Đồng hành cùng trẻ em để đối mặt với rủi ro trên Internet

An toàn thông tin - Ngày đăng : 13:46, 24/10/2024

Trong thời đại số, Internet đã trở nên quen thuộc với hầu hết trẻ em. Không thể phủ nhận Internet mang lại nhiều lợi ích cho các em. Tuy nhiên, trẻ em sử dụng Internet như thế nào để đảm bảo an toàn trên không gian mạng lại là bài toán cần sự nhận thức và hành động của người lớn.
An toàn thông tin

Đồng hành cùng trẻ em để đối mặt với rủi ro trên Internet

Anh Minh 24/10/2024 13:46

Trong thời đại số, Internet đã trở nên quen thuộc với hầu hết trẻ em. Không thể phủ nhận Internet mang lại nhiều lợi ích cho các em. Tuy nhiên, trẻ em sử dụng Internet như thế nào để đảm bảo an toàn trên không gian mạng lại là bài toán cần sự nhận thức và hành động của người lớn.

Nội dung dành cho người lớn hay trẻ em đều có trên mạng một cách lẫn lộn

Chia sẻ ý kiến về câu chuyện đảm bảo an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng, ông Ngô Việt Khôi, chuyên gia an toàn thông tin (ATTT) của Hiệp hội ATTT Việt Nam (VNISA), cho biết hiện nay đang có 3 vấn đề nổi cộm.

Vấn đề đầu tiên là không kiểm soát, lọc và dán nhãn được các nội dung trên mạng. Nghĩa là, nội dung dành cho người lớn hay cho trẻ em đều có trên mạng một cách lẫn lộn. Đường dẫn kết nối WiFi ở nhà của mỗi gia đình cũng giống như một ống dẫn nước từ bể lớn vào bể nhỏ, và tất cả nội dung đều “chảy” vào đó. Thiết bị WiFi không thể lọc những thông tin nào phù hợp với trẻ em hay những thông tin nào không phù hợp.

“Chúng ta đang sống trong một thế giới mạng mà mọi thứ gần như lẫn lộn. Khi tiếp cận với mạng Internet, mọi người, trong đó có trẻ em, không hề được dẫn dắt vào một khu vực không có những link xấu, link độc hại và chỉ khi ra khỏi khu vực đó thì mới có khả năng bị mã độc tấn công hoặc gặp các rủi ro an toàn khác”, chuyên gia Ngô Việt Khôi nói.

internet-la-gi-2.jpg
Các nội dung trên Internet đang hiển thị một cách lẫn lộn. (Ảnh minh họa)

Theo ông, đối với hiện tượng tất cả nội dung tốt và xấu lẫn lộn này, trách nhiệm thuộc về nhà mạng cũng như các nhà sản xuất nội dung vì họ không thực hiện việc dán nhãn và tuân thủ các quy định an toàn.

Vấn đề thứ hai là bố mẹ không làm bạn với con cái. Khoảng cách về công nghệ giữa hai thế hệ ngày càng xa, khiến bố mẹ khó theo kịp con cái. Dù bố mẹ luôn mong muốn con trở thành người tốt và an toàn, nhưng kiến thức công nghệ của họ thường lạc hậu so với con. Khi bố mẹ không thể làm bạn với con cả về công nghệ lẫn tâm lý, sẽ khó có sự chia sẻ, trò chuyện giữa hai bên.

Vấn đề thứ ba là hiểm họa trên Internet đang gia tăng quá nhanh, đến mức ngay cả người lớn cũng không còn an toàn, và trẻ em ở mỗi độ tuổi đều đối mặt với những trò lừa đảo riêng. Hiện tại, chưa có nhiều chương trình giáo dục học sinh về việc hạn chế chia sẻ và đăng thông tin cá nhân lên mạng, trong khi dấu vết để lại có thể tồn tại nhiều năm sau.

“Các bạn trẻ sau này có thể sẽ phải hối tiếc vì những thông tin không thể thu hồi, không thể thay đổi như ngày sinh, số điện thoại, địa chỉ, hay tên bố mẹ. Những bài đăng với ngôn từ thô tục, hình ảnh không phù hợp được các bạn "vô tư" đăng tải lên mạng. Đến khi hối hận thì đã quá muộn không thể thu hồi, sửa chữa”, ông Khôi nói.

Cần sự quan tâm và phối hợp giữa cả hệ thống giáo dục và quản lý văn hóa

Là một chuyên gia về ATTT, ông Khôi đề xuất một số giải pháp cho những vấn đề này. Đầu tiên, cần triển khai các chương trình giáo dục kỹ năng số và ứng xử trên mạng cho học sinh một cách lâu dài và bền vững.

“Tôi từng may mắn tham gia chương trình đào tạo "Digital Thinking" của Facebook dành cho cộng đồng, giáo viên và học sinh tại Việt Nam, giúp trang bị kỹ năng số cho các em. Đáng tiếc, chương trình này đã kết thúc vài năm trước. Tôi mong rằng những chương trình tương tự sẽ được nhân rộng và nghiên cứu kỹ lưỡng bởi các chuyên gia về bảo vệ trẻ em và an ninh mạng, thay vì chỉ dừng lại ở các tiết học ngắn hạn trong năm”, ông Khôi nói.

Đối với câu chuyện dán nhãn nội dung, ông Khôi cho rằng người dùng Internet là người hưởng thụ nội dung, còn việc dán nhãn nội dung từ nguồn phải do người tạo ra nội dung và các nhà phân phối nội dung, bao gồm cả nhà mạng, thực hiện.

Theo chuyên gia ATTT, việc dán nhãn nội dung theo lứa tuổi không phải là điều mới mẻ trên thế giới và ông tin rằng các chuyên gia tại Việt Nam cũng đã tiếp cận vấn đề này.

Trong nhiều năm qua, với sự phát triển của Internet, phụ huynh và các nhà giáo dục đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dán nhãn nội dung phù hợp với độ tuổi. Điều này cần sự quan tâm và phối hợp giữa hệ thống giáo dục và hệ thống quản lý văn hóa.

“Nếu việc gắn nhãn nội dung trên Internet được coi là ưu tiên trong phát triển con người tại Việt Nam, các cơ quan chức năng nên khởi động chương trình này và thực hiện nó sớm nhất có thể. Mỗi ngày trôi qua, trẻ em đang phải đối mặt với những nội dung không phù hợp trên mạng, và không nên để vấn đề này kéo dài thêm nữa”, ông Ngô Việt Khôi bày tỏ.

Hiện tại, các nhãn phân loại nội dung, chẳng hạn như tựa game, đã được phân chia theo độ tuổi. Tuy nhiên, nội dung trên Internet lại chưa được dán nhãn như vậy.

“Đây là câu chuyện của nhận thức”

Trong khi việc dán nhãn nội dung chưa được thực hiện, nhiều bậc phụ huynh dường như không phân biệt được nội dung nào phù hợp cho con cái, với độ tuổi của con khi nhiều người cho trẻ tiếp xúc với các video trên YouTube hay mạng xã hội để ... "con chịu ăn cơm”.

Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến khả năng nói và nghe của trẻ. Khi trẻ tiếp xúc với Internet và phim ảnh quá sớm sẽ ảnh hưởng đến chức năng biểu cảm và diễn đạt cảm xúc, như trẻ có thể ít nói hoặc không biết cách biểu đạt cảm xúc "con yêu mẹ" hay "con thích điều này”. Nhiều trẻ có thể thích một điều gì đó, nhưng lại không biết cách diễn đạt cảm xúc của mình. Bởi vì, chức năng nghe và nhìn phát triển quá mức (do tiếp xúc với nhiều loại nội dung trên Internet và tiếp xúc liên tục - PV) có thể dẫn đến việc trẻ không còn khả năng biểu đạt cảm xúc.

tre-em-an-toan-tren-internet.png
Để bảo vệ an toàn cho con trẻ trên Internet, phụ huynh cần nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc lựa chọn nội dung phù hợp. (Ảnh: TTXVN)

Theo ông Khôi, vấn đề này liên quan chặt chẽ đến nhận thức của phụ huynh. Nếu các bậc phụ huynh không nhận ra tầm quan trọng của việc kiểm soát nội dung mà con cái tiếp xúc, thì dù cơ quan chức năng hay quy định pháp luật thế nào, họ cũng sẽ không hành động.

Nhận định về tình trạng trẻ em sử dụng Internet và những rủi ro an toàn có thể xảy ra, ông Khôi cho rằng “đây là câu chuyện của nhận thức”.

“Trước hết, phụ huynh cần nhận thức được trách nhiệm của mình. Nếu họ thấy cần thiết, họ sẽ tự biết cách lựa chọn nội dung phù hợp cho con cái, cũng như xác định thời điểm và thời gian hợp lý để cho trẻ sử dụng điện thoại. Việc giáo dục và nâng cao nhận thức cho phụ huynh về điều này là rất quan trọng để bảo vệ sự phát triển toàn diện của trẻ”, ông Khôi nhấn mạnh./.

Anh Minh