Báo chí truyền thông và vấn đề quyền riêng tư
Truyền thông - Ngày đăng : 16:00, 21/12/2024
Báo chí truyền thông và vấn đề quyền riêng tư
Vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cũng được coi như là một phần của việc bảo vệ quyền con người, và quyền riêng tư cần được tôn trọng, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông số hiện nay - khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại có khả năng thu thập và phát tán thông tin, hình ảnh đời tư của con người một cách dễ dàng và vô cùng nhanh chóng.
Tóm tắt:
- Quyền riêng tư: Quyền của cá nhân đối với thông tin riêng tư, bao gồm thân thể, sức khỏe, tài chính, thư tín, và đời sống cá nhân.
- Hoạt động báo chí thường xâm phạm quyền riêng tư, đặc biệt khi khai thác thông tin về người nổi tiếng.
- Trách nhiệm của báo chí:
+ Tôn trọng quyền riêng tư, không đăng tải thông tin bí mật mà không có sự đồng ý.
+ Cân nhắc giữa quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư.
- Hệ lụy: Xâm phạm quyền riêng tư có thể gây tổn thương tinh thần, danh dự và ảnh hưởng đến xã hội.
- Gợi ý cho người làm báo chí:
+ Tôn trọng quyền riêng tư: Không xâm phạm đời sống cá nhân, không đăng tải thông tin khi không có sự đồng ý.
+ Kiểm chứng thông tin: Đảm bảo tính chính xác, không đăng tin giả hay xuyên tạc.
+ Đào tạo: Cần có khóa học về quyền riêng tư cho nhà báo.
+ Nâng cao nhận thức: Cả nhà báo và công chúng cần cập nhật kiến thức về bảo mật thông tin.
+ Cân nhắc nội dung: Chỉ cung cấp thông tin có giá trị cho công chúng, tránh thỏa mãn sự tò mò một cách thái quá.
Pháp luật về quyền riêng tư
Đời tư và những sinh hoạt, thông tin cá nhân tạo nên một phần quan trọng của đời sống con người trong xã hội hiện đại. Tôn trọng và bảo vệ quyền riêng tư là một trong những vấn đề được nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới quan tâm [1].
Từ góc độ của người làm báo chí truyền thông, khi nói đến quyền riêng tư2 là nói đến quyền của cá nhân đối với thông tin về những vấn đề thuộc đời sống riêng tư mình như cơ thể cá nhân, sức khỏe, tư gia, những quan hệ tình cảm cá nhân, tình hình tài chính cá nhân, gia đình riêng, sinh hoạt cá nhân riêng tư, thư tín riêng tư, những bí mật đời tư, danh tính …Thông tin về những vấn đề riêng tư này khá nhạy cảm vì nếu bị tiết lộ công khai đến đông đảo mọi người mà không có sự đồng ý của chính nhân vật thì có thể gây bối rối, xấu hổ, ảnh hưởng đến tinh thần hoặc đe dọa đến danh dự, nhân phẩm, uy tín và sự an toàn, ổn định của cuộc sống cá nhân.
Chính vì vậy, vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cũng được coi như là một phần của việc bảo vệ quyền con người, và quyền riêng tư cần được tôn trọng, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông số hiện nay - khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại có khả năng thu thập và phát tán thông tin, hình ảnh đời tư của con người một cách dễ dàng và vô cùng nhanh chóng.
Pháp luật về quyền riêng tư
Đời tư và những sinh hoạt, thông tin cá nhân tạo nên một phần quan trọng của đời sống con người trong xã hội hiện đại. Tôn trọng và bảo vệ quyền riêng tư là một trong những vấn đề được nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới quan tâm1. Từ góc độ của người làm báo chí truyền thông, khi nói đến quyền riêng tư [2] là nói đến quyền của cá nhân đối với thông tin về những vấn đề thuộc đời sống riêng tư mình như cơ thể cá nhân, sức khỏe, tư gia, những quan hệ tình cảm cá nhân, tình hình tài chính cá nhân, gia đình riêng, sinh hoạt cá nhân riêng tư, thư tín riêng tư, những bí mật đời tư, danh tính... Thông tin về những vấn đề riêng tư này khá nhạy cảm vì nếu bị tiết lộ công khai đến đông đảo mọi người mà không có sự đồng ý của chính nhân vật thì có thể gây bối rối, xấu hổ, ảnh hưởng đến tinh thần hoặc đe dọa đến danh dự, nhân phẩm, uy tín và sự an toàn, ổn định của cuộc sống cá nhân.
Chính vì vậy, vấn đề bảo vệ quyền riêng tư cũng được coi như là một phần của việc bảo vệ quyền con người, và quyền riêng tư cần được tôn trọng, đặc biệt là trong bối cảnh bùng nổ truyền thông số hiện nay - khi mà các phương tiện truyền thông hiện đại có khả năng thu thập và phát tán thông tin, hình ảnh đời tư của con người một cách dễ dàng và vô cùng nhanh chóng.
Với sự phát triển và tiến bộ của xã hội, quyền riêng tư ngày càng được quan tâm và tôn trọng. Ví dụ, Khoản 1, Điều 20, Hiến pháp 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kì hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Điều 21, Hiến pháp 2013 quy định rõ về bảo vệ quyền riêng tư của con người:
1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự và uy tín của mình.
Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật đảm bảo an toàn.
2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.
Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.
Điều 22, Hiến pháp 2013 cho thấy sự bảo vệ quyền riêng tư với nơi ở:
1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp.
2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.
3. Việc khám xét chỗ ở do luật định.
Điều 38, Luật Dân sự 2015 nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình:
Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình
1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.
2.Việc thu thập, lưu trữ, sử dụng công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác.
3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.
Việc bóc mở, kiểm soát, thu thập thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.
Những quy định nói trên cho thấy pháp luật Việt Nam rất quan tâm và bảo vệ quyền riêng tư của con người. Tương tự, tại Mỹ, châu Âu... cũng có những quy định pháp luật nhằm bảo vệ quyền riêng tư của con người. Nhìn chung, quyền riêng tư là một trong những quyền quan trọng của con người, được pháp luật nhiều quốc gia quan tâm, coi trọng và bảo vệ.
Báo chí truyền thông và quyền riêng tư
Thực tiễn hoạt động của báo chí, truyền thông có nhiều liên quan đến vấn đề quyền riêng tư. Do đặc trưng của báo chí là khai thác và công bố thông tin nên sẽ có những thông tin liên quan đến cá nhân con người. Đặc biệt, hiện nay, báo chí về người nổi tiếng là một nội dung khá phổ biến và thu hút công chúng. Người nổi tiếng không chỉ bao gồm các ngôi sao ca nhạc, điện ảnh... mà còn có thể là những chính trị gia, những nhà khoa học, những nhân vật có ảnh hưởng trong xã hội...
Thông tin về những nhân vật này đóng góp một phần trong nội dung mà báo chí mang đến cho công chúng, và công chúng cũng có thể có nhu cầu được biết nhiều thông tin về những ngôi sao này. Sự tò mò của công chúng có thể dẫn đến việc công chúng muốn biết đến hoặc theo dõi đời tư của người nổi tiếng. Báo chí, truyền thông - đặc biệt là hoạt động trong cơ chế thị trường - cũng đáp ứng nhu cầu của công chúng để phát triển và tồn tại. Do đó dẫn đến việc báo chí truyền thông khai thác và đăng tải thông tin về đời tư của người nổi tiếng.
Bên cạnh đó, những nội dung viết về con người, tuy không phải là người nổi tiếng, nhưng có những thông tin có giá trị tin tức, thì cũng có thể liên quan đến những nội dung đời tư cá nhân.
Ví dụ: một vụ án xảy ra thì trong quá trình điều tra, đưa thông tin có thể sẽ liên quan đến một thông tin riêng tư của nhân vật. Các trang mạng xã hội cũng là nơi có nhiều thông tin cá nhân được đăng tải như hình ảnh, nơi ở, tin nhắn riêng tư... Do đó, báo chí, truyền thông hiện nay trên thực tế có chứa đựng, đăng tải hoặc phải xử lý thông tin liên quan đến đời tư. Điều đó đặt ra trách nhiệm của báo chí truyền thông trong việc tôn trọng quyền riêng tư của các nhân vật, con người trong quá trình hoạt động.
Ở nước ta, Luật Báo chí 2016 quy định rõ ràng về việc khai thác thông tin riêng tư, trong đó thể hiện sự bảo vệ với quyền riêng tư.
Điểm c, khoản 2, Điều 25, của Luật Báo chí có quy định về quyền và nghĩa vụ của nhà báo: “Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và các bí mật khác theo quy định của pháp luật.”
Điểm a, Khoản 2, Điều 38 của Luật Báo chí quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí trong các trường hợp sau đây: Thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước; bí mật thuộc nguyên tắc và quy định của Đảng, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, người làm báo phải tôn trọng quyền riêng tư và không được cung cấp thông tin thuộc bí mật đời tư nếu không được bản thân nhân vật đồng ý.
Tuy nhiên, ở đây có thể thấy một vấn đề quan trọng đặt ra với báo chí truyền thông khi xử lý các thông tin riêng tư: đó là sự mâu thuẫn giữa quyền riêng tư và quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là quyền được pháp luật công nhận; tuy nhiên, nó không phải là quyền tuyệt đối mà việc thực hiện nó cần được đặt trong khuôn khổ quy định của pháp luật để tránh xung đột với những quyền khác, trong đó có quyền riêng tư. Luật Báo chí 2016 của Việt Nam đã quy định về quyền của nhà báo, song cũng nêu rõ báo chí không được cung cấp thông tin bí mật đời tư nếu không có sự cho phép. Trên thế giới, đã xảy ra nhiều vụ việc nhân vật kiện báo chí vì đã đăng tải công khai thông tin bí mật đời tư của họ.
Sự bảo vệ của pháp luật là rất cần thiết để hạn chế hoạt động báo chí truyền thông quá mức gây tổn thương hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến nhân vật. Thực vậy, sự tập trung quá lớn của báo chí truyền thông vào một nhân vật nổi tiếng có thể gây áp lực đối với họ, và không phải ai cũng đủ bản lĩnh để chịu đựng sự đeo bám của giới báo chí, truyền thông, với những ống kính, ánh đèn flash, máy ghi âm liên tục chĩa vào mặt, vào nhà ở, vào từng hành động trong đời sống của họ.
Việc không gian riêng tư bị xâm phạm không chỉ gây phiền hà, khó chịu, thậm chí là đau khổ, tổn thương cho nhân vật mà còn có thể gây ồn ào, xáo trộn, làm mất trật tự an ninh xã hội. Nếu không có sự kiểm soát nhất định, không có những giới hạn nhất định được đặt ra, báo chí truyền thông có thể tự do không ngừng đào sâu, thổi phồng những khía cạnh riêng tư của một câu chuyện để thỏa mãn sự hiếu kì của một bộ phận công chúng, và điều đó sẽ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội: xoáy quá sâu vào những vấn đề tiêu cực, gây tổn thương những người liên quan, còn công chúng tập trung tò mò vào những câu chuyện cá nhân thay vì chú ý đến những vấn đề quan trọng khác của xã hội...
Như vậy, sự bảo vệ của pháp luật, của nhà nước đối với quyền riêng tư giúp bảo vệ con người, bảo vệ danh dự, nhân phẩm của con người và góp phần giữ gìn, duy trì sự ổn định, trật tự của xã hội.
Tuy vậy, trong một số trường hợp, chính nhân vật lại muốn công khai câu chuyện của bản thân vì những mục đích riêng. Nhưng điều cần lưu ý là câu chuyện mà họ kể ra đó không chỉ của một mình họ mà có thể còn liên quan đến những người khác, trong khi những người đó chưa chắc đã muốn chia sẻ công khai câu chuyện hoặc những nhân vật liên quan đó không cảm thấy thoải mái khi chuyện liên quan đến họ bị đưa ra công khai trước công chúng.
Đã từng xảy ra những câu chuyện sau khi hồi kí kể chuyện đời tư được xuất bản thì gây ra dậy sóng, tranh cãi hoặc khiến nhiều người liên quan phản ứng. Do đó, người quyết định đưa câu chuyện riêng tư ra công chúng thì cần chịu trách nhiệm về hành động của mình, bởi sự riêng tư không phải chỉ là của riêng mình mà còn là của những người khác có liên quan đến câu chuyện của mình.
Một mâu thuẫn khác cũng đáng lưu ý là mâu thuẫn giữa “sự thật” và “quyền riêng tư”. Nhà báo có trách nhiệm đưa tin trung thực, song cũng không được xâm phạm vào quyền riêng tư của con người. Về vấn đề này, luật pháp của các quốc gia có thể có những cách quy định khác nhau. Theo tác giả Bradshaw (2018, trang 213), tại Anh và châu Âu, tòa án cho phép cấm truyền thông những thông tin riêng tư kể cả những thông tin đó là thật. Còn tại Mỹ, luật về vấn đề này không giống như ở Anh. Ở Mỹ, có những trường hợp người ta có thể viết hồi kí, sách, trả lời phỏng vấn truyền hình... bộc lộ những câu chuyện đời tư, chuyện gia đình.
Một điều nữa cũng rất đáng quan tâm là khả năng việc sử dụng khái niệm “quyền riêng tư” có thể mơ hồ trong một số trường hợp. Tính hai mặt của vấn đề bảo vệ bí mật cá nhân đang gây tranh cãi, ví dụ như một một ứng dụng tin nhắn được bảo mật tốt, không cho phép ai ngoài người sử dụng theo dõi và nắm nội dung thông tin, thì lại có thể bị tội phạm lợi dụng để phục vụ hoạt động phi pháp. Trong một số trường hợp, chính nhân vật muốn bộc lộ thông tin cá nhân vì mục đích riêng, thậm chí bán câu chuyện riêng của bản thân, gia đình cho giới truyền thông để được một số lợi ích.
Việc thực hiện bảo vệ quyền riêng tư cũng gặp khó khăn, thách thức trong bối cảnh thời đại số. Ví dụ, với sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội hiện nay, một mặt đáp ứng, thỏa mãn nhu cầu thông tin của công chúng, mặt khác cũng tạo ra những lỗ hổng về việc bảo vệ quyền riêng tư. Dữ liệu cá nhân có thể bị lấy cắp và rao bán trên mạng Internet [3]. Đã xảy ra những vụ việc về tài khoản bị hack, bị giả mạo để thực hiện những hành vi lừa đảo, thậm chí là bôi nhọ. Trên mạng xã hội có thể xuất hiện những thông tin giả về người nổi tiếng bằng cách sử dụng các hình ảnh, thông tin đã từng có trước đó về họ. Tin giả cho đến nay vẫn là vấn đề chưa thể giải quyết triệt để.
Một vài gợi ý với người làm báo chí truyền thông khi thu thập, xử lý và sử dụng các thông tin liên quan đến quyền riêng tư
Người làm báo chí truyền thông nên:
- Thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí nhưng không vi phạm quyền riêng tư. Điều này có nghĩa là phóng viên không đột nhập vào tư gia để ghi hình, lấy tin, không tự ý đăng tải những hình ảnh sinh hoạt riêng tư của cá nhân khi chưa được phép, người hoạt động trên mạng xã hội (MXH) khi đăng tải các bài viết, clip... không kể chi tiết kèm danh tính chuyện riêng tư của bạn bè, người quen, đồng nghiệp... trên MXH.
- Biết rõ những loại thông tin thuộc loại riêng tư, nắm vững các quy định của pháp luật về các loại thông tin này và tôn trọng, tuân thủ những quy định đó. Không bất chấp, vi phạm quyền riêng tư để khai thác, thu thập thông tin và đăng tải (như đăng tải/công khai thông tin về chuyện quan hệ tình cảm cá nhân mà không được sự cho phép của nhân vật...). Phóng viên có trách nhiệm bảo vệ nguồn tin theo quy định của pháp luật. Các cơ quan báo chí nên tổ chức các khóa học cho phóng viên, biên tập viên để cung cấp, cập nhật thông tin về quy định pháp luật về quyền riêng tư, huấn luyện kĩ năng làm việc với người nổi tiếng, xử lý thông tin về người nổi tiếng...
Việc nắm vững và tuân thủ đúng quy định của luật pháp quốc gia và cả quốc tế về lĩnh vực này giúp tránh xảy ra các trường hợp vi phạm quyền riêng tư dẫn đến kiện tụng, tranh cãi giữa cá nhân và cơ quan báo chí hoặc giữa cá nhân với người làm truyền thông, tránh gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan báo chí, người làm truyền thông. Trong điều kiện nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới và xu hướng toàn cầu hóa truyền thông thì việc tuân thủ luật pháp quốc tế về quyền riêng tư càng cần thiết hơn. Cần lưu ý các quốc gia có những quy định khác nhau về quyền riêng tư.
Do đó, cần tìm hiểu kĩ trước khi khai thác và đăng tải thông tin mang tính riêng tư từ nguồn báo chí truyền thông những quốc gia, khu vực này.
- Khi đăng tải những thông tin riêng tư, bí mật đời tư, cần được sự đồng ý của nhân vật, trừ những trường hợp tin, bài được sản xuất nhằm phục vụ lợi ích chung (lợi ích chính đáng của cộng đồng, của xã hội, của đất nước). Khi đăng những thông tin riêng tư, nhạy cảm thì cần thực hiện các biện pháp bảo vệ danh tính như vật như viết tắt tên, làm mờ mặt... Trong trường hợp nhân vật tự nguyện công bố thông tin riêng tư, bản thân nhân vật cần có sự cam kết và trách nhiệm trong hành động của mình.
- Khi khai thác thông tin, tránh gây phiền hà, khó chịu cho nhân vật. Với những đối tượng dễ bị xâm phạm quyền riêng tư như trẻ em, người bệnh, người nổi tiếng, người thuộc các nhóm nhạy cảm như LGBT..., trên thực tế, pháp luật có quy định bảo vệ họ. Cần nắm vững, tuân thủ những quy định pháp luật này. Ví dụ: Khi quay phim về phòng điều trị tích cực trong bệnh viện, cần áp dụng các kĩ thuật như làm mờ, không quay cận mặt... Thận trọng khi đăng tải thông tin cá nhân của trẻ em trên mạng xã hội (sinh hoạt cá nhân của trẻ, cách ăn mặc của trẻ, nơi ở của trẻ...).
- Cần kiểm chứng thông tin, không đăng tin giả, không đăng tin xuyên tạc, vu khống làm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhân vật. Khai thác, sử dụng, công khai thông tin về đời tư của một cá nhân không đồng nghĩa với việc xúc phạm người đó. Cần nắm vững nguyên tắc không xúc phạm cá nhân khi đăng tải tin, bài. Không những thế, cần có ý thức và kĩ năng bảo vệ quyền riêng tư của nhân vật.
- Khi đăng tải thông tin riêng tư, không những cần đảm bảo thông tin đúng sự thật mà còn cần cân nhắc tác động, ảnh hưởng của thông tin với nhân vật và những người liên quan. Thông tin tuy đúng sự thật nhưng không đem lại lợi ích tốt đẹp cho cộng đồng, cho đất nước, cho con người, gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhân vật thì cần xem xét lại liệu có nên đăng tải hay không.
- Về lâu dài, các cơ quan quản lý nên nghiên cứu xây dựng thêm các quy định, biện pháp về bảo mật thông tin, đặc biệt là trên không gian mạng, để hạn chế tình trạng lấy cắp thông tin cá nhân từ môi trường số phục vụ những mục đích xấu làm tổn hại đến người sử dụng mạng. Mặt khác, cũng cần có biện pháp xử lý đối với việc lạm dụng quyền riêng tư để phục vụ những mục đích xấu gây hại hoặc tiêu cực với xã hội.
- Cơ quan quản lý nên có quy định quy định về hoạt động báo chí truyền thông khai thác, sử dụng thông tin của người nổi tiếng nói riêng và các trường hợp tương tự (ví dụ người bình thường nhưng đột nhiên trở nên nổi tiếng qua một sự kiện xảy ra bất ngờ) nhằm mục đích bảo vệ nhóm người này tránh xảy ra sự lạm dụng của giới truyền thông. Mặt khác, cũng cần có quy định về phương thức thông tin báo chí truyền thông của người nổi tiếng, tránh để xảy ra trường hợp lạm dụng báo chí truyền thông để tạo chiêu trò gây scandal cá nhân câu kéo sự tò mò của xã hội, gây dư luận tiêu cực.
Nên chăng xem xét xây dựng những quy định phù hợp với người nổi tiếng về việc công bố thông tin cá nhân, quy định về việc giao tiếp giữa người nổi tiếng với giới báo chí truyền thông và quy định về giao tiếp của người nổi tiếng với công chúng thông qua truyền thông đại chúng. Những quy định này cần được đảm bảo không mâu thuẫn với quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí.
(Ví dụ quy định người nổi tiếng được tự do giao tiếp với đại chúng qua mạng xã hội song phải dùng ngôn ngữ, hình ảnh đảm bảo lịch sự, có văn hóa, tôn trọng thuần phong mỹ tục, không xúc phạm người khác, không vi phạm pháp luật...).
- Bên cạnh đó, người làm báo chí truyền thông và cả những người dân cần tự trang bị, cập nhật cho bản thân những kiến thức, kĩ năng về bảo mật thông tin trên không gian mạng để bảo vệ nhân vật, bảo vệ nguồn tin, bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định của pháp luật.
- Không lạm dụng thông tin đời tư để câu khách, trục lợi; cần học cách cân bằng giữa việc thực hiện nhiệm vụ lấy thông tin phục vụ công chúng và sự tôn trọng quyền riêng tư của người nổi tiếng. Nên chọn lọc thông tin, chỉ nên tập trung cung cấp cho xã hội những thông tin quan trọng, cần thiết với nhu cầu và lợi ích chính đáng của xã hội hơn là chú ý đào sâu những chi tiết đời tư mang tính câu khách để thỏa mãn sự tò mò của một bộ phận công chúng. Tránh lạm dụng thông tin đời tư người nổi tiếng để trục lợi.
- Cần nắm vững một số kĩ năng về sử dụng ngôn ngữ, sử dụng hình ảnh để không vi phạm quyền riêng tư: viết tắt tên nhân vật trong những vụ việc nhạy cảm, làm mờ hình ảnh khuôn mặt, quay/chụp ảnh sau lưng, sử dụng tốc ký thay cho ghi âm... Sự sáng tạo là cần thiết để báo chí truyền thông phát triển phục vụ xã hội và duy trì sức hấp dẫn với công chúng, song cũng không thể nhân danh sáng tạo mà không quan tâm, không tôn trọng những khía cạnh cơ bản của quyền riêng tư.
Kết luận
Tóm lại, quyền riêng tư là một trong những quyền quan trọng, cơ bản của con người và cần được tôn trọng. Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển xã hội số như hiện nay, việc bảo vệ quyền riêng tư đang đứng trước thách thức. Trong một số trường hợp, quyền riêng tư có thể mâu thuẫn với quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, với nhiệm vụ tìm kiếm và trình bày sự thật của báo chí. Giải thích về quyền riêng tư không phải lúc nào cũng rạch ròi, rõ ràng.
Tuy nhiên, để phát triển một nền báo chí truyền thông vừa hiện đại vừa nhân văn, tôn trọng con người, người làm báo chí truyền thông nói chung cần có sự quan tâm đến quyền riêng tư, hiểu những quy định của pháp luật về vấn đề này và cẩn trọng không bước qua những lằn ranh đỏ chạm đến những góc nhạy cảm dễ tổn thương của con người trong khi thực hiện nhiệm vụ thông tin cho xã hội. Điều này đòi hỏi không chỉ sự hiểu biết về luật pháp, tuân thủ luật pháp mà còn sự cẩn trọng, sự cân nhắc và tinh thần nhân văn, tôn trọng con người, đề cao lương tâm của những người đang thực hiện hoạt động báo chí, truyền thông trong xã hội.
Tài liệu tham khảo:
Tài liệu tiếng Việt
1. Chu Hồng Thanh 2020, “Nhận thức pháp lý về quyền riêng
tư”, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, https://lsvn.vn/nhan-thuc-
phap-ly-ve-quyen-rieng-tu.html, xem ngày 3/9/2024.
2. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa ViệtNam năm 2013, https:// vanban.chinh phu.vn/?pageid=27160&docid=171264&classid=1&typegroupid=1
https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2013/12/hp.pdf,
xem ngày 31/8/2024.
3. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Bộ Luật Dân
sự năm 2015,https://vanban.chinhphu.vn
defaultaspx?pageid=27160&docid=183188 https://datafiles.
chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2016/01/91.signed.pdf, xem
ngày 31/8/2024.
4. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Luật Báo chí
năm 2016, https://vanban.chinhphu.vn/default.
aspx?pageid=27160&docid=184567
https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2016/05/103
.signed.pdf xem ngày 2/9/2024.
5 Đức Thiện 2023, “Báo động nạn mua bán thông tin cá nhân”,
Tuổi trẻ online, https://tuoitre.vn/bao-dong-nan-mua-ban-
thong-tin-ca-nhan-20231218225450515.htm, xem ngày
3/9/2024.
6. Ngô Thu Trang & Nguyễn Kim Thoa (Vụ Pháp luật dân sự
- kinh tế) 2018, “Nghiên cứu quyền về đời sống riêng tư, bí
mật cá nhân, bí mật gia đình”, Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư
pháp (www.moj.gov.vn), https://moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/
nghien-cuu-trao-doi.aspx?ItemID=2271, xem ngày 3/9/2024.
7. Nguyễn Thế Anh & Nguyễn Thị Bảo Trọng 2024, “Quyền về
đời sống riêng tư trên các nền tảng mạng xã hội - góc nhìn từ
thực tiễnvà pháp lý”, Tạp chí Tóa án nhân dân điện tử (https://
tapchitoaan.vn), https://tapchitoaan.vn/%C2%A0quyen-
ve-doi-song-rieng-tu-tren-cac-nen-tang-mang-xa-hoi-
%C2%A0-goc-nhin-tu-thuc-tien-va-phap-ly10427.html xem
ngày 3/9/2024.Tài liệu tiếng Anh
9. Bradshaw, P. 2018, The online journalism handbook: skills
to survive and thrive in the digital age, Routledge, Taylor &
Francis Group.
10. Cutlip, S.M., Center A.H. & Broom G.M. 2000, Effective Public Relations, Prentice Hall.
11. Lorenz, A. L. & Vivian, J. 1996, News reporting and writing,
Allyn and Bacon.
12. Vivian, J 2005, The media of mass communication, Pearson
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 tháng 10/2024)