Quản trị khủng hoảng trong triển khai dự án truyền thông trước kỷ nguyên công nghệ số
Truyền thông - Ngày đăng : 11:15, 04/12/2024
Quản trị khủng hoảng trong triển khai dự án truyền thông trước kỷ nguyên công nghệ số
Quản trị khủng hoảng truyền thông: Là quá trình kiểm soát để ngăn chặn các tác động tiêu cực ảnh hưởng đến kết quả dự án truyền thông, đặc biệt quan trọng khi dự án có tác động trực tiếp tới công chúng.
Tóm tắt:
-Quản trị khủng hoảng truyền thông: Là quá trình kiểm soát để ngăn chặn các tác động tiêu cực ảnh hưởng đến kết quả dự án truyền thông, đặc biệt quan trọng khi dự án có tác động trực tiếp tới công chúng.
- Tầm quan trọng: Dự án truyền thông luôn tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng do thông tin được lan truyền rộng rãi, dễ bị hiểu sai hoặc tác động tiêu cực.
- Các tiêu chí đánh giá quản trị khủng hoảng: Bao gồm tốc độ phản hồi, nội dung thông điệp nhất quán, mức độ phủ thông tin, và tương tác với công chúng.
- Truyền thông số và quản trị khủng hoảng: Trong kỷ nguyên số, khủng hoảng có thể lan rộng nhanh chóng qua mạng xã hội. Quản trị khủng hoảng yêu cầu chuẩn bị kịch bản ứng phó ngay từ đầu.
- Dự án mẫu (Dự án 1034): Quảntrị khủng hoảng làyếu tốquan trọng trong dự án truyền thông số của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, giúp đảm bảo thành công và giảm thiểu rủi ro.
Trong kỷ nguyên công nghệ số, các hoạt động truyền thông trên các nền tảng số trở nên phổ biến và cần thiết, hoạt động này cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp, tổ chức, các cá nhân nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng. Để tạo nên các dấu ấn trong bất kỳ hoạt động nào đều cần xây dựng dự án truyền thông và quản trị quá trình thực hiện, trong đó việc tính toán, đánh giá các tình huống xảy ra và xây dựng kế hoạch quản trị khủng hoảng để kịp thời xử lý triệt để các tác động bất lợi trong quá trình thực hiện dự án.
Đặc biệt đối với mỗi dự án truyền thông thì đối tượng tác động trực tiếp là công chúng và các phương tiện thông tin đại chúng thì việc đánh giá nguy cơ, quản trị khủng hoảng cần được xây dựng kỹ lưỡng và tính toán triệt để nhằm giảm thiểu rủi ro, đảm bảo sự thành công của dự án theo mục tiêu ban đầu đã đặt ra, đồng thời, việc quản trị khủng hoảng cũng có tác động nhất định trong việc điều chỉnh các tiêu chí, cách thức hay kịch bản thực hiện dự án truyền thông một cách linh hoạt, kịp thời, nhanh chóng và chuẩn mực.
Với mục tiêu thực hiện quản trị và xử lý tốt các nguy cơ dẫn đến khủng hoảng, tạo nguy cơ khủng hoảng truyền thông trong dự án truyền thông, với mỗi dự án cần xác định rõ vai trò của quản trị dự án, tác động của khủng hoảng, sự ảnh hưởng của truyền thông với việc thực hiện dự án và cái nhìn của công chúng đối với các nội dung của dự án, hiệu quả của dự án truyền thông sau khi kết thúc. Nói các khác là việc đảm bảo kết quả dự án truyền thông đúng như mong muốn ban đầu đặt ra và giảm thiểu các nguy cơ phá vỡ kế hoạch trong thực hiện dự án truyền thông cần được giải quyết một cách bài bản, khoa học và đầy đủ.
Quản trị tốt khủng hoảng, đảm bảo thành công của dự án truyền thông
Quản trị khủng hoảng là quá trình kiểm soát một cách có cơ sở khoa học, lý luận chặt chẽ trên cơ sở thực tế của quá trình vận hành từ đó có thể kịp thời ngăn chặn, giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực có thể gây ảnh hưởng đến kết quả của dự án hoặc tiến trình xây dựng, triển khai dự án.
Dự án truyền thông là một dạng dự án đặc thù, có tác động ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng công chúng đích của dự án, do đó rất cần thiết thực hiện hoạt động quản trị khủng hoảng trong triển khai dự án truyền thông nhằm giảm thiểu khủng hoảng, tránh những tiêu cực, tác dụng ngược có thể xảy ra trong quá trình triển khai dự án.
Quản trị khủng hoảng trong dự án truyền thông bao gồm cả quản trị tiến trình thực hiện dự án để phòng ngừa bởi tính thời sự và các yếu tố riêng của dự án truyền thông đối với công chúng và xã hội. Đồng thời, quản trị khủng hoảng trong dự án truyền thông cũng thực hiện nhiệm vụ giám sát quá trình quản trị mục tiêu của dự án truyền thông để có thể nhận diện các nguy cơ, điều chỉnh nội dung, giải pháp trong quá trình triển khai dự án để đạt kết quả tốt nhất theo mục tiêu đặt ra.
Để đảm bảo sự thành công của dự án truyền thông, việc thực hiện giám sát và ngăn chặn những thông tin tiêu cực có thể đe dọa đến sự thành công khi thực hiện tiến trình của dự án là vô cùng quan trọng và cần thiết. Từ hoạt động giám sát, có thể đánh giá, dự báo nguy cơ cũng như xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết cho từng tình huống xảy ra trong các giai đoạn thực hiện dự án để đảm bảo ở mỗi giai đoạn của tiến trình thực hiện dự án không xảy ra khủng hoảng, không chịu tác động của các thông tin tiêu cực gây ảnh hưởng đến kết quả, chỉ tiêu, mục tiêu của dự án và quan trọng nhất là gia tăng giá trị thực tiễn cho dự án.
Để đánh giá việc quản trị khủng hoảng tốt hay không đối với dự án truyền thông cần lưu ý đến một số tiêu chí cụ thể như:
Về tốc độ phản hồi thông tin: các thông tin đưa ra có tạo nên sự chú ý của công chúng đích hay chưa, việc phân phối trên các nền tảng báo chí, truyền thông có phù hợp hay không với công chúng đích để nhận được sự phản hồi nhanh chóng từ công chúng? Việc phản hồi nhanh chóng giúp nhà quản trị đánh giá được mức độ quan tâm, nguy cơ xảy ra khủng hoảng truyền thông hay thông tin tích cực, trung tính, tiêu cực để ra quyết định cho những hành động tiếp theo.
Về nội dung thông điệp: Nhất quán ở tất cả các kênh hay không? Có được phổ biến đến công chúng một cách đồng bộ hay chưa? Sự nhất quán trong thông điệp ở tất cả các kênh giúp tránh được sự hiểu lầm, tạo niềm tin mạnh mẽ trong công chúng.
Về mức độ phủ thông tin và cảm xúc truyền thông: Để đánh giá được tiêu chí này cần sử dụng các công cụ công nghệ như social listening, Google Alerts... để đánh giá tần suất xuất hiện thông tin truyền thông, theo dõi sự đánh giá của công chúng là tích cực, tiêu cực hay trung tính, từ đó đánh giá cảm xúc về nhận thức thông tin trong công chúng.
Tương tác với công chúng và truyền thông:
Căn cứ và sự tương tác, các câu hỏi được đặt ra sau mỗi thông điệp liên quan đến dự án được phát ra, nội dung câu hỏi, sự hài lòng trong các câu trả lời của công chúng trên các kênh là tiêu chí đánh giá nhằm giúp chủ thể truyền thông của dự án lắng nghe ý kiến, kiểm soát thông tin và củng cố niềm tin ở công chúng.
Quản trị khủng hoảng khi thực hiện dự án truyền thông trên môi trường số
Khi truyền thông số và truyền thông xã hội phát triển trong môi trường “siêu kết nối” thì hoạt động quản trị khủng hoảng truyền thông được ưu tiên và tính đến ngay khi bắt đầu xây dựng một kế hoạch thực hiện nào đó.
Theo nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett, “Phải mất 20 năm để xây dựng danh tiếng, nhưng chỉ cần 5 phút để hủy hoại nó. Nếu bạn nghĩ về điều đó, bạn sẽ làm mọi thứ khác đi”. Câu nói này được trích từ một trong những bức thư thường niên ông gửi tới các cổ đông của mình thể hiện rõ mức độ mong manh của danh tiếng doanh nghiệp trong thời đại truyền thông số, nơi một sự cố nhỏ có thể bị khuếch đại lên thành khủng hoảng lớn, gây tổn hại sâu sắc đến hình ảnh thương hiệu và mối quan hệ với khách hàng.
GS. Timothy Coombs, chuyên gia hàng đầu về quản trị khủng hoảng tại Đại học Central Florida, nhận định: “Khủng hoảng truyền thông không chỉ là một thách thức tạm thời, nó có thể để lại hậu quả lâu dài nếu không được quản lý đúng cách”. Theo Coombs, sự chuẩn bị từ trước và khả năng phản ứng nhanh chóng là yếu tố quyết định trong việc bảo vệ uy tín khi khủng hoảng xảy ra.
Theo nhà tư tưởng và tác giả nổi tiếng Seth Godin, “Khủng hoảng không phải là vấn đề thực sự mà là cách bạn xử lý nó”. Godin nhấn mạnh rằng cách phản ứng và quản lý khủng hoảng truyền thông có thể biến một tình huống khó khăn thành cơ hội để củng cố lòng tin và cải thiện hình ảnh thương hiệu, nếu được xử lý một cách khôn ngoan và thấu đáo. Nhận định này bổ sung cho quan điểm của Warren Buffett và Timothy Coombs, nhấn mạnh rằng trong môi trường truyền thông số ngày nay, khả năng xử lý khủng hoảng một cách chủ động và thông minh là yếu tố quyết định sự thành công trong mỗi dự án truyền thông
Như vậy, để một hoạt động trở nên hiệu quả, đúng mục tiêu đồng thời giảm thiểu nguy cơ tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến hoạt động của mình trên phương diện truyền thông số, công tác dự báo và quản trị khủng hoảng truyền thông là vô cùng cần thiết, nó là một quá trình đòi hỏi sự kỹ lưỡng từ khi xây dựng kế hoạch, xác định mục tiêu, đối tượng cũng như dự báo, đo lường được các vấn đề có thể xảy ra khủng hoảng trên truyền thông trong quá trình thực hiện nhằm giải quyết mọi vấn đề phát sinh trên truyền thông một cách hiệu quả, bảo vệ uy tín, danh dự và độ tin cậy của công chúng đối với hoạt động đó.
Tương tự, trong triển khai dự án truyền thông, một dạng dự án gắn chặt với các hoạt động truyền thông thì việc quản trị khủng hoảng trong dự án truyền thông là vấn đề sống còn của dự án. Việc hoàn thành tốt dự án hay không yếu tố quản trị khủng hoảng đóng vai trò quan trọng và song hành cùng các bước thực hiện dự án để đảm bảo dự án đó diễn ra trơn chu và hoàn chỉnh. Quản trị khủng hoảng truyền thông trong dự án truyền thông đảm bảo rằng mọi hoạt động của dự án không gây ra bất cứ sự tranh cãi mang tính tiêu cực nào trên phương diện truyền thông đối với dự án đang diễn ra. Đồng thời, việc quản trị khủng hoảng truyền thông trong dự án truyền thông cũng giảm thiểu các rủi ro, đưa dự án đi đúng quỹ đạo, giảm thiểu chi phí, tăng độ tin cậy và tăng hiệu quả của dự án.
Trên môi trường truyền thông số việc dự báo và quản trị khủng hoảng càng phải được tính toán kỹ lưỡng từ việc xác định mục tiêu, xác định đối tượng thụ hưởng thông tin hay công chúng đích, nội dung thông điệp, các yếu tố “nhiễu” có thể tác động và cần xác định các kịch bản diễn ra khi thông điệp được phổ biến trên các kênh, việc đón nhận phản hồi, xử lý phản hồi, điều tiết thông tin, định hướng dư luận trên các kênh số như thế nào để đảm bảo thành công của dự án ở mức cao nhất và tạo nên sự đồng tình, ủng hộ của công chúng dành cho dự án.
Trong bất kỳ dự án nào được thực hiện trên môi trường số, việc quản trị và dự báo nguy cơ truyền thông để xây dựng các kịch bản đối phó và xử lý là cực kỳ quan trọng. Sự phát triển của công nghệ 4.0 mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ. Các dự án truyền thông lớn trên môi trường số cần quản lý rủi ro liên quan đến bảo mật dữ liệu, tác động truyền thông và sự an toàn của thông tin địa lý nhạy cảm.
Một dự án mà chúng tôi đã thực hiện đó là dự án 1034 chuyển đổi số, đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đây là một dự án lớn, có sức ảnh hưởng rộng và diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn những diễn biến phức tạp. Với khát vọng thay đổi tư duy, nhận thức của người nông dân và tạo ra kênh giao thương kết nối trực tiếp giữa người mua, người bán, người sản xuất thông qua sàn TMĐT. Những người làm dự án đã rất nỗ lực xây dựng các nội dung, tổ chức hội thảo khoa học, chương trình đào tạo, bổ sung kỹ năng, kiến thức về kinh tế số, về TMĐT và cách thức bán hàng, tiếp cận khách hàng cho người nông dân trên môi trường số.
Với đối tượng thụ hưởng thông tin rất đặc biệt, đa dạng, khả năng nhận thức vấn đề khác nhau, khả năng cảm thụ, tiếp thu công nghệ cũng hoàn toàn khác nhau do đó, những nguy cơ về khủng hoảng và khủng hoảng truyền thông là vô cùng đa dạng, đòi hỏi mỗi thành viên của dự án, mỗi phóng viên theo dõi phải rất kỹ càng để tổ chức các hoạt động truyền thông bài bản từ chủ trương, từ phản ánh sự kiện, phổ biến nội dung, khát vọng, mục đích và kết quả mà dự án mang lại cho người dân, cụ thể là cho người nông dân có thể tránh được hiện tượng được mùa mất giá, tư thương ép giá, thiếu thông tin để tổ chức sản xuất đúng chủng loại, sơ chế, chế biến, bảo quản, cũng như tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu nông sản nhằm gia tăng giá trị, đáp ứng yêu cầu của sàn TMĐT, logistics, phát hàng cho người mua...
Do đó, việc phát nội dung gì, trên kênh nào để nhanh nhất, gần nhất đến người nông dân cũng phải được tính toán chính xác. Đối với dự án này, Kênh truyền hình Quốc gia, những tờ báo uy tín như Vietnamnet.vn, vnexprees.vn, nongnghiep. vn, congthuong.vn và các báo in liên quan như Nông nghiệp, Nông thôn được chú trọng. Đặc biệt là kênh phát thanh cơ sở, thôn xã, truyền thông truyền miệng trong các hội nghị, trưởng thôn, trưởng bản được tận dụng tối đa bên cạnh các kênh truyền thông số.
Công tác quản trị khủng hoảng, xử lý khủng hoảng của dự án được đặt lên hàng đầu bởi đối với nông sản, việc bảo quản, vận chuyển, hay làm thế nào để các sàn TMĐT, các đại lý, hợp tác xã, các siêu thị lớn sẵn sàng hợp tác là rất quan trọng. Để tạo dựng lòng tin, sự đồng thuận cho số lượng công chúng rất đông, rất đa dạng là rất phức tạp.
Tất cả các yếu tố, các khả năng, các tình huống có thể xảy ra trong quá trình triển khai dự án đều được các chuyên gia của Ngành TT&TT tham gia dự án đặt ra và tìm cách giải quyết, theo đó trong suốt giai đoạn 2020 - 2022 đã có hàng trăm cuộc hội thảo khoa học, hàng ngàn buổi tập huấn cho hàng triệu hộ nông dân. Đến nay, trên sàn TMĐT buudien.vn đã có hơn 3 triệu sản phẩm OCOP đạt chuẩn lên sàn, hàng ngàn phiên livestream bán hàng của người nông dân tại vùng trồng được thực hiện. Nông sản Việt đã có nhãn dán, bao bì nhận diện thương hiệu đạt chuẩn tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Có thể nói dự án 1034 và hoạt động truyền thông của dự án đã có những thành công đáng kể.
Để đảm bảo tiến trình thực hiện dự án truyền thông cần tuân thủ nghiêm các nguyên tắc trong trong thực hiện dự án và xử lý khủng hoảng
Trong kỷ nguyên công nghệ số, khi Internet ra đời cùng các nền tảng truyền thông xã hội phát triển đã tạo nên bước nhảy vọt trong truyền thông. Khi thực hiện các dự án truyền thông thì việc xác định thông điệp, nội dung thông tin, đối tượng công chúng đích cũng như mong muốn thực hiện của dự án; kênh chuyển tải thông tin và việc lắng nghe phản hồi thông tin đương nhiên phải thực hiện. Song để giảm thiểu và triệt tiêu các yếu tố gây “nhiễu” ở tất các các bước thực hiện dự án chính là đảm bảo dự án đi đúng hướng, phát huy lợi thế, điểm mạnh, cơ hội, giảm thiếu điểm yếu và thách thức trong triển khai.
Bên cạnh đó, việc quản trị khủng hoảng trong triển khai dự án truyền thông cho phép nhà quản trị kịp thời nhận biết những dấu hiệu khủng hoảng, nguy cơ khủng hoảng và chủ động ứng phó, xử lý khủng hoảng (nếu có) cũng như đánh giá, rút kinh nghiệm, thay đổi một số nội dung hoặc toàn bộ dự án đảm bảo kết quả kỳ vọng được thực hiện đúng như dự kiến ban đầu.
Trước tiên cần nhận diện và dự báo khủng hoảng
Nhận diện những dấu hiệu tiêu cực của quá trình thực hiện dự án từ đó đề xuất để điều phối các hoạt động trong triển khai dự án đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng và chỉ tiêu ngay từ khi xây dựng kế hoạch, phân tích các yếu tố, các tác nhân thực hiện dự án. Cần trả lời được các câu hỏi 5W và 1H, cụ thể:
What: Cái gì đang xảy ra, nguyên nhân tạo ra nguy cơ xảy ra khủng hoảng từ đó có thể xây dựng kịch bản xử lý khủng hoảng truyền thông trong tương lai nếu có.
Where: Nguy cơ xảy ra khủng hoảng nằm ở nội dung nào, nó có thể xảy ra ở đâu, trên các kênh truyền thông nào, lĩnh vực nào sẽ quan tâm đến nội dung này? Chúng ta cần thực hiện và xử lý khủng hoảng nếu xảy ra ở đâu?
When: Những thời điểm nào có nguy cơ cao dẫn đến khủng hoảng trong quá trình triển khai dự án, khi nào thì cần chú trọng phòng ngừa khủng hoảng, khi nào thì cần áp dụng kịch bản nào để xử lý triệt để khủng hoảng giúp thực hiện tốt dự án.
Why: Những nguyên nhân cần được dự báo trước để phòng ngừa rủi ro khi triển khai dự án. Nếu xảy ra khủng hoảng thì xác định rõ nguyên nhân là gì? Tại sao lại xảy ra khủng hoảng từ đó đưa ra các phương án xử lý phù hợp.
Who: Những đối tượng nào có thể gây nên khủng hoảng? nếu khủng hoảng xảy ra thì ai sẽ là người bị ảnh hưởng?
How: Chúng ta phải làm gì để giảm thiểu rủi ro, không để xảy ra bất kỳ khủng hoảng nào trong suốt quá trình triển khai dự án? Ở các giai đoạn thực hiện dự án, việc quản trị rủi ro và phòng ngừa khủng hoảng phải thực hiện ở những giai đoạn nào? Nếu xảy ra khủng hoảng chúng ta phải thực hiện công việc như thế nào? Các khoảng chi phí và thiệt hại sẽ là bao nhiêu nếu xảy ra rủi ro cần xử lý.
Tiếp theo là: ngăn chặn tác động tiêu cực
Trong bất cứ dự án truyền thông nào luôn tiềm ẩn các nguy cơ dẫn đến khủng hoảng, việc đánh giá, xây dựng kịch bản ứng phó và xử lý khủng hoảng song hành cùng dự án là điều vô cùng cần thiết. Việc quan tâm đúng và đầy đủ, xuyên suốt ở các cấp quản lý, triển khai cho phép nhận diện dấu hiệu bất thường từ đó kịp thời ngăn chặn nhằm giảm thiểu thiệt hại cũng như tránh để sự việc xảy ra quá lâu, quá nhiều không thể khắc phục; giảm thiểu nguy cơ tiềm ẩn của khủng hoảng và khủng hoảng truyền thông.
Việc nhận diện nguy cơ xảy ra khủng hoảng truyền thông ngay khi khủng hoảng chưa xảy ra hoặc ở mức độ có dấu hiệu cần thực hiện đánh giá nhanh về mức ảnh hưởng, khả năng ảnh hưởng và dự báo những tình huống có thể xảy ra để lập kế hoạch xử lý khủng hoảng và khủng hoảng truyền thông kịp thời ngăn chăn tác động tiêu cực vào quá trình thực hiện dự án cũng như đảm bảo hiệu quả mong muốn của dự án.
Đưa ra các tình huống giả định để nhận diện nguy cơ
Dựa vào tiến trình thực hiện dự án truyền thông, thời gian triển khai các hạng mục trong dự án để đưa ra các tình huống giả định từ đó tìm ra các giải pháp hiệu quả trong quản trị khủng hoảng.
Tình huống giả định cũng giúp việc quản trị khủng hoảng ở thế “chủ động” và luôn sẵn sàng ứng phó với tất cả các tình huống có thể xảy ra trong quá trình thực hiện dự án.
Có một vấn đề quan trọng hơn là việc xây dựng các tình huống giả định còn có thể giám sát, phản biện việc nên hay không nên thực hiện một hay một số nội dung của dự án theo dự kiến đặt ra. Trên cơ sở đó Nhà quản trị sẽ phân tích, tính toán và đánh giá hiệu quả để đưa ra quyết định nên thực hiện dự án theo phương thức nào, nội dung nào.
Đánh giá khủng hoảng để nhìn nhận rõ các vấn đề của dự án
Trong trường hợp nhận biết được dấu hiệu hoặc khi bắt đầu xảy ra khủng hoảng cần nhìn nhận rõ vấn đề, đánh giá và khoanh vùng phạm vi khủng hoảng.
- Xác định rõ nguyên nhân khủng hoảng để xác định các yếu tố liên quan, đánh giá sơ bộ và dự báo tính hình.
- Đánh giá mức độ ảnh hưởng để có kịch bản ứng phó phù hợp với từng tình huống có thể xảy ra. - Xây dựng biểu danh sách các công việc cần làm, các đầu mối cần liên hệ để nhanh chóng giải quyết khủng hoảng, tránh để truyền thông gây ảnh hưởng đến quá trình thực hiện dự án.
- Đánh giá chính xác khủng hoảng có thể tìm ra các lỗ hổng, các vấn đề chưa đầy đủ, thiếu chính xác của dự án cần được “lấp đầy” và hoàn thiện để dự án vận hành đúng chủ đích, mục tiêu đặt ra. - Giám sát việc thực hiện các biện pháp quản lý khủng hoảng, phát hiện sự bất hợp lý giữa kế hoạch, dự án và thực tiễn triển khai; Giảm sát quá trình xử lý khủng hoảng để điều chỉnh khi cần thiết tránh khủng hoảng kép.
Ví dụ, có thể thấy rằng, việc quản trị khủng hoảng trong dự án truyền thông trước kỷ nguyên công nghệ số hiện nay cần được tính toán ngay từ đầu và là một phần không thể tách rời khi xây dựng dự án truyền thông bởi, trong môi trường truyền thông số hiện nay, những thông tin liên quan nói chung và thông tin bất lợi có nguy cơ tạo ra khủng hoảng khi triển khai dự án hoàn toàn có thể được (bị) lan tỏa một cách nhanh chóng trên môi trường Internet và tất nhiên nó có thể không được kiểm soát hoặc vượt quá tầm kiểm soát của chủ thể truyền thông gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình triển khai dự án và những kết quả tích cực mà dự án mang lại cho công chúng./.
Tài liệu tham khảo:
1. Bài giảng: Thiết kế và quản lý dự án Truyền thông, TS. Lê Thu
Hà, Viện Báo chí Truyền thông, Học viện Báo chí và Tuyên
truyền, 2023.
2. Quản lý khủng hoảng, Định Thị Thanh Thủy (TBT), Hoàng Thị
Hường (chịu trách nhiệm bản thảo) và cộng sự, Nxb Tổng hợp
TP Hồ Chí Minh, 2016.
3. Truyền thông trong khủng hoảng, R.R. Ulmer, T.L. Sellmow
M.W. Seeger, Nxb Tri thức, 2009.
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 tháng 10/2024)