Giải pháp để nâng cao năng lực báo chí viết về kinh tế

Truyền thông - Ngày đăng : 09:25, 06/11/2024

Để nâng cao năng lực báo chí viết về kinh tế cần tăng cường hoạt động nghiên cứu để xây dựng hệ giá trị, mô hình đào tạo và phát triển đội ngũ nhà báo viết về kinh tế; xây dựng bộ chỉ số đo năng lực các cơ quan báo chí về chủ đề kinh tế; thúc đẩy song song các hoạt động nghiên cứu - đào tạo - bồi dưỡng...
Truyền thông

Giải pháp để nâng cao năng lực báo chí viết về kinh tế

Trường Thanh 06/11/2024 09:25

Để nâng cao năng lực báo chí viết về kinh tế cần tăng cường hoạt động nghiên cứu để xây dựng hệ giá trị, mô hình đào tạo và phát triển đội ngũ nhà báo viết về kinh tế; xây dựng bộ chỉ số đo năng lực các cơ quan báo chí về chủ đề kinh tế; thúc đẩy song song các hoạt động nghiên cứu - đào tạo - bồi dưỡng...

Xây dựng bộ chỉ số đánh giá chất lượng thông tin kinh tế và hoạt động doanh nghiệp trên báo chí là cần thiết

Chia sẻ tại Diễn đàn “Báo chí và Doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc” lần thứ hai - năm 2024 diễn ra mới đây, TS. Đỗ Anh Đức, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhóm chuyên gia nghiên cứu Bộ chỉ số đánh giá chất lượng thông tin về kinh tế và hoạt động doanh nghiệp (DN) trên báo chí, cho biết: Thông tin kinh tế là những thông tin liên quan đến mọi mặt của lĩnh vực kinh tế, từ hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, thị trường, phân phối, cho đến chính sách, quản lý, điều hành nền kinh tế.

dsc_9446.jpg
TS. Đỗ Anh Đức: Việc nghiên cứu đề xuất Bộ chỉ số đánh giá chất lượng thông tin kinh tế và hoạt động DN trên báo chí là rất cần thiết.

Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, vai trò của thông tin đối với phát triển kinh tế xã hội đất nước là rất quan trọng. Thông tin giúp các DN, cá nhân thu thập, xử lý, sử dụng thông tin một cách chính xác, nhanh chóng, hiệu quả, đồng thời giúp tạo ra các cơ hội kinh doanh mới, kết nối với khách hàng, đối tác một cách dễ dàng.

Thông tin kinh tế và thông tin về hoạt động DN là một lĩnh vực không thể thiếu trên báo chí, bao gồm cả báo chí chuyên hoặc không chuyên sâu về kinh tế. Thông tin kinh tế và hoạt động DN có tác động trực tiếp, nhanh chóng và thậm chí ngay lập tức đến các vấn đề về chính sách, chiến lược quản lý vĩ mô và vi mô của nền kinh tế.

“Hiểu và đánh giá được chất lượng thông tin trong lĩnh vực kinh tế là yêu cầu cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động báo chí viết về kinh tế, đồng thời tăng cường hiệu quả kết nối, đồng hành cùng DN. Vì vậy, việc nghiên cứu đề xuất Bộ chỉ số đánh giá chất lượng thông tin kinh tế và hoạt động DN trên báo chí là rất cần thiết.

Theo TS. Đỗ Anh Đức, cơ sở để xây dựng Bộ chỉ số đánh giá chất lượng thông tin kinh tế và hoạt động DN trên báo chí là từ các cơ sở: chính trị, thực tiễn, khoa học, con người, pháp lý và nhận thức về xã hội và cộng đồng DN.

Về phương pháp đánh giá, Bộ chỉ số sử dụng các phương pháp như: phân tích nội dung thông điệp trên báo chí, khảo sát công chúng bằng bảng hỏi, khảo sát cách công chúng tiêu thụ tin tức (thông qua các chỉ số phát hành, thời gian lưu lại trang, các chủ đề được tìm kiếm…), đánh giá của hội đồng chuyên gia (gồm các chuyên gia báo chí, quản lý, nhà báo…) tham gia đánh giá trên sự tổng hợp của hơn một phương pháp nghiên cứu, ví dụ như: khảo sát điều tra và phân tích nội dung/thảo luận nhóm.

Về phương pháp thu thập dữ liệu và triển khai đánh giá dựa trên phương pháp nghiên cứu tài liệu, phân tích nội dung, điều tra bằng bảng hỏi, phỏng vấn sâu.

Bộ chỉ số đánh giá chất lượng thông tin kinh tế và hoạt động DN trên báo chí được xây dựng dựa trên 4 tiêu chuẩn gồm: nội dung thông tin, chất lượng thông tin, hiệu ứng thông tin, quản trị tòa soạn và nguồn nhân lực.

“Nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số đánh giá chất lượng thông tin kinh tế và hoạt động DN trên báo chí góp phần lành mạnh hóa mối quan hệ báo chí - kinh tế, báo chí - DN, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng để báo chí viết về kinh tế có thể tham khảo, làm chỗ dựa và đề ra chiến lược hành động trong tương lai, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của báo chí, đồng thời song hành, thúc đẩy, hỗ trợ khối DN nói riêng và nền kinh tế Nhà nước nói chung phát triển bền vững”, TS. Đỗ Anh Đức cho hay.

Cần quan tâm đến năng lực báo chí viết về kinh tế

PGS. TS. Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam nêu rõ, trong bối cảnh kinh tế số và báo chí số hiện nay, các cơ quan báo chí, các nhà báo phải đối mặt với nhiều thách thức.

Đó là thách thức về sự cạnh tranh khốc liệt, áp lực cập nhật thông tin nhanh chóng; Thách thức về kiểm chứng thông tin; Thách thức về tin giả; Thách thức về thay đổi hành vi đọc, nghe, xem của công chúng.

dsc_9477.jpg
PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng: Bên cạnh kỹ năng nghề nghiệp, nhà báo phải có kiến thức chuyên môn về kinh tế, tài chính, thị trường... Đồng thời, phải biết sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất, phân phối sản phẩm, tương tác với công chúng.

Từ thực tế đó, các cơ quan báo chí và các nhà báo viết về kinh tế cần quan tâm đến năng lực báo chí viết về kinh tế. Đó là sự tổng hợp các kiến thức, kỹ năng, thái độ và giá trị mà nhà báo cần có để thực hiện tốt công việc trong lĩnh vực kinh tế góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.

Bên cạnh kỹ năng nghề nghiệp, nhà báo phải có kiến thức chuyên môn về kinh tế, tài chính, thị trường... Đồng thời, phải biết sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất, phân phối sản phẩm, tương tác với công chúng. Đặc biệt, yếu tố đạo đức nghề nghiệp của nhà báo phải được đề cao”.

Giải pháp để nâng cao năng lực báo chí viết về kinh tế

Để nâng cao năng lực báo chí viết về kinh tế, PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng đề xuất 4 giải pháp bao gồm:

Đào tạo bài bản: Mỗi cơ quan báo chí cần đào tạo các nhà báo viết về kinh tế, có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu, chuyên biệt.

Hợp tác quốc tế: Cơ quan báo chí cần hợp tác với những tờ báo kinh tế lớn trên thế giới và mời chuyên gia nước ngoài đào tạo, hướng dẫn, gửi nhà báo đào tạo ở nước ngoài.

Xây dựng cộng đồng: Tạo môi trường chia sẻ kinh nghiệm giữa các nhà báo viết về kinh tế, kết nối các nhà báo viết về kinh tế với DN.

Đầu tư công nghệ: Cơ quan báo chí cần đầu tư công nghệ, trang bị công cụ hiện đại hỗ trợ công việc của nhà báo.

PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng nhấn mạnh, để cải thiện chất lượng bài báo viết về kinh tế, các nhà báo cần nâng cao kiến thức bằng việc liên tục cập nhật kiến thức chuyên môn về kinh tế và tài chính; Rèn luyện kỹ năng viết, thực hành viết thường xuyên và tìm kiếm phản hồi để cải thiện; Tìm kiếm và đối chiếu thông tin từ nhiều nguồn khác nhau; Sử dụng ngôn ngữ đơn giản, giải thích rõ thuật ngữ chuyên môn.

Để tăng năng lực cho những người làm báo viết về kinh tế cần tăng cường hoạt động nghiên cứu để xây dựng hệ giá trị, mô hình đào tạo và phát triển đội ngũ nhà báo viết về kinh tế; xây dựng bộ chỉ số đo năng lực các cơ quan báo chí về chủ đề kinh tế; thúc đẩy song song các hoạt động nghiên cứu - đào tạo - bồi dưỡng, có sự phân khúc và phối hợp rõ ràng ở khối các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí.

Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác báo chí - DN; hợp tác quốc tế; xây dựng mạng lưới các cơ quan báo chí và các nhà báo, nhà truyền thông viết về kinh tế; thúc đẩy giải pháp số trong phát triển năng lực của báo chí viết về kinh tế; xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại./.

Trường Thanh