Tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại Lạng Sơn

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 16:35, 24/10/2024

Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã và đang góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giúp người dân được thụ hưởng dịch vụ tối ưu, giảm đáng kể thời gian chờ đợi, chi phí.
Chuyển đổi số

Tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại Lạng Sơn

Ngọc Diệp 24/10/2024 16:35

Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã và đang góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giúp người dân được thụ hưởng dịch vụ tối ưu, giảm đáng kể thời gian chờ đợi, chi phí.

464412520_1305078920833863_6296704166136520385_n.jpeg
Chuyển đổi số y tế góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Chuyển đổi số y tế giúp người dân được thụ hưởng dịch vụ tối ưu

Sáng 23/10, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Hội thảo khoa học "Giải pháp chuyển đổi số (CĐS) lĩnh vực y tế trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong giai đoạn hiện nay", nhằm đưa ra giải pháp để nâng cao chất lượng quản lý, chăm sóc sức khỏe người dân.

Hội thảo được tổ chức sau khi đoàn nghiên cứu đến làm việc và thực hiện các cuộc thảo luận nhóm với lãnh đạo, cán bộ, công chức và viên chức ngành y tế và nhân viên y tế trung tâm y tế cấp huyện và cấp xã tại huyện Bắc Sơn và TP. Lạng Sơn.

Theo GS, TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, CĐS là xu hướng tất yếu, không thể đảo ngược và yêu cầu bắt buộc trong phát triển kinh tế, cải thiện các dịch vụ phục vụ người dân. Y tế là một trong các lĩnh vực có tác động xã hội lớn, liên quan mật thiết tới cuộc sống người dân, cần ưu tiên thực hiện.

GS. TS. Lê Văn Lợi đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Lạng Sơn trong thực hiện CĐS lĩnh vực y tế, tạo tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, giúp người dân được thụ hưởng dịch vụ tối ưu, giảm đáng kể thời gian chờ đợi, chi phí. Hiện 100% bệnh viện tuyến tỉnh, huyện đã có cầu truyền hình trực tuyến, thực hiện kết nối qua nền tảng số để phục vụ khám, chữa bệnh nên nhiều ca bệnh được hội chẩn trực tuyến, đưa ra hướng xử trí kịp thời, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người bệnh…

464516769_1305078474167241_7305311394051319410_n(1).jpeg
Toàn cảnh hội thảo.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên cho biết, Lạng Sơn là tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nhưng việc CĐS, trong đó có lĩnh vực y tế đã được tỉnh chú trọng, đẩy mạnh. Tỉnh xác định, CĐS trong khám, chữa bệnh là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nhằm từng bước nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao và đa dạng của nhân dân.

Theo công bố của Bộ TT&TT về kết quả xếp hạng chỉ số CĐS (DTI), Lạng Sơn luôn nằm trong tốp những địa phương dẫn đầu. Đặc biệt, Lạng Sơn là 1 trong 7 cơ quan, đơn vị, địa phương trong toàn quốc đạt giải thưởng “Cơ quan nhà nước CĐS xuất sắc” vào năm 2023 với nền tảng trợ lý ảo giải pháp tự động trả lời về thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

Đến nay, 100% cơ sở khám, chữa bệnh công lập tại tỉnh hiện sử dụng phần mềm quản lý thông tin bệnh viện để quản lý thông tin bệnh nhân từ lúc nhập viện đến lúc ra viện; gần 100% cơ sở khám chữa bệnh thực hiện khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân (CCCD) có gắn chíp và ứng dụng VneID (đạt 80,93%, số còn lại là trẻ em và người chưa có CCCD); 95% người dân trên địa bàn tỉnh có hồ sơ sức khỏe điện tử. Tỉnh đã triển khai Đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2021 - 2025. Tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh đều triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt…

Tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế

Tại hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe kết quả về hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023 của tỉnh Lạng Sơn qua phần trình bày của bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và thảo luận các vấn đề liên quan đến thực trạng CĐS trong y tế, quá trình triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử; hiệu quả và lợi ích khi thanh toán chi phí khám, chữa bệnh không dùng tiền mặt của tỉnh.

Kết quả khảo sát tại Lạng Sơn cho thấy, CĐS trong lĩnh vực y tế đã chứng minh được tính hiệu quả, hữu ích giúp người dân được thụ hưởng dịch vụ tối ưu, giảm đáng kể thời gian chờ đợi, chi phí. Tuy nhiên, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là làm thủ tục khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng CCCD và thanh toán không dùng tiền mặt.

Cụ thể, việc thanh toán không dùng tiền mặt ở các bệnh viện tuyến tỉnh đạt chưa đến 20% so với mục tiêu đề ra là 50% tổng viện phí thanh toán; Sổ sức khoẻ điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID đạt kết quả chưa cao, công tác đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin còn hạn chế,…

Trên cơ sở phân tích, đánh giá toàn diện thực trạng, các yếu tố tác động, các đại biểu đề xuất các giải pháp, kiến nghị chính sách có tính khả thi, hướng đến hoàn thiện khuôn khổ chính sách, cải thiện chất lượng dịch vụ y tế các cấp; thúc đẩy CĐS trong lĩnh vực y tế nói riêng và trong quản lý, phát triển xã hội nói chung…

Việc nghiên cứu CĐS trong lĩnh vực y tế tại Lạng Sơn không chỉ góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho Lạng Sơn mà có tính tham khảo với các địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội tương đồng.

Hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ nghiên cứu "Thúc đẩy CĐS trong lĩnh vực y tế công lập: Hiện trạng và giải pháp tăng cường ứng dụng hồ sơ sức khỏe điện tử tại các tỉnh Lạng Sơn, Bình Thuận và Tây Ninh" do Hội Xã hội học Việt Nam, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và UNDP tại Việt Nam thực hiện từ tháng 8 - 11/2024. Nghiên cứu này được Đại sứ quán Ireland tài trợ thông qua Chương trình nghiên cứu PAPI./.

Ngọc Diệp