Phát triển chứng thực chữ ký số công cộng đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế
Kinh tế số - Ngày đăng : 13:24, 01/11/2024
Phát triển chứng thực chữ ký số công cộng đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế
Theo Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), để phát triển dịch vụ, mở rộng thị trường cho các dịch vụ chứng thực chữ ký số và đưa chữ ký số trở thành phổ biến với mọi người thì bên cạnh hình thức ký số truyền thống, giải pháp ký số mới đang trở thành một nhu cầu tất yếu, không thể thiếu của một xã hội phát triển.
Chữ ký số góp phần hình thành công dân số
Do đó, với phương thức ký số từ xa hoặc ký số trên các thiết bị như: Điện thoại di động thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay… tất cả đều đạt được những ưu điểm như tốc độ ký nhanh, thuận tiện nhưng vẫn đảm bảo các yêu cầu pháp lý, an toàn bảo mật.
Với những lợi ích này, thời gian qua, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) luôn nỗ lực, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng các kế hoạch để hướng dẫn, quản lý, tổng hợp, báo cáo sát sao trước Bộ TT&TT về việc các đơn vị, doanh nghiệp (DN) được phép cung cấp các dịch vụ CKS, chứng thực CKS một cách khách quan, chi tiết.
Các dịch vụ CKS, chứng thực CKS khi được làm tốt, hiệu quả sẽ là động lực, góp phần thúc đẩy cho hoạt động này ngày một phổ biến, lan toả ra khắp cộng đồng, người dùng tin tưởng, sử dụng, từ đó đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ CĐS tại các địa phương, đơn vị, từ đó góp phần hình thành công dân số.
Nâng cấp hạ tầng cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng đáp ứng quy chuẩn quốc tế
Để tăng cường hiệu quả cho công tác này trong hiện tại và tương lai, NEAC đã tham mưu Bộ TT&TT ban hành những chính sách, văn bản phù hợp, triển khai thực hiện các nhóm giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chứng thực CKS, đồng thời, có những định hướng cải cách theo hướng thuận tiện cho người dùng đầu cuối cũng như đơn vị tích hợp các giải pháp.
Dự kiến đến hết năm 2025, NEAC sẽ hoàn thành tích hợp CKS công cộng vào 100% dịch vụ công trên môi trường mạng và hoàn thành phát triển thành công Nền tảng quốc gia về ký số. Ngoài ra, cùng với việc Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) năm 2023 đi vào đời sống, NEAC cũng định hướng phát triển các dịch vụ và các ứng dụng hỗ trợ đi kèm nhằm thúc đẩy nhanh sự phát triển của giao dịch điện tử nói chung và các dịch vụ tin cậy nói riêng.
Hơn nữa, NEAC cho rằng, cần hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng đáp ứng các tiêu chuẩn quy chuẩn quốc tế. Đây là nhu cầu cấp thiết để hội nhập quốc tế, công nhận lẫn nhau về CKS và dịch vụ chứng thực CKS trong khu vực và trên thế giới.
Đồng thời cũng cần chú trọng, đẩy mạnh công tác truyền thông về CKS đến các cá nhân, DN và người dân về các loại hình dịch vụ áp dụng CKS phổ biến như dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), hoá đơn điện tử, chứng từ điện tử, dịch vụ ngân hàng điện tử, bảo hiểm điện tử, từng bước đưa CKS thành khái niệm quen thuộc, có thể sử dụng hàng ngày.
Đặc biệt, chú trọng việc nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân, tổ chức, DN và xã hội về sự cần thiết, quan trọng, tính cấp bách của CĐS trong đó bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt. Theo đó, cần có các chương trình truyền thông về CKS và vai trò của CKS thông qua nhiều hình thức, lan truyền từ điểm tới điểm, từ một nhóm tổ chức, cá nhân tiên phong tới cộng đồng, bằng những câu chuyện thành công điển hình, có tính thuyết phục cao để người dân, DN, tổ chức tăng cường sử dụng CKS trong giao dịch điện tử, DVCTT, hóa đơn điện tử, hợp đồng điện tử, ngân hàng điện tử, y tế điện tử.
Cùng với đó, NEAC nghiên cứu, mở rộng dịch vụ điện tử hoặc dịch vụ số áp dụng CKS cá nhân từ các đơn vị cung cấp ứng dụng trong cả khu vực nhà nước (các dịch vụ công trực tuyến) và khu vực DN, tư nhân (các dịch vụ tài chính, ngân hàng, chứng khoán, hợp đồng điện tử…); nâng cấp, đánh giá hệ thống Root CA đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm mục tiêu đưa chứng thư chữ ký số của Root CA vào các hệ điều hành, trình duyệt web nhằm tăng tính tin cậy cho dịch vụ chứng chỉ số (SSL), đáp ứng việc cung cấp dịch vụ tại Việt Nam và các nước trong khu vực.
NEAC cũng đề xuất Bộ TT&TT bổ sung tiêu chí ứng dụng CKS chuyên dùng Chính phủ vào tiêu chí đánh giá, xếp loại mức độ ứng dụng CNTT của các bộ, ngành, địa phương. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 23/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp và nghiêm túc triển khai các nội dung tại Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/4/2022 về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và CĐS
“Việc mở rộng, tăng cường môi trường ký số được đảm bảo trên cơ sở hành lang pháp lý hoàn thiện bao gồm: Các nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành, các thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành; trách nhiệm, việc tuân thủ chấp hành của các DN… chắc chắn đây sẽ là tiền đề, giá trị niềm tin để việc thúc đẩy tăng cường sử dụng CKS trong các giao dịch điện tử, trong các lĩnh vực đạt những hiệu quả thiết thực cao nhất, từ đó tạo động lực cho sự phát triển xã hội theo hướng hiện đại, bền vững”, NEAC nhấn mạnh./.