Phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng DTTS và miền núi

Truyền thông - Ngày đăng : 16:37, 07/11/2024

Người có uy tín (NCUT) trong đồng bào DTTS và miền núi giữ vai trò vô cùng quan trọng trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, đảm bảo an ninh trật tự, và củng cố nền quốc phòng toàn dân kết hợp với thế trận an ninh nhân dân, tích cực tham gia vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. NCUT là lực lượng quần chúng đặc biệt - nhịp cầu kết nối ý Đảng với lòng dân, trung tâm khối đại đoàn kết các dân tộc trong cộng đồng.
Truyền thông

Phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng DTTS và miền núi

Quỳnh Trang 07/11/2024 16:37

Người có uy tín (NCUT) trong đồng bào DTTS và miền núi giữ vai trò vô cùng quan trọng trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, đảm bảo an ninh trật tự, và củng cố nền quốc phòng toàn dân kết hợp với thế trận an ninh nhân dân, tích cực tham gia vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. NCUT là lực lượng quần chúng đặc biệt - nhịp cầu kết nối ý Đảng với lòng dân, trung tâm khối đại đoàn kết các dân tộc trong cộng đồng.

Người có uy tín - điểm tựa bền vững cho mọi điểm tựa khác

Tùy theo phong tục và đặc điểm vùng miền, mỗi dân tộc đều có những người có uy tín (NCUT) tiêu biểu. Đó là những già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, các vị chức sắc, tôn giáo, nhân sĩ trí thức người dân tộc thiểu số, được cộng đồng kính trọng và suy tôn. NCUT không chỉ có vai trò quan trọng trong gia đình, dòng họ, mà còn có sức ảnh hưởng sâu rộng đến cộng đồng, giúp nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thúc đẩy sự tham gia của nhân dân trong các lĩnh vực xã hội.

Trong đời sống cộng đồng, NCUT là đầu tàu đảm bảo sự vận hành ổn định qua các nhiệm vụ như: duy trì phong tục tập quán, ổn định trật tự an ninh xã hội, thúc đẩy sản xuất và phối hợp cùng cơ quan nhà nước tại địa phương.

NCUT cùng gia đình phải nắm vững và gương mẫu thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cũng như các quy định của địa phương. Chủ động tuyên truyền, giải thích, vận động đồng bào thực hiện đúng các chính sách, đồng thời nhạy bén nắm bắt tình hình dư luận, đời sống, sản xuất và nguyện vọng của người dân để kịp thời phản ánh với cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, tích cực tham gia ngăn ngừa, hòa giải mâu thuẫn trong nhân dân, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự ở địa phương và nhiệt tình hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào thi đua, tạo động lực cho sự phát triển của cộng đồng.

Tầm quan trọng của NCUT đối với cộng đồng dân tộc thiểu số và miền núi càng được khẳng định rõ nét trong đợt siêu bão Yagi vừa qua. Cơn bão đi qua khu vực phía Bắc đã gây ra lũ lụt và sạt lở nghiêm trọng, thế nhưng nhờ sự nhanh trí và dũng cảm của trưởng thôn 9X Ma Seo Chứ, 115 nhân khẩu của 17 hộ dân thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, đã được cứu sống.

Khi phát hiện vết nứt rộng khoảng 20cm trên quả đồi gần thôn, anh lập tức kêu gọi người dân di tản khẩn cấp lên ngọn núi cách thôn gần 1km để đảm bảo an toàn. Câu chuyện cảm động về trưởng thôn 9X Ma Seo Chứ, như một người anh hùng của bản làng, sẽ mãi được kể lại. Anh là tấm gương sáng về lòng dũng cảm, tinh thần trách nhiệm, sự nhạy bén và trí thông minh của một trưởng thôn đã cứu sống cả bản trước nguy cơ sạt lở.

Hình ảnh anh Ma Seo Chứ - “Người hùng” của thôn Kho Vàng.

Nhiều kết quả tích cực trong việc phát huy vai trò của NCUT trong cộng đồng DTTS và miền núi

Trong giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh Nghệ An đã bình chọn được 6.858 lượt NCUT tại các thôn, bản trên toàn tỉnh. Riêng năm 2024, Nghệ An có 926 người uy tín và tỉnh đặc biệt chú trọng việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách dành cho họ. 100% NCUT đã được cấp phát Báo Nghệ An và Báo Dân tộc và Phát triển. Tỉnh đã tổ chức 47 lớp tập huấn với hơn 3.000 lượt NCUT tham gia, tổ chức 3 hội nghị biểu dương với hơn 600 NCUT tiêu biểu, và tổ chức 7 đoàn với 235 đại biểu đi học tập kinh nghiệm ngoài tỉnh.

Nhân dịp lễ tết, tỉnh đã thăm hỏi, tặng quà cho 6.858 lượt NCUT và chăm sóc 829 lượt NCUT khi gặp ốm đau, hoạn nạn. Đặc biệt, 15 đại biểu NCUT xuất sắc đã được bầu chọn tham dự “Chương trình biểu dương điển hình tiên tiến là người có uy tín toàn quốc năm 2023” tại Hà Nội. Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã đã tổ chức 69 lớp tập huấn, cung cấp thông tin và tổ chức 56 hội nghị gặp mặt để biểu dương, tôn vinh người có uy tín tiêu biểu; nhiều huyện còn tổ chức các đoàn đi học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh.

Công tác phát huy vai trò NCUT tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN) của tỉnh Nghệ An đạt được nhiều thành tựu rõ rệt. Với uy tín và sức ảnh hưởng của mình, đội ngũ NCUT luôn tiên phong, gương mẫu trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định và phát triển địa phương. Nhờ sự phối hợp tích cực của NCUT với các cấp ủy, chính quyền và mặt trận đoàn thể mà người dân hưởng ứng và thực hiện các hoạt động xây dựng nông thôn mới.

Đến nay vùng DTTS-MN của tỉnh có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (năm 2019 chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu); có 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thị xã Thái Hòa hoàn thành năm 2015); bình quân tiêu chí của vùng là 14,34 tiêu chí/xã; có 212 thôn/bản đạt chuẩn nông thôn mới (tăng thêm 115 thôn, bản) theo các tiêu chí tại Quyết định số 2337/QĐ-UBND ngày 01/6/2017 của UBND tỉnh về việc ban hành Bộ tiêu chí thôn bản nông thôn mới áp dụng trên địa bàn các xã miền núi giai đoạn 2017-2020 và Quyết định số 1541/QĐ-UBND ngày 06/6/2022 về việc ban hành Bộ tiêu chí thôn, xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2022-2025.

Ngoài ra, tại tỉnh Bắc Giang đã thực hiện thí điểm mô hình điển hình tiên tiến là NCUT trên một số lĩnh vực trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Thực hiện hiệu quả và nhân rộng các mô hình này sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho các phong trào thi đua yêu nước phát triển. Công tác phát hiện, xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến phải gắn với các phong trào thi đua cụ thể, có kế hoạch rõ ràng, cùng với sơ kết, tổng kết phong trào và biểu dương kịp thời nhằm tạo sức lan tỏa tích cực đến cộng đồng dân tộc thiểu số và miền núi.

Thực hiện 16 mô hình tại các địa phương, bao gồm: huyện Sơn Động có 3 mô hình, huyện Lục Ngạn 6 mô hình, huyện Lục Nam 4 mô hình và huyện Yên Thế 03 mô hình. Trong đó có 8 mô hình điển hình tiên tiến về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số; 3 mô hình về tuyên truyền, vận động chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; 2 mô hình trong lao động, sản xuất kinh doanh tại vùng dân tộc thiểu số; và 3 mô hình trong việc giữ gìn an ninh trật tự tại các vùng đồng bào DTTS.

Những mô hình tiêu biểu sẽ được tổ chức hội nghị nhân rộng, biểu dương, tôn vinh, khen thưởng và giới thiệu rộng rãi qua các phương tiện truyền thông, các cổng thông tin điện tử, cũng như trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook.

Nguồn kinh phí để thực hiện các mô hình này được phân bổ từ ngân sách Trung ương, trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, cùng với nguồn kinh phí ngân sách địa phương.

Từng bước khẳng định vai trò quan trọng của những người có uy tín với cộng đồng.

Tăng cường phát huy vai trò của NCUT trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Một số giải pháp trọng tâm đã được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đề xuất nhằm phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, cụ thể như:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, quản lý của chính quyền và sự tham gia tích cực của mặt trận cùng các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể các cấp trong công tác vận động, phát huy vai trò của người có uy tín. Đổi mới nội dung, linh hoạt và đa dạng hóa hình thức vận động, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh hoạt động khác nhau của người có uy tín, tạo điều kiện để họ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, thực hiện chặt chẽ công tác rà soát, bổ sung và điều chỉnh danh sách người có uy tín, đồng thời chú trọng lựa chọn những người kế cận có năng lực và sức khỏe, góp phần trẻ hóa đội ngũ người có uy tín, với những người vừa am hiểu truyền thống văn hóa dân tộc, vừa có tri thức hiện đại, năng động, sáng tạo.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chế độ, chính sách hiện hành đối với người có uy tín; thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cập nhật tình hình và định hướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương; tập huấn kiến thức về pháp luật, quốc phòng, an ninh..

Cuối cùng, cần có sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa các cấp, các ngành và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện chính sách dân tộc nói chung và chính sách đối với người có uy tín nói riêng. Đồng thời, cần chú trọng đến công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách này, cũng như việc biểu dương và khen thưởng kịp thời để động viên những nỗ lực của NCUT./.

Quỳnh Trang