Văn hóa và nghệ thuật thúc đẩy phát triển bền vững ASEAN

Hội nhập - Ngày đăng : 15:21, 25/10/2024

Hội nghị Bộ trưởng phụ trách văn hoá và nghệ thuật ASEAN lần thứ 11 (AMCA-11) và các hội nghị liên quan với các nước đối thoại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã diễn ra từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 10 năm 2024 tại thành phố Melaka, Malaysia.
Hội nhập

Văn hóa và nghệ thuật thúc đẩy phát triển bền vững ASEAN

PV 25/10/2024 15:21

Hội nghị Bộ trưởng phụ trách văn hoá và nghệ thuật ASEAN lần thứ 11 (AMCA-11) và các hội nghị liên quan với các nước đối thoại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã diễn ra từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 10 năm 2024 tại thành phố Melaka, Malaysia.

Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ hợp tác văn hoá ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối thoại. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông dẫn đầu tham dự sự kiện. Trước khi diễn ra AMCA-11, Hội nghị Quan chức cấp cao phụ trách văn hoá, nghệ thuật ASEAN lần thứ 20 (SOMCA 20) và các hội nghị liên quan với các nước đối thoại đã diễn ra nhằm điểm lại tình hình hợp tác ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối thoại, trao đổi về nội dung, dự án và chuẩn bị các văn kiện trình lên AMCA-11.

picture1(1).jpg
Đại biểu đại diện các quốc gia tại Hội nghị.

Tại Lễ Khai mạc Hội nghị AMCA-11 và các hội nghị liên quan, Bộ trưởng Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia Dato Sri Tiong King Sing đã trình bày bài phát biểu sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, nhấn mạnh vai trò then chốt của văn hóa và nghệ thuật trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và bao trùm, nhằm tăng cường đoàn kết trong ASEAN. Bộ trưởng khẳng định hướng tới việc hiện thực hóa Tầm nhìn ASEAN 2045, Malaysia trên cương vị chủ tịch AMCA giai đoạn 2024-2026 đã xác định ba lĩnh vực ưu tiên gồm Thanh niên: Tập trung vào tương lai của ASEAN thông qua các sáng kiến giao lưu và văn hóa xuyên biên giới, Kinh tế sáng tạo: Nhấn mạnh các đóng góp vào GDP, việc làm, doanh thu các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, sở hữu trí tuệ và việc bảo tồn các tài sản văn hóa, Chuyển đổi số: Tận dụng các công cụ và nền tảng số để nâng cao việc bảo tồn văn hóa và đổi mới sáng tạo.

Với chủ đề "Kết nối văn hóa, xây dựng tương lai: Thống nhất trong đa dạng", các Bộ trưởng phụ trách văn hóa, nghệ thuật ASEAN và đại diện các nước đối thoại đã rà soát quá trình hợp tác văn hóa và thảo luận về vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong nỗ lực chung để xây dựng Cộng đồng ASEAN. Với nhận thức văn hóa có thể đóng vai trò sợi dây kết nối, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và góp phần phát triển xã hội và kinh tế, các quốc gia thành viên ASEAN mong muốn tăng cường việc lồng ghép văn hóa vào các chính sách phát triển nhằm góp phần hiện thực hóa tầm nhìn chung ASEAN sau năm 2025.

Hội nghị cũng trao đổi về việc khai thác tiềm năng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong thời đại mới, thông qua một khung chính sách bền vững nhằm phát triển kinh tế sáng tạo ASEAN, trên cơ sở Tuyên bố Siem Reap về Thúc đẩy Cộng đồng ASEAN sáng tạo và Thích ứng để phát triển Công nghiệp Văn hóa và Sáng tạo; Thúc đẩy doanh nghiệp văn hóa, trên cơ sở về việc thúc đẩy doanh nghiệp văn hóa vừa và nhỏ phù hợp với tăng trưởng xanh vì phát triển bền vững; Cũng như rà soát Kế hoạch chiến lược ASEAN về văn hóa và nghệ thuật giai đoạn 2016-1025 cũng như xây dựng một kế hoạch công tác cho giai đoạn tiếp theo.

ghhg.jpg
Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ nỗ lực của UNESCO đưa văn hóa trở thành một mục tiêu phát triển riêng trong Chương trình nghị sự của Liên Hiệp Quốc sau 2030. Thứ trưởng đánh giá cao chủ đề trong nhiệm kỳ chủ trì AMCA của Malaysia, khẳng định vai trò then chốt của văn hóa và nghệ thuật trong việc thúc đẩy phát triển bền vững và tăng cường tình đoàn kết của ASEAN trong mái nhà chung, cùng hướng về một tầm nhìn, một bản sắc, đưa ASEAN trở thành một cộng đồng văn hóa thống nhất trong đa dạng. Trên tinh thần đó, đoàn Việt Nam kêu gọi các nước ASEAN cùng hợp tác triển khai một số nhiệm vụ, bao gồm lồng ghép văn hóa vào các nỗ lực ứng phó chung ở cấp độ quốc gia cũng như khu vực. Đồng thời định hướng phát triển văn hóa số trong bối cảnh xã hội số, kinh tế số đang trở thành xu thế tất yếu. Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa mà các nước thành viên ASEAN có thế mạnh như ẩm thực, thủ công mỹ nghệ, âm nhạc, du lịch văn hóa… Hình thành và kết nối các không gian sáng tạo tại các thành phố, đô thị của các nước thành viên ASEAN.

Trong hợp tác với các nước đối thoại, các quốc gia thành viên ASEAN hoan nghênh nỗ lực của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong việc triển khai Kế hoạch công tác ASEAN+3 về hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật 2022-2025 trong các lĩnh vực: Giao lưu văn hóa, Công nghiệp văn hóa sáng tạo, Quản lý di sản văn hóa, Phát triển nguồn nhân lực và Tăng cường hợp tác giữa các tổ chức văn hóa trong khu vực. Đối với Trung Quốc, các nước ASEAN nhất trí tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực di sản văn hóa và phát triển dệt may truyền thống. Đối với Nhật Bản, các nước ASEAN đánh giá cao sự đồng hành của Nhật Bản và đề xuất khởi động giai đoạn tiếp theo của dự án Lưu trữ số hóa di sản văn hóa ASEAN (ACHDA) nhằm giới thiệu di sản văn hóa phong phú của ASEAN thông qua trải nghiệm tương tác 3D. Đối với Hàn Quốc, các nước ASEAN nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực di sản văn hoá, và hoan nghênh các thông tin cập nhật về Liên hoan Âm nhạc ASEAN - Hàn Quốc (AKMF), đã được tổ chức thành công tại Busan, Hàn Quốc và Jakarta, Indonesia và sẽ được tổ chức tại Vientiane, Lào vào tháng 11 năm 2024.

Đối với Hàn Quốc, các nước ASEAN nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực di sản văn hóa, và hoan nghênh các thông tin cập nhật về Liên hoan Âm nhạc ASEAN - Hàn Quốc (AKMF), đã được tổ chức thành công tại Busan, Hàn Quốc và Jakarta, Indonesia. Sự kiện sẽ được tổ chức tại Vientiane, Lào vào tháng 11 năm 2024.

Tại Hội nghị Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cũng đánh giá cao hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật trong khối ASEAN, giữa ASEAN với các nước đối thoại và sự hợp tác được thiết lập với các đối tác mới như với Vương quốc Anh trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế sáng tạo ASEAN, với Italy trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Tổng Thư ký cũng ghi nhận nỗ lực của một số quốc gia trong việc phát triển công nghiệp sáng tạo trong đó có Việt Nam.

gnnb.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Hội nghị Bộ trưởng phụ trách văn hóa, nghệ thuật ASEAN thông qua các báo cáo SOMCA 19, SOMCA 20 và AMCA 11 đồng thời nhất trí chuyển giao danh hiệu Thành phố Văn hóa ASEAN giai đoạn 2024-2026 cho thành phố Melaka, Malaysia.

PV