Dấu ấn của CMC tại triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 21:55, 07/11/2024
Dấu ấn của CMC tại triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024
Tập đoàn Công nghệ CMC đã tham gia Triển lãm Ngành Công nghiệp Bán dẫn Việt Nam 2024 (SEMIExpo Vietnam), diễn ra tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) Hòa Lạc, Hà Nội với nhiều dấu ấn.
Chương trình tổ chức với với chủ đề “Nâng tầm Việt Nam trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu”. Đây là điểm đến cho các doanh nghiệp (DN) hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn và công nghệ, thu hút sự quan tâm lớn từ giới đầu tư và các tổ chức quốc tế.
SEMIExpo Viet Nam 2024 là Triển lãm bán dẫn quy mô quốc tế lần đầu tiên và lớn nhất được tổ chức tại Việt Nam. Sự kiện do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chủ trì và giao NIC phối hợp cùng Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu (SEMI) tổ chức.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nhấn mạnh: “Sự kiện sẽ là một nền tảng kết nối các DN Việt Nam cũng như cộng đồng DN bán dẫn để chúng ta hợp tác rộng hơn, cùng tiến xa hơn, đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, góp phần vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung, tạo đà vững chắc cho Việt Nam tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ”.
CMC thúc đẩy nâng cao chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu
Tham gia tại triển lãm, CMC đã nhấn mạnh tầm nhìn của mình trong việc hỗ trợ Việt Nam trở thành trung tâm mới trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Trong khuôn khổ SEMIExpo Viet Nam 2024, chương trình đối thoại với các DN bán dẫn trong và ngoài nước do Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chủ trì, ông Nguyễn Trung Chính – Chủ tịch HĐQT/Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC đã nhấn mạnh ba hướng đi mà CMC cam kết triển khai:
Thứ nhất, tạo dựng hạ tầng và chính sách hỗ trợ hiệu quả: CMC sẽ thúc đẩy xây dựng các trung tâm chia sẻ tài nguyên, giúp các DN có không gian và công cụ để thực hiện nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo về bán dẫn;
Thứ hai, đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn chất lượng cao: Đại học CMC, một thành viên của tập đoàn, đã thành lập Khoa Vi Điện tử và Viễn Thông để đào tạo nhân lực chuyên sâu về chip bán dẫn, mở ngành đào tạo Công nghệ Kỹ thuật Điện tử Viễn thông, đồng thời xây dựng các chương trình bồi dưỡng chuyên sâu về chip bán dẫn.
Trường cũng đã đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm IC Design Lab nhằm giúp sinh viên và kỹ sư tiếp cận công nghệ thiết kế vi mạch tiên tiến. Các DN có nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao có thể liên hệ với CMC để hợp tác, trao đổi;
Thứ ba, phát triển công nghệ lõi. CMC hiện đã sở hữu 25 công nghệ lõi, bao gồm AI, Big Data, IoT và thiết kế vi mạch. Các công nghệ này là nền tảng để CMC triển khai các giải pháp tiên tiến, hỗ trợ sự phát triển ngành bán dẫn trong và ngoài nước.
Điểm nhấn công nghệ của CMC tại SEMIExpo Vietnam 2024
Tại triển lãm, CMC đã giới thiệu các giải pháp công nghệ tiên tiến nhất, bao gồm sản phẩm, dịch vụ và hệ thống hỗ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn. Gian hàng của CMC mang tới hệ sinh thái mở AI của CMC, các chương trình đào tạo nhân lực công nghệ, vi mạch bán dẫn, các giải pháp về sản xuất, quản lý dữ liệu và bảo mật thu hút sự quan tâm lớn từ các khách mời tham dự.
Tập đoàn CMC không chỉ giới thiệu về công nghệ bán dẫn mà còn khẳng định cam kết của tập đoàn trong việc cung cấp các giải pháp thiết thực và nguồn nhân lực cho thị trường công nghiệp bán dẫn.
Đặc biệt, tại gian hàng lần này, CMC đã tổ chức trình diễn sản phẩm AI Box - thiết bị xử lý AI tại chỗ mà không cần thông qua AI Server, tích hợp công nghệ nhận diện khuôn mặt và phát hiện hành vi bất thường với độ bảo mật cao.
TS. Đặng Minh Tuấn, Viện trưởng Viện CMC ATI cho biết: “AI Box được thiết kế với hệ điều hành Linux 5.10, hỗ trợ nhận diện trên hơn 10.000 ID, phù hợp cho nhiều mô hình AI và có khả năng mở rộng theo nhu cầu khách hàng. Ngành bán dẫn và công nghệ AI có mối liên kết sâu rộng và hỗ trợ lẫn nhau. Sự tăng cường về AI ngày càng đẩy mạnh ngành bán dẫn trong việc phát triển các kiến trúc chip tiên tiến hơn".
Bên cạnh đó, CMC AIVision - AI Camera 5MP được thiết kế để xử lý tại chỗ, giảm độ trễ và tăng cường quyền riêng tư. Thiết bị có khả năng nhận diện khuôn mặt, cảnh báo cháy nổ và nhận diện biển số xe. AI Camera cũng có thể mở rộng thêm các mô hình AI khác, đem lại hiệu quả và tính năng vượt trội cho các khách hàng DN.
Nói về đào tạo nhân lực công nghệ, vi mạch bán dẫn của CMC, Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trường Đại học (ĐH) CMC cho biết: “Trong năm 2024, Trường ĐH CMC đã thành lập Khoa vi điện tử và Viễn thông với thiết kế vi mạch bán dẫn là định hướng đào tạo chính, nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện các nghiên cứu về vi mạch và bán dẫn, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong chuỗi cung ứng thế giới”.
Bên cạnh thiết kế vi mạch bán dẫn, trường ĐH CMC cũng đào tạo các ngành CNTT, khoa học máy tính cùng sự hợp tác với Tập đoàn Samsung, Microsoft, Intel,... tạo nên lợi thế đào tạo chuẩn quốc tế và cam kết cơ hội thực tập, việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Đến với triển lãm ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam 2024, CMC không chỉ đóng vai trò là nhà triển lãm mà còn là đơn vị góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển ngành công nghiệp bán dẫn quốc gia, hỗ trợ các DN trong nước và quốc tế cùng đạt được những đột phá mới.
Lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, SEMIExpo Viet Nam 2024 đã thu hút sự tham gia của của hơn 5.000 đại biểu và 100 gian hàng đến từ các đối tác công nghệ lớn trong lĩnh vực bán dẫn, như Cadence, Qualcomm, Intel, Qorvo, Dassault Systemes, Siemens, Tektronix, CMC, FPT, Viettel…, cùng sự tham gia đông đảo của các thành phần trong hệ sinh thái bán dẫn như các viện nghiên cứu, trường ĐH, quỹ đầu tư các DN, tổ chức, hiệp hội, chuyên gia trong nước, ngoài nước trong lĩnh vực bán dẫn.../.