Cuộc đua xây trung tâm dữ liệu ngàn tỷ tại Việt Nam
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 13:53, 07/11/2024
Cuộc đua xây trung tâm dữ liệu ngàn tỷ tại Việt Nam
Trong vài năm qua, nhiều doanh nghiệp trong nước đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để xây dựng các trung tâm dữ liệu đạt tiêu chuẩn quốc tế. Điều này không chỉ giúp tăng cường tính chủ động cho hạ tầng Internet, góp phần phục vụ mạnh mẽ hơn cho công tác chuyển đổi số trong nước mà còn sẵn sàng để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Phát triển trung tâm dữ liệu "make in Viet Nam"
Trung tâm dữ liệu (TTDL) được xem là "trái tim" của Internet và là "xương sống" của nền kinh tế số, đóng vai trò quan trọng trong việc lưu trữ, xử lý và quản lý lượng dữ liệu khổng lồ cho thế giới số. Ngành công nghiệp TTDL tại Việt Nam ngày càng thể hiện vai trò của mình trong nền kinh tế với sự tăng trưởng mạnh về doanh thu, tạo ra việc làm cho lao động địa phương.
Tập đoàn Viettel đã khai trương TTDL thứ 14 của mình tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) vào 10/4. Trung tâm này được thiết kế với 60.000 máy chủ, hơn 2.400 tủ rack (tủ để lắp đặt các máy chủ), 21.000m2 diện tích mặt sàn, tổng công suất điện tiêu thụ lên đến 30MW - được xem là trung tâm dữ liệu lớn nhất tại Việt Nam tính đến nay.
Nếu tính tổng cả 14 TTDL thì Viettel đã có tới 230.000 máy chủ, 81.000m2 mặt sàn, 11.500 tủ rack, 87MW điện - tương đương một TTDL lớn trên thế giới. Đây cũng là trung tâm dữ liệu đầu tiên cam kết hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng 30% lượng điện tiêu thụ.
Trước đó, vào tháng 10/2023, Tập đoàn VNPT cũng đưa vào hoạt động TTDL thứ 8 của mình tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc với diện tích còn lớn hơn cả Viettel, tới 23.000m2 sàn, dù quy mô ít hơn với khoảng 2.000 tủ rack. Trung tâm này đã đạt chứng chỉ Uptime Tier III cho hạng mục thiết kế, xây dựng lắp đặt và sắp tới sẽ là chứng chỉ về vận hành. Uptime Tier là tiêu chuẩn đánh giá quốc tế về các tiêu chí như thiết kế, vận hành, xây dựng, quản lý và sự ổn định của một TTDL.
Với sự bùng nổ của chuyển đổi số ở Việt Nam, các doanh nghiệp đều cho biết sẽ tiếp tục phải xây dựng thêm nhiều TTDL mới với quy mô "khủng" hơn nhiều để đáp ứng nhu cầu dữ liệu. Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel, tiết lộ: "Tới năm 2025, hãng sẽ đầu tư thêm 10.000 tỉ đồng để mở rộng quy mô lên 17.000 rack. Tới năm 2030, Viettel sẽ nâng mức đầu tư lên 40.000 tỉ đồng với quy mô 34.000 rack".
Hiện nay, việc thu hút xây dựng các TTDL lớn cũng được nhiều địa phương quan tâm. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh đang tích cực mời gọi nhà đầu tư tại Dự án TTDL tại Khu Công nghệ cao. Hiện dự án này đang nhận được sự quan tâm của 5 nhà đầu tư lớn gồm Tập đoàn CMC (Việt Nam); Tập đoàn Evolution (Singapore); Tập đoàn NTT Data (Nhật Bản); Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc);...
Với sự quan tâm nói trên đối với ngành TTDL, nhiều đơn vị nghiên cứu nhìn nhận, hiện nay, Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới.
Cạnh tranh ngày càng khốc liệt
Theo báo cáo Research and Markets năm 2023, thị trường TTDL tại Việt Nam dự kiến đạt mức 1,03 tỷ USD vào năm 2028, hơn 1,26 tỷ USD năm 2030, tốc độ tăng trưởng kép bình quân 10,8% mỗi năm.
Đặc biệt, thị trường này của Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm tích cực của các tập đoàn nước ngoài như Alibaba, Công ty Australia Edge Centres, Quỹ đầu tư GAW Capital, Tập đoàn NTT Global Data Centres…
Tuy nhiên, quy mô thị trường TTDL Việt Nam vẫn còn rất nhỏ so với các nước trong khu vực như Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines. Bên cạnh quy mô, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng được đánh giá là còn "non trẻ" trong năng lực vận hành TTDL khi so sánh với những "gã khổng lồ" như Google hay Amazon.
Theo số liệu của Viện Chiến lược thông tin và Truyền thông 2022, hiện tại Amazon Web Service (AWS) đang dẫn đầu thị trường dịch vụ đám mây tại Việt Nam với thị phần 33%, tiếp theo là Microsoft Azure (21%) và Google Cloud (21%). Một số nhà cung cấp nước ngoài khác chiếm 3% thị phần. 22% còn lại thuộc về các nhà cung cấp nội địa với Viettel chiếm tỷ lệ 25%, CMC 15%,FPT 12%, VNPT 10%, VC Corp 6%...
Theo báo cáo tại hội nghị hạ tầng TTDM và đám mây (Data Center & Cloud Infrastructure Summit) 2024, tổng dung lượng thị trường lĩnh vực TTDL đạt khoảng 321 tỷ USD năm 2024, với tốc độ tăng trưởng trung bình 7,3%. TTDL tại các thị trường phát triển ở châu Á đang trong thời kỳ bùng nổ và được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng từ các nền kinh tế số.
Ngoài ra, tại hội nghị, theo chia sẻ của các chuyên gia, báo cáo của Savills châu Á - Thái Bình Dương cho thấy, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam có ít TTDL hơn Hong Kong và Singapore, mặc dù có dân số đông hơn 30 lần. Dự báo trong những năm tới, Việt Nam sẽ có sự bùng nổ về TTDL với quy mô đạt 1,27 tỷ USD vào năm 2030, tốc độ tăng trưởng kép bình quân 10,8%. Thị trường rộng mở, nhưng rõ ràng sẽ có sự chọn lọc gay gắt giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại.
Đặc biệt, Luật Viễn thông (sửa đổi) 2023 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 với định nghĩa, hướng dẫn rõ ràng cho các dịch vụ data center và điện toán đám mây dưới dạng dịch vụ viễn thông, được kỳ vọng tạo khung khổ pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của ngành, có khả năng thu hút thêm đầu tư nước ngoài với việc tự do hóa các điều kiện tiếp cận thị trường.
Luật cho phép đầu tư nước ngoài 100% vào các dịch vụ TTDL. Đây cũng là áp lực lớn cho các nhà đầu tư TTDL của Việt Nam khi tham gia thị trường này./.