Tập trung vào việc phát triển con người là điều quan trọng nhất

Diễn đàn - Ngày đăng : 06:15, 20/10/2024

Là nữ lãnh đạo của một công ty cung cấp dịch vụ công nghệ hàng đầu châu Á, hiện diện tại 30 quốc gia với hàng chục nghìn nhân sự, bà Chu Thị Thanh Hà, Chủ tịch FPT Software, cho rằng số lượng nhân sự lớn không phải là áp lực mà tập trung vào việc phát triển con người mới là điều quan trọng nhất.
Diễn đàn

Tập trung vào việc phát triển con người là điều quan trọng nhất

Ngọc Diệp 20/10/2024 06:15

Là nữ lãnh đạo của một công ty cung cấp dịch vụ công nghệ hàng đầu châu Á, hiện diện tại 30 quốc gia với hàng chục nghìn nhân sự, bà Chu Thị Thanh Hà, Chủ tịch FPT Software, cho rằng số lượng nhân sự lớn không phải là áp lực mà tập trung vào việc phát triển con người mới là điều quan trọng nhất.

Hơn 30 năm gắn bó với FPT, bà Chu Thị Thanh Hà đã đảm nhận nhiều vị trí lãnh đạo cao cấp tại một trong những công ty dịch vụ công nghệ thông tin lớn nhất Việt Nam. Nhân dịp ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2024, bà Chu Thị Thanh Hà đã có buổi trao đổi với phóng viên Tạp chí TT&TT về chủ đề nữ giới và công nghệ.

PV: Trong hành trình đến với công nghệ, có điều gì tạo ra dấu ấn hay bước đột phá cho cá nhân bà?

Bà Chu Thị Thanh Hà: Tôi gia nhập FPT vào cuối năm 1993. Năm 1996, khi tham dự hội thảo công nghệ Asia Suntec City ở Singapore, lần đầu tiên tôi được “nhìn thấy” Internet. Nó như là một thứ gì đó rất kỳ diệu. Những điều mới mẻ xuất hiện khi tôi click vào hyperlink, những chuyển động ngang dọc trên website đã làm tôi tò mò và rồi ước ao có một ngày nào đó, tôi có thể mang Internet phủ khắp Việt Nam.

9641a437b5a20cfc55b3.jpg
Bà Chu Thị Thanh Hà, Chủ tịch FPT Software.

Lúc bấy giờ, hầu hết người dùng Việt Nam chỉ sử dụng máy tính để soạn thảo văn bản, biết đến Microsoft Word, Microsoft Excel… và những tính năng rất cơ bản của máy tính.

Hai năm sau chuyến xuất ngoại, cơ hội đã đến với Việt Nam và FPT: Internet đã vào Việt Nam. Bộ Thông tin & Truyền thông đã cấp cho FPT một trong bốn giấy phép đầu tiên để cung cấp dịch vụ Internet ở Việt Nam. Khi đấy, tôi cùng ba đồng nghiệp tách khỏi nhóm phần mềm để thành lập FPT Telecom (công ty thành viên của Tập đoàn FPT) làm về Internet.

Chỉ trong 5 năm từ 2003 - 2008, lượng người dùng Internet tại Việt Nam tăng gấp 7 lần. Năm 2012, FPT Telecom hoàn thiện tuyến trục Bắc - Nam với tổng chiều dài 4.000 km đi qua 30 tỉnh thành. Năm 2015, FPT Telecom là một trong những đơn vị tiên phong trong việc chuyển đổi hạ tầng từ cáp đồng sang cáp quang.

Và sau hơn 20 năm, FPT Telecom đã trở thành công ty viễn thông có vị thế ở thị trường Việt Nam, phục vụ hàng triệu khách hàng, hộ gia đình về dịch vụ Internet, truyền hình và nhiều giải pháp công nghệ cho cuộc sống số.

Sau này, một cơ duyên khá thú vị đã đến với tôi. Theo chính sách luân chuyển lãnh đạo của Tập đoàn FPT, tôi trở thành Chủ tịch FPT Software vào năm 2020. Một hành trình mới mở ra, tôi sẽ cùng các đồng nghiệp chinh phục mục tiêu “Công ty tỷ đô” – giấc mơ của các thế hệ người FPT, ám ảnh trong suốt 25 năm qua, kể từ khi ngày đầu “liều mình” bước chân ra nước ngoài với khát vọng “Ghi dấu trí tuệ Việt trên bản đồ thế giới”.

Từ đôi bàn tay trắng, không kiến thức, không kinh nghiệm, không quy trình, FPT Software ngày ấy nay đã trở thành một công ty có năng lực và vị thế sánh ngang với các công ty tỷ đô, đẳng cấp quốc tế.

Ở vị thế mới, chúng tôi không chỉ đón nhận ngày càng nhiều dự án hợp tác với các tên tuổi hàng đầu thế giới, mà còn góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến mới về dịch vụ công nghệ thông tin, được thế giới biết tới như một trung tâm đầu tư kinh doanh và đổi mới số.

PV: Là nữ lãnh đạo của một công ty cung cấp dịch vụ công nghệ hàng đầu châu Á, hiện diện tại 30 quốc gia với hàng chục nghìn nhân sự, bà có thể chia sẻ về những áp lực gặp phải và một kỷ niệm đặc biệt trong quá trình làm việc tại FPT Software?

Bà Chu Thị Thanh Hà: Để thực hiện giấc mơ toàn cầu hoá, chúng tôi xem con người là tài sản quan trọng nhất. Riêng ở FPT Software hiện nay có hơn 33.000 nhân sự, bao gồm các chuyên gia công nghệ, lập trình viên... làm việc tại hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là lực lượng nhân sự đã góp sức vào con số doanh thu 1 tỷ USD từ dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của FPT trong năm 2023.

Chúng tôi không coi số lượng nhân sự lớn là áp lực, mà ngược lại, chúng tôi luôn tập trung vào việc phát triển con người và xem đây là điều quan trọng nhất.

Nhiều kỹ sư công nghệ trẻ tại Việt Nam đã cùng nhau “tiến quân” ra các thị trường lớn như Nhật, Mỹ, Trung Âu, Singapore, Hàn Quốc,... cùng nhau giải các bài toán lớn đến từ các khách hàng đa ngành trên toàn cầu. Những nhiệm vụ thách thức giúp thế hệ kỹ sư trẻ trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn.

Chúng tôi cũng thu hút và tuyển dụng nhiều chuyên gia quốc tế đến và cống hiến cho giấc mơ chung. Hiện tại FPT Software có lực lượng chuyên gia đến từ 72 quốc tịch trên thế giới.

Về cá nhân tôi, một trong những kỷ niệm không thể quên là khi tiếp nhận vị trí Chủ tịch FPT Software vào đúng thời điểm đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát và lan rộng.

Với đặc thù chủ yếu hợp tác với khách hàng quốc tế nên FPT Software đón rất nhiều đoàn khách nước ngoài và cán bộ nhân viên (CBNV) của chúng tôi thường xuyên đi công tác tới các văn phòng trên toàn cầu. Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 xảy ra, chúng tôi không thể bay đi đâu được cả. Khách hàng cũng không thể đến thăm và làm việc tại trụ sở của FPT Software ở Việt Nam.

Lúc đó, tôi có một cơ hội rất đặc biệt: có mặt trên chuyến bay thương mại đầu tiên của Việt Nam và Nhật Bản vào tháng 10/2020. Ngay lập tức, tôi bay sang Nhật dù chỉ có vé đi mà không có chiều về. Tôi đặt mục tiêu tận dụng tối đa cơ hội gặp gỡ, trao đổi với các khách hàng và đối tác, đồng thời củng cố tinh thần và nhiệt huyết cho những đồng nghiệp của FPT tại Nhật Bản.

Suốt 6 tháng ở Nhật, tôi đã có khoảng 150 cuộc gặp với những lãnh đạo cấp cao của các khách hàng Nhật Bản. Đây cũng là thời điểm nhiều dự án đang bước vào giai đoạn then chốt, đòi hỏi CBNV FPT Software tại Việt Nam và Nhật Bản phải làm việc chặt chẽ với nhau hơn bao giờ hết để hoàn thành kịp tiến độ.

2e56be27afb216ec4fa3.jpg
Ông Fukuda Tomikazu, Thống đốc tỉnh Tochigi và Chủ tịch FPT Software Chu Thị Thanh Hà trong chuyến thăm và làm việc tại văn phòng của FPT tại Nhật Bản.

Tôi nhớ vào thời điểm toàn Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội, FPT Software đang vận hành cùng lúc hơn 1.000 dự án. Vì tính phức tạp của chuyên môn và yêu cầu bảo mật thông tin, các dự án không cho phép thành viên làm việc ngoài công ty. Ngay lập tức, công ty đã chuẩn bị cho 1.500 kỹ sư ở lại văn phòng làm việc và sinh hoạt trong suốt 3,5 tháng. Các dự án lần lượt hoàn thành, bàn giao cho khách hàng kịp tiến độ với chất lượng cao nhất. Đây là những kỷ niệm rất đáng nhớ của tôi khi làm việc tại FPT Software.

PV: Không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới, vẫn còn định kiến rất nặng nề với những người phụ nữ làm công nghệ, nên tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lĩnh vực này rất thấp. Vậy tại FPT Software, công ty có chính sách hay chương trình gì để khuyến khích phụ nữ tham gia vào lĩnh vực công nghệ và gắn bó với công ty?

Bà Chu Thị Thanh Hà: Đúng là tỷ lệ nữ giới trong ngành công nghệ trước đây khá thấp, nhưng trong những năm gần đây đã có nhiều tín hiệu khả quan, đặc biệt trong những lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo cao. Tôi có cơ hội gặp gỡ nhiều nữ lãnh đạo từ các tập đoàn là khách hàng/đối tác của FPT Software trên toàn cầu. Khi đến thăm Volvo Cars, tôi đã thấy phụ nữ đảm nhận nhiều vị trí quan trọng, từ thiết kế các dòng xe ô tô đến các công việc liên quan đến kỹ thuật, công nghệ thông tin. Và họ đều thể hiện năng lực xuất sắc. Tương tự, ở nhiều tập đoàn lớn trong ngành năng lượng tại châu Âu hay ngành ô tô tại Mỹ, tôi cũng đã gặp nhiều nữ lãnh đạo xuất sắc với những thành tựu nổi bật.

Tại FPT Software, chúng tôi đẩy mạnh chiến lược về đa dạng và hoà nhập (Diversity & Inclusion) tương tự các tập đoàn trên thế giới, xây dựng môi trường làm việc đa quốc tịch, đa văn hoá, đa trải nghiệm. Nhờ đó, mỗi CBNV được là chính mình, không phân biệt giới tính, văn hoá… Công ty tôn trọng sự khác biệt để mỗi cá nhân được phát huy sáng tạo trong công việc. Và chính sự khác biệt, độc đáo của mỗi người sẽ làm nên sức mạnh tổng hợp của công ty trong hành trình tiệm cận đẳng cấp thế giới.

Tỷ trọng nhân viên nữ tại FPT Software hiện đạt khoảng 31 - 32%. Đặc biệt, công ty có rất nhiều chính sách khuyến khích chị em phụ nữ tham gia vào tất cả các vị trí công việc. Công ty cũng hỗ trợ chị em trong việc chăm sóc con cái, có những chương trình dành riêng cho con em CBNV như trại hè, ngày đi làm cùng bố mẹ…

Bên cạnh đó là chương trình dành cho các bậc phụ huynh, đón ba mẹ đến thăm nơi con làm việc, để thêm thấu hiểu và đồng hành giúp con yên tâm phát triển sự nghiệp. Những chương trình này nằm trong chính sách tạo điều kiện để các chị em đảm bảo cả công việc, lẫn thiên chức của người phụ nữ trong gia đình.

Chiến lược phát triển con người được chúng tôi tổng hợp trong “Tháp phát triển nhân sự của FPT Software” với nền tảng của sự phát triển là Hợp lực - Học hỏi - Hạnh phúc (3 cạnh đáy của tháp) và các chương trình thúc đẩy sự phát triển là Công nghệ và Sáng tạo - Chuyên môn và chuyên gia trong các lĩnh vực - Văn hóa, môi trường đa dạng và hòa nhập trong doanh nghiệp (3 cạnh bên của tháp). Các yếu tố này sẽ tạo dựng Năng lực - Tính hiệu quả - Sự bền vững cho hoạt động của doanh nghiệp và sự phát triển của mỗi cá nhân.

Cuối cùng, văn hóa học tập của FPT Software nói riêng hay FPT nói chung cũng tạo ra những động lực phát triển mạnh mẽ cho đội ngũ nữ CBNV của công ty. Mỗi năm, nhân viên của chúng tôi đều cố gắng đạt thêm một chứng chỉ mới, bắt nhịp cùng các thay đổi của thị trường, nâng cao năng lực và làm việc hiệu quả hơn với khách hàng. Nhiều nữ lãnh đạo hoặc nữ quản trị dự án tại FPT Software đã trở thành người tiên phong chinh phục những chứng chỉ quốc tế danh giá nhất thuộc chuyên môn của họ.

PV: Bà có lời khuyên gì giúp các bạn nữ đam mê công nghệ theo đuổi đam mê của mình và gặt hái thành công?

Bà Chu Thị Thanh Hà: Trong thời đại công nghệ thay đổi rất nhanh chóng thì việc đầu tiên là các chị em phải chuẩn bị cho mình năng lực về ngoại ngữ. Riêng tại FPT Software, chúng tôi đang khuyến khích mỗi CBNV biết tối thiểu 2 ngoại ngữ, trong đó tiếng Anh là bắt buộc. Việc thành thạo ngoại ngữ thứ hai sẽ giúp mỗi CBNV tăng cường khả năng giao tiếp của mình với thế giới bên ngoài, từ đó chạm đến những giấc mơ lớn hơn, có tương lai rộng mở hơn.

f4fba38db2180b465209.jpg
Chủ tịch FPT Software: Chỉ có khát khao và đam mê mới giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, chinh phục những thử thách và tận hiến với công việc, cuộc sống.

Tiếp đến, tôi mong các bạn trẻ sống hết mình với những khát khao, đam mê của bản thân. Chỉ có khát khao và đam mê mới giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, chinh phục những thử thách và tận hiến với công việc, cuộc sống.

Bản thân tôi đã được học tập và trưởng thành trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn. Tôi đã ôm trong mình nhiều giấc mơ đóng góp cho Việt Nam và ngành CNTT nước nhà. Đó là động lực để tôi cố gắng mỗi ngày, học tập nhiều hơn mỗi ngày. Chưa bao giờ là quá muộn để học tập. Các bạn trẻ hiện nay được sinh ra trong thời đại phát triển, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển bản thân. Tôi tin rằng thế hệ tiếp nối này sẽ làm tốt hơn chúng tôi rất nhiều, gặt hái được nhiều thành tựu, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.

PV: Xin trân trọng cảm bà!

Bà Chu Thị Thanh Hà đã vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ về sự nghiệp Internet tại Việt Nam vào năm 2012, và rất nhiều bằng khen khác của Bộ Thông Tin và Truyền Thông. Bà liên tục được Tạp chí Forbes tôn vinh với những
danh hiệu như Nữ doanh nhân tiêu biểu của thế hệ tiếp nối (2015), 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam (2017),Top 20 nữ quản lý chuyên nghiệp (2022). Mới đây, bà là nữ lãnh đạo duy nhất đại diện Châu Á được vinh danh tại giải thưởng Hall of
Honor do Trường Quản trị Kinh doanh Shidler của Đại học Hawaiʻi tại Mānoa (Mỹ)./.

Ngọc Diệp