Tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách về công tác dân tộc

Truyền thông - Ngày đăng : 08:31, 29/10/2024

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu trong thời gian tới Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về công tác dân tộc và chính sách dân tộc.
Truyền thông

Tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách về công tác dân tộc

AD 29/10/2024 08:31

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu trong thời gian tới Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về công tác dân tộc và chính sách dân tộc.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 491/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại buổi làm việc với Ủy ban Dân tộc.

Phó Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực và những kết quả đã đạt được của Ủy ban Dân tộc, của các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc thời gian qua. Các bộ, cơ quan và các địa phương đã phối hợp tốt với Ủy ban Dân tộc; thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và mang lại những hiệu ứng tốt đối với vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Đến nay, diện mạo vùng DTTS và miền núi đã có thay đổi rõ rệt; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú; thu nhập được nâng lên; đời sống vật chất và tinh thần không ngừng cải thiện; số hộ nghèo giảm nhanh; văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp từng bước được bảo tồn và phát huy…

dtts.jpg
Đến nay, diện mạo vùng DTTS và miền núi đã có thay đổi rõ rệt; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú. (Ảnh minh họa: Baodantoc.vn)

Với vai trò chủ trì Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban Dân tộc đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong triển khai thực hiện. Đến nay, đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình; một số nhóm mục tiêu đã cơ bản hoàn thành; kết quả giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2024 ước đạt 56% kế hoạch, cao nhất trong 03 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc còn những tồn tại, hạn chế cần được tập trung khắc phục trong giai đoạn tới. Vùng DTTS và miền núi vẫn là vùng khó khăn nhất của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo cao; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội còn thấp kém (nhất là hệ thống giao thông, viễn thông, cấp điện,…); việc tiếp cận các dịch vụ xã hội ở mức thấp nhất so với cả nước… Việc xây dựng, ban hành một số đề án, cơ chế chính sách còn chậm so với kế hoạch đề ra và yêu cầu thực tiễn.

Ngoài ra, việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn vùng DTTS và miền núi mặc dù đã có cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; tỷ lệ giải ngân nguồn vốn thực hiện 03 chương trình còn thấp, nhất là vốn sự nghiệp.

Tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách về công tác dân tộc và chính sách dân tộc

Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục tập trung cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về công tác dân tộc và chính sách dân tộc.

Trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách cần quán triệt sâu sắc đặc điểm của vùng DTTS và miền núi; phù hợp với đối tượng thụ hưởng và đối tượng thực hiện (thủ tục phải đơn giản, dễ làm, dễ thực hiện...); bảo đảm tính kịp thời và đáp ứng yêu cầu thực tiễn; Rà soát, đề xuất với cấp có thẩm quyền chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phù hợp cho vùng DTTS và miền núi (như tiếp tục áp dụng chế độ cử tuyển; quan tâm bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp…).

co-hoi-rong-mo-voi-hoc-sinh-dan-toc-35e-5422422.jpg
Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phù hợp cho vùng DTTS và miền núi (như tiếp tục áp dụng chế độ cử tuyển; quan tâm bố trí việc làm sau khi tốt nghiệp…). (Ảnh minh họa: Internet)

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Dân tộc khẩn trương thực hiện các đề án, nhiệm vụ về công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong Chương trình công tác năm 2024 và trong Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2025; bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Bên cạnh đó, Ủy ban Dân tộc cũng cần chú trọng và có giải pháp cụ thể, khả thi để nâng cao năng lực thực hiện của cả hệ thống quản lý công tác dân tộc và chính sách dân tộc từ Trung ương tới địa phương; củng cố đội ngũ cán bộ và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong gian đoạn tới. Rà soát, xác định rõ những nhiệm vụ, công việc cần tập trung giải quyết theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các công việc trọng tâm, đột phá cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và nguồn lực thực hiện dứt điểm trong năm 2025 và các năm tới.

Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung, quyết liệt hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hướng dẫn thực hiện kịp thời; đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân nguồn vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là vốn sự nghiệp.

Để có căn cứ báo cáo cấp có thẩm quyền về chủ trương tiếp tục thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2026 - 2030, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Dân tộc và các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm tổ chức tổng kết, đánh giá các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Ủy ban Dân tộc khẩn trương hoàn thành việc tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 trong năm 2024 theo đúng thời hạn quy định tại Chương trình công tác năm 2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch cụ thể về tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, bảo đảm hoàn thành việc tổng kết 2 chương trình này trong quý I năm 2025; báo cáo Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về kế hoạch tổng kết trong tháng 11/2024.

Trước đó, sáng ngày 16/10, tại trụ sở Ủy ban Dân tộc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã có buổi làm việc với tập thể lãnh đạo Ủy ban Dân tộc.

Theo Ủy ban Dân tộc, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các cấp ủy, chính quyền địa phương, Ủy ban Dân tộc và hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc các cấp đã nỗ lực phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực, chủ động tổ chức thực hiện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc đạt được nhiều thành tựu quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; huy động được sức mạnh đoàn kết các dân tộc đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hệ thống chính sách dân tộc được ban hành khá đầy đủ, toàn diện, bao quát hầu hết các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của vùng đồng bào DTTS và miền núi và thường xuyên được quan tâm rà soát, điều chỉnh, bổ sung thống nhất về cơ chế quản lý, tập trung nguồn lực, khắc phục tình trạng trùng lắp; phân cấp mạnh cho địa phương và thể hiện rõ tính công khai, minh bạch trong tổ chức thực hiện; ưu tiên tập trung đầu tư đối với địa bàn đặc biệt khó khăn. Cơ chế chính sách từng bước thay đổi cách thức tiếp cận theo hướng phát huy nội lực của đối tượng thụ hưởng.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của đồng bào DTTS, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có bước phát triển rõ rệt; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú; giáo dục, y tế được quan tâm; tình hình an ninh trật tự được giữ vững; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường.../.

AD