Gia Lai muốn tiếp cận nhiều hơn các sản phẩm, giải pháp công nghệ số Make in Viet Nam
Make in Viet Nam - Ngày đăng : 11:00, 25/10/2024
Gia Lai muốn tiếp cận nhiều hơn các sản phẩm, giải pháp công nghệ số Make in Viet Nam
Chuyển đổi số trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại tỉnh Gia Lai đã mang lại kết quả đáng ghi nhận. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mong muốn được tiếp cận các sản phẩm, giải pháp công nghệ số Make in Viet Nam để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới.
Nền tảng số hỗ trợ doanh nghiệp Gia Lai chuyển đổi số
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) tỉnh Gia Lai, số lượng DN đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh đến ngày 30/9/2024 là 10.123 DN, bao gồm 2 công ty hợp danh, 1.134 DN tư nhân, 7.376 công ty TNHH và 1.351 công ty cổ phần. Trong số đó có trên 99% là các DN nhỏ, vừa, siêu nhỏ hoạt động trong lĩnh vực thương mại (49%), xây dựng (16%), công nghiệp chế biến (10%), vận tải, dịch vụ (5%), còn lại các ngành nghề khác (20%). Hiện tại, các DN hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), dịch vụ có phát sinh doanh thu, nộp thuế chỉ chiếm khoảng 60% trên tổng số DN đăng ký.
Tại hội thảo “Sản phẩm, giải pháp công nghệ số Make in Viet Nam - Động lực cho thúc đẩy lĩnh vực ưu tiên phát triển tại địa phương” do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), UBND tỉnh Gia Lai tổ chức ngày 25/10/2024 tại Gia Lai, ông Nguyễn Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hiệp hội DN tỉnh Gia Lai cho biết các DN vừa và nhỏ (SME) trên địa bàn tỉnh đang trong tiến trình CĐS theo hướng: Lập trang web hoặc cửa hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử (TMĐT); tận dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook, Tik Tok để tiếp cận, quảng bá và tương tác với khách hàng; thanh toán điện tử qua ngân hàng; sử dụng dịch vụ đám mây cung cấp và lưu trữ dữ liệu.
Một số SME đã tích hợp hệ thống quản lý DN (ERP), hệ thống này tích hợp hoạt động trong DN từ tài chính, nhân sự, khách hàng đế quản lý khách hàng.
CĐS trong SME đã mang lại kết quả đáng ghi nhận, trong từng lĩnh vực. Cụ thể, CĐS sớm nhất và toàn diện là các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng ở nhóm “Big 4”. Các chi nhánh ngân hàng TMCP này ở tỉnh đã thực hiện CĐS đồng bộ từ ngân hàng Trung ương: Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VietcomBank) sử dụng VCB Digibank là dịch vụ đồng nhất về trải nghiệm, dễ thao tác, tích hợp giải pháp bảo mật; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) chuyển đổi thành công hệ thống Core Profile mở ra chặng đường mới trong lịch sử phát triển; Ngân hàng TMCP VietinBank thực hiện chuyển đổi thành công và đưa vào sử dụng hệ thống core banking mới (Core SunShine), là dự án lớn nhất trong ngành ngân hàng Việt Nam; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (AgriBank) ứng dụng Hệ thống thanh toán nội bộ và Kế toán khách hàng (IPCAS) và một số ứng dụng khác.
Các ngân hàng thương mại và cơ quan Thuế Nhà nước là hai đầu tàu dẫn dắt và truyền cảm hứng ban đầu cho SME tham gia CĐS.
Ông Nguyễn Tuấn cũng thông tin 100% DN trên địa bàn tỉnh thực hiện kê khai thuế điện tử và hóa đơn điện tử bằng các phần mềm của Viettel, VNPT và phần mềm của nhiều nhà cung cấp khác của các tỉnh, thành trong cả nước được Tổng cục Thuế chấp nhận. 100% SME và 50% DN siêu nhỏ sử dụng phần mềm kế toán của Viettel, VNPT, LinkQ, phổ biến là phần mềm của MISA.
100% các SME thương mại, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt qua Internet banking, di động, quét mã QR…; khoảng 15 - 20% SME thực hiện giao dịch TMĐT; 25% SME 30% sử dụng hợp đồng điện tử.
Ông Nguyễn Tuấn cho biết hiện nay có trên 70% SME đã tiếp cận sử dụng các nền tảng số ít nhất là một ứng dụng. Đối với những DN thuộc Trung ương hoặc chi nhánh tại tỉnh như các Ngân hàng thương mại, trồng và chế biến cao su, cà phê, mía đường, tinh bột sắn, rau quả, điện năng thì sử dụng phần mềm chuyên biệt theo hệ thống của tập đoàn hoặc công ty mẹ. Trong khi đó, SME của tỉnh thường sử dụng phần mềm quản lý tổng thể DN như LinkQ, BRAVD, ERD, AMIS (do công ty MISA phát triển)… 90% SME sử dụng ứng dụng Zalo trong quản trị DN.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, các SME thuộc lĩnh vực có thuận lợi khi được cung cấp các phần mềm chuyên dụng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và cơ sở dữ liệu (CSDL) quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói, CSDL phân tích và dự báo thị trường nông sản, hệ thống báo cáo dịch bệnh trực tuyến...
Các SME trồng chế biến cao su, cà phê của Gia Lai áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất GlobalGap, VietGap, RainForest, 4C. Đặc biệt, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp có diện tích vườn cà phê 45 ha, được trồng theo tiêu chuẩn hữu cơ, ứng dụng phần mềm quản lý canh tác TSMC do Trung tâm Mã số Mã vạch quốc gia xây dựng.
Hiện có 30% SME sản xuất, chế biến sử dụng nền tảng số trong quản lý chất lượng sản xuất, quản lý kho, theo dõi tiến độ sản xuất… Ở tỉnh Gia Lai, các DN cung cấp dịch vụ CĐS như Viettel, VNPT, Bưu điện tỉnh đang từng bước mở rộng thị trường.
DN Gia Lai có nhu cầu lớn về nền tảng số
Với các kết quả đạt được về CĐS tại các DN của tỉnh, ông Nguyễn Tuấn cũng chỉ ra tình hình sản xuất kinh doanh của các DN đến nay chưa thoát ra khỏi khó khăn từ ảnh hưởng của dịch COVID-19. Điều kiện tài chính hạn chế nên việc đầu tư CĐS có hệ thống chưa được chú trọng, chủ yếu chỉ sử dụng phần mềm kế toán.
Đa số SME tuy có ứng dụng CĐS nhưng ở mức độ thấp, việc ứng dụng đồng bộ hóa các nền tảng trong suốt chuỗi sản xuất - tiêu thụ chưa nhiều. Số lượng DN siêu nhỏ tham gia CĐS còn ít.
Cơ sở hạ tầng CĐS chưa đồng bộ, đặc biệt sản phẩm nông nghiệp vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa chưa kết nối trực tiếp các sàn TMĐT, kể cả các sàn TMĐT) trong tỉnh cho nên các hộ nông dân chưa thấy được lợi ích của CĐS, ảnh hưởng đến các SMS trong việc tổ chức chuỗi liên kết.
Bên cạnh đó, nhân lực vận hành CĐS của các SME còn thiếu, việc đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu. Tư duy của lãnh đạo DN còn e ngại vì đầu tư CĐS tốn nhiều tiền nhưng chưa chắc đạt hiệu quả kinh doanh tương xứng vì yếu tố thị trường và chỉ đạo chính xác của CEO trong thời điểm biến động mới là yếu tố quyết định.
Các SME thu mua nguyên liệu nông sản để chế biến còn sử dụng 50% tiền mặt để thanh toán cho hộ nông dân, thương lái theo yêu cầu của người bán.
Ông Nguyễn Tuấn cho biết DN ở Gia Lai đang có nhu cầu phần mềm CSDL về đất đai, vùng nguyên liệu cây trồng, vật nuôi giúp cho DN tổ chức quản lý sản xuất, chế biến đạt hiệu quả sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Các DN Gia Lai mong muốn thị trường hóa mạnh hơn, kéo giảm chi phí đầu tư các sản phẩm nền tảng số, tạo thuận lợi cho các SME, nhất là các DN siêu nhỏ tích cực tham gia CĐS; Hỗ trợ SME tiếp cận ngày càng sâu nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật, dữ liệu lớn qua các phần mềm ứng dụng đối với sản xuất và công nghiệp chế biến, nhất là sản xuất nông nghiệp; giải pháp quản lý, điều hành dây chuyền sản xuất in ấn theo công nghệ 4.0
Theo xu thế thời đại, ông Nguyễn Tuấn khẳng định hoạt động CĐS của SME Gia Lai trong thập niên qua đã tiến bộ qua từng năm, hỗ trợ cho công việc quản trị SXKD, dịch vụ của SME nhanh chóng, suôn sẻ hơn, kinh doanh đạt hiệu quả hơn so với trước và góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế số của tỉnh. Các SME đã đạt được lợi ích thiết thực ban đầu từ CĐS. Tuy nhiên, kết quả đạt được trong thời gian qua mới là giai đoạn đầu trong tiến trình phát triển CĐS, do điều kiện các SME của Gia Lai còn nhiều khó khăn, chưa tích lũy nguồn lực nội tại đủ mạnh, có quá nhiều DN siêu nhỏ cho nên con đường CĐS sẽ dài hơn các địa phương khác.
“Điều cốt lõi là CĐS đã ngày càng lan tỏa từ trong nhận thức của lãnh đạo cộng đồng SME, thúc đẩy hành động CĐS ngày càng mạnh mẽ hơn. Chắc chắn sẽ có ngày càng nhiều SME khi có điều kiện tài chính sẽ đầu tư hợp lý trang bị các nền tảng CĐS cho DN mình và sẽ cùng nhau tạo bước đột phá, đưa hoạt động CĐS vươn tới mục tiêu mới”, ông Nguyễn Tuấn khẳng định.
Cũng tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh: "Tỉnh Gia Lai cũng luôn mong muốn được Bộ TT&TT cũng như các Bộ, ngành có thêm nhiều hoạt động kết nối, chia sẻ những định hướng, mô hình CĐS trong quản lý nhà nước, thúc đẩy kinh tế số, hỗ trợ các đơn vị, địa phương, các DN trên địa bàn tỉnh được tiếp cận các sản phẩm, giải pháp công nghệ số Make in Viet Nam, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới"./.