Tuyên Quang: Kiên trì phương châm “mưa dầm thấm lâu” để nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào vùng DTTS&MN

Truyền thông - Ngày đăng : 09:53, 05/11/2024

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, góp phần giúp các kiến thức pháp luật về mọi mặt của đời sống ngày một đến gần hơn với người dân (đặc biệt là vùng đồng bào DTTS&MN).
Truyền thông

Tuyên Quang: Kiên trì phương châm “mưa dầm thấm lâu” để nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào vùng DTTS&MN

Hà Phương {Ngày xuất bản}

Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, góp phần giúp các kiến thức pháp luật về mọi mặt của đời sống ngày một đến gần hơn với người dân (đặc biệt là vùng đồng bào DTTS&MN).

anh-2.1.jpg
Những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Tuyên Quang luôn quan tâm, chú trọng tới công tác tuyên truyền, PBGDPL tới người dân (đặc biệt là tại vùng đồng bào DTTS&MN).

Công tác đặc thù

Tỉnh Tuyên Quang có 7 đơn vị hành chính cấp huyện (1 thành phố và 6 huyện), 138 xã, phường, thị trấn, trong đó có 121 đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, (gồm 69 xã thuộc khu vực I; 9 xã thuộc khu vực II và 43 xã thuộc khu vực III). Dân số toàn tỉnh trên 876.452 người, trong đó người dân tộc thiểu số có khoảng 474.786 người, chiếm 54,1% tổng dân số.

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) trên địa bàn tỉnh từng bước được nâng lên.

Xác định công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) đóng vai trò quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật của nhân dân, thời gian qua, các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL cho nhân dân, đặc biệt là trong vùng đồng bào DTTS&MN. Qua đó giúp người dân tiếp cận kịp thời các dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý khi có vướng mắc, tranh chấp phát sinh. Góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Ông Giàng A Chềnh, người có uy tín ở thôn Tiên Tốc, xã Bình An (huyện Lâm Bình, Tuyên Quang) chia sẻ: Tiên Tốc là thôn có 100% đồng bào DTTS, trong đó chủ yếu là dân tộc Mông. Thời gian qua, chính quyền địa phương luôn quan tâm, chú trọng tới công tác tuyên truyền, PBGDPL cho đồng bào DTTS. Nhờ nhận thức pháp luật được nâng cao, bà con đã cùng nhau đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo thông tin từ UBND huyện Lâm Bình, chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện đã tuyên truyền phổ biến pháp luật trực tiếp được 28 buổi cho gần 3.038 lượt người nghe; tuyên truyền trên sóng truyền thanh huyện và loa truyền thanh cơ sở 250 buổi; xây dựng các chuyên mục và đăng tải gần 42 tin, bài trên các trang thông tin điện tử; biên tập trên 1.000 tài liệu tập huấn, truyền thông, chương trình với nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phục vụ tuyên truyền lưu động bằng xe lưu động.

Ông Nguyễn Quốc Ái, Trưởng phòng Tư pháp huyện Lâm Bình cho hay, để công tác tuyên truyền PBGDPL đạt hiệu quả cao, thời gian tới Phòng sẽ triển khai các hoạt động tuyên truyền PBGDPL phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, đặc điểm của đồng bào DTTS; đặc biệt là tuyên truyền thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trên các nhóm Zalo, Facebook của các cơ quan, đơn vị và địa phương... Nội dung tuyên truyền tập trung vào các lĩnh vực như: Phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; phòng, chống ma túy, buôn bán người; các vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của công dân...

Kiên trì phương châm “mưa dầm thấm lâu”

Thông tin từ UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, từ năm 2023 đến nay, Sở Tư pháp Tuyên Quang đã tổ chức 50 buổi tuyên truyền pháp luật cho 2.887 người dân tại các địa phương có đồng bào DTTS sinh sống; biên soạn 13 loại tờ gấp tuyên truyền pháp luật, in 205.400 bản cung cấp cho người dân ở vùng đồng bào DTTS; biên soạn 700 tài liệu đăng tải trên Trang thông tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh và Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp để các cơ quan, đơn vị, địa phương khai thác, sử dụng.

Bà Vũ Thị Như Trang, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Tuyên Quang cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin để tuyên truyền, PBGDPL trên mạng xã hội như Facebook, Zalo… là hình thức phù hợp với thực tiễn và xu hướng tiếp cận thông tin hiện nay, đảm bảo thuận lợi cho việc cập nhật, đăng tải các tài liệu văn bản quy phạm pháp luật. Từ các giải pháp này, công tác tuyên truyền PBGDPL từng bước trở nên hiệu quả hơn, góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức pháp luật trong đồng bào DTTS.

Để tuyên truyền PBGDPL cho đồng bào DTTS hiệu quả hơn, cần xây dựng đội ngũ tuyên truyền là những người có uy tín trong cộng đồng, đặc biệt là người DTTS có uy tín. Đội ngũ này là nhân tố tích cực trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với người dân. Qua đó, đã góp phần phát huy tốt sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng trong PBGDPL cho đồng bào các DTTS.

anh-2.2.jpg
Nhờ kiến thức pháp luật được nâng cao, chất lượng cuộc sống người dân vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ngày một được nâng cao. Ảnh: Thuỷ Châu.

Bên cạnh đó, cần tăng cường tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu thông tin về PBGDPL nhằm nắm bắt tình hình tư tưởng, nhận thức về công tác dân tộc, chính sách dân tộc của đồng bào DTTS để lựa chọn hình thức, phương pháp tuyên truyền PBGDPL phù hợp, hiệu quả. Tạo sự chuyển biến về nhận thức, tư tưởng và sự đồng thuận của nhân dân trong việc chấp hành các chủ trương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước./.

Hà Phương