Các hoạt động chuyển đổi số của ngành giáo dục tỉnh Cao Bằng
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 19:14, 29/10/2024
Các hoạt động chuyển đổi số của ngành giáo dục tỉnh Cao Bằng
Ngành giáo dục của tỉnh Cao Bằng đang nỗ lực chuyển đổi số, để tạo điều kiện tốt hơn nữa cho việc dạy và học.
Chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu trong xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục
Áp dụng các giải pháp công nghệ trong lĩnh vực giáo dục sẽ góp phần nâng cao chất lượng quản lý và giảng dạy. Ngoài ra, công nghệ còn giúp vượt qua những thách thức về địa lý, các em học sinh ở những vùng xa xôi có thể tiếp cận kiến thức nhờ cách học trực tuyến và các nền tảng học tập trực tuyến. Việc số hóa ngành giáo dục tỉnh không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tiếp cận tri thức mà còn tối ưu hóa quy trình quản lý dữ liệu và hồ sơ học tập.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng, bà Nguyễn Ngọc Thư, cho biết với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng tất yếu trong xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục. Chuyển đổi số không chỉ ảnh hưởng đến công tác quản lý mà còn tác động trực tiếp đến hoạt động dạy và học. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, trong những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chú trọng chỉ đạo và thực hiện hiệu quả công tác ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, tạo nền tảng vững chắc cho việc triển khai chuyển đổi số trong toàn ngành.
Nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục số vào năm 2025, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đang tích cực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, quản lý giáo dục, và quản trị nhà trường. Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Cao Bằng đang triển khai kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin, triển khai Phần mềm Cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và Quản lý hồ sơ giáo dục thuộc “Hệ sinh thái giáo dục thông minh tỉnh Cao Bằng”. Những nỗ lực này góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của hệ thống giáo dục, đồng thời tạo nền tảng số hỗ trợ xã hội học tập. Nhờ đó, người dân có thêm cơ hội tiếp cận mô hình giáo dục thông minh, chất lượng cao với chi phí hợp lý.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã tích cực thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.” Tính đến nay, 12 văn bản chỉ đạo về chuyển đổi số trong giáo dục đã được Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các cơ quan liên quan ban hành, tạo nền tảng pháp lý cho các cơ sở giáo dục triển khai đồng bộ.
Hiện toàn tỉnh đã có hơn 500 trường học cập nhật và số hóa dữ liệu, bao gồm các trường mầm non, tiểu học, các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh. Hệ thống sổ sách quản lý văn bằng THCS và THPT từ năm 1960 đến 2022 cũng đã được số hóa, tạo điều kiện thuận lợi trong lưu trữ và tra cứu. Các ứng dụng tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào lớp 10 trên nền tảng Zalo OA cũng đã được phát triển. Ngoài ra, hệ thống quản lý thi tuyển sinh lớp 10, thi học sinh giỏi cấp tỉnh và thi chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia theo hình thức trực tuyến đã được tự phát triển và đưa vào sử dụng.
Thúc đẩy chuyển đổi số và cải cách hành chính trên toàn bộ hệ thống giáo dục
Về kết nối cơ sở dữ liệu ngành với cơ sở dữ liệu quốc gia, năm 2023, có 10.324/11.862 công chức, viên chức và người lao động trong ngành được cấp mã định danh, đạt 87%. Đối với học sinh, 109.435/135.791 em đã được cấp mã định danh, đạt 80,59%. Đặc biệt, cơ sở dữ liệu công chức, viên chức tỉnh đã kết nối 100% với các đơn vị trực thuộc, tạo sự thống nhất trong quản lý thông tin và hỗ trợ các mục tiêu chuyển đổi số toàn diện của tỉnh.
Ngành giáo dục tỉnh đã triển khai các ứng dụng quản lý, thống kê và điều hành dựa trên cơ sở dữ liệu của hệ sinh thái giáo dục, cấp tài khoản quản lý cho 536 đơn vị gồm 10 phòng GD&ĐT huyện và thành phố, 8 đơn vị trực thuộc Sở và 518 cơ sở giáo dục. Trong năm học 2023-2024, dịch vụ công đăng ký dự thi tốt nghiệp trực tuyến cũng đã được triển khai, với 5.796 thí sinh đăng ký qua hệ thống quản lý thi của Bộ GD&ĐT và cổng dịch vụ công.
Đối với việc thí điểm học bạ điện tử cấp tiểu học, Sở đã chỉ đạo đăng ký chữ ký số cho 1.640 tài khoản, gồm 206 tài khoản của cán bộ quản lý và 1.434 của giáo viên, áp dụng tại 10/10 huyện, thành phố. Hiện nay, hoạt động chuyển đổi số trong dạy và học tại tỉnh tiếp tục duy trì hệ thống học, họp trực tuyến qua các nền tảng Google Meet và Microsoft Teams, phục vụ cho 91.000 học sinh và 9.000 giáo viên. Đồng thời, hệ sinh thái giáo dục vẫn được ứng dụng trong công tác quản lý và điều hành tại các cơ sở giáo dục, với các chức năng như phê duyệt giáo án điện tử, quản lý hồ sơ và học bạ học sinh, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị trong nhà trường.
Ngành giáo dục đã duy trì hiệu quả phần mềm quản lý và điều hành văn bản điện tử, đạt 100% văn bản ban hành có chữ ký số và con dấu số. Hiện có 79 trên 82 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở được triển khai toàn trình ở mức độ 4, tương đương 94%, vượt 50% chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Tất cả các thủ tục hành chính cũng đã được đăng tải đầy đủ trên cổng dịch vụ công quốc gia.
Ngành giáo dục cũng đã hoàn thành việc số hóa 100% hồ sơ tiếp nhận và trả kết quả, tăng đáng kể so với mức hơn 20% vào năm 2023. Các chỉ tiêu này minh chứng cho bước tiến vững chắc trong cải cách và hiện đại hóa công tác hành chính của ngành.
Trong năm học 2024 - 2025, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.”
Trước đó, tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025, Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng Trần Hồng Minh khẳng định ngành giáo dục tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quốc phòng an ninh, cũng như giáo dục thể chất và y tế trong trường học. Đồng thời, Cao Bằng sẽ đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục, thúc đẩy chuyển đổi số và cải cách hành chính trên toàn bộ hệ thống, tập trung thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua trong toàn bộ hệ thống giáo dục.