Tranh cãi xung quanh việc "luật hóa" việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
An toàn thông tin - Ngày đăng : 09:04, 26/10/2024
Tranh cãi xung quanh việc "luật hóa" việc bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Nhiều biện pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng được các chuyên gia đề xuất và nhấn mạnh cần được luật hóa, từ việc chỉnh sửa thiết kế gây nghiện đến quy trách nhiệm của các nhà sản xuất smartphone và cửa hàng ứng dụng.
Thiết kế gây nghiện của các nền tảng mạng xã hội
Các bậc phụ huynh ở Mỹ có con bị tổn thương nghiêm trọng hoặc mất mạng do ảnh hưởng từ mạng xã hội (MXH) đang rất thất vọng khi phiên bản sửa đổi của Đạo luật An toàn Trực tuyến cho Trẻ em (Kids Online Safety Act) được đưa ra, giảm nhẹ các yêu cầu đối với các công ty công nghệ.
Theo The Hill, một trang web chính trị hàng đầu của Mỹ, phiên bản sửa đổi của Đạo luật An toàn Trực tuyến cho Trẻ em đã giảm đáng kể các điều khoản quan trọng, làm suy yếu tiềm năng biến Đạo luật trở thành một trong những bước tiến quan trọng nhất về đảm bảo an toàn cho trẻ em trên thế giới mạng.
Quốc hội cần xem xét lại mục tiêu ban đầu của Đạo luật và hợp tác để đảm bảo rằng phiên bản mạnh mẽ nhất sẽ được thông qua trước cuối năm. Nếu không, các công ty công nghệ sẽ có nguy cơ thoát trách nhiệm, và những bậc cha mẹ sẽ bị tước đi cơ hội tìm kiếm công lý mà họ đã mong chờ từ lâu.
Đạo luật An toàn Trực tuyến cho Trẻ em được xây dựng nhằm xử lý việc các nền tảng MXH cố tình thiết kế công nghệ gây nghiện những công nghệ rất có hại cho trẻ em. Các nền tảng này sử dụng các tính năng như cuộn vô tận, phần thưởng ngẫu nhiên và nội dung kích thích liên tục để giữ người dùng tham gia. Cơ chế này, được gọi là "thiết kế thuyết phục", vận dụng định luật của tâm lý học để khiến người dùng khao khát tương tác không ngừng.
Ví dụ, việc cuộn vô tận cho phép người dùng lướt nội dung liên tục mà không bị ngắt quãng, khiến họ khó có thể dừng lại. Trong khi đó, phần thưởng ngẫu nhiên - như lượt thích hay bình luận bất chợt- kích thích hệ thống phần thưởng của não một cách không đoán trước được, giống như một máy đánh bạc. Mỗi thông báo mới kích thích cảm giác hứng thú và khiến người dùng muốn quay lại nền tảng. Theo thời gian, những điều này ảnh hưởng đến não bộ, khiến người dùng - đặc biệt là trẻ em với não bộ đang phát triển - dễ dàng rơi vào vòng xoáy sử dụng MXH liên tục.
Ngay cả các nghiên cứu của chính các công ty truyền thông xã hội cũng tiết lộ rằng các nền tảng như Facebook, Snapchat và TikTok cố tình sử dụng các tính năng gây nghiện để giữ chân người dùng. Chẳng hạn, các nghiên cứu của Facebook năm 2021 đã cho thấy những ảnh hưởng có hại của MXH Instagram đối với thanh thiếu niên.
Trên thực tế, những tính năng gây nghiện này chính là lý do khiến nhiều trẻ em bị tổn hại khi tham gia chương trình TikTok Blackout Challenge. Thử thách này có thiết kế thuật toán không rõ ràng.
Theo báo The Independent, ứng dụng MXH phổ biến thứ hai thế giới đã đối mặt với những cáo buộc rằng ứng dụng này cố tình hướng những video có khả năng gây nguy hiểm đến những người trẻ tuổi trong khi phớt lờ những cảnh báo và cố gắng tối đa hóa lợi nhuận.
Luật không phải để bảo vệ các công ty công nghệ, mà là để bảo vệ trẻ em
Chính vì vậy, Đạo luật An toàn Trực tuyến cho trẻ em được mong chờ sẽ tạo ra sự khác biệt vì nó sẽ điều chỉnh các tính năng thiết kế định hình hành vi của người dùng.
Theo đó, các nền tảng xã hội sẽ được yêu cầu "thực hiện sự cẩn trọng hợp lý trong việc tạo và triển khai bất kỳ tính năng thiết kế nào" khuyến khích và tăng thời gian trực tuyến của trẻ vị thành niên.
Các ví dụ bao gồm cuộn vô hạn hoặc phát tự động, thông báo, phần thưởng cho thời gian dành cho nền tảng và hệ thống đề xuất được cá nhân hóa, cùng nhiều tính năng khác.
Thật không may, phiên bản sửa đổi của Đạo luật lại có phần làm nhẹ đi các điều khoản quan trọng được kỳ vọng giúp Đạo luật An toàn Trực tuyến cho Trẻ em trở nên toàn diện.
Đầu tiên, phiên bản sửa đổi loại bỏ trách nhiệm của các công ty công nghệ trong việc ngăn ngừa và giảm thiểu các tính năng gây hại cho sức khỏe tâm thần, bao gồm lo lắng, trầm cảm, rối loạn ăn uống và tự tử... khiến dự luật hiện chỉ tập trung vào tác hại về thể chất.
Thứ hai, phiên bản sửa đổi đã thu hẹp đáng kể các điều khoản yêu cầu đối với sản phẩm của các công ty công nghệ, đặc biệt là yêu cầu đối với “hành vi sử dụng cưỡng chế” ở trẻ vị thành niên.
Cụ thể, phiên bản sửa đổi chỉ nhắm vào các trường hợp sử dụng MXH gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động cơ bản của cuộc sống, như nghe, đi lại, ngủ, suy nghĩ và làm việc, theo quy định của Đạo luật Người khuyết tật Mỹ năm 1990.
Do đó, luật không đủ để bảo vệ các trẻ em thức thâu đêm dán mắt vào MXH nhưng vẫn có thể đến trường, mà chỉ bảo vệ các trường hợp suy giảm chức năng một cách nghiêm trọng.
Những người phản đối cho rằng việc làm sửa đổi theo hướng giảm thiểu các quy định trong Đạo luật An toàn Trực tuyến cho Trẻ em để xoa dịu các công ty công nghệ không giải quyết được vấn đề lớn hơn. Bởi vì, xét cho cùng, Đạo luật không phải để bảo vệ các công ty công nghệ, mà là để bảo vệ trẻ em.
Theo bà Gaia Bernstein, Giáo sư luật, Giám đốc sáng lập của Viện Bảo vệ Quyền riêng tư tại Trường Luật thuộc Đại học Seton Hall, nếu Quốc hội thông qua Đạo luật An toàn Trực tuyến cho Trẻ em tập trung vào quy định về thiết kế và an toàn thì các công ty công nghệ phải chịu trách nhiệm và giải trình về tác hại mà họ đã gây ra. Chỉ khi đó, các bậc cha mẹ mới nhận được công lý mà họ đã chờ đợi từ lâu.
Bà Gaia Bernstein cũng là tác giả của cuốn sách nói về việc kiểm soát các công nghệ gây nghiện mang tên “Unwired: Gaining Control over Addictive Technologies”, đồng thời là thành viên của Human Change, một nền tảng toàn cầu cảnh báo về những tác động tiêu cực của công nghệ đối với sức khỏe tâm thần của trẻ em.
Các nhà sản xuất smartphone và cửa hàng ứng dụng cũng phải chịu trách nhiệm
Không những thế, Michael Toscano, Giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu Gia đình (Institute for Family Studies), còn cho rằng không chỉ kiểm soát chặt chẽ hơn các nền tảng MXH, mà ngay cả các nhà sản xuất smartphone và các cửa hàng ứng dụng cũng phải chịu trách nhiệm.
Theo ông, smartphone và cửa hàng ứng dụng đóng vai trò là cửa ngõ giữa người dùng trẻ và nội dung có hại. Chúng kiểm soát quyền truy cập vào hàng triệu ứng dụng và dịch vụ số nhưng lại không có biện pháp hiệu quả hạn chế trẻ vị thành niên tiếp cận những nội dung không phù hợp.
Do đó, để phá vỡ sự kìm kẹp của các nền tảng này đối với trẻ em, cần có những quy định đối với cửa hàng ứng dụng.
Ông Michael Toscano cho biết gần đây, Đạo luật Trách nhiệm của Cửa hàng ứng dụng (App Store Accountability Act) đã được đưa ra dưới dạng sửa đổi. Đạo luật này có 4 thành phần chính (xác minh độ tuổi, sự đồng ý của phụ huynh, các yêu cầu về tính minh bạch và sự giám sát của ngành) đều là những yếu tố thiết yếu cho nỗ lực bảo vệ trẻ em.
Cốt lõi của Đạo luật là yêu cầu xác minh độ tuổi để thiết lập ID cửa hàng ứng dụng. Về mặt kỹ thuật, điều này triển khai khá đơn giản, vì các công ty như Apple và Google đã thu thập ngày sinh của người dùng trong quá trình đăng ký. Cơ sở hạ tầng cơ bản để xác minh độ tuổi hiện đã có sẵn.
Đạo luật cũng bắt buộc các thiết bị của người dùng dưới 18 tuổi phải liên kết với tài khoản của cha mẹ hoặc người giám hộ để giám sát liên tục. Hiện tại, điều này là bắt buộc đối với người dùng thiết bị dưới 13 tuổi. Luật chỉ mở rộng việc liên kết của cha mẹ thành mặc định cho đến khi người dùng đủ 18 tuổi.
Điều khoản này giải quyết mối lo ngại rằng việc xác minh độ tuổi sẽ buộc trẻ vị thành niên phải gửi thông tin nhạy cảm cho các công ty không đáng tin cậy; việc liên kết thiết bị với tài khoản giám sát sẽ giải quyết được vấn đề đó.
Cha mẹ có thể xác nhận độ tuổi của con mình mà không cần gửi giấy tờ tùy thân của con - điều này cũng sẽ ngăn trẻ nói dối về độ tuổi của mình. Sau đó, cửa hàng ứng dụng có thể truyền độ tuổi của người dùng vị thành niên đến các ứng dụng khi các em tải xuống, và như vậy ứng dụng sẽ biết người dùng có đủ điều kiện về độ tuổi để sử dụng sản phẩm của họ hay không./.