Bài toán nguồn nhân lực số phù hợp cho nền kinh tế phát triển
Kinh tế - Ngày đăng : 13:31, 27/10/2024
Bài toán nguồn nhân lực số phù hợp cho nền kinh tế phát triển
CMCN 4.0 tạo ra sự thay đổi nhanh chóng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế từ dựa vào tài nguyên sang nền kinh tế dựa trên tri thức. Nền kinh tế số phát triển đòi hỏi nguồn nhân lực số phù hợp xu hướng này thể hiện rõ ràng cả trên thế giới và trong nước.
Nhu cầu đang gia tăng về nhân lực số
Ngày 31/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 411/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nội dung Quyết định đã xác định: Kinh tế số là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT) để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh và tối ưu hóa cấu trúc nền kinh tế. Quyết định số 411/QĐ-TTg đã đặt ra các mục tiêu cụ thể cho phát triển kinh tế số, trong đó có mục tiêu là tỷ trọng kinh tế số đạt 20% GDP vào năm 2025 và đạt 30% GDP vào năm 2030. Để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế số, phát triển nguồn nhân lực là một trong các nhiệm vụ để tạo nền móng cho kinh tế số.
Việt Nam đang trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia số vào năm 2030. Trong hành trình đó, nhân lực số đóng vai trò cốt lõi, quyết định sự thành công của chuyển đổi số. Đại dịch COVID–19 là cú hích tạo ra sự thay đổi căn bản về môi trường làm việc, thúc đẩy nhu cầu về lực lượng lao động có khả năng thích ứng và độ linh hoạt cao, giúp doanh nghiệp (DN) vẫn giữ vững và phát triển bất kể có biến động lớn ra sao.
Từ thực tế nhu cầu đào tạo và tái đào tạo nhân lực số rất lớn trong xã hội. Lực lượng lao động được chú trọng tập trung đào tạo và tái đào tạo bao gồm: Lực lượng lao động đang làm việc trong cả hai khối tư nhân và hành chính công, những sinh viên trẻ – lực lượng lao động kế cận. Học sinh các cấp làm quen với tri thức và kỹ năng số đảm bảo nhân lực tương lai có khả năng thích nghi với tương lai từ công nghệ và chuyển đổi số. Bên cạnh đó, Cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi cách quản lý, điều hành cũng như quá trình phát triển của DN. Nó có thể phá vỡ thị trường lao động bởi khi tự động hóa, trí tuệ nhân tạo (AI) dần thay thế con người khiến hàng triệu lao động thất nghiệp. Đó là một trong những yếu tố tác động trực tiếp đến xu hướng phát triển nguồn nhân lực số, nhất là trong DN. Trong khi đó, nền kinh tế số vận hành dựa trên ứng dụng công nghệ số, tri thức và sự sáng tạo của con người là động lực chính. Do vậy, nguồn nhân lực số phải có đầy đủ năng lực về trí tuệ, tri thức và văn hóa để tổ chức, quản lý và vận hành nền kinh tế. Phát triển nguồn nhân lực số là yếu tố quyết định sự thành công việc xây dựng nền kinh tế số ở Việt Nam hiện nay.
Theo báo cáo của Ủy ban về chuyển đổi số, hiện nay Việt Nam có khoảng hơn 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật: Công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, an toàn thông tin. Hằng năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành này vào khoảng hơn 53.000 (nếu tính cả đào tạo cao đẳng, trung cấp thì con số này vào khoảng hơn 65.000). Với năng lực đào tạo này, trong những năm gần đây, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn nhân lực kỹ thuật cao để thực hiện chuyển đổi số, trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng cao để thực hiện chuyển đổi số. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số, cùng với các địa phương trên cả nước.
Thực tế cho thấy Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã triển khai Nền tảng học trực tuyến mở, hoàn thành ba khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số cho 1.648 công chức, viên chức là đội ngũ nòng cốt về chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương. Dự kiến, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai công tác chuẩn bị bồi dưỡng chuyển đổi số cho khoảng 300 nghìn công chức, viên chức, 200 nghìn thành viên tổ công nghệ số cộng đồng và bồi dưỡng kỹ năng số miễn phí cho người dân.
Đến nay, đã có 47/63 tỉnh, thành phố triển khai 40.590 tổ công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với hơn 200 nghìn thành viên tham gia. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện cả nước có xấp xỉ 1,2 triệu lao động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nhưng nhân lực tính từ cao đẳng trở lên chỉ khoảng 550.000 người. Trong cơ cấu nguồn nhân lực, tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin trên tổng lao động của nền kinh tế Việt Nam đạt hơn 1%. Đây là tỷ lệ tương đối thấp so với các quốc gia như Mỹ (4%), Hàn Quốc (2,5%), Ấn Độ (1,78%).
Nguồn nhân lực số từng bước phát triển
Về Công tác đào tạo nhân lực số đã có bước phát triển mới và đạt được kết quả quan trọng. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đã bổ sung 5 mã ngành mới vào chương trình đào tạo đại học, sau đại học.
Một số trường đại học tiên phong trong đào tạo nhân lực số trình độ cao, điển hình như Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã áp dụng thử nghiệm mô hình đại học số trên nền tảng công nghệ PTIT-Slink. Nền tảng đã được triển khai thử nghiệm tại một số trường đại học. Trường Đại học FPT thực hiện liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, gắn đào tạo với thực tiễn, nghiên cứu - triển khai - ứng dụng với nhiều chuyên ngành đào tạo, trong đó CNTT là trọng tâm. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với Khoa CNTT đào tạo liên thông từ trình độ cao đẳng lên đại học, hàng năm thu hút hàng nghìn sinh viên vào các ngành tin học ứng dụng...
Một số nền tảng hỗ trợ phát triển và nâng cao chất lượng nhân lực số đã đi vào hoạt động. Như nền tảng “nhân lực số” đã đem lại những kiến thức về thị trường việc làm, tạo xu hướng phát triển nghề nghiệp cho thế hệ trẻ. Các nhà tuyển dụng có thể điều chỉnh và sử dụng nguồn lao động một cách hiệu quả thông qua nền tảng này. Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng “Nền tảng học trực tuyến mở đại trà” (One Touch) và tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho hàng ngàn lượt cán bộ, công chức, viên chức là nòng cốt chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương.
Việt Nam có rất nhiều chuyên gia công nghệ giỏi. Vào cuối năm 2023, công nghệ Multidie chip 3nm (nanomet), do một nhóm kỹ sư Việt Nam thiết kế đã được giới thiệu với toàn thế giới. Tập đoàn Viettel cũng công bố chip 5G DFE đầu tiên của Việt Nam do kỹ sư của Tập đoàn thiết kế. Chip này là một trong những thành phần phức tạp nhất của hệ sinh thái 5G, có năng lực tính toán 1.000 tỷ phép tính/giây.
Tuy vậy, cho đến nay, Việt Nam vẫn thiếu hụt hàng trăm ngàn nhân lực số. Theo TopDev (2023), nhu cầu đến năm 2025 cần tới 700.000 nhân lực CNTT, trong khi đó, số lượng hiện tại mới chỉ đạt khoảng 530.000 người. Tỷ lệ nhân lực CNTT ước đạt 1,1% trong tổng số 51 triệu lao động cả nước. Tỉ lệ này tương đối thấp so với một số quốc gia như Mỹ (4%), Hàn Quốc (2,5%), Ấn Độ (1,78%).
Về chất lượng, theo FPT Digital, thuộc Tập đoàn FPT, trong số sinh viên CNTT tốt nghiệp hiện nay chỉ có khoảng 30% đáp ứng được yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Các nhà tuyển dụng phải mất thêm nguồn lực để thực hiện đào tạo lại. Sự yếu kém về chất lượng chủ yếu ở kiến thức, kỹ năng làm chủ các công nghệ đặc trưng của chuyển đổi số như AI, khoa học dữ liệu, tự động hóa, blockchain.
Xu hướng ứng dụng công nghệ số ngày càng lan rộng trong các quy trình quản lý, hoạt động, sản xuất kinh doanh và điều hành của các doanh nghiệp. Đối với bộ phận quản trị nguồn nhân lực, cần có những bước tiếp cận và giải quyết công việc lấy nhân viên làm trọng tâm, tối ưu hóa kết quả kinh doanh và những cách thức làm việc mới.
Theo thống kê đến ngày 02/01/2024, dân số của Việt Nam có hơn 99,4 triệu người, đứng thứ 15 trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,4 triệu người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý IV năm 2023 là 27,6%. Như vậy, tính đến cuối năm 2023, cả nước vẫn còn khoảng 38,0 triệu lao động chưa qua đào tạo. Con số này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động. Rào cản lớn nhất khi tiếp cận với cách mạng công nghệ 4.0, chính là sự thiếu hụt nguồn nhân lực số có trình độ chuyên môn cao.
Về đào đào tạo và bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, tay nghề cho nhân viên để theo kịp với sự phát triển khoa học công nghệ còn đơn lẻ. Các doanh nghiệp vẫn chưa có chiến lược đào tạo và phát triển gắn liền với tầm nhìn và mục tiêu cụ thể, mà mới chỉ đầu tư nâng cao trình độ đối với cán bộ quản lý. Còn với công tác đào tạo kỹ thuật viên, nhân viên chủ yếu là tự đào tạo hoặc tự nâng cao tay nghề. Hiệu quả công tác sử dụng và quản trị nguồn nhân lực trong các doanh nghiệp còn thấp, chưa đáp ứng kịp được sự phát triển của nền kinh tế số.
Chuyển đổi số đã và đang trở thành lợi thế cạnh tranh của các doanh nghiệp. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp bứt phá đi trước, đón đầu, để theo kịp với các nước phát triển, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Chuyển đổi số là cuộc cách mạng, là cơ hội, đồng thời cũng là những thách thức lớn nếu các doanh nghiệp biết cách vượt qua. Với lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào, cần cù, thông minh, nhạy bén, với cơ chế, chính sách ngày càng rộng mở, thông thoáng, chắc chắn các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có những bước tiến nhanh chóng và bền vững sánh vai với các ông lớn, các tập đoàn xuyên quốc gia trên thế giới. Đây là sự khát vọng và là mục tiêu mà các doanh nghiệp Việt Nam cần hướng tới.