Hiệu quả từ triển khai giải pháp quản lý điều hành cảng Make in Viet Nam

Make in Vietnam - Ngày đăng : 09:50, 23/10/2024

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của thương mại quốc tế, việc khai thác cảng container đã trở thành một yếu tố quan trọng trong chuỗi cung ứng.
Make in Vietnam

Hiệu quả từ triển khai giải pháp quản lý điều hành cảng Make in Viet Nam

Hoàng Linh 23/10/2024 09:50

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của thương mại quốc tế, việc khai thác cảng container đã trở thành một yếu tố quan trọng trong chuỗi cung ứng.

Để nâng cao hiệu quả quản lý và tối ưu hóa quy trình khai thác, hệ thống phần mềm VTOS (Vietnam Terminal Operation System) ra đời, cung cấp giải pháp quản lý toàn diện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh khai thác của các cảng container.

Hệ thống điều hành và quản lý cảng linh hoạt

VTOS là hệ thống điều hành và quản lý cảng (TOS) linh hoạt, có thể tùy chỉnh cấu hình và kết nối nhanh chóng, truy cập thông qua các máy tính để bàn (PC), máy tính xách tay (laptop), điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng (tablet).

Hệ thống cung cấp góc nhìn từ tổng thể đến chi tiết, quản lý và điều hành theo thời gian thực cho tất cả các hoạt động và dữ liệu, giúp việc ra quyết định sản xuất nhanh hơn, năng suất được cải thiện và tăng tính linh hoạt trong sản xuất kinh doanh của các đơn vị cảng/cảng cạn (IDC/Depot).

ceh-6.jpg

Triển khai lần đầu tiên tại Cảng container quốc tế SP-ITC - Hồ Chí Minh (SP-ITC) năm 2019, cho đến nay VTOS, một sản phẩm công nghệ được các kỹ sư trẻ Việt Nam của Công ty Dịch vụ Tin học CEH (CEH) phát triển, cùng sự hỗ trợ của Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chinh phục hơn 20 cảng biển, cảng cạn trên toàn quốc, chiếm lĩnh 35% thị trường với hơn 50% sản lượng của cả nước.

Giải pháp Make in Viet Nam VTOS đã vượt qua các nhà cung cấp giải pháp TOS từ nước ngoài như CATOS (Hàn Quốc), NAVIS (Mỹ), TOPS (Australia).

ceh-1.jpg

Với tính năng tương đương, CEH đã ứng dụng công nghệ hiện đại để nâng tầm sản phẩm vượt trội và mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng như: Chi phí triển khai từ 2,5 triệu USD đến 12 triệu USD chỉ còn 300.000 USD đối với cảng biển và 70.000 USD với cảng cạn; thời gian triển khai chỉ còn 2 - 3 tuần so với 16 - 18 tuần như trước đây; giảm 60% nhân sự điều hành giám sát.

Đặc biệt, VTOS nâng cấp trực tuyến và toàn trình các thủ tục hải quan, thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp chứng từ điện tử có giá trị pháp lý.

ceh-7.jpg

Ứng dụng công nghệ đám mây, 5G

Cuối năm 2023, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ TT&TT, phát triển các nền tảng số dựa trên đám mây (cloud), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào ngành “ngách” để giải phóng thời gian làm việc của con người, VTOS đã được nâng cấp vận hành trên cloud, 5G.

Việc nâng cấp này giúp doanh nghiệp cảng giảm 90% chi phí đầu tư phần cứng (Hệ thống máy chủ, hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), thiết bị đầu cuối, nhân sự CNTT…), tiết kiệm từ 3 - 5 triệu USD.

AI đã được đưa vào vận hành tại Cảng quốc tế SP-ITC, Cảng Nam Đình Vũ, Cảng container quốc tế Hải Phòng (TC-HICT) với hình thức giao nhận không người, xác thực thông tin tự động hải quan, hãng tàu, chủ hàng, vận tải.

Việc này giúp giảm 100% nhân sự kiểm soát cổng, bãi. Đặc biệt, Cảng Nam Đình Vũ (thuộc Tập đoàn Gemadept tại Hải Phòng) đã hoàn thiện quy trình giao nhận không dừng được các hãng tàu quốc tế đánh giá là cảng đầu tiên trên thế giới ứng dụng công nghệ AI hoàn toàn tự động.

Song song với triển khai VTOS, CEH tiếp tục phát triển các tính năng nâng cấp cho các phần mềm TOS nước ngoài, đáp ứng nhu cầu khai thác và điều hành trong thời kỳ mới khi các nghiệp vụ phát sinh mà TOS do đơn vị cung cấp nước ngoài không nâng cấp được.

ceh-4.jpg

Từ một doanh nghiệp công nghệ khởi nghiệp nhỏ với 6 nhân sự, hiện nay CEH đã có hơn 100 nhân sự với đa số là các kỹ sư trẻ “Gen Z” nhưng đã có kinh nghiệm 2 - 3 năm “thực chiến” dự án tại các tổng công ty, tập đoàn lớn như: Tập đoàn Gemadept, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn, Liên doanh Maersk APMT - Hateco, Tổng công ty ITC, Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam,...

Các dự án của CEH luôn được chủ đầu tư đánh giá cao về nền tảng công nghệ, các đề xuất thông minh phù hợp với quy trình khai thác, thời gian triển khai, đào tạo nhanh chóng và sự nhiệt tình, máu lửa của tuổi trẻ.

Trao đổi với PV Tạp chí TT&TT, ông Tạ Minh Vang, Chủ tịch HĐQT CEH cho biết: “Đứng trước các dự án lớn, quan trọng, liên quan sống còn của doanh nghiệp, thật quá khó để doanh nghiệp được lựa chọn. Nhiều doanh nghiệp cảng không ngại chi phí đầu tư, quan trọng nhất là dự án phải triển khai thành công. Đứng trước các sản phẩm nước ngoài đã triển khai hàng trăm cảng trên toàn thế giới, VTOS cũng gặp nhiều khó khăn. Nếu không có sự đồng hành của Bộ TT&TT, Bộ GTVT, Công ty Dịch vụ Tin học CEH rất khó có được kết quả ngày hôm nay. Chúng tôi đã và đang phấn đấu để xứng đáng với danh hiệu được công nhận là sản phẩm Make in Viet Nam để có thể tự hào giương cao lá cờ Tổ quốc khi xuất khẩu giải pháp VTOS ra quốc tế”.

Ông Tạ Minh Vang cũng phấn khởi chia sẻ thêm năm nay, CEH đã kết hợp với trường Đại học FPT đào tạo “thực chiến” hơn 100 kỹ sư CNTT làm việc chuyên nghiệp. Đồng thời, CEH đã hỗ trợ tài liệu, phần mềm, phòng thực hành VTOS cho các trường đại học có ngành logistics. Cùng với đó, công ty cũng đã triển khai các dự án liên quan cảng biển cho hãng tàu lớn nhất thế giới như Maersk, MSC, CMA, OOCL… để làm tiền đề cho kế hoạch xuất khẩu VTOS ra nước ngoài trong năm 2025.

ceh-8.jpg

Hoàng Linh