Nâng cao chất lượng thông tin kinh tế trên báo chí cần đồng bộ nhiều giải pháp
Truyền thông - Ngày đăng : 07:27, 01/11/2024
Nâng cao chất lượng thông tin kinh tế trên báo chí cần đồng bộ nhiều giải pháp
Để nâng cao chất lượng và hiệu quả thông tin kinh tế trên báo chí, các chuyên gia cho rằng cho rằng cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ các bên có liên quan.
Thông tin báo chí về kinh tế đóng vai trò quan trọng đối với phát triển đất nước
Chia sẻ tại Diễn đàn “Báo chí và Doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc” lần thứ hai - năm 2024 diễn ra mới đây, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho biết: Thông tin báo chí về kinh tế hay thông tin kinh tế trên báo chí là những thông tin, tri thức về các vấn đề, sự kiện có liên quan tới lĩnh vực kinh tế được phản ánh và phản biện trên báo chí.
Thông tin báo chí về kinh tế có vai trò rất lớn đối với phát triển đất nước cũng như từng địa phương, từng lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Đây là kênh phản ánh và cung cấp thông tin, phản biện các hoạt động kinh tế, giúp nhà quản lý nắm bắt tình hình, xu hướng, từ đó ban hành hoặc điều chỉnh các chính sách kinh tế phù hợp.
Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế phản ánh chất lượng thông tin liên quan đến kinh tế được phản ánh trên các ấn phẩm báo chí và được thể hiện qua việc bám sát và góp phần phản biện, hoàn thiện các quan điểm, đường lối, cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực tiễn của Đảng, Nhà nước về kinh tế. Qua đó, góp phần tích cực đưa nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước vào cuộc sống; đưa cuộc sống vào nghị quyết, vào chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước...
Theo TS. Nguyễn Minh Phong, có nhiều phương pháp đánh giá chất lượng thông tin báo chí, thông dụng nhất là 3 phương pháp: Thông qua thăm dò dư luận xã hội bằng phiếu trực tiếp hay trực tuyến; Thông qua phỏng vấn chuyên gia; Thông qua hội đồng chuyên trách trực tiếp thống kê, khảo sát số lượng, chất lượng nội dung bài đăng trên các ấn phẩm báo chí... Ngoài ra, có thể áp dụng phối hợp các phương pháp trên để tăng độ tin cậy.
Nguyên tắc quan trọng nhất để đánh giá chất lượng thông tin báo chí là đảm bảo sự công bằng và khách quan, bám sát mục tiêu cũng như các tiêu chí đánh giá.
Về pháp lý, chất lượng thông tin báo chí chỉ được đảm bảo khi tuân thủ đúng các yêu cầu luật pháp nói chung, Luật báo chí nói riêng, cụ thể là không vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm được quy định trong Luật Báo chí và Luật an ninh mạng.
Từ góc độ quản lý nhà nước, tiêu chí tác phẩm báo chí chất lượng cao chính là một trong những căn cứ xác định chất lượng thông tin báo chí nói chung, chất lượng thông tin kinh tế nói riêng.
“Những tác phẩm mang lại hiệu quả thiết thực cho toàn xã hội hoặc một vùng miền, địa phương; có nhiều tìm tòi, phát hiện những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống hằng ngày; có nội dung phù hợp, hấp dẫn người đọc, người nghe, người xem; phù hợp với quan điểm chỉ đạo, tuyên truyền, đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, được Hội đồng xét duyệt công nhận”, TS. Nguyễn Minh Phong chia sẻ.
PGS. TS Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nêu rõ, báo chí không chỉ là kênh để phản ánh hoạt động kinh doanh, thành tựu của DN mà còn là nơi cung cấp thông tin về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Ngoài ra, báo chí còn đóng vai trò như một cầu nối giữa DN với khách hàng, nhà đầu tư và đối tác, góp phần thúc đẩy sự vận động các nguồn lực quan trọng như vốn, lao động và công nghệ, hỗ trợ DN tăng trưởng.
“Báo chí đóng vai trò thiết yếu như nguồn cung cấp thông tin về thị trường, tình hình đầu tư, các xu hướng kinh tế và dự báo kinh tế vĩ mô. Nhất là trong bối cảnh thông tin trở thành "đầu vào" quan trọng đối với DN, khi các sự kiện diễn ra nhanh chóng, bất ngờ và khó đoán định”.
Thông tin báo chí có thể tăng cường nhận diện thương hiệu, giúp DN thu hút nhà đầu tư và nguồn vốn, đồng thời mở rộng tệp khách hàng mới. Thông tin báo chí còn giúp DN nắm bắt các ý tưởng kinh doanh, cơ hội mới cũng như các chính sách của Nhà nước về xanh hóa, số hóa và các mô hình kinh doanh sáng tạo. Thông tin tích cực từ báo chí củng cố niềm tin của khách hàng và đối tác đối với DN, đồng thời tạo áp lực lên các DN hoạt động minh bạch, chân chính.
Đặc biệt, thông qua báo chí, DN cũng có cơ hội đưa ra các quyết định sáng suốt về chiến lược, hoạt động và đầu tư, phản ánh được ý kiến và kiến nghị của mình đến Đảng, Chính phủ và Quốc hội.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Từ yêu cầu thực tiễn của báo chí đối với hoạt động kinh tế, xã hội, TS. Nguyễn Minh Phong chỉ rõ, để nâng cao chất lượng và hiệu quả thông tin kinh tế trên báo chí cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ các bên có liên quan. Đồng thời, cần tăng cường sự hợp tác giữa các bộ phận trong quy trình sản xuất thông tin, nâng cao năng lực quản trị tòa soạn, các yếu tố nội dung và hình thức của tác phẩm báo chí.
Một mặt, báo chí cần tiếp tục đồng thuận cao, là lực lượng hậu thuẫn đắc lực, công cụ tuyên truyền hữu hiệu, kênh thông tin quan trọng chính thống của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và trong thúc đẩy cải cách chính sách kinh tế, tạo môi trường thông thoáng nhất cho DN và người dân.
Mặt khác, các bộ, ngành cần chủ động thực hiện nghiêm các quy định về phát ngôn và cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời và chính xác cho báo chí; thường xuyên theo dõi những phản ánh từ báo chí, tăng trách nhiệm giải trình và giải đáp kịp thời những vấn đề thuộc thẩm quyền, thuộc trách nhiệm của ngành mình, cấp mình; tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tác nghiệp của báo chí; tiếp tục giúp đỡ, hỗ trợ tích cực, hiệu quả hơn để báo chí tiếp cận thông tin chính xác nhất, kịp thời nhất.
Ngoài ra, cơ quan báo chí cần có chính sách tập hợp, thu hút và đãi ngộ đội ngũ phóng viên, cộng tác viên là chuyên gia đầu ngành các lĩnh vực, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học; Xây dựng quy chế làm việc linh hoạt cho nhóm các nhà báo, chuyên gia để khai thác nhiều và hiệu quả hơn năng lực của họ trong hoạt động báo chí ở các lĩnh vực khác nhau.
Đặc biệt, cần phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa DN với báo chí, tạo lập và củng cố sự tin cậy và thông tin hai chiều giữa DN và báo chí.
Bên cạnh đó, nhà báo cần trau dồi đạo đức nghề báo khi làm báo về kinh tế; cần có kiến thức tổng hợp và thực tiễn chuyên ngành sâu về kinh tế, sử dụng chính xác các thuật ngữ kinh tế, tình hình tài chính DN, tình hình quản lý kinh tế ở các bộ, ngành và địa phương, hòa mình vào thực tiễn cuộc sống, đồng cảm, sẻ chia với những khó khăn của DN và các tầng lớp dân cư…
PGS. TS Bùi Quang Tuấn cũng nhấn mạnh, để báo chí phát huy tốt vai trò trong xã hội, đặc biệt là trong việc thông tin kinh tế, cơ quan báo chí, các nhà báo cần đề cao tính trung thực và khách quan trong việc đưa tin. Nhà báo cần kiểm chứng kỹ lưỡng thông tin từ nhiều nguồn trước khi công bố.
Đồng thời, các nhà báo cần nâng cao trình độ chuyên môn, đảm bảo phải hiểu sâu về các vấn đề kinh doanh, đầu tư và thị trường… Cách thức đưa tin cũng cần cân bằng giữa thông tin tích cực và tiêu cực, tránh phiến diện, và luôn cho DN cơ hội phản hồi trước khi kết luận.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về báo chí, ban hành các quy định rõ ràng để xử lý vi phạm. Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để giám sát, đánh giá và xử lý kịp thời các sai phạm.
Ngoài ra, cần thiết lập kênh đối thoại thường xuyên giữa DN và báo chí để thúc đẩy sự hợp tác và phát triển bền vững, tin cậy, hiệu quả./.