Thúc đẩy vai trò của trẻ em trong việc tự bảo vệ trên môi trường mạng
An toàn thông tin - Ngày đăng : 15:57, 31/10/2024
Thúc đẩy vai trò của trẻ em trong việc tự bảo vệ trên môi trường mạng
Bản thân trẻ em có thể tham gia truyền thông trong các câu lạc bộ trẻ em, thực hiện những sáng kiến do chính các em khởi xướng tại trường học và trong cộng đồng, và thậm chí đưa ra những đề xuất cho nhà trường cũng như lãnh đạo địa phương nhằm thúc đẩy bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.
Để trẻ em lan tỏa kiến thức bảo vệ trẻ em
World Vision là một tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực thúc đẩy và đảm bảo an sinh cộng đồng, tập trung vào trẻ em, đã có mặt tại Việt Nam từ năm 1988. Bà Phan Thị Kim Liên, Quản lý Chương trình Bảo vệ trẻ em (BVTE) của World Vision International tại Việt Nam, cho biết BVTE nói chung và BVTE trên môi trường mạng nói riêng là 1 trong 3 chương trình chiến lược của World Vision International tại Việt Nam.
Hiện nay, World Vision International tại Việt Nam đã và đang triển khai các chương trình bảo vệ trẻ em tại 25 tỉnh/thành của Việt Nam, trong đó có dự án về an toàn mạng cho trẻ em tại Thanh Hóa.
Theo Báo cáo BVTE khỏi nguy cơ xâm hại và bóc lột tình dục trên môi trường mạng của World Vision International tại Việt Nam năm 2019, có 43,4% trẻ em trong độ tuổi từ 9 - 12 sử dụng Internet; 20% các em đã dùng Internet trước 9 tuổi; 57% sử dụng Internet từ 1 - 3 giờ/ngày; 10% sử dụng 6 giờ/ngày.
Sử dụng Internet nhiều như vậy, nhưng kiến thức về các nguy cơ trên môi trường mạng của các em rất hạn chế, chỉ 15,6% trẻ em có kiến thức về các nguy cơ trên môi trường mạng. Các chương trình của World Vision International tại Việt Nam hỗ trợ nâng cao kiến thức và kỹ năng cho trẻ em về sử dụng Internet an toàn, hiệu quả nhằm phòng ngừa xâm hại và bạo lực trên môi trường mạng.
“Thông qua các buổi tập huấn, hoạt động truyền thông, và sinh hoạt câu lạc bộ trẻ em tại trường học và cộng đồng, trẻ em không chỉ được trang bị những kiến thức cơ bản mà còn hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc xây dựng một văn hóa mạng an toàn, lành mạnh”, bà Liên nói.
Theo chuyên gia, việc thúc đẩy vai trò của trẻ em trong hành động BVTE trên môi trường mạng cũng cần được chú trọng. Các em có thể tham gia truyền thông trong các câu lạc bộ (CLB) trẻ em, thực hiện những sáng kiến do chính các em khởi xướng tại trường học và trong cộng đồng, và thậm chí đưa ra những đề xuất cho nhà trường cũng như lãnh đạo địa phương nhằm thúc đẩy BVTE trên không gian mạng.
Việc tham gia vào các hoạt động này sẽ giúp nâng cao kiến thức của các em về sử dụng Internet an toàn, đồng thời giúp việc lan tỏa kiến thức đến bạn bè các em thuận tiện và dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, việc tổ chức các chương trình tập huấn nâng cao kiến thức và kỹ năng cho cha mẹ, người chăm sóc, giáo viên, và cộng tác viên cộng đồng về BVTE trên môi trường mạng cũng rất quan trọng.
Báo cáo của World Vision International tại Việt Nam cho thấy chỉ có chưa đến 30% (28,7%) cha mẹ có kiến thức về tác động của Internet đối với trẻ em, chủ yếu là về những nguy cơ ảnh hưởng đến mắt, đến sức khỏe của các em. Chỉ có 8,6% các bậc cha mẹ hiểu biết về nguy cơ xâm hại tình dục trẻ em qua mạng.
Do đó, các bậc cha mẹ cần được trang bị các phương pháp để đồng hành cùng con em mình sử dụng Internet an toàn. Đồng thời, bà Phan Thị Kim Liên nhấn mạnh cần nâng cao năng lực cho các Ban BVTE và trường học, để họ có thể thực hiện công tác truyền thông về BVTE trên không gian mạng, kịp thời phát hiện và hỗ trợ những trường hợp trẻ em bị bạo lực, đặc biệt là bạo lực trên mạng.
Hiểu kiến thức về Internet và những nguy cơ để điều chỉnh kịp thời cho trẻ em
World Vision International tại Việt Nam là thành viên nòng cốt của CLB BVTE trên không gian mạng (VCSC) thuộc Hiệp hội An toàn thông tin (VNISA) từ những ngày đầu thành lập, với mục tiêu kết nối các tổ chức, doanh nghiệp, và cá nhân nhằm chung tay BVTE an toàn trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, World Vision International tại Việt Nam cũng đóng vai trò chủ chốt trong Nhóm các tổ chức làm việc vì Quyền Trẻ em (Child Rights Working Group), gồm các tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước hợp tác để thúc đẩy công tác BVTE nói chung và BVTE trên môi trường mạng nói riêng.
Trao đổi với PV Tạp chí TT&TT, bà Phan Thị Kim Liên nhấn mạnh rằng cần triển khai đồng thời nhiều giải pháp để BVTE trên không gian mạng.
Theo bà Phan Thị Kim Liên, trước tiên, cần tập trung vào giáo dục kỹ năng số cho trẻ, giúp các em biết cách sử dụng Internet một cách an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm. Bên cạnh đó, việc nâng cao năng lực cho cha mẹ và giáo viên cũng rất quan trọng để họ có thể đồng hành và hướng dẫn con em mình sử dụng Internet an toàn.
Để đảm bảo sự hỗ trợ kịp thời, bà Phan Thị Kim Liên đề xuất việc thúc đẩy các cơ chế báo cáo trong trường học cũng như trên môi trường trực tuyến, cùng với các dịch vụ tư vấn hỗ trợ trẻ em.
Chuyên gia cũng đề cập đến tầm quan trọng của sự phối hợp hành động giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức doanh nghiệp và báo chí truyền thông để thúc đẩy BVTE trên không gian mạng, tận dụng công nghệ thông tin nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực và hỗ trợ đảm bảo an sinh trẻ em.
Ngoài ra, bà Phan Thị Kim Liên cho rằng cần có những mạng lưới ứng cứu và Phan Thị Kim trên không gian mạng hoạt động hiệu quả hơn trong việc loại bỏ và ngăn ngừa sự phát tán các tài liệu liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em.
Báo cáo Ngăn chặn hành vi gây tổn hại của UNICEF năm 2022 cho thấy có 89% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi từ 12 - 17 tuổi sử dụng Internet, trong đó có 87% trẻ em sử dụng Internet hàng ngày.
“Các tỷ lệ này không có sự khác biệt nhiều giữa trẻ em nông thôn hay thành thị; cũng như giữa trẻ em trai và trẻ em gái. Điều đó cho thấy Internet đã trở nên phổ biến với các thành phần dân cư và ở hầu khắp mọi nơi tại Việt Nam”, bà Liên cho biết. “Chúng ta nghĩ trẻ em thành thị tiếp xúc với Internet nhiều hơn, nhưng thực tế, trẻ em khu vực nông thôn ngày nay cũng sử dụng Internet rất phổ biến”.
Đáng chú ý, hoạt động của các em trên mạng Internet rất đa dạng, từ tương tác trên mạng xã hội, nhắn tin cho bạn bè, tìm hiểu kiến thức để học tập. “Rất nhiều các hoạt động trong số này là tích cực và hữu ích cho các em, song cũng có rất nhiều các hoạt động tiềm ẩn những rủi ro”, bà Liên nói.
“Lứa tuổi thanh thiếu niên là giai đoạn quan trọng trong sự phát triển não bộ của con người. Lúc này các trải nghiệm xã hội và sự sẵn sàng học hỏi, thích nghi của trẻ rất cao. Chính vì vậy, những gì diễn ra trên Internet có tác động mạnh mẽ đến các em”, bà Phan Thị Kim Liên cho biết.
“Rất may mắn là mặc dù dễ bị tác động, song não bộ các em cũng có khả năng phục hồi nhanh. Điều quan trọng là chúng ta phải nhận biết các nguy cơ, có các kiến thức và can thiệp điều chỉnh kịp thời cho các em”./.