Gia tăng áp lực cạnh tranh khi các sàn TMĐT Trung Quốc "tham chiến"
Kinh tế số - Ngày đăng : 11:25, 23/10/2024
Gia tăng áp lực cạnh tranh khi các sàn TMĐT Trung Quốc "tham chiến"
Trong báo cáo mới được Metric phát hành, việc các sàn Thương mại điện tử Trung Quốc như Temu, 1688, Taobao đẩy mạnh vào thị trường Việt Nam khiến các nhà bán lẻ trong nước đối mặt với nhiều thách thức về giá và tốc độ dịch vụ.
Doanh nghiệp bán lẻ trong nước đối mặt với thách thức từ Temu, 1688, Taobao
Trong báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý III/2024 và dự báo quý IV/2024 mới được Metric phát hành, sự gia nhập của Temu vào thị trường Việt Nam và một số động thái từ các sàn thương mại điện tử (TMĐT) Trung Quốc giá rẻ khác như 1688, Taobo làm gia tăng áp lực cạnh tranh, khi trước đó thị trường đã bị chi phối bởi các nền tảng nước ngoài như Shopee, Lazada và TikTok Shop.
Cụ thể, sau khi ra mắt tại Philippines và Malaysia từ năm ngoái, Temu đã chính thức bắt đầu giao hàng tại Thái Lan vào tháng 7/2024. Và như dự đoán của nhiều nguồn tin trong ngành, Temu cũng chính thức gia nhập thị trường Việt Nam vào tháng 10 năm nay. Tuy nhiên, phiên bản đầu tiên của Temu tại Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.
Hay việc ứng dụng TMĐT 1688, phiên bản dành cho iOS hiện đã có ngôn ngữ tiếng Việt. Các trang giới thiệu, đăng nhập hay gợi ý chủ đề được chuyển ngữ để dễ sử dụng. Trước đó, ứng dụng (app) này chỉ có bản tiếng Trung, không có cả lựa chọn tiếng Anh. Riêng người dùng Việt Nam còn nhìn thấy các quảng cáo liên quan đến việc hỗ trợ trực tiếp, thanh toán quốc tế và vận chuyển nhanh, không qua trung gian. Đây là dấu hiệu cho thấy nền tảng nhắm đến thị trường trong nước.
Với Taobao - nền tảng TMĐT của Alibaba - từ tháng 8/2024 cũng đã cho ra mắt chương trình giao hàng quốc tế miễn phí đối với các sản phẩm thời trang. Chương trình này mới áp dụng cho người dùng tại Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Macao. Tại Việt Nam, ứng dụng Taobao chưa hỗ trợ tiếng Việt, tuy nhiên, đã cho phép vận chuyển đến địa chỉ của người dùng tại Việt Nam.
Từ đó, báo cáo của Metric khẳng định, những điều này khiến doanh nghiệp (DN) bán lẻ trong nước phải đối mặt với thách thức về giá và tốc độ dịch vụ. Do vậy, cần nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo sự khác biệt về sản phẩm và tối ưu hóa quy trình để cạnh tranh.
Điểm sáng bất ngờ từ Tiki
Trong báo cáo của Metric phát hành, 9 tháng đầu năm 2024, thị trường TMĐT Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực với tổng doanh số đạt 227,7 nghìn tỷ đồng, tăng 37,66% so với cùng kỳ 2023. Đặc biệt, riêng quý III đã đóng góp 84,75 nghìn tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 18,15% so với quý liền kề, khẳng định sức hấp dẫn và tiềm năng phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này.
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các nền tảng, chỉ có Tiktok Shop và Shopee là hai sàn ghi nhận mức tăng trưởng khả quan so với cả quý II/2024 lẫn cùng kỳ 2023. Đáng chú ý, Tiktok Shop đã đạt mức tăng trưởng doanh số gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, thể hiện chiến lược hiệu quả trong việc kết hợp giữa mô hình mua sắm và giải trí.
Tiki cũng là một điểm sáng bất ngờ trong quý III/2024. Sau khi ghi nhận mức tăng trưởng âm so với cùng kỳ 2023, Tiki đã có sự phục hồi mạnh mẽ với mức tăng 38,1% so với quý liền kề, tạo ra một bước ngoặt khả quan cho nền tảng nội địa này.
Một trong những xu hướng đáng chú ý trong quý III/2024 là sự tăng trưởng mạnh mẽ của các cửa hàng Shop Mall (cửa hàng chính hãng). Mặc dù chỉ chiếm 5% tổng số shop phát sinh đơn hàng, nhưng Shop Mall đóng góp gần 1/3 tổng doanh số của toàn thị trường, với mức tăng 53,11% so với cùng kỳ 2023. Điều này cho thấy người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm chính hãng và chất lượng, đặc biệt là các sản phẩm có giá thành cao - phản ánh xu hướng dịch chuyển tiêu dùng trực tuyến tại Việt Nam.
Trong số các sàn TMĐT, Shopee và Tiktok Shop là hai nền tảng ghi nhận mức tăng trưởng cả về số lượng bán lẫn doanh số từ Shop Mall. Tiktok Shop mặc dù sở hữu số lượng cửa hàng chính hãng ít hơn Shopee, nhưng lại có mức tăng trưởng doanh số cao gấp 3 lần.
Về phân bổ địa lý, hai khu vực Hưng Yên và Đà Nẵng trở thành điểm sáng mới của thị trường với mức tăng trưởng doanh số và sản lượng đều vượt 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự phát triển này phản ánh vai trò ngày càng quan trọng của các trung tâm kho vận ngoài các thành phố lớn trong việc phục vụ nhu cầu mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng./.