Chuyển đổi số ngành logistics góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 10:45, 23/10/2024

Đóng vai trò quan trọng như "mạch máu" của nền kinh tế quốc gia, ngành logistics tạo ra giá trị gia tăng cao và đóng vai trò cốt lõi trong việc nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chuyển đổi số đang được xem là yêu cầu bức thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa chi phí cho ngành dịch vụ trọng yếu này.
Chuyển đổi số

Chuyển đổi số ngành logistics góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế

Nguyễn Nhàn 23/10/2024 10:45

Đóng vai trò quan trọng như "mạch máu" của nền kinh tế quốc gia, ngành logistics tạo ra giá trị gia tăng cao và đóng vai trò cốt lõi trong việc nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chuyển đổi số đang được xem là yêu cầu bức thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa chi phí cho ngành dịch vụ trọng yếu này.

Ngành logistics Việt Nam tăng trưởng vượt bậc

Logistics đóng vai trò then chốt trong việc phát triển thương mại trên toàn cầu, giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng và giảm thiểu chi phí vận hành. Theo báo cáo DxReports vào tháng 5/2024 của FPT Digital, ngành logistics toàn cầu sẽ tăng trưởng từ 9.407,5 tỷ USD năm 2023 lên 15.978,2 tỷ USD vào năm 2032, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) đạt 6,4%.

Hiện nay, các công ty hàng đầu về logistics đang đầu tư mạnh mẽ vào các dự án chuyển đổi số (CĐS) nhằm cải thiện trải nghiệm khách hàng và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Tại Việt Nam, theo công ty nghiên cứu thị trường Modor Intelligence công bố năm 2023, quy mô thị trường vận tải hàng hóa và logistics ước đạt 48,38 tỷ USD trong năm 2024, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 6,19% đến năm 2029.

anh-logistics-2-1674099994426635968566.jpg
Logistics đóng vai trò then chốt trong việc phát triển thương mại trên toàn cầu, giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng và giảm thiểu chi phí vận hành.

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) xác định chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Việt Nam năm 2023 xếp thứ 43/139 nước và vùng lãnh thổ tham gia nghiên cứu, tăng 21 bậc so với năm 2016. Việt Nam cũng là nước xếp hạng ở tốp đầu trong các thị trường mới nổi, tốc độ phát triển của ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14 - 16%, quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm.

Ngoài ra, thị trường dịch vụ logistics ngày càng mở rộng, số lượng doanh nghiệp (DN), chất lượng dịch vụ cũng gia tăng, từng bước được nâng cao, tham gia tích cực vào việc hỗ trợ sản xuất, lưu thông trong nước và xuất nhập khẩu. Những năm qua, ngành dịch vụ logistics đã có những đóng góp không nhỏ trong hoạt động xuất nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam từ mức 428,1 tỷ USD năm 2017 lên 681,1 tỷ USD năm 2023 với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 8,4%/năm cho cả giai đoạn 2017 - 2023.

Nhiều khó khăn từ thực tiễn

Trong bối cảnh ngành Logistics Việt Nam đang có nhiều bước chuyển mình thì CĐS ngành không còn là xu hướng mà trở thành yêu cầu tất yếu. Mặc dù lợi ích mang lại từ CĐS là rất rõ ràng, tuy nhiên, quá trình CĐS trong lĩnh vực logistics ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn cả ở cấp độ vĩ mô, vi mô, cả ở các cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương và DN.

Khảo sát của báo cáo Logistics năm 2023 của Bộ Công Thương cho thấy, có 90,5% các DN dịch vụ logistics tham gia khảo sát đang còn ở giai đoạn số hóa, bao gồm cấp độ 1 là tin học hóa và cấp độ 2 là kết nối. Trong đó, phần lớn các DN đang ở cấp độ 2 với tỷ lệ chiếm tới 73,5%.

Chỉ có 5% DN dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 3 là trực quan hóa, 2,2% ở cấp độ 4 là minh bạch hóa. Đặc biệt, chỉ có 1,9% DN dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 5 là có khả năng dự báo và con số rất “khiêm tốn” 0,4% DN đạt đến cấp độ cao nhất, cấp độ 6 là có khả năng thích ứng.

anh-1.jpg
Mức độ ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS tại DN dịch vụ logistics còn nhiều hạn chế.

Tại Diễn đàn Logistics Vùng lần thứ V với nội dung “Chuyển đổi số - Động lực mới thúc đẩy tăng trưởng Vùng đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng” diễn ra vào tháng 5/2024, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, hiện tại trên thị trường, các DN dịch vụ logistics thực hiện CĐS đạt từ cấp độ 3 trở lên còn rất ít, chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp lớn. Trong khi đó, phần lớn với 90% các DN dịch vụ logistics ở Việt Nam còn đang ở giai đoạn số hóa.

Tiềm lực tài chính là một trong những thách thức trong CĐS logistics tại Việt Nam hiện nay. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện nay, 62,3% số DN logistics có vốn dưới 3 tỷ đồng và 31,5% có vốn từ 3 - 50 tỷ đồng. Với quy mô vốn như vậy, việc đầu tư vào các giải pháp công nghệ số đắt đỏ là rất khó khăn. Ngoài ra, CĐS cũng đòi hỏi DN logistics phải có đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ năng công nghệ cao, trong khi nguồn nhân lực này hiện nay vẫn còn hạn chế ở Việt Nam.

Đặt mục tiêu 80% DN logistics sử dụng các giải pháp CĐS

Hiện nay, thị trường logistics Việt Nam có sự tham gia của khoảng 43.000 DN trong nước, trong đó, chiếm đa phần là các DN nhỏ và vừa. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần đẩy nhanh quá trình CĐS trong lĩnh vực logistics để vừa khắc phục được những vấn đề nảy sinh trong đợt dịch COVID-19, vừa có thể tận dụng được lợi thế hiện nay của cách mạng số và thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần phát triển DN.

Các DN logistics đã nhận thức đúng, đánh giá cao tầm quan trọng của CĐS đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh. Theo báo cáo Logistics năm 2023 của Bộ Công Thương, có đến 79,8% các DN đều cho rằng CĐS quan trọng với hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là một tín hiệu tích cực thể hiện mức độ nhận thức về CĐS của các DN dịch vụ logistics Việt Nam tương đối cao.

Đồng hành, tháo gỡ khó khăn cùng các DN, nhằm tạo bước đệm quan trọng cho quá trình CĐS, Bộ Công Thương đang nghiên cứu và xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự thảo Chiến lược đặt mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics Việt Nam bền vững, hiệu quả, chất lượng và có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới, phát huy lợi thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Mục tiêu đến năm 2030 là tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 6 - 8%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 60 - 70%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 18% GDP; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 45 trở lên. Đến năm 2050, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 12 - 15%; tỷ lệ thuê ngoài đạt 70 - 90%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 10 - 12%; xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 30 trở lên.

Đặc biệt, việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ, CĐS và chuyển đổi xanh được đưa ra như là giải pháp quan trọng và xuyên suốt để phát triển ngành logistics, tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Dự thảo bổ sung một số chỉ tiêu liên quan liên quan đến CĐS của ngành logistics đến năm 2035 như: 80% DN logistics sử dụng các giải pháp CĐS; 30% số phương tiện của DN chuyển sang sử dụng năng lượng xanh; 70% người lao động trong ngành logistics được đào tạo trình độ chuyên môn kỹ thuật, trong đó 30% có trình độ đại học trở lên./.

Nguyễn Nhàn