Trách nhiệm lớn của Viettel trong cuộc cách mạng chuyển đổi số

Diễn đàn - Ngày đăng : 19:09, 19/10/2024

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam đã xác định rõ chuyển đổi số là cuộc cách mạng toàn dân, toàn diện, là một cuộc cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Cuộc cách mạng đó phụ thuộc vào những doanh nghiệp viễn thông, công nghệ số, trong đó có trách nhiệm rất lớn của Viettel.
Diễn đàn

Trách nhiệm lớn của Viettel trong cuộc cách mạng chuyển đổi số

Hoàng Linh 19/10/2024 19:09

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Việt Nam đã xác định rõ chuyển đổi số là cuộc cách mạng toàn dân, toàn diện, là một cuộc cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Cuộc cách mạng đó phụ thuộc vào những doanh nghiệp viễn thông, công nghệ số, trong đó có trách nhiệm rất lớn của Viettel.

Chiều ngày 18/10/2024, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì buổi làm việc của Bộ TT&TT với lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel). Viettel là doanh nghiệp (DN) viễn thông thứ ba mà Bộ TT&TT làm việc sau VNPT, MobiFone.

Tham dự buổi làm việc có các Thứ trưởng Bộ TT&TT: Phan Tâm, Phạm Đức Long, Bùi Hoàng Phương và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ TT&TT.

toan-anh-lam-viec-voi-viettel.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì buổi làm việc.

Nỗ lực khai trương dịch vụ 5G

Tại buổi làm việc, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, Viettel đang xây dựng kế hoạch hoạt động cho năm 2025, năm cuối cùng trong nhiệm kỳ của Đại hội Đảng bộ Tập đoàn, là năm bản lề quan trọng. Viettel mong muốn Bộ TT&TT định hướng cho kế hoạch hoạt động trong thời gian tới.

ong-tao-duc-thang.jpg
Ông Tào Đức Thắng: Khai trương dịch vụ 5G là nỗ lực lớn của Viettel.

Ông Tào Đức Thắng cũng thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024 của Viettel. Theo đó, kết quả kinh doanh cả trong và ngoài nước, công nghệ cao đều thuận lợi, đạt các mục tiêu đề ra.

Trong thời gian qua, Viettel đã tập trung chuyển dịch thuê bao 2G. Ngày 15/10, Viettel đã khai trương dịch vụ 5G, với 6500 trạm phát sóng. Việc này được triển khai rất gấp rút. Đây là nỗ lực lớn của tập đoàn và sự hỗ trợ của Bộ TT&TT.

Về đầu tư tại nước ngoài, Mozambique là thị trường số 1. Hiện chỉ còn 3 thị trường Viettel chưa vươn tới số 1. Tại một số thị trường như Tanzania, Đông Timor,... các khó khăn đều đã cơ bản được tháo gỡ.

Tại buổi làm việc, các cán bộ chủ chốt của Viettel cũng đã nêu một số trao đổi và đề nghị Bộ TT&TT hỗ trợ như sớm đấu giá băng tần 700MHz để các DN viễn thông có thể phủ sóng rộng vùng sâu, xa; phát triển hạ tầng số, trong đó triển khai lắp đặt trạm thu phát sóng di động tại một số địa phương còn khó khăn, cáp quang biển, IoT…

Tập trung cao cho phát triển các không gian mới

Trước các kiến nghị, đề xuất với Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các Thứ trưởng, cá đơn vị đã có những giải đáp và kiến nghị.

tt-bui-hoang-phuong.jpg
Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương đề nghị Viettel quan tâm đến chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1018/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Đây là chiến lược quan trọng, thể hiện tầm nhìn, khát vọng rất lớn của Việt Nam về phát triển công nghiệp bán dẫn, đề nghị Viettel quan tâm đến Chiến lược và tham gia lĩnh vực công nghiệp bán dẫn.

tt-pham-duc-long.jpg
Thứ trưởng Phạm Đức Long đề nghị Viettel xung phong nhận trách nhiệm làm chủ một số công nghệ như đám mây, AI...

Trong khi đó, Thứ trưởng Phạm Đức Long lưu ý, Viettel đang tăng trưởng tốt, cả về viễn thông, cần duy trì, phát huy thế mạnh trong bối cảnh đất nước chuyển đổi số (CĐS). Bộ Chính trị sẽ ban hành Nghị quyết về CĐS, theo đó, cần vai trò, trách nhiệm của các DN viễn thông, công nghệ trước đất nước.

Thứ trưởng cũng đề nghị Viettel nhanh chóng đến năm 2025 phủ sóng 5G chất lượng và đạt được tỷ lệ 50% trên toàn quốc, tích cực tham gia phát triển các hạ tầng chữ ký số. Phát triển hạ tầng số cần có cách tiếp cận mới để phát triển kinh tế số.

Một điểm quan trọng nữa, theo Thứ trưởng, là Viettel xem xét hạ tầng công nghệ như là một dịch vụ. Viettel cũng xung phong nhận trách nhiệm làm chủ một số công nghệ như đám mây (cloud), AI. Cloud, AI là những công nghệ cốt lõi, Viettel là DN lớn cần phải tiên phong.

Bộ TT&TT được giao chủ trì một số bài toán lớn của đất nước trong các lĩnh vực về y tế, giáo dục... Viettel hãy tham gia xây dựng, thực hiện các đề án này.

tt-phan-tam.jpg
Thứ trưởng Phan Tâm: Viettel cần đặt mục tiêu về làm chủ công nghệ số.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đề nghị Viettel tập trung cao độ, đặt mục tiêu cao hơn, giải pháp xuất sắc hơn trong việc chuyển dịch sang không gian phát triển mới, không gian số, CĐS.

Theo Thứ trưởng Phan Tâm, Viettel cần đặt mục tiêu về làm chủ công nghệ số. Việt Nam muốn tự chủ, tự cường thì phải làm chủ công nghệ số, trong đó đặt mục tiêu về tỷ trọng đầu tư cho nghiên cứu phát triển, số lượng bằng phát minh, sáng chế, doanh thu từ nghiên cứu phát triển, tỷ trọng doanh thu phát triển công nghệ số cao hơn nữa.

Đặt mục tiêu vào top các DN công nghệ số toàn cầu

Lắng nghe các ý kiến trao đổi của Viettel, các Thứ trưởng, các đơn vị của Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin cho biết, vừa qua đoàn công tác Bộ TT&TT đã làm việc với các Bộ liên quan tại Nga và Phần Lan. Phần Lan là một quốc gia làm rất tốt về nghiên cứu khoa học. Trong khi đó, các DN Việt Nam làm công tác phát triển sản phẩm, marketing rất giỏi. Theo đó, Việt Nam có thể đẩy mạnh hợp tác chuyển giao công nghệ với Phần Lan.

bt-nguyen-manh-hung.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Sứ mệnh đặt trên vai là rất lớn nhưng cũng chính là cơ hội rất lớn để Viettel bước vào giai đoạn phát triển mới.

Trong khi đó, từ năm 2020, Liên bang Nga đã tập trung cho mã nguồn mở để viết phần mềm nên ngành phần mềm của Nga hiện rất phát triển. Việt Nam nên tập trung phát triển mã nguồn mở. Việt Nam cũng đã xác định phát triển ngành công nghiệp công nghệ số là mở và nguồn mở.

Nghị quyết về CĐS của Bộ Chính trị dự kiến đặt mục tiêu vào năm 2030, Việt Nam xếp các thứ hạng về CĐS trong top 50 của thế giới. Theo đó, Viettel cũng phải đặt mục tiêu vào top 30, 40 các DN công nghệ số toàn cầu, xét về các mặt công nghệ, làm chủ công nghệ, kinh doanh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, quy mô, doanh thu, lợi nhuận. Lúc đó, Viettel không chỉ làm viễn thông, mà chuyển mình thành DN công nghệ số với mục tiêu cao.

Bộ trưởng cũng đề nghị Viettel chi cho đầu tư phát triển hạ tầng số cũng phải tăng gấp đôi để cùng nhịp phát triển của đất nước.

CĐS mạnh mẽ trong nội bộ

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Viettel cần thúc đẩy CĐS mạnh mẽ trong nội bộ, có cán bộ làm CĐS ở các cấp trong Tập đoàn. Trong cấp ủy, lãnh đạo các cấp của Viettel phải đảm bảo 30% cán bộ có kiến thức về CĐS, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Việc CĐS tại các cấp của tập đoàn cũng phải được đưa vào đánh giá cán bộ.

CĐS, công nghệ số là để phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất. Đó cũng là nội dung đã được đề cập trong trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.

“Viettel phải dùng công nghệ số trong mọi hoạt động của tập đoàn và để công nghệ số thực sự trở thành lực lượng sản xuất cơ bản”.

Bộ trưởng cho biết tất cả DN công nghệ số vĩ đại nhất đều là những DN làm cho mình trước rồi mới làm cho bên ngoài, điển hình như Amazon, xuất phát điểm là công ty bán sách, sau đó họ tự làm hệ thống để bán sách. Hay Steve Job làm iPod cho con gái, sau đó mới phát triển thành sản phẩm và phát triển thêm các sản phẩm khác.

CĐS có cái hay là CĐS nhà mình và thế giới là giống nhau. Vì thế, Viettel làm cho nội bộ là yên tâm đi ra toàn cầu. CĐS nội bộ cũng phải nghĩ đến việc thay đổi một số cơ chế hoạt động nội bộ để tạo ra sự thay đổi, giải phóng nguồn lực. Đây là quan hệ sản xuất.

Nói về ứng dụng AI, Bộ trưởng cho biết hiện nay cả thế giới nói về AI, nhưng AI hiểu mỗi người một kiểu. Tốt nhất là hãy dùng AI, AI hóa các hoạt động nội bộ của Tập đoàn.

CĐS thì việc đầu tiên là số hóa, chuyển hoạt động lên môi trường số, kể cả công việc hàng ngày, sau khi có dữ liệu rồi thì dùng AI để xử lý nó, phân tích đánh giá tạo ra giá trị, tối ưu.

“AI là công nghệ quan trọng nhất của thời đại ngày nay, của cách mạng công nghiệp 4.0”, Bộ trưởng cho biết.

Làm chủ những công nghệ cốt lõi

Theo Bộ trưởng, trước đây, mục tiêu làm chủ công nghệ ít được đặt ra. Viettel muốn làm chủ công nghệ như làm chip, AI, đám mây thì phải đặt mục tiêu làm chủ công nghệ đó. Ví dụ, Viettel sản xuất thiết bị 5G thì phải đặt mục tiêu tỷ trọng thiết bị mình sản xuất chiếm ít nhất 20% thị trường Việt Nam.

Về hạ tầng viễn thông tại Việt Nam, Bộ trưởng mong muốn Viettel tiếp tục đi đầu, phủ sóng mạng di động rộng khắp, hướng tới mục tiêu phủ sóng di động 4G phải đạt 99,8% trên toàn quốc. Việc phát triển này quan trọng hơn là tạo ra nền tảng để phát triển đất nước.

Bộ trưởng cũng lưu ý các DN viễn thông thay vì đi cạnh tranh với nhau thì nghiên cứu làm nền tảng (platform) để cho đơn vị khác đứng “trên lưng” mình, vừa có doanh thu, vừa bền vững, nhưng lại làm được việc dẫn dắt đất nước, làm ra hạ tầng cho đất nước mình. Viettel nghiên cứu chuyển cách làm.

Cũng theo Bộ trưởng, một tổ chức muốn bền vững cần đổi mới về cơ cấu. Cơ cấu doanh thu, lợi nhuận viễn thông có thể đạt một tỷ lệ nhất định thì sẽ ổn định và đẩy mạnh doanh thu các dịch vụ khác. Cùng với đó, duy trì tăng trưởng hai con số để từ đó bứt phá lên. Hiện nay, tất cả các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, doanh thu dịch vụ viễn thông truyền thống chỉ chiếm chưa đến 10%.

Cuối cùng, Bộ trưởng lưu ý với lãnh đạo Viettel là Việt Nam đã xác định rõ CĐS là cuộc cách mạng toàn dân, toàn diện, là một cuộc cách mạng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Cuộc cách mạng đó phụ thuộc vào những DN viễn thông, công nghệ số, trong đó có trách nhiệm rất lớn của Viettel.

Các trọng trách phát triển hạ tầng số, CĐS, thể chế số, nhân lực số, dữ liệu số, làm chủ công nghệ, cơ chế chính sách cho Ngành phát triển cũng từ sự phát triển của các DN. Sứ mệnh đặt trên vai là rất lớn nhưng cũng chính là cơ hội rất lớn để DN như Viettel bước vào giai đoạn phát triển mới.

Bộ trưởng đề nghị: "Viettel làm tốt sứ mệnh dẫn đầu, sứ mệnh quốc gia để góp phần xây dựng Ngành, đất nước"./.

Hoàng Linh