử Cách mạng Việt Nam, TTĐN đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào trong nước, tạo dựng và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân toàn thế giới, góp phần vào những thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước cũng như kiến thiết quốc gia.

Một số điểm mới cần thống nhất nhận thức trong công tác thông tin đối ngoại

Sau 10 năm thực hiện Kết luận số 16-KL/TW ngày 14/02/2012 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển TTĐN giai đoạn 2011-2020, công tác TTĐN đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nội dung và phương thức thực hiện công tác TTĐN ngày càng được đổi mới, đa dạng. Trên cơ sở đánh giá kết quả, hạn chế trong triển khai thực hiện Kết luận số 16-KL/TW, ngày 15/6/2023 Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 57-KL/TW về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TTĐN trong tình hình mới, với mục tiêu: đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về đất nước Việt Nam hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và Đảng Cộng sản Việt Nam trên trường quốc tế; khơi gợi tinh thần yêu nước, củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, tạo thuận lợi cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2045.

ttdn-1.png

Kết hợp lý luận và thực tiễn công tác TTĐN Việt Nam hiện nay, có thể rút ra một số điểm mới cần thống nhất nhận thức:

Coi việc triển khai thực hiện công tác TTĐN là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm của người đứng đầu của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan.

Xác định rõ vai trò chủ trì trong công tác TTĐN, chú ý phân vai, phân nhiệm rõ, tránh chồng chéo, phát huy vai trò chủ trì để dẫn dắt, điều phối và đánh giá hiệu quả TTĐN. Đồng bộ, nhất quán từ Trung ương đến địa phương về cách làm, về phương tiện và nền tảng sử dụng trong công tác TTĐN; tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong việc triển khai nhiệm vụ.

Đổi mới tư duy, cách làm TTĐN theo hướng đo được hiệu quả rõ ràng hơn; coi đây là cơ sở, là căn cứ để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt các đề án, nhiệm vụ quan trọng trong lĩnh vực TTĐN; gắn TTĐN với phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của đất nước, địa phương, thúc đẩy tăng thứ hạng quốc gia trên các lĩnh vực, góp phần tăng thứ hạng hình ảnh Việt Nam trên toàn cầu.

Để triển khai công tác TTĐN đạt hiệu quả cao, chúng ta cần xác định đúng, đầy đủ đối tượng của công tác TTĐN, cụ thể như sau:

- Ở ngoài nước: Đối tượng của công tác TTĐN là các tổ chức, định chế quốc tế, chính giới, học giả, báo chí, nhà kinh doanh, bạn bè quốc tế, nhân dân các nước và người Việt Nam đang sinh sống, học tập, lao động và công tác ở nước ngoài.

- Ở trong nước: Đối tượng của công tác TTĐN là người nước ngoài sinh sống, học tập, làm việc tại Việt Nam, các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, các hãng thông tấn báo chí, các nhà đầu tư, khách du lịch nước ngoài. Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong nước.

Ranh giới của thông tin đối nội và TTĐN ngày càng mong manh.

Thông tin đối nội cũng có thể gây vấn đề đối ngoại và TTĐN nếu xử lý không tốt cũng có thể gây ra các vấn đề đối nội, thậm chí gây nguy cơ mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng an ninh quốc gia, sự tồn vong của chế độ. Sự phát triển của Internet và các nền tảng xuyên biên giới càng làm xòa nhòa ranh giới giữa thông tin đối nội và TTĐN.

Làm sao để thông tin đối nội và TTĐN thống nhất, nhất quán, liên thông, thông suốt với nhau, TTĐN là nguồn để thông tin đối nội tác động theo hướng cải thiện các chỉ số xếp hạng, các vấn đề quốc tế cảnh báo (nạn buôn người, rửa tiền, tham nhũng, thẻ vàng đánh bắt hải sản...), ngược lại thông tin đối nội không được sơ hở để các thế lực bên ngoài khai thác phục vụ ý đồ bất lợi cho ta. Để làm được điều này, trước hết, các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan hành chính nhà nước phải thực hiện nghiêm trách nhiệm phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo Nghị định số 09/2017/NĐ-CP, đồng thời đáp ứng các quy định tại Nghị định số 72/2015/NĐ-CP về quản lý hoạt động TTĐN của Chính phủ.

Về nội dung TTĐN: Nếu quảng bá đối nội chỉ làm nhiệm vụ truyền thông tích cực cho ta thì TTĐN với đặc thù về đối tượng mục tiêu rất đa dạng, đòi hỏi phải có sự phân tích, phân loại, phân hóa đối tượng để sản xuất nội dung phù hợp. Đặc biệt trong công tác đấu tranh phản bác cũng phải chia thành nhiều cấp độ để sử dụng tông giọng cho phù hợp: với các đối tượng chống phá ta do định kiến hẹp hòi ta kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng; với những người đối đầu với ta do sự khác biệt trong nhận thức, quan điểm hoặc do thiếu thông tin, ta cung cấp thông tin chủ động, khách quan, kiên trì giải thích, làm rõ các thông tin sai lệch về Việt Nam.

Mục tiêu hướng tới của TTĐN là làm sao xóa dần “hiểu lầm chiến lược”, tăng cường đối thoại, tránh hiểu lầm và “ai nói nấy nghe”; tranh thủ, vận động quốc tế ủng hộ ta, cô lập các thế lực thù địch chống phá.

Phải tập trung đổi mới phương thức tuyên truyền TTĐN, sản phẩm chương trình truyền thông sản xuất ra phải định lượng được hiệu quả lan tỏa, thu nhận lắng nghe được hiệu ứng phản hồi. Do đó, cần đổi mới tư duy để thực hiện 2 bước đột phá quan trọng:

Một là, đẩy mạnh truyền thông về quyền con người nhằm thúc đẩy tiến bộ, tăng đồng thuận xã hội và tín nhiệm quốc gia.

Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam (Quyết định số 1079/QĐ-TTg ngày 14/9/2022) và kịp thời hướng dẫn, điều phối các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện trên toàn quốc. Điểm mới của Đề án là nâng cao nhận thức và chủ động bảo vệ quyền con người theo quan điểm chính thống toàn diện và phổ quát; chia sẻ và lan truyền các thông tin tích cực, nhân văn; chủ động đưa vấn đề nhân quyền từ trong “hồ sơ” ra với công luận rộng rãi, bỏ thông lệ đóng dấu “mật” rất khó làm truyền thông, góp phần vào việc cải thiện hình ảnh, thứ hạng Việt Nam trong các bảng xếp hạng của một số tổ chức quốc tế; vượt qua tình trạng “chạy theo, nói lại”, chuyển sang “đi trước, mở đường”, tuân thủ theo đúng yêu cầu, định hướng của Ban Chỉ đạo công tác TTĐN Trung ương.

Hai là, đột phá mở hướng truyền thông quảng bá hình ảnh địa phương/hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài theo cách làm mới:

Thay vì quảng bá những gì chúng ta có bằng cách truyền thông những gì thế giới cần và muốn biết về Việt Nam dựa trên một Khung truyền thông thống nhất, theo thông lệ quốc tế và đo đếm kiểm nghiệm được. Truyền thông xây dựng hình ảnh Việt Nam từ dưới lên, lấy địa phương làm “hạt nhân”, “nền tảng” để xây dựng hình ảnh quốc gia và sớm thúc đẩy tăng thứ hạng hình ảnh quốc gia Việt Nam trên bảng xếp hạng toàn cầu.

Cần điều chỉnh, bổ sung tiêu chí đặt hàng sản phẩm TTĐN từ chỗ chỉ quan tâm tới sản xuất nội dung tốt thành sản phẩm có địa chỉ phát hành rõ ràng, đúng và trúng mục tiêu TTĐN.

Thay vì đặt hàng các sản phẩm TTĐN “ta cho là tây thích” sang đặt hàng sản phẩm “tây cần” để phù hợp với môi trường truyền thông hiện đại lâu nay đã dịch chuyển từ “đón xem” sang “tìm xem”. Có thể thấy, quốc tế đang thiếu thông tin đầy đủ về Việt Nam.

Làm sao để sản phẩm tốt đi kèm với phân phối tốt, khai thác tốt, hiệu quả tốt, kết quả đo lường tốt. Làm sao để thông tin tích cực về Việt Nam và thành tựu Việt Nam có thể được dễ dàng tìm thấy, tiếp cận mọi lúc, mọi nơi trên tất cả các nền tảng, công cụ tìm kiếm toàn cầu.

Công nghệ và CĐS TTĐN là chìa khóa để giải quyết vấn đề trên mà chuyển đổi số trước hết là chuyển đổi về tư duy của người lãnh đạo. Các nhiệm vụ về TTĐN của Bộ, ngành, địa phương được thực hiện trên cả không gian thực và không gian mạng. Đặc biệt, cần coi không gian mạng như một không gian mới để bảo vệ chế độ, để làm TTĐN, trong đó ứng dụng khoa học công nghệ, CĐS để đổi mới cách làm TTĐN, tích cực ứng dụng công nghệ số vào công tác tuyên truyền, trong đó xây dựng và tổ chức hiệu quả mô hình Triển lãm trực tuyến về quyền con người, triển lãm số về chủ quyền biển đảo...

TTĐN không phải và không thể chỉ là việc của nhà nước; các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch công tác TTĐN hàng năm; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phát triển nguồn lực cho công tác TTĐN; khuyến khích huy động nguồn lực xã hội hóa trong việc triển khai các hoạt động TTĐN.

TTĐN phải là việc “ai cũng làm”, nhất là trong môi trường số, xã hội số. Phát huy vai trò của các cá nhân người Việt, kiều bào và người nước ngoài, những người có uy tín, có tầm ảnh hưởng tích cực trên nền tảng truyền thông xã hội (KOLs, KOC) là một trong những nội dung được xác định rõ trong Nghị quyết số 47/NQ- CP ngày 15/4/2024 về Chương trình hành động của Chính phủ đến năm 2030 thực hiện Kết luận số 57-KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TTĐN trong tình hình mới.

Tuy nhiên, hoạt động TTĐN của một số doanh nghiệp (DN) lớn, thương hiệu quốc gia trong vài năm gần đây cho thấy: cần phải ghi nhận, đánh giá đúng mức, khuyến khích và khơi dậy nguồn lực xã hội từ “lực lượng TTĐN” quan trọng này. Kinh nghiệm TTĐN từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan là minh chứng rõ ràng cho thực tế trên. Lúc này, các lực lượng xã hội tham gia TTĐN mong muốn từ Nhà nước không phải là nguồn kinh phí ngân sách hạn hẹp mà cần sự ghi nhận, công nhận, hỗ trợ và quan trọng nhất là đồng hành.

Các giải pháp thúc đẩy, đổi mới công tác TTĐN trong tình hình mới

Từ những phân tích và nhận thức nêu trên cho thấy, chúng ta cần phải có những giải pháp phù hợp thúc đẩy, đổi mới công tác TTĐN nhằm đáp ứng yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.

Về cơ chế, chính sách

- Các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Kết luận 57- KL/TW ngày 15/6/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác TTĐN trong tình hình mới; xác định công tác TTĐN luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự quản lý của Nhà nước.

- Về cơ chế, chính sách TTĐN hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật cao nhất là Nghị định 72/2015-NĐ-CP ngày 07/9/2015 về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại. Đối tượng áp dụng của Nghị định 72 là các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh; các cơ quan, tổ chức tham gia hoạt động TTĐN.

Như vậy, chúng ta thấy rõ ràng là còn thiếu một đối tượng rất quan trọng là các cá nhân tham gia hoạt động TTĐN một cách thụ động, trên thực tế lực lượng này rất đông ví dụ như những người sử dụng nền tảng mạng xã hội (MXH) (Facebook, Youtube, Zalo, Twitter...) để chia sẻ, cung cấp thông tin trên Internet hay những người làm hướng dẫn viên du lịch, các nghệ sĩ, nghệ nhân, những người nông dân, công nhân lao động, sản xuất các loại hàng hóa, dịch vụ liên quan đến nước ngoài...

Vì vậy, chúng ta cần phải có cơ chế, chính sách quản lý, khích lệ, động viên, khen thưởng đối với những hành động, việc làm có lợi cho hình ảnh quốc gia hoặc cơ chế xử lý vi phạm, kỷ luật đối với những hành vi vô tình hoặc cố ý vi phạm làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của đất nước, ví dụ trên thực tế có rất nhiều người sử dụng phương tiện giao thông gắn biển kiểm soát có hình bản đồ Việt Nam không bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; treo bản đồ hoặc làm video clip đăng tải trên trang cá nhân với hình bản đồ không có Trường Sa và Hoàng Sa...

Chúng ta cũng cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc nâng cấp Nghị định 72/2015-NĐ-CP thành văn bản luật cho phù hợp với tình hình mới trong bối cảnh sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin (CNTT), công nghệ số, trong đó đặc biệt phải kể đến mạng xã hội và đất nước ta đã và đang triển khai Chương trình CĐS quốc gia với ba trụ cột là: Chính phủ số; Kinh tế số và Xã hội số. Theo đó, cần khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện CĐS công tác TTĐN, gồm:

+ Xây dựng thể chế - chính sách phục vụ CĐS công tác TTĐN với mục tiêu: (i) chuyển đổi nhận thức cho toàn thể những người làm TTĐN cả nước thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn, in và phát hành cẩm nang CĐS công tác TTĐN nhằm phổ biến, quán triệt chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về sự cần thiết và tính cấp bách của CĐS công tác TTĐN; (ii) rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, xây dựng thể chế chính sách phù hợp với sự phát triển của công nghệ số, nhất là MXH và các công nghệ truyền thông mới khác.

+ Đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng Luật Thông tin nhằm đáp ứng được yêu cầu quản lý thông tin nói chung và TTĐN nói riêng một cách chặt chẽ, hiệu quả, đặc biệt trên không gian mạng.

- Tăng cường công tác nghiên cứu, xây dựng các Chiến lược, Quy hoạch, đề án, dự án phát triển TTĐN trong tình hình mới, đảm bảo cơ chế tiếp nối một cách liên tục, hiệu quả không bị đứt gãy, gián đoạn đối với các đề án, quy hoạch, kế hoạch, chương trình thông tin đối ngoại quan trọng sắp hết thời hạn, ví dụ: Đề án cung ứng dịch vụ phát thanh, truyền hình (PTTH) qua mạng Internet phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2015 - 2020, hay Đề án tăng cường công tác TTĐN với Lào và Campuchia trong tình hình mới...

- Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài. Theo đó, phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, cho phép bổ sung thêm vị trí tùy viên báo chí Việt Nam ở nước ngoài; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan thường trú báo chí Việt Nam ở nước ngoài đối với công tác thông tin về tình hình thế giới vào Việt Nam và công tác quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.

Về phương thức thực hiện

Trước khi mạng Internet bùng nổ, phương thức TTĐN truyền thống, bao gồm:

- Tổ chức sản xuất chương trình, sản phẩm báo chí thông tin tuyên truyền, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin điện tử (TTĐT) trong nước và nước ngoài.

- Tổ chức họp báo, thông cáo báo chí, trả lời phỏng vấn thông qua phát ngôn chính thức của các cơ quan quản lý nhà nước; phát ngôn chính thức tại các sự kiện, diễn đàn quốc tế, họp báo quốc tế, họp báo trong nước; các cuộc họp báo định kỳ và giao ban báo chí.

- Tổ chức các chiến dịch truyền thông, các sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch... được tổ chức tại Việt Nam và nước ngoài.

- Xuất bản các ấn phẩm thông tin tuyên truyền như sách, báo, băng đĩa bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài.

- Thông qua trao đổi, giao lưu kinh tế, văn hóa giáo dục, giao lưu nhân dân...

Ngày nay, phương thức TTĐN đã từng bước chuyển đổi sang sử dụng phương tiện truyền thông trên nền tảng số, truyền thông MXH, cụ thể:

- Đẩy mạnh tuyên truyền, đấu tranh phản bác trên không gian mạng thông qua báo, tạp chí và trang TTĐT; các kênh truyền hình được phát trên nền tảng số; các nền tảng MXH như Youtube, Instagram, Facebook, Twitter...

- Tổ chức các sự kiện, triển lãm, hội nghị và một số hoạt động đối ngoại bằng hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến mang lại hiệu quả tích cực.

- Số hóa các xuất bản phẩm thông tin tuyên truyền bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài để đăng, phát trên không gian mạng phục vụ công tác TTĐN.

Để việc đổi mới công tác TTĐN đi vào thực chất và hiệu quả, trong thời gian tới cần tập trung vào các phương thức sau:

Nâng cao hiệu quả đối với công tác thông tin chính thức về Việt Nam

Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh và mạng Internet thì bất cứ ai, ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào cũng có thể cung cấp, chia sẻ, lan tỏa thông tin tức thì. Vì vậy, mà nạn tin giả, tin thiếu kiểm chứng, sai sự thật xuất hiện tràn lan trên các diễn đàn, cộng đồng mạng, gây nhức nhối cho cộng đồng xã hội và làm đau đầu các nhà quản lý. Thậm chí, thông tin chưa được kiểm chứng còn xuất hiện ngay cả trên những báo điện tử có tên tuổi bởi một số tờ báo cũng chạy theo xu hướng (trending), tham gia vào những cuộc chạy đua thông tin trên mạng xã hội, bỏ qua cả tôn chỉ, mục đích chỉ để hướng đến mục tiêu câu view, câu like nhằm thu hút quảng cáo, tăng doanh thu...

Điều này đặt ra cho công tác TTĐN nhiệm vụ nặng nề bởi khi ranh giới giữa thông tin đối nội và TTĐN chỉ còn là một khoảng cách mong manh, chúng có tác động qua lại và ảnh hưởng trực tiếp lẫn nhau thì việc cung cấp thông tin chính thức về Việt Nam là nhiệm vụ rất quan trọng.

Đây là một giải pháp “làm sạch” môi trường thông tin, đặc biệt trên không gian mạng nhằm loại bỏ những thông tin bịa đặt, sai sự thật, thiếu kiểm chứng, thông tin xấu độc ra khỏi đời sống xã hội để công chúng trong nước cũng như bà con kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế có thể nắm bắt thông tin đầy đủ, từ đó hiểu đúng, hiểu rõ về tình hình tại Việt Nam, về tính ưu việt của hệ thống chính sách xã hội của Việt Nam, tính dân chủ, công bằng, văn minh, hướng tới người dân và vì hạnh phúc của nhân dân của Việt Nam...

Để làm được điều này, công tác thông tin chính thức về Việt Nam phải được đổi mới cả về nội dung, lẫn hình thức thể hiện theo một cách mới, trước hết phải dựa trên yếu tố con người, chất lượng nguồn nhân lực và yếu tố công nghệ, đặc biệt là công nghệ số, nền tảng số, nội dung số...

Thông tin chính thức về Việt Nam cần phải được cung cấp chủ động, trực tiếp đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế bằng cách định kỳ gửi các bản tin (news letter), sách, báo, tạp chí in và điện tử, phim ảnh quảng bá... giúp cho họ có điều kiện tiếp cận nguồn thông tin chính thống về mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và những thông tin về tình hình phát triển KT-XH của đất nước ta nhằm khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam luôn kiên định “thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, không ngừng nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của Việt Nam”.

Cần đặc biệt quan tâm, đảm bảo công tác an toàn, an ninh mạng, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan, phát hiện kịp thời những lỗ hổng bảo mật, những nguy cơ mất an toàn thông tin đối với các cổng/trang TTĐT đối ngoại; các báo điện tử đối ngoại; các nền tảng quảng bá, MXH..., từ đó có giải pháp xử lý kịp thời, tránh nguy cơ bị tấn công, xâm nhập phá hoại trên không gian mạng.

Đổi mới công tác cung cấp thông tin quảng bá hình ảnh Việt Nam

Đổi mới công tác quảng bá hình ảnh Việt Nam đáp ứng đúng nhu cầu, thị hiếu của công chúng, phù hợp với điều kiện phát triển của chính phủ số, kinh tế số, xã hội số là việc làm cần thiết trong tình hình hiện nay.

CĐS công tác TTĐN sẽ giúp tạo ra hệ thống dữ liệu lớn, tạo ra các nguồn thông tin phong phú, đa dạng, hấp dẫn và việc cung cấp thông tin được thực hiện một cách chủ động, có chiều sâu, trên cơ sở thấu hiểu nhu cầu thông tin của các đối tượng khán giả ở các khu vực khác nhau với những đặc trưng văn hóa, tập quán khác nhau trên thế giới, từ đó lựa chọn hình thức thông tin quảng bá cho phù hợp, hiệu quả.

Mục tiêu cần hướng tới của công tác quảng bá là phải xây dựng và lan tỏa rộng rãi đến với cộng đồng quốc tế hình ảnh chân thực, sinh động và giàu cảm xúc về đất nước, con người Việt Nam, một đất nước Việt Nam thanh bình, tươi đẹp, có truyền thống văn hóa lâu đời, có nhiều tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội và đang phát triển năng động, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, một điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn của bạn bè khắp năm châu.

Công tác thông tin quảng bá phải luôn song hành một cách thiết thực, hiệu quả với hoạt động trao đổi, hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực, hỗ trợ các hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, xúc tiến, phát triển du lịch, thương mại, giao lưu văn hóa và ngoại giao nhân dân...

Công tác quảng bá hình ảnh quốc gia cần được thực hiện một cách có chọn lọc, cần được đầu tư thích đáng và sự chung tay của cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức, cần bắt đầu từ chính việc quảng bá các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam, xây dựng thành những thương hiệu mang tầm quốc tế, khiến cho cộng đồng quốc tế biết đến Việt Nam nhiều hơn thông qua nhận diện các sản phẩm hàng hóa mang thương hiệu Việt.

Trên cơ sở đó, các Bộ ngành như Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Bộ, ngành liên quan bên cạnh việc xây dựng, ban hành và quản lý tiêu chuẩn chất lượng đối với các thương hiệu hàng hóa xuất khẩu cần có những giải pháp xúc tiến thương mại thiết thực, hiệu quả cho các sản phẩm, dịch vụ ở trong nước ra nước ngoài, ví dụ như: Một số sản phẩm công nghệ, phần mềm Make in Viet Nam; một số nông sản nổi tiếng như chè, cà phê, hạt điều hay một số sản phẩm văn hóa, âm nhạc, ẩm thực, thời trang, các sản phẩm quà tặng...

Nếu làm tốt nhiệm vụ này sẽ gây được sự tin cậy, thiện cảm của cộng đồng quốc tế đối với các nhãn hàng mang thương hiệu Việt Nam nói riêng và hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung. Ngược lại, những thương hiệu hàng hóa không đảm bảo chất lượng, khi bị các cơ quan chức năng nước sở tại phát hiện, xử lý sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh của Việt Nam, như trường hợp các nước Pháp, Đức, Ba Lan, Ireland, Malta, Đài Loan (Trung Quốc) gửi cảnh báo, thu hồi đối với sản phẩm mì ăn liền Việt Nam vì dư chất Ethylene Oxide hay trường hợp Cơ quan quản lý thực phẩm Singapore (SFA) thông báo về việc thu hồi một số sản phẩm thực phẩm có xuất xứ từ Việt Nam gần đây...

Có thể thấy kinh nghiệm nhiều nước xây dựng được thương hiệu riêng của họ thông qua việc đề xuất các sáng kiến và tổ chức các sự kiện lớn ở tầm quốc tế và khu vực. Ví như Hội nghị An ninh Munich (Đức), Diễn đàn Bác Ngao (Trung Quốc), Hội nghị Davos - Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) diễn ra tại Davos (Thụy Sĩ) - nơi các nhà hoạch định chính sách quốc gia và các lãnh đạo doanh nghiệp lớn bàn về kinh tế đầu năm, Đối thoại Shangrila - một Diễn đàn an ninh khu vực hàng đầu (Singapore). Việt Nam chúng ta cũng cần tạo dựng một thương hiệu Việt Nam với một sáng kiến nào đó như vậy, một diễn đàn, một cơ chế, hay một tiến trình mang tên Việt Nam, được thế giới và khu vực quan tâm.

Cần phải tranh thủ và mở rộng nhiều hơn, về các lĩnh vực như văn hóa - nghệ thuật (âm nhạc, hội họa, phim ảnh, du lịch...), hay công nghệ, sáng tạo... Đó cũng là những hoạt động trực tiếp phục vụ cho phát triển kinh tế và xã hội của đất nước.

Đất nước ta vốn được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, là nơi hội tụ nhiều di sản văn hóa, thiên nhiên độc đáo, đây là điều kiện tuyệt vời để chúng ta có thể quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới thông qua phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch, hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện mang đậm bản sắc văn hóa Việt; tăng cường thu hút giới truyền thông và điện ảnh quốc tế đến Việt Nam lựa chọn bối cảnh cho các bộ phim điện ảnh, phim quảng cáo để lan tỏa những hình ảnh tích cực, đẹp đẽ về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam như cách chúng ta từng làm khi đón đoàn làm phim của Hollywood sang lựa chọn bối cảnh cho bộ phim bom tấn “Kong - Đảo đầu lâu” tại Ninh Bình, Quảng Ninh và Quảng Bình hoặc Hà Nội đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh APEC Việt Nam 2017, Năm Chủ tịch ASEAN 2020 hay cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tháng 2/2019 thu hút hàng nghìn phóng viên quốc tế đến Việt Nam đưa tin...

Để thực hiện thành công việc quảng bá hình ảnh quốc gia, không chỉ trông chờ vào Chính phủ mà các tổ chức xã hội, hiệp hội ngành nghề, hiệp hội doanh nghiệp đặc biệt cần phải chủ động, đưa ra các sáng kiến và tổ chức những sự kiện lớn trên nhiều lĩnh vực từ công nghệ, kinh tế đến văn hóa, nghệ thuật, giải trí... Việc Vingroup làm giải thưởng VinFuture cũng là một ví dụ đáng hoan nghênh; hay việc chúng ta cũng đã có thể có một giải đua Công thức 1, nếu như không có dịch bệnh COVID-19.

Song, để công tác thông tin quảng bá hình ảnh đạt hiệu quả tốt thì trước hết ta phải xây dựng được hình ảnh tốt. Nếu như Hàn Quốc được cả thế giới, nhất là giới trẻ biết đến nhờ làn sóng Hallyu với những sản phẩm văn hóa, điện ảnh, âm nhạc hết sức ấn tượng hay Mỹ được biết đến với ngành công nghiệp điện ảnh khổng lồ Hollywood; những sản phẩm công nghệ cao, công nghệ thông minh từ thung lũng Silicon; Pháp nổi tiếng là kinh đô thời trang của thế giới... thì Việt Nam cần xây dựng những bộ nhận diện thương hiệu quốc tế thông qua sản phẩm, thương hiệu mạnh, mang đậm dấu ấn, bản sắc Việt Nam để thế giới nhớ đến mỗi khi nói về Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng nhằm hướng những người tham gia môi trường mạng đến những chuẩn mực về ứng xử, phát ngôn, chia sẻ trên môi trường Internet. Điều này rõ ràng mang lại hiệu quả thiết thực, hạn chế những hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực trên Internet và cũng có tác dụng tốt cho công tác TTĐN. Chúng ta cần phải nghiên cứu, xây dựng Bộ quy tắc trong văn hóa ứng xử, giao tiếp xã hội, đặc biệt trong giao tiếp với người nước ngoài một cách chuẩn mực, lịch thiệp nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa của người Việt Nam, đặc biệt nên tổ chức các khóa tập huấn, hướng dẫn văn hóa ứng xử phù hợp cho các đối tượng thường xuyên giao thiệp với nước ngoại như hướng dẫn viên du lịch; du học sinh, những nhân lực làm việc trong lĩnh vực FDI; công nhân xuất khẩu lao động; vận động viên thể thao thường xuyên đi thi đấu ở nước ngoài v.v...

ttdn-2.png

Trong công tác quảng bá hình ảnh, công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng, giúp cho chúng ta có công cụ quảng bá hình ảnh đạt hiệu quả cao và phải phát triển những nền tảng, ứng dụng số với tính năng vượt trội, vượt qua mọi giới hạn về thời gian, không gian hay tăng cường ứng dụng công nghệ 3D, AI nhằm tái tạo, mô phỏng những thông tin, hình ảnh quảng bá một cách sinh động, cuốn hút người xem...

Trong công tác thông tin quảng bá, dữ liệu đóng vai trò rất quan trọng vì vậy chúng ta cần phát triển cơ sở dữ liệu (CSDL) lớn về TTĐN, tích hợp với CSDL của các Bộ, ngành, địa phương phục vụ TTĐN như: CSDL về hội nhập quốc tế; CSDL về biên giới, biển đảo; CSDL về dân tộc, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do báo chí; CSDL về kinh tế, đầu tư, thương mại; CSDL về văn hóa, thể thao, du lịch; CSDL dư luận quốc tế về Việt Nam v.v...

Bên cạnh việc tăng cường quảng bá hình ảnh đến các nước đối tác truyền thống, hữu nghị; đối tác chiến lược, toàn diện thì cần mở rộng hoạt động TTĐN đến các địa bàn mới, địa bàn tiềm năng mà chúng ta chưa khai thác tốt trong thời gian qua như tại khu vực châu Phi, Nam Mỹ...

Tăng cường cung cấp thông tin tình hình thế giới vào Việt Nam

Cung cấp thông tin tình hình thế giới vào Việt Nam là một phần quan trọng của TTĐN.

Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, mạng lưới các văn phòng thường trú báo chí Việt Nam ở nước ngoài phải tăng cường phát huy hiệu quả hoạt động, theo dõi, rà quét, cập nhật thường xuyên, liên tục tình hình thế giới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thông tin quốc tế đối nội trong tình hình mới. Cung cấp thông tin về tình hình nước sở tại, quan hệ song phương và các thông tin khác vào Việt Nam cho các cơ quan có thẩm quyền, đồng thời cung cấp thông tin chính thức, thông tin quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài.

Nhiệm vụ nêu trên cần thực hiện một cách bài bản, khoa học và hiệu quả, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần phải bố trí cán bộ chuyên trách về thông tin - báo chí (tùy viên báo chí). Vì vậy, cần sớm kiến nghị sửa đổi Luật cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài, bổ sung vị trí tùy viên báo chí nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu TTĐN trong tình hình mới, đây là mô hình mà nhiều nước đã triển khai.

Đẩy mạnh cơ chế phối hợp, cập nhật, trao đổi và cung cấp thông tin trên các trang TTĐN của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, kết nối liên thông với CSDL TTĐN, hệ thống báo chí, trang/ cổng TTĐT đối ngoại từ trong nước, giúp cho người nước ngoài có thể tiếp cận nguồn thông tin phong phú, đa dạng về Việt Nam một cách nhanh chóng, thuận lợi, dễ dàng hơn. Nghiên cứu triển khai các cụm TTĐT (hệ thống màn hình LED) bên ngoài trụ sở các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để phát các các nội dung quảng bá hình ảnh Việt Nam tại nước sở tại, trên màn hình LED thường xuyên hiển thị mã QR mã hóa cổng TTĐT đối ngoại để bạn bè quốc tế có thể đăng nhập và tìm hiểu thông tin về Việt Nam được thuận lợi, dễ dàng.

Theo Luật cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài quy định thì Cơ quan thường trú của các cơ quan thông tấn, báo Việt Nam ở nước ngoài phải có trách nhiệm “phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam; thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam”.

Hiện nay, chúng ta có tổng số 59 cơ quan thường trú của các cơ quan báo chí Việt Nam ở nước ngoài với tổng số 139 phóng viên (PV) thường trú. Trong đó:

- Tại châu Á, có 29 Văn phòng với tổng số 70 PV. Các quốc gia có nhiều văn phòng thường trú và phóng viên nhất tại châu Á là: Trung Quốc 4 Văn phòng với 10 PV (chưa kể Hồng Kông – Trung Quốc có thêm 1 Văn phòng với 3 PV); Lào 4 Văn phòng với 10 PV và Campuchia 4 Văn phòng với 9 PV, đó là VOV; VTV; Báo Nhân dân; TTXVN.

- Tại châu Âu, có 16 Văn phòng thường trú với tổng số 41 PV thường trú, trong đó các quốc gia có nhiều văn phòng thường trú nhất là Nga: 4 Văn phòng- 10 PV; Pháp 3 Văn phòng - 7 PV; Bỉ, Anh, Séc đều có 2 Văn phòng, riêng Bỉ có 6 PV, Anh và Séc có 5 PV.

- Tại châu Mỹ: Có 8 Văn phòng với 25 PV, trong đó Mỹ nhiều nhất với 4 Văn phòng và 16 PV của VOV, VTV và TTXVN, các nước còn lại gồm: Cu ba, Mexico, Argentia, Canada mỗi nước có 1 Văn phòng với 2 PV, riêng Canada có 3 phóng viên chỉ có của TTXVN

- Châu Phi: Có 4 Văn phòng và 8 PV, trong đó Ai Cập có 2 Văn phòng với 4 PV, còn lại Algeria và Nam Phi mỗi nước có 1 Văn phòng với 2 PV của TTXVN.

- Tại châu Đại Dương: Có 2 Văn phòng đặt tại Australia với 5 PV của VOV và TTXVN. Như vậy, lực lượng còn tương đối mỏng, hạn chế cả về số lượng và khả năng thâm nhập thực tế để có thể nắm bắt tình hình một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hiện chưa có tùy viên báo chí nên việc nắm bắt, nghiên cứu, tổng hợp tình hình một cách bao quát, bài bản, khoa học và có tầm chiến lược tại nước sở tại để định hướng cho các cơ quan báo chí cung cấp thông tin còn gặp nhiều khó khăn.

Các cơ quan thường trú về cơ bản chưa phát huy được vai trò của mình đối với nhiệm vụ này, mà chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ thông tin quốc tế đối nội, cung cấp thông tin về tình hình quốc tế vào Việt Nam mà cơ quan chủ quản giao cho, đối với cơ chế phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam tại nước ngoài còn hạn chế, vì vậy hiệu quả thông tin quốc nội đối ngoại chưa được các cơ quan thường trú chú trọng, phát huy. Trong thời gian tới, cơ quan thường trú của các cơ quan thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài cần tăng cường hơn nữa hoạt động này.

Thứ hai, các cơ quan báo chí đối ngoại và các cơ quan, tổ chức tham gia hoạt động TTĐN trong nước cũng còn hạn chế, cần được đầu tư tăng cường hơn nữa. Hiện cả nước ta hiện nay có 41 cơ quan báo chí đối ngoại thuộc các cơ quan báo chí của Trung ương và các Bộ, ban, ngành, địa phương như Vietnamplus; Vietnamnews; Le Courier; Nhân dân online...; 197 tạp chí đối ngoại của các cơ quan, tổ chức, hiệp hội như: Tạp chí Thời đại (Hội Liên hiệp Hữu nghị Việt Nam); Tạp chí Nhà Quản lý (Viện Nghiên cứu và Đào tạo về quản lý)... Các báo và tạp chí trên thường đăng tải ít nhất bằng 2 ngôn ngữ Việt - Anh; Một số báo tạp chí 3 ngôn ngữ (Việt, Anh, Trung); đặc biệt một số báo điện tử lớn đăng tải bằng 4 ngôn ngữ Anh, Pháp, Nga, Trung như VietnamPlus; Nhân dân điện tử...

Hiện nay, chúng ta chỉ có 03 kênh phát thanh, truyền hình đối ngoại, gồm VOV5, VTV4 và VTC10. Trong đó VOV5 sử dụng tới 13 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Nga, Trung, Hàn, Nhật, Đức, Tây Ban Nha, Khơ-mer, Thái, Lào, Indonessia. VTV4 sử dụng 6 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Nga, Trung, Nhật.

Mặc dù số lượng các báo, tạp chí, trang/ cổng TTĐT đối ngoại trong cả nước cũng khá lớn, song hiệu quả hoạt động thực sự cũng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, mạnh ai nấy làm, chưa có một kế hoạch tổng thể và sự phối hợp triển khai đồng bộ. Báo chí đối ngoại và báo chí tham gia TTĐN trong thời gian qua đã đóng vai trò quan trọng là lực lượng chủ lực trong thúc đẩy, đưa thông tin chính thức từ Việt Nam ra thế giới và từ thế giới vào Việt Nam. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa vai trò của báo chí trong công tác TTĐN, cần đánh giá, đo lường được cụ thể về chất lượng nội dung, tin bài, mức độ tiếp cận và có đúng - trúng đối tượng không.

Cơ quan quản lý nhà nước về TTĐN (Cục TTĐN, Bộ Thông tin và Truyền thông) mới bước đầu tiến hành đo kiểm hiệu quả hoạt động của các đơn vị này, tuy nhiên cũng chưa có hệ thống công nghệ đủ mạnh phục vụ đo kiểm đánh giá chính thức. Do đó, cần thiết phải nghiên cứu, ban hành Bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả TTĐN trên báo điện tử nhằm đánh giá hiệu quả TTĐN trên báo chí một cách khách quan, chính xác, và cũng là cơ sở để đặt hàng báo chí thực hiện nhiệm vụ TTĐN.

Thứ ba, ứng dụng công nghệ số, phát triển nền tảng số lắng nghe thông xã hội (social listening) phục vụ công tác rà quét, thu thập, phân tích dữ liệu trên các hệ thống báo chí trong nước và quốc tế phục vụ công tác quản lý, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước và công tác thông tin tuyên truyền của các cơ quan báo chí, các cơ quan, tổ chức tham gia hoạt động TTĐN.

Nền tảng này cho phép đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan báo chí, các trang/cổng TTĐT đối ngoại; trích xuất các báo cáo về dư luận trong nước và quốc tế về tình hình Việt Nam bất cứ khi nào, về bất cứ vấn đề gì nóng nhất trong ngày, trong tuần, trong tháng... mà dư luận quan tâm nhiều nhất, đáp ứng kịp thời nhu cầu khai thác, sử dụng và chia sẻ thông tin của các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan báo chí.

Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác, khai thác thông tin với các hãng thông tấn, báo chí uy tín của nước ngoài và chuyển hóa thành các nguồn thông tin hữu ích theo quan điểm thông tin tuyên truyền của ta. Giải pháp này mang đến cho ta những thuận lợi song cũng không ít thách thức, đó là: Sự khác biệt về quan điểm chính trị, hệ tư tưởng, chủ nghĩa dân tộc... khiến cho những thông tin họ cung cấp được nhìn nhận dưới lăng kính chính trị của họ, nếu ta không kiểm soát, Việt hóa nội dung một cách nhạy bén, phù hợp thì sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng thông tin, quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế.

Tăng cường cung cấp thông tin giải thích, làm rõ

Với sự phát triển mạnh mẽ của MXH đã tạo cơ hội cho các thế lực thù địch, phản động trong nước và quốc tế dễ dàng khai thác thông tin, câu kết, thực hiện các âm mưu chống phá, lợi dụng các vấn đề dân tộc, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do báo chí để lôi kéo các phần tử xấu thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, xuyên tạc, vu khống, bôi nhọ, tung thông tin giả, xấu độc nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động bạo lực, bạo loạn chính trị, xâm phạm an ninh quốc gia hòng lật đổ chính quyền, xóa bỏ chế độ XHCN...

Trước tình hình đó, chúng ta cần tập trung lực lượng và các nguồn lực cần thiết khác đẩy mạnh và quyết liệt thực hiện một cách hiệu quả công tác cung cấp thông tin giải thích, làm rõ các thông tin sai lệch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và nâng cao uy tín, vị thế hình ảnh quốc gia của đất nước.

Một trong những phương pháp giải thích, làm rõ hữu hiệu nhất là chủ động cung cấp thông tin về những thành tựu, những tiến bộ trong các lĩnh vực, trong đó tăng cường thông tin về “quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển; quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội...”. Đây là nội dung đã được chỉ rõ trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng mà chúng ta cần phải đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đối ngoại trong thời gian tới.

Thông tin giải thích, làm rõ phải đảm bảo tính hai chiều, vừa thông tin giải thích, làm rõ cho cộng đồng quốc tế và bà con kiều bào ta ở nước ngoài hiểu đúng, đủ và hiểu rõ về tình hình trong nước, đồng thời cũng cung cấp thông tin về tình hình thế giới vào Việt Nam một cách chuẩn xác, phù hợp giúp cho công chúng trong nước hiểu đầy đủ về tình hình quốc tế, các vấn đề phức tạp, khó lường như cạnh tranh nước lớn, xung đột vũ trang tại một số nơi trên thế giới, vấn đề Biển Đông... để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta luôn đồng thuận một lòng “chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố nguy cơ gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”.

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp nội dung số

Chú trọng phát triển nội dung số chất lượng cao phục vụ TTĐN, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo... nhằm đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các báo điện tử, trang/cổng TTĐT đối ngoại; các kênh PTTH đối ngoại, đặc biệt lưu ý tận dụng những lợi thế của truyền thông MXH, sử dụng những KOL, những nhân vật có ảnh hưởng, có uy tín lớn đối với cộng đồng xã hội và trên không gian mạng phục vụ công tác TTĐN.

Đặc biệt coi trọng phát triển CSDL về TTĐN kết nối liên thông với hệ thống CSDL quốc gia, tích hợp các hệ thống dữ liệu của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh; các tổ chức tham gia hoạt động thông tin đối ngoại phát triển mạnh các sản phẩm TTĐT bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau phục vụ TTĐN.

Đổi mới và nâng cao chất lượng các hoạt động tổ chức sự kiện tại nước ngoài như Ngày Việt Nam ở nước ngoài; Tuần Việt Nam ở nước ngoài, kết hợp trực tiếp và trực tuyến nhằm lan tỏa sự kiện rộng rãi hơn đến cộng đồng quốc tế; đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế với các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài đưa tin, quảng bá về Việt Nam; hằng năm, tổ chức một vài chiến dịch truyền thông đối ngoại, mời các phóng viên nước ngoài thuộc các châu lục khác nhau tham gia về một số vấn đề quan trọng liên quan đến Biển Đông, biên giới, hải đảo; dân chủ, nhân quyền hay nhân những sự kiện trọng đại của đất nước; đẩy mạnh xã hội hóa công tác TTĐN nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển công tác TTĐN...

Tăng cường công tác dự báo tình hình

- Coi trọng công tác dự báo khoa học về những xu hướng truyền thông mới tác động trực tiếp tới sự thay đổi về thủ đoạn, cách thức, phương tiện chống phá kiểu mới của các thế lực thù địch, phục vụ trực tiếp cho việc lãnh đạo, chỉ đạo sát, đúng, trúng, có tầm nhìn chiến lược, chủ động trong mọi tình huống.

- Chủ động điểm báo, rà quét nắm dư luận trên MXH, báo chí trong nước và nước ngoài để kịp thời dự báo tình hình, chuẩn bị các phương án ứng phó.

- Kết hợp các giải pháp về nội dung với các giải pháp kỹ thuật, các biện pháp nghiệp vụ an ninh bao gồm việc chặn lọc, vô hiệu hóa, đấu tranh với các nhà cung cấp các phương tiện truyền thông xã hội nước ngoài, gỡ bỏ thông tin xấu độc, răn đe, xử lý hành chính, hình sự để tạo hiệu quả đấu tranh tổng lực.

Lời kết

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển mạnh mẽ, thế giới phẳng và dường như không còn rào cản địa lý trên không gian mạng. Sự phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng của công nghệ số đã đưa con người trên toàn cầu xích lại gần nhau, những thông tin từ khắp nơi trên thế giới được cập nhật liên tục, đa chiều trên không gian mạng khiến cho con người vượt qua được sự xa cách về địa lý và dễ dàng tiếp nhận những nguồn thông tin, tri thức mới.

Trong những năm tới, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng đang gặp nhiều trở ngại, thách thức. Bối cảnh trong nước và ngoài nước có nhiều biến động với những thuận lợi và thách thức đan xen. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động sâu sắc đến đời sống chính trị, kinh tế, xã hội và quan hệ quốc tế. Các vấn đề an ninh mạng, an ninh phi truyền thống... tiếp tục đặt ra nhiều thách thức đối với quản trị toàn cầu và mỗi quốc gia.

Do vậy hơn bao giờ hết, công tác TTĐN cần phát huy vai trò, đóng góp tích cực, hiệu quả cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việc đổi mới và thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác TTĐN có ý nghĩa, vai trò quan trọng, đặc biệt là trong việc phát huy ưu điểm, hạn chế nhược điểm của không gian mạng, biến Internet trở thành một công cụ hữu hiệu trong công tác thông tin, tuyên truyền, phục vụ mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đấu tranh phản bác, chống lại các quan điểm sai trái, thù địch, giữ gìn sự ổn định chính trị, góp phần vào thành công của công cuộc phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng và hạnh phúc./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 tháng 10/2024)

ThS. Đinh Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại Bộ Thông tin và Truyền thông