Ba giải pháp nhằm hỗ trợ, bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng

An toàn thông tin - Ngày đăng : 08:05, 21/10/2024

Khảo sát cho thấy tỷ lệ trẻ em Việt Nam hoàn toàn tự tin về kiến thức và kỹ năng ứng phó với rủi ro từ mạng xã hội chưa cao. Điều này tiềm tàng những nguy cơ đối với việc sử dụng internet an toàn của trẻ em.
An toàn thông tin

Ba giải pháp nhằm hỗ trợ, bảo vệ trẻ em an toàn trên môi trường mạng

Anh Minh {Ngày xuất bản}

Khảo sát cho thấy tỷ lệ trẻ em Việt Nam hoàn toàn tự tin về kiến thức và kỹ năng ứng phó với rủi ro từ mạng xã hội chưa cao. Điều này tiềm tàng những nguy cơ đối với việc sử dụng internet an toàn của trẻ em.

Bên cạnh các môi trường gia đình, trường học, cộng đồng, môi trường mạng ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống của trẻ em nói chung và đảm bảo quyền của trẻ em nói riêng. Báo cáo khảo sát “Tiếng nói Trẻ em Việt Nam” 2024 được công bố vào đầu tháng 10/2024 đã cho thấy những lát cắt về việc trẻ em Việt Nam sử dụng mạng xã hội cũng như những kỹ năng mà các em cần được bổ sung, hỗ trợ để đảm bảo an toàn trên môi trường mạng.

Báo cáo “Tiếng nói Trẻ em Việt Nam” lần đầu tiên được Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) và Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam (SC) thực hiện vào năm 2020, với những phản hồi tích cực từ các bên liên quan đặc biệt trong nỗ lực hướng đến thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em Việt Nam.

d3da2f78fa9f927dhinhanh1.jpg
Môi trường mạng ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống của trẻ em, đặt ra những vấn đề cấp thiết về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Báo cáo năm 2024 đã vận dụng kết hợp phương pháp nghiên cứu dữ liệu thứ cấp, nghiên cứu định lượng (khảo sát bảng hỏi) và nghiên cứu định hình (phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm) với sự tham gia chia sẻ ý kiến từ trẻ em, phụ huynh, người chăm sóc và các bên liên quan gồm: cán bộ bảo vệ trẻ em các cấp tại địa phương, lãnh đạo cơ sở giáo dục, luật sư, phóng viên, lãnh đạo câu lạc bộ, đội, nhóm có sự tham gia của trẻ em.

Báo cáo được thực hiện tại 6 tỉnh, thành phố ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam gồm: Yên Bái, Hà Nội, Đà Nẵng, Kon Tum, TP.HCM và Đồng Tháp trong thời gian từ tháng 12/2023 đến tháng 5/2024.

Tỷ lệ trẻ em tự tin với kiến thức, kỹ năng ứng phó rủi ro từ mạng xã hội chưa cao

Theo Báo cáo, 83,9% trẻ em Việt Nam có sử dụng điện thoại, trong đó điện thoại thông minh chiếm 76%. 86,1% trẻ em được khảo sát có sử dụng mạng xã hội. 97% trẻ em được khảo sát sử dụng điện thoại từ 1h/ngày, trong đó gần 27% sử dụng điện thoại từ 5h/ngày. Mục đích sử dụng lớn nhất là giải trí gồm xem phim ảnh, nghe nhạc… (86%).

Một điểm đáng mừng của kết quả khảo sát là tỷ lệ trẻ em Việt Nam đã được học những nội dung, kĩ năng để bảo vệ bản thân trên môi trường mạng khá cao. Các nội dung quan trọng đều có tỷ lệ trên 70%. Cụ thể, 74,5% trẻ em được hỏi đã được học kỹ năng phòng ngừa rủi ro, nguy cơ từ mạng xã hội,

72,9% trẻ em đã được học về bảo vệ thông tin riêng tư, 71,2% trẻ đã được học bảo vệ bản thân và 70,3% trẻ đã được học về phòng ngừa xâm hại tinh dục qua mạng xã hội. Số trẻ được học về các kỹ năng phòng ngừa bắt nạt qua mạng xã hội là thấp nhất, song cũng đạt tỷ lệ 63,4%.

Tỷ lệ trẻ em bị quấy rối, đe dọa trên môi trường mạng cho thấy số các em chưa bao giờ bị chửi rủa, quấy rối, đe dọa trên mạng cao hơn nhiều so với tỷ lệ trẻ em thường xuyên, rất thường xuyên bị chửi rủa, đe dọa.

Đặc biệt, một điều đáng lưu ý là tỷ lệ trẻ em vận dụng mạng xã hội để tìm hiểu, nâng cao kiến thức đạt mức cao nhất khi so sánh với các kênh khác gồm trường học, gia đình, bạn bè, hội thảo, diễn đàn. Điều này cũng đặt ra vấn đề khi các em học hỏi, tìm hiểu kiến thức qua mạng xã hội có thể gặp phải tình huống thông tin, kiến thức chưa kiểm chứng trong khi khả năng lựa chọn, kiểm chứng thông tin, kiến thức của các em vẫn còn những hạn chế nhất định.

Thực tế cho thấy, tỷ lệ trẻ em hoàn toàn tự tin về kiến thức và kỹ năng ứng phó với rủi ro từ mạng xã hội chưa cao. Điều này tiềm tàng những nguy cơ đối với việc sử dụng internet an toàn của trẻ em. Chính vì thế, cần tăng cường các kênh thông tin khác, nhất là các thông tin từ trường học. Hiện tại, kênh thông tin từ trường học chiếm tỷ lệ 56,4%.

1.png
Biểu đồ mức độ tự tin của trẻ về kiến thức và kỹ năng ứng phó rủi ro trên môi trường mạng. Nguồn: Báo cáo “Tiếng nói Trẻ em Việt Nam”.

Báo cáo cho rằng cần chú trọng tăng cường giáo dục qua kênh nhà trường là giải pháp quan trọng và cấp bách. Tại buổi trò chuyện trực tuyến “Sự tham gia của trẻ em Việt Nam” để chia sẻ và công bố Báo cáo do Viện MSD tổ chức, thầy Nguyễn Đức Huy, Phó hiệu trưởng trường THCS Phú Đông, Ba Vì, Hà Nội, cho biết trong thời đại công nghệ phát triển, tỷ lệ các em tham gia mạng xã hội rất cao.

“Có những trường hợp đăng tải, thậm chí phát sóng những hình ảnh nhạy cảm, bạo lực học đường, xúc phạm bạn bè đồng trang lứa. Do đó, nhà trường, các thầy cô đã thường xuyên dành thời gian trong các tiết học, trò chuyện để hiểu hơn về tâm tư, nguyện vọng của các em, đồng thời nhắc nhở, động viên các em”, thầy Nguyễn Đức Huy nói.

3 giải pháp nhằm hỗ trợ, đảm bảo trẻ em an toàn trên môi trường mạng

Môi trường mạng là một môi trường có vai trò quan trọng nhưng tiềm tàng nhiều rủi ro đối với trẻ em. Ngày nay, sử dụng điện thoại và mạng xã hội là việc khó tránh hạn chế và kiểm soát nên nhà trường và cha mẹ cũng như các nhà quản lý cần có những giải pháp để “lọc”, “phòng ngừa” các vấn đề tiêu cực, hạn chế những rủi ro hoặc nguy cơ, và bảo vệ các em trong việc sử dụng mạng xã hội.

Thầy Nguyễn Đức Huy, đại diện trường THCS Phú Đông, Ba Vì, Hà Nội chia sẻ, “63% các em chưa bao giờ trao đổi, đối thoại với lãnh đạo nhà trường. Đây là số liệu thống kê giúp chúng tôi - những người làm công tác giáo dục, hiểu rằng việc trao đổi với ban lãnh đạo nhà trường luôn là một điều mà học sinh rất ngại”.

4.-thay-nguyen-duc-huy-pho-hieu-truong-thcs-phu-dong.jpg
Thầy Nguyễn Đức Huy, Phó hiệu trưởng trường THCS Phú Đông, Ba Vì, Hà Nội, cho biết trong thời đại công nghệ phát triển, tỷ lệ các em tham gia mạng xã hội rất cao.

Từ những ý kiến mà chính các em đã đề xuất, Báo cáo đã đưa ra một số giải pháp cần chú ý, bao gồm tập huấn kỹ năng an toàn trên mạng xã hội (70,5%); Thành lập các nhóm trẻ em để chia sẻ kinh nghiệm và ứng phó với rủi ro trên mạng xã hội (58%); Cung cấp các địa chỉ hỗ trợ trẻ em khi trẻ gặp vấn đề trên mạng xã hội (55,1%).

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Nhung, Ủy viên Ban Chấp hành, Phó ban Thiếu nhi Thành Đoàn, Phó Chủ tịch Hội đồng Đội Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết tại địa phương, các đơn vị luôn tạo mọi điều kiện cho các em học sinh tham gia hoạt động cộng đồng như tham gia hội đồng trẻ em, Câu lạc bộ Quyền trẻ em,...

Trẻ em tham gia các hoạt động cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro khi sử dụng mạng xã hội. Khi tham gia các hoạt động ngoài đời thực, như các chương trình tình nguyện, hoạt động thể thao, hay các lớp học nghệ thuật, trẻ được rèn luyện kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và phát triển khả năng quản lý thời gian.

Những kỹ năng này không chỉ giúp các em hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của sự kết nối thật sự mà còn giúp các em tránh xa sự lôi kéo của các nội dung tiêu cực, độc hại trên mạng xã hội. Hơn nữa, việc tham gia các hoạt động cộng đồng còn tạo ra môi trường tương tác lành mạnh, giúp trẻ xây dựng lòng tự tin và ý thức về trách nhiệm xã hội. Khi có một lối sống năng động và tích cực, trẻ sẽ ít có xu hướng phụ thuộc vào mạng xã hội để giải trí hay tìm kiếm sự công nhận. Đây là cách hiệu quả để bảo vệ trẻ khỏi những cạm bẫy và rủi ro không đáng có từ thế giới ảo.

“Thành Đoàn đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hoạt động lắng nghe tiếng nói trẻ em qua tọa đàm, buổi trò chuyện. Tất cả ý kiến trực tiếp hay trực tuyến đều được ghi nhận và được giải đáp cụ thể”, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Nhung nói và hy vọng các em sẽ ngày càng có nhiều cơ hội được tham gia và tham gia một cách tốt nhất trong các hoạt động cộng đồng./.

Anh Minh