AI chuyển đổi lĩnh vực tài chính, ngân hàng như thế nào?

Kinh tế số - Ngày đăng : 11:30, 31/10/2024

Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang cách mạng hóa toàn diện lĩnh vực tài chính, ngân hàng, giúp tăng cường hiệu quả hoạt động, nâng cao trải nghiệm khách hàng, bảo vệ chống lại gian lận và thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo.
Kinh tế số

AI chuyển đổi lĩnh vực tài chính, ngân hàng như thế nào?

Ngọc Diệp 31/10/2024 11:30

Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) đang cách mạng hóa toàn diện lĩnh vực tài chính, ngân hàng, giúp tăng cường hiệu quả hoạt động, nâng cao trải nghiệm khách hàng, bảo vệ chống lại gian lận và thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo.

ai.jpg

Tăng tốc hành trình chuyển đổi ngân hàng trong kỷ nguyên AI

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang cách mạng hóa toàn diện mọi lĩnh vực, và lĩnh vực tài chính, ngân hàng cũng không nằm ngoài xu hướng đó. AI được coi là một công cụ thay đổi cuộc chơi, giúp lĩnh vực tài chính, ngân hàng tăng cường hiệu quả hoạt động, nâng cao trải nghiệm khách hàng, bảo vệ chống lại gian lận và thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo.

Theo nghiên cứu mới nhất của Gartner về các ưu tiên hàng đầu và Kế hoạch đầu tư công nghệ cho ngành ngân hàng năm 2025, những thay đổi lớn nhất được mong đợi trong các khoản đầu tư công nghệ ngành ngân hàng lần lượt là AI tạo sinh (39%), an ninh mạng/bảo mật thông tin (34%) và AI (33%).

12220241030130344(1).jpg
Ông Lê Nhân Tâm, Giám đốc Công nghệ, Microsoft Việt Nam trình bày bài tham luận tại Smart Banking 2024.

Chia sẻ tại Hội thảo và Triển lãm Smart Banking 2024 với chủ đề “Định hình tương lai số cho ngành Ngân hàng: Chiến lược vận hành an toàn và bền vững”, ông Lê Nhân Tâm, Giám đốc Công nghệ của Microsoft Việt Nam, cho biết: “Microsoft tin rằng AI sẽ định hình lại thời đại của chúng ta và trao quyền cho các doanh nghiệp (DN) nói chung và các tổ chức tài chính ngân hàng nói riêng tăng tốc nhanh và hiệu quả hơn trong kỷ nguyên số.

Những tiến bộ mới nhất về AI của chúng tôi đều được phát triển theo nguyên tắc AI tin cậy và an toàn, bảo mật đã được tích hợp trong toàn bộ hệ sinh thái các sản phẩm và giải pháp của Microsoft. Do đó, chúng tôi tin rằng, với kinh nghiệm gần nửa thế kỷ tiên phong trong lĩnh vực CNTT trên toàn cầu, Microsoft có thể hỗ trợ các tổ chức tài chính - ngân hàng lớn trên thế nói chung và Việt Nam nói riêng có được lợi thế cạnh tranh và thành công hơn trong kỷ nguyên của AI”.

Theo đó, AI hỗ trợ nhiều nghiệp vụ quan trọng của ngân hàng. Đầu tiên là chuyển đổi trải nghiệm của khách hàng: Sử dụng trợ lý ảo AI để cung cấp dịch vụ tự phục vụ trên một nền tảng đàm thoại duy nhất; đơn giản hóa việc tiếp nhận và hỗ trợ khách hàng với sự hỗ trợ của AI.

Hai là trao quyền cho nhân viên ngân hàng: Ứng dụng AI để xác định các mô hình và dự đoán các hành động cũng như ưu đãi tốt nhất tiếp theo; tự động hóa các quy trình thủ công để cho phép nhân viên tập trung vào công việc có ý nghĩa hơn.

Ba là quản lý rủi ro và tuân thủ: Cung cấp cho các chuyên gia thông tin về các rủi ro thông qua các công cụ AI tiên tiến; nâng cao khả năng phát hiện gian lận và điều tra chống rửa tiền (AML).

Bốn là hiện đại hóa hệ thống thanh toán và các dịch vụ ngân hàng cốt lõi: số hóa quy trình thanh toán và các chức năng văn phòng phụ trợ bằng cách đẩy mạnh tự động hóa thông qua AI tạo sinh; phát triển các dịch vụ mới bằng cách phân tích dữ liệu thanh toán; phân tích và trực quan hóa dữ liệu tài chính ở mọi dạng, khối lượng hoặc tốc độ.

Năm là hướng tới một tương lai phát triển bền vững: Thúc đẩy thực thi bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị (ESG); đẩy nhanh tiến độ hướng tới việc tuân thủ và báo cáo quy định về ESG hiệu quả và toàn diện.

Như vậy, công nghệ AI không chỉ trao quyền cho người dùng thông qua công cụ số tiên tiến, hỗ trợ hành trình AI của khách hàng, bao gồm cá nhân hóa, định danh kỹ thuật số, trải nghiệm bán lẻ thế hệ mới,... mà còn giúp các tổ chức tài chính, ngân hàng hiểu khách hàng nhiều hơn.

Việc mở rộng tệp dữ liệu khách hàng bằng cách sử dụng công nghệ tốt hơn sẽ giúp DN hiểu được xu hướng chi tiêu của khách hàng ở những địa điểm nhất định, từ đó đảm bảo trải nghiệm thanh toán liền mạch cho khách hàng.

Trải nghiệm ngân hàng thông minh hơn trong kỷ nguyên của AI với các nền tảng của Microsoft

Trong kỷ nguyên của AI, trải nghiệm ngân hàng thông minh là một yếu tố quan trọng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng cũng như thích ứng kịp thời với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường. Việc áp dụng công nghệ tiên tiến như đám mây (cloud) và AI tạo sinh sẽ giúp các ngân hàng tăng cường hiệu suất, tối ưu hóa chi phí, phân tích dữ liệu một cách hiệu quả, từ đó đưa ra các quyết định kinh doanh một cách chính xác và kịp thời.

Nền tảng đám mây cho ngành tài chính ngân hàng với Microsoft Cloud for Financial Services là một nền tảng dành riêng cho các tổ chức tài chính ngân hàng, cung cấp các dịch vụ và giải pháp đám mây Microsoft Azure với khả năng giúp các tổ chức mở rộng theo nhu cầu, tăng cường hiệu quả và đạt được các mục tiêu kinh doanh nhanh chóng, từ việc chuyển đổi trải nghiệm khách hàng, trao quyền cho nhân viên, quản lý rủi ro và tuân thủ hay hiện đại hóa các hệ thống ngân hàng cốt lõi.

Trong khi đó, nền tảng AI tạo sinh với Microsoft Azure OpenAI được tích hợp GPT-4o và o1-preview mới nhất để cách mạng hóa các ứng dụng AI trong ngành ngân hàng, cho phép phát triển các giải pháp thông minh cho dịch vụ khách hàng được cá nhân hóa và phân tích dự đoán nâng cao. Bằng cách tận dụng các mô hình AI tiên tiến này, các ngân hàng có thể thúc đẩy sự đổi mới và rút ngắn quá trình ra quyết định.

Nền tảng dữ liệu thông minh với Microsoft Fabric là giải pháp phân tích dữ liệu toàn diện, giúp đơn giản hóa quá trình quản lý và phân tích dữ liệu, tối ưu chi phí, đồng thời trao quyền cho các ngân hàng thúc đẩy đổi mới và nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Ngoài ra, Microsoft Fabric còn là nền tảng dữ liệu phù hợp cho các ứng dụng AI tạo sinh, cho phép các ngân hàng tận dụng AI cho các dịch vụ khách hàng được cá nhân hóa và phân tích dự đoán.

Trợ lý AI trong mọi lĩnh vực: Sau hơn 1 năm ra mắt, trợ lý trí tuệ nhân tạo Copilot đã được Microsoft lần lượt tích hợp vào hệ sinh thái các sản phẩm và giải pháp của mình như Microsoft 365, Dynamics 365, GitHub và Copilot nhằm trao quyền cho các tổ chức và khách hàng thuộc mọi lĩnh vực khai thác tối đa những tính năng vượt trội của công nghệ AI để thúc đẩy năng suất nhân viên, gia tăng hiệu quả hoạt động, tăng cường bảo mật, cũng như nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Vừa qua, hãng cũng đã có bước tiến quan trọng khi Copilot for Microsoft 365, trợ lý AI được tích hợp vào hệ sinh thái ứng dụng văn phòng Microsoft 365, mở rộng hỗ trợ thêm ngôn ngữ tiếng Việt, mang đến những trải nghiệm trọn vẹn hơn cho người dùng Việt Nam trong các ứng dụng quen thuộc như Word, Excel, Powerpoint, và Teams…. Đây là một bước tiến quan trọng, giúp người dùng có thể trải nghiệm toàn diện các tính năng tiên tiến của AI, tạo ra sự kết nối mạnh mẽ giữa công nghệ và ngôn ngữ bản địa, góp phần thúc đẩy tiến trình số hóa trong dịch vụ tài chính ngân hàng Việt Nam.

Hiện nay, hơn 60.000 các tổ chức trên thế giới đang triển khai công nghệ Azure AI của Microsoft. Ngoài ra, có đến 85% các công ty thuộc danh sách Fortune 500 đang sử dụng công nghệ Microsoft AI và gần 60% sử dụng Microsoft 365 Copilot.

Để khai thác được toàn vẹn những lợi ích từ việc ứng dụng AI vào các quy trình, nghiệp vụ ngân hàng, các nhà lãnh đạo ngân hàng cần phải đảm bảo AI sẽ được tích hợp và quản lý một cách an toàn, bảo mật và có trách nhiệm để có thể phát triển một cách bền vững và lâu dài.

Ông Lê Nhân Tâm cho biết, Microsoft tích cực đẩy mạnh nghiên cứu các giải pháp “trao tay” cho khách hàng, nghĩa là trao quyền cho khách hàng, cung cấp các biện pháp phù hợp để khách hàng có thể tự bảo vệ dữ liệu, tài sản của mình, ngăn ngừa tối đa khả năng xảy ra sự cố.

Trong thời gian tới, Microsoft Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chương trình đào tạo, với mục tiêu hỗ trợ các tổ chức tín dụng tiếp cận những kiến thức từ cơ bản đến nâng cao liên quan đến an ninh, bảo mật, củng cố kỹ năng ứng phó với rủi ro từ môi trường mạng trong hoạt động ngành ngân hàng./.

Ngọc Diệp