Thành tựu của y học cổ truyền bị mạo danh, quảng cáo sai sự thật tràn lan
An toàn thông tin - Ngày đăng : 10:26, 11/11/2024
Thành tựu của y học cổ truyền bị mạo danh, quảng cáo sai sự thật tràn lan
Hiện nay, các thành tựu của y học cổ truyền và cơ sở đông y uy tín đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng mạo danh, quảng cáo sai sự thật tràn lan trên mạng xã hội. Đây là một trong những chiêu trò lừa đảo trực tuyến mới được Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) ghi nhận trong tuần từ 4 - 10/11.
Cảnh báo chiêu trò phát tán thông tin sai lệch, quảng cáo thuốc trên mạng xã hội
Tình trạng quảng cáo "lương y gia truyền" để bán các loại thuốc đông y được thổi phồng chữa khỏi nhiều bệnh mãn tính như tiểu đường, ung thư xuất hiện rầm rộ các kênh TikTok, YouTube.
Mới đây, chiều 6/11, Hội chợ Dược liệu, y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu toàn quốc lần thứ 2 năm 2024 do Bộ Y tế tổ chức nhằm cung cấp cung cấp cho người tham gia kiến thức và cách phân biệt các loại dược liệu, thuốc cổ truyền.
Đồng thời, tại Hội chợ, Cục trưởng Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền cho biết, thời gian qua, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền nhận được nhiều phản ánh, khiếu nại của các cơ ở y học cổ truyền làm ăn chân chính, lương y sở hữu bài thuốc y học cổ truyền bị các đối tượng mạo danh, quảng cáo "nổ" trên mạng xã hội (MXH), đe dọa sức khỏe người dân. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến giá trị của dược liệu y học cổ truyền.
Hiện nay, các thành tựu của y học cổ truyền và cơ sở đông y uy tín đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng mạo danh, quảng cáo sai sự thật tràn lan trên MXH. Nhiều trường hợp thậm chí công khai cả số điện thoại, khiến nhiều người dân tin và mua sản phẩm về chữa bệnh như trường hợp một lương y ở Lào Cai.
Trước tình hình lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin (ATTT) khuyến cáo người dân cần thận trọng trước các thông tin được đăng tải trên các nền tảng MXH, thực hiện kiểm tra tính xác thực của thông tin hoặc đối tượng thông qua những trang thông tin chính thống. Không tham gia vào các hội nhóm cung cấp dịch vụ trên MXH, đặc biệt là các dịch vụ liên quan đến tư vấn khám chữa bệnh trực tuyến.
Ngoài ra, người dân không thực hiện mua bán các loại thuốc không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng, hay giao dịch với các đối tượng không rõ danh tính. Chỉ nên sử dụng thuốc đông y có nguồn gốc, được kiểm định rõ ràng.
Nếu có nhu cầu khám chữa bệnh, người dân hãy đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế có uy tín, được cơ quan chức năng cấp phép để đảm bảo an toàn. Trong trường hợp không thể đến trực tiếp khám chữa bệnh, người dân chỉ nên sử dụng các nền tảng online chính thống, được cấp phép và có hệ thống kiểm tra danh tính bác sĩ rõ ràng.
Nếu nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.
Xuất hiện tình trạng mạo danh sàn thương mại điện tử Amazon
Mới đây, sàn thương mại điện tử (TMĐT) Amazon cho biết đơn vị này đã nhận được một số báo cáo về tình trạng mạo danh Amazon và nhân viên Amazon để thực hiện các hành vi lừa đảo, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
Amazon Global Selling Việt Nam khẳng định hoàn toàn không yêu cầu các đối tác bán hàng chuyển tiền hoặc thực hiện giao dịch mua bán với mục đích đầu tư trong mọi tình huống. Mọi yêu cầu như vậy đều là hành vi lừa đảo và không có bất kỳ liên hệ nào với Amazon Global Selling Việt Nam.
Trước đó, vào cuối tháng 9/2023, Cục TMĐT và Kinh tế số thuộc Bộ Công Thương cũng có khuyến cáo doanh nghiệp (DN) và người dân nên cảnh giác với các thông tin sử dụng logo, tên của Cục TMĐT và Kinh tế số và Amazon Global Selling Việt Nam để giả mạo Chương trình TMĐT xuyên quốc gia nhằm mục đích lừa đảo.
Cụ thể, các đối tượng đã cố tình sử dụng logo, tên của Cục TMĐT và Kinh tế số, Amazon Global Selling khiến DN và người dân hiểu đây là hoạt động của Cục và Amazon Global Selling nhằm đưa các thông tin lừa đảo, dẫn dụ người dùng tham gia các hoạt động kinh doanh.
Sau khi liên hệ người hướng dẫn sẽ được tặng 20.000 đồng vào tài khoản; đăng ký mở thành công đại lý cửa hàng sẽ được thưởng 30.000 đồng thẻ cào điện thoại; sau khi đăng ký mở cửa hàng thành công, đơn hàng đầu tiên của cửa hàng sẽ nhận được 200.000 đồng tiền phụ giúp để hoàn thành đơn hàng từ hệ thống.
Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo sẽ trực tiếp chiết khấu và chuyển tiền vào tài khoản người tham gia, sau đó, lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người tham gia để tiếp tục lôi kéo người thân tham gia cùng và gắn bó lâu dài với công việc.
Trước thông tin trên, theo khuyến cáo của Cục ATTT, các DN và người dân trong mọi tình huống nên thận trọng kiểm tra, xác minh thông tin trước khi các giao dịch chuyển khoản.
Đồng thời, DN và người dân nên kiểm tra tính xác thực của tất cả các website, ứng dụng TMĐT bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ TMĐT thông qua chứng nhận “Đã thông báo Bộ Công Thương”. Đặc biệt, không truy cập đường dẫn lạ hoặc tải ứng dụng không rõ nguồn gốc; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân khi chưa xác minh, xác thực đối tượng giao dịch.
Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời./