Giáo dục đạo đức, lối sống văn hoá cho đoàn viên thanh niên tỉnh Quảng Bình
Truyền thông - Ngày đăng : 22:00, 01/12/2024
Giáo dục đạo đức, lối sống văn hoá cho đoàn viên thanh niên tỉnh Quảng Bình
Trong bối cảnh xã hội đang chuyển mình mạnh mẽ, công tác giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên thanh niên trở thành nhiệm vụ thiết yếu nhằm xây dựng thế hệ trẻ kiên định về tư tưởng chính trị, có bản lĩnh vững vàng.
Tóm tắt:
- Một số kết quả bước đầu trong giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên thanh viên ở tỉnh Quảng Bình.
- Hạn chế:
+ Công tác giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa còn hình thức, chưa đổi mới..
+ Sự phối hợp giữa các tổ chức Đoàn với nhà trường, gia đình và xã hội thiếu đồng bộ.
+ Một số đoàn viên thanh niên phai nhạt lý tưởng cách mạng.
- Giải pháp:
+ Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa.
+ Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục trong tổ chức các phong trào hành động cách mạng.
+ Phát huy vai trò, chức năng của tổ chức Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên các cấp.
+ Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, và các đoàn thể chính trị - xã hội, gia đình.
Những kết quả đạt được
Với sự đồng lòng và quyết tâm của các cấp ủy, tổ chức Đảng và chính quyền địa phương, các cấp bộ Đoàn, Hội, công tác giáo dục đạo đức và lối sống văn hóa cho thanh niên tại tỉnh Quảng Bình đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt:
Thứ nhất, các cấp bộ đoàn đã xây dựng kế hoạch triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”.
Hằng năm, 100% thanh niên là học sinh, sinh viên được tham gia các hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, phổ biến kiến thức pháp luật, kỹ năng sống và kỹ năng mềm. Qua đó. đã tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành động của đoàn viên, thanh niên, nâng cao ý thức và trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với cộng đồng, xã hội.
Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, thực hiện chương trình; tổ chức hội nghị, tập huấn tuyên truyền, phổ biến cho đoàn viên thanh niên; tổ chức tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030 dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: Thông qua các cuộc thi trực tuyến; Công cụ tuyên truyền hiện đại, video clip, phim ngắn; Các chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội; Triển lãm ảnh, trưng bày hiện vật; Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chương trình tuyên truyền giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh thiếu nhi gắn với tuyên truyền về các sự kiện chính trị quan trọng, các ngày lễ lớn của quê hương, đất nước.
Kết quả công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức của thanh niên, thiếu niên và nhi đồng về lý tưởng cách mạng, đạo đức và lối sống văn hóa, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tạo động lực mạnh mẽ cho thế hệ trẻ tích cực tham gia các phong trào, đồng thời làm phong phú thêm phương pháp giáo dục và góp phần hình thành một thế hệ thanh niên có bản lĩnh, trách nhiệm và khát vọng cống hiến cho xã hội.
Thứ hai, công tác giáo dục đạo đức và lối sống cho đoàn viên thanh niên đã được nâng cao với những bước đi rõ rệt và hiệu quả, nhờ vào việc thiết lập các tiêu chí và chuẩn mực rõ ràng về hành vi và đạo đức. Một trong những kết quả quan trọng là việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 01- CT/TWĐTN ngày 17/5/2013 của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn về “Tăng cường rèn luyện tác phong, thực hiện lề lối công tác của cán bộ Đoàn”, góp phần cải thiện rõ rệt tính gương mẫu và trách nhiệm của các cán bộ Đoàn, thông qua việc quy định 8 điều “nên làm” và 8 điều “không nên làm” theo tư tưởng và tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc thực hiện những quy định này không chỉ tạo ra những chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục mà còn khẳng định sự cam kết của Đoàn trong việc xây dựng một đội ngũ cán bộ gương mẫu, có trách nhiệm và lòng tận tụy với công việc.
Thứ ba, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh hằng năm được các cấp bộ Đoàn triển khai đồng bộ, liên tục, gắn với những việc làm thiết thực, cụ thể hằng ngày của chính mỗi đoàn viên thanh niên. Các công trình và phần việc thanh niên được cụ thể hóa gắn với nhiệm vụ chính trị địa phương, đồng thời chú trọng phát hiện, tuyên dương và nhân rộng các gương điển hình người tốt, việc tốt trên các lĩnh vực.
Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn Quảng Bình đã chỉ đạo tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới” năm 2024 với 04 tiêu chí bao gồm: Bản lĩnh vững vàng, giàu lòng yêu nước, tiên phong hành động, khát vọng vươn lên, nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, góp phần xây dựng một thế hệ thanh niên “Tâm trong - trí sáng - hoài bão lớn” có lý tưởng, phẩm chất tốt đẹp và tinh thần cống hiến cao.
Thứ tư, giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên thanh niên thông qua việc thực hiện các chuyên mục “Theo dấu chân Bác”, “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”, hệ thống tin bài hưởng ứng Cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam - Những câu chuyện đẹp”,“Việc tốt mỗi ngày”;... trên các trang fanpage Tuổi trẻ Quảng Bình và các trang fanpage của các huyện, thị, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc, qua đó thu hút đông đảo sự quan tâm của đoàn viên thanh niên. Nhiều sản phẩm tuyên truyền hiện đại, hình ảnh đẹp, minh họa sống động, video ca nhạc, clip ngắn gọn, hài hước, sâu sắc nhân các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng, bước đầu được thanh thiếu niên yêu thích, đón nhận. Thông qua các sản phẩm đó, tổ chức Đoàn, Hội có thể truyền tải những nội dung của chuyên mục đến gần hơn với thanh niên.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, cấp tỉnh đã đăng tải hơn 144 tin bài, cấp huyện đăng 480 tin bài, và cấp cơ sở đăng gần 2.800 tin bài về các gương người tốt việc tốt, hành động đẹp của tuổi trẻ, góp phần quan trọng lan tỏa những hình ảnh đẹp, những câu chuyện mang đậm tính nhân văn, giáo dục thanh thiếu nhi sống đẹp và sống có ích.
Những hạn chế, vấn đề đặt ra và giải pháp
Bên cạnh nhiều kết quả tích cực, công tác giáo dục đạo đức và lối sống văn hóa cho đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn những hạn chế. Một số tổ chức cơ sở Đoàn, cá nhân chưa nhận thức đúng và đầy đủ tầm quan trọng của nhiệm vụ giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên thanh niên tỉnh, nhất là trong bối cảnh đất nước đang hội nhập sâu rộng như hiện nay. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên tại một số nơi, nhất là ở trường học và khu vực nông thôn còn hình thức, chậm đổi mới phương thức, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn, đặc điểm phát triển từng địa phương dẫn đến tình trạng thanh niên thiếu hiểu biết, xem nhẹ các giá trị truyền thống.
Sự phối hợp giữa các tổ chức Đoàn với nhà trường, gia đình và xã hội thiếu đồng bộ; một số đoàn viên thanh niên phai nhạt lý tưởng cách mạng, có hiện tượng “nhạt Đảng - khô Đoàn”, sống thực dụng và ít quan tâm đến lợi ích cộng đồng. Thêm vào đó, mặt trái của các phương tiện truyền thông hiện đại, đặc biệt là Internet và mạng xã hội, đã tác động tiêu cực đến tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống văn hóa của thanh niên, làm gia tăng những thách thức trong công tác giáo dục. Những hạn chế trên yêu cầu cần khắc phục kịp thời để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác giáo dục đạo đức và lối sống cho thế hệ trẻ.
Nguyên nhân của những hạn chế trong công tác giáo dục đạo đức và lối sống văn hóa cho đoàn viên thanh niên tỉnh Quảng Bình xuất phát từ việc một số cơ sở Đoàn chưa tích cực, chủ động tìm tòi những cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng nhóm đối tượng thanh niên, từng địa bàn, khu vực dẫn đến những hoạt động giáo dục chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn và thu hút đông đảo đoàn viên tham gia.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về giáo dục đạo đức và lối sống thiếu bề rộng lẫn chiều sâu, chưa phát hiện kịp thời và cổ vũ, động viên những tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Một bộ phận đoàn viên thanh niên thiếu ý thức rèn luyện, tu dưỡng; nhận thức về học tập và làm theo Bác còn hạn chế. Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát, nhất là việc đôn đốc, nhắc nhở việc triển khai và thực hiện của một số cơ sở đoàn chưa thường xuyên.
Trước yêu cầu cấp bách của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ cho thế hệ trẻ. Tạo động lực cho thanh niên xung kích trong học tập, lao động sáng tạo, khởi nghiệp, làm chủ các kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Vì vậy, trong thời gian tới, công tác giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:
Một là, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên thanh niên phù hợp với điều kiện của địa phương. Các cơ sở Đoàn cần cập nhật và đa dạng hóa nội dung giáo dục, đảm bảo phù hợp với nhu cầu và đặc điểm của từng nhóm đối tượng thanh niên. Việc làm phong phú về nội dung giáo dục về các vấn đề thời sự, các tình huống thực tiễn gắn liền với đời sống xã hội, sẽ tạo sự hấp dẫn và dễ tiếp thu cho thanh niên. Đặc biệt, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức giáo dục của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Bình theo Kế hoạch số 667/KH-UBND ngày 22-4-2022 về việc triển khai thực hiện Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030”.
Kiên trì và kịp thời đổi mới cách thức phổ biến, học tập lý luận chính trị, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho thanh niên; đổi mới nội dung và cách thức học tập 6 bài học lý luận chính trị gắn việc giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị. Tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đấu tranh, phê phán, uốn nắn nhận thức lệch lạc, biểu hiện sai trái trong cán bộ, đoàn viên, thanh niên.
Việc sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại như website của Đoàn, diễn đàn mạng xã hội, và các chiến dịch truyền thông quy mô lớn sẽ giúp tiếp cận hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, tích cực tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tạo cơ hội giao lưu và tiếp nhận thông tin sinh động cho thanh niên. Đổi mới phương pháp giáo dục với các trò chơi giáo dục, mô phỏng tình huống thực tế và hoạt động tương tác sẽ giúp thanh niên dễ dàng tiếp thu và áp dụng kiến thức vào thực tiễn. Để đảm bảo hiệu quả của các hoạt động giáo dục, việc thường xuyên đánh giá và điều chỉnh nội dung, hình thức và phương pháp là cần thiết, thông qua các cuộc khảo sát, thu thập ý kiến phản hồi từ thanh niên để có những điều chỉnh phù hợp. Đây chính là nền tảng quan trọng để xây dựng một thế hệ thanh niên có đạo đức, phẩm chất tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng và lối sống văn hóa lành mạnh.
Hai là, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh niên trong bối cảnh nền kinh tế thị trường và sự biến đổi của các giá trị đạo đức xã hội hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh rằng: Đạo đức là nền tảng, là cốt lõi của người Cách mạng. Vì vậy, công tác giáo dục thanh niên phải tập trung vào việc truyền đạt những giá trị đạo đức cách mạng, nhằm giúp họ trở thành những công dân mẫu mực, chủ nhân xứng đáng của đất nước và những người cách mạng chân chính.
Để đạt được điều này, giáo dục đạo đức không chỉ dừng lại ở những lý thuyết chung chung mà cần làm cho thanh niên hiểu và áp dụng những quy tắc và chuẩn mực đạo đức cách mạng trong thực tiễn. Đây là một quá trình toàn diện, bao gồm việc tiếp cận những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức Cộng sản, và đường lối của Đảng trong xây dựng nền văn hóa mới và con người mới xã hội chủ nghĩa.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, cần chú trọng đến việc phát huy những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc như tinh thần yêu nước, đoàn kết, nhân đạo, và lòng trung thành vô hạn với Đảng và Tổ quốc. Việc xây dựng và giáo dục chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ giúp khơi dậy và phát huy các giá trị tốt đẹp của dân tộc, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho thanh niên trong thời kỳ mới. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng thế hệ thanh niên có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đồng thời kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tha hóa, suy thoái về đạo đức. Qua đó, thanh niên sẽ tích cực tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tránh xa những giá trị vật chất tầm thường và các sinh hoạt thiếu lành mạnh, góp phần vào sự nghiệp cách mạng và đổi mới đất nước.
Ba là, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục trong tổ chức các phong trào hành động cách mạng, tạo môi trường thực tiễn để thanh niên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống văn hóa. Để tăng cường hiệu quả giáo dục và rèn luyện thanh niên, các cấp bộ Đoàn cần tiếp tục phát huy vai trò của các phong trào hành động cách mạng như phong trào “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc”, “Thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới”, “Tuổi trẻ chung tay xây dựng văn minh đô thị”.
Những phong trào này không chỉ là cơ hội để thanh niên cống hiến, mà còn là trường học thực tiễn giúp họ phát triển lý tưởng, đạo đức cách mạng và ý thức trách nhiệm xã hội. Quá trình thực hiện phong trào cần được thường xuyên tổng kết và điều chỉnh nội dung để duy trì sự hấp dẫn và thu hút thanh niên. Cần chú trọng phát hiện và tôn vinh những gương người tốt, việc tốt, từ đó nhân rộng các điển hình tiêu biểu để tạo động lực cho phong trào.
Mặt khác, phát huy hiệu quả của các công cụ truyền thông hiện đại, tăng cường vai trò của hệ thống báo chí, xây dựng các tuyến tin bài trong việc giáo dục thanh niên, khai thác hiệu quả các nguồn lực xã hội sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng thế hệ thanh niên vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
Bốn là, phát huy vai trò, chức năng của tổ chức Đoàn thanh niên, Hội Liên hiệp thanh niên các cấp trong giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên thanh niên. Các tổ chức Đoàn, Hội cần tích cực triển khai các buổi tọa đàm, hội thảo và các hoạt động ngoại khóa để truyền đạt các giá trị đạo đức, lối sống văn hóa. Đồng thời, triển khai các mô hình câu lạc bộ, nhóm tình nguyện, phát động các cuộc thi, phong trào thi đua về học tập và làm theo gương Bác về chủ đề giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh sẽ tạo ra môi trường học tập và rèn luyện tích cực cho thanh niên.
Đặc biệt, cần chú trọng vào việc đánh giá kết quả hoạt động giáo dục, từ đó điều chỉnh và đổi mới phương pháp để đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các gương điển hình, cá nhân tiêu biểu trong việc thực hiện đạo đức và lối sống văn hóa, tạo động lực và cảm hứng cho thanh niên học tập và noi theo. Với sự chủ động và sáng tạo trong công tác giáo dục, tổ chức Đoàn, Hội các cấp sẽ đóng góp quan trọng vào việc xây dựng thế hệ thanh niên vững vàng về đạo đức, lối sống văn hóa, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội hiện đại.
Năm là, tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cấp, ngành, và các đoàn thể chính trị - xã hội, gia đình trong công tác tuyên truyền và giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho đoàn viên thanh niên. Đặc biệt, cần tập trung vào việc hợp tác hiệu quả với ngành giáo dục, văn hóa, tư pháp và lực lượng vũ trang để định hướng và điều chỉnh hành vi của thanh niên theo chuẩn mực xã hội. Những lĩnh vực này không chỉ thu hút đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia mà còn có ảnh hưởng sâu rộng đến tư tưởng, nhu cầu, tâm lý và nguyện vọng của họ. Đồng thời, đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội hóa để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục và rèn luyện thanh niên.
Tài liệu tham khảo:
1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật Hà Nội, 2021, t. I, tr. 168.
2. Kế hoạch số 131-KH/TĐTN-TG ngày 01/3/2024, của Ban
Thường vụ Tỉnh Đoàn về tổ chức cuộc vận động“Xây dựng giá
trị hình mẫu thanh niên Việt Nam thời kỳ mới” năm 2024.
3. Báo cáo số 162-KH/TĐTN-VP ngày 06/6/2024, của Ban
Thường vụ Tỉnh Đoàn Quảng Bình về kết quả công tác Đoàn
và phong trào thanh thiếu nhi 6 tháng đầu năm 2024.
4.https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/bao-cao-chinh-tri-
cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-tai-dai-hoi-
dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-621155/
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 tháng 10/2024)