Nền tảng Công dân số của tỉnh Cao Bằng là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi số

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 14:00, 31/10/2024

Với chủ trương lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực của chuyển đổi số, tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì triển khai xây dựng Nền tảng Công dân số Cao Bằng.
Chuyển đổi số

Nền tảng Công dân số của tỉnh Cao Bằng là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi số

Đỗ Thêu 31/10/2024 14:00

Với chủ trương lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực của chuyển đổi số, tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì triển khai xây dựng Nền tảng Công dân số Cao Bằng.

Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực của chuyển đổi số

z5985244095027_e1d6f193ab9ff238e7e1829e31a9ffd9.jpg
Chính thức Khai trương Nền tảng Công dân số Cao Bằng và Nông dân Việt Nam.

Hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024, hôm nay (31/10), tỉnh Cao Bằng đã tổ chức Lễ công bố Nền tảng Công dân số Cao Bằng và Nông dân Việt Nam. Đồng thời, tỉnh phát động chiến dịch ra quân cao điểm hướng dẫn cài đặt sử dụng các nền tảng số trên địa bàn toàn tỉnh.

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, cho biết đây là sự kiện quan trọng, hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người dân và toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số. Qua đó, sự kiện sẽ tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số, thúc đẩy phổ cập kỹ năng số, làm cho doanh nghiệp và người dân được thụ hưởng các kết quả của chuyển đổi số mang lại.

z5985239190219_40fef949f108caf1a77354c0f5569db2.jpg
Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, phát biểu tại sự kiện.

Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng khẳng định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội. Các nội dung về chuyển đổi số đã được đề cập đến nhiều lần trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, dự báo sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược trong thời gian tới.

“Đối với tỉnh Cao Bằng, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm chính trị, bằng sự đổi mới, sáng tạo, Tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi số một cách tổng thể và toàn diện trên cả 03 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, trong đó xã hội số bao gồm: công dân số, kết nối số và văn hóa số”, ông Hoàng Xuân Ánh nói.

Với chủ trương lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, động lực của chuyển đổi số, tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì triển khai xây dựng Nền tảng Công dân số Cao Bằng. Đồng thời, chỉ đạo triển khai Nền tảng Nông dân Việt Nam theo hướng dẫn của Trung ương Hội Nông dân.

Theo bà Nông Thị Thanh Huyền, Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông Cao Bằng, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng chuyển đổi số, Công dân số là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi số quốc gia. Nền tảng công dân số đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của chính phủ số, cải thiện mối quan hệ giữa chính quyền và người dân và tạo điều kiện cho người dân tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội.

“Đây là hệ thống tích hợp giúp công dân dễ dàng tương tác với chính quyền, tiếp cận dịch vụ công trực tuyến và thực hiện các quyền và nghĩa vụ qua môi trường kỹ thuật số. Không chỉ mang lại sự thuận tiện, nền tảng này còn thúc đẩy minh bạch, tăng cường sự tham gia của người dân và cải thiện hiệu quả quản lý nhà nước”, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông cho biết.

Nền tảng Công dân số Cao Bằng đã được xác định là một kênh tổng hợp kết nối giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền; là kênh hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt... Đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên triển khai theo Đề án Chuyển đổi số tỉnh Cao Bằng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bà Nông Thị Thanh Huyền khẳng định với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, trong đó nhấn mạnh người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số, Nền tảng Công dân số Cao Bằng được triển khai nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, minh bạch hóa quy trình hành chính, và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Các vấn đề cần chú trọng để nền tảng công dân số phát huy hiệu quả tối ưu

z5985240654322_3c1964a4f25f0d7fd8b9c89ff2ee60df.jpg
Bà Nông Thị Thanh Huyền, Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông Cao Bằng phát biểu tại sự kiện.

Để Nền tảng Công dân số tỉnh Cao Bằng đạt được hiệu quả tối ưu và đóng góp vào quá trình chuyển đổi số toàn diện của tỉnh trong thời gian tới, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Cao Bằng cho rằng cần chú trọng một số nội dung. Thứ nhất là nâng cao hạ tầng công nghệ, tiếp tục đầu tư và mở rộng hạ tầng viễn thông, internet tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, đảm bảo kết nối ổn định và mạnh mẽ.

Thứ hai là mở rộng dịch vụ công trực tuyến, phát triển thêm các tiện ích cho người dân, từ y tế, giáo dục đến giao thông, góp phần thực hiện chuyển đổi số toàn diện. Bên cạnh đó, các yêu cầu về bảo mật phải được tăng cường, vì vậy cần đầu tư vào các biện pháp bảo mật tiên tiến nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân và ngăn chặn các rủi ro liên quan đến an ninh mạng.

Đặc biệt, công tác đào tạo và nâng cao nhận thức cần được chú trọng. Theo đó, tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao hiểu biết và kỹ năng công nghệ thông tin cho người dân, đồng thời phổ cập kiến thức số, phát triển kỹ năng số để người dân có thể tiếp cận và sử dụng nền tảng một cách hiệu quả.

Cũng vì vậy, nhân dịp này, tỉnh Cao Bằng phát động chiến dịch ra quân cao điểm hướng dẫn cài đặt sử dụng các nền tảng số trên địa bàn toàn tỉnh, với lực lượng nòng cốt là các Tổ chuyển đổi số cộng đồng để hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng các nền tảng số, công nghệ số. Với phương châm hoạt động “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người”.

Theo Chủ tịch Hoàng Xuân Ánh, các hoạt động này sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, kế hoạch chuyển đổi số của tỉnh; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của chuyển đổi số.

“Những chương trình như vậy đã thể hiện quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, quyết liệt hơn của Cao Bằng trong triển khai chiến lược chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”, ông Hoàng Xuân Ánh phát biểu.

Đỗ Thêu