Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số đón đầu xu thế phát triển

Kinh tế - Ngày đăng : 16:12, 08/11/2024

Công nghệ số được xem “là một trong các thành tố công nghệ chính” của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để phát triển công nghệ số thành công ngoài môi trường, thể chế chính sách, việc chú trọng phát triển nguồn nhân lực được coi là nhân tố quyết định thành công.
Kinh tế

Đào tạo nguồn nhân lực công nghệ số đón đầu xu thế phát triển

PV 08/11/2024 16:12

Công nghệ số được xem “là một trong các thành tố công nghệ chính” của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Để phát triển công nghệ số thành công ngoài môi trường, thể chế chính sách, việc chú trọng phát triển nguồn nhân lực được coi là nhân tố quyết định thành công.

Mục tiêu được Đảng, Nhà nước xác định từ rất sớm

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2023 đã chỉ ra có hơn 85% các tổ chức tham gia khảo sát đã và đang thực hiện tăng cường áp dụng công nghệ, trong đó mở rộng ứng dụng kỹ thuật số và chuyển đổi số trong hoạt động của mình. Hơn 75% các công ty đang tìm kiếm để áp dụng những công nghệ mới như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI) trong vòng 5 năm tới. Chính vì vậy, các nhóm ngành nghề như phân tích dữ liệu lớn, công nghệ quản lý môi trường và biến đổi khí hậu, mã hóa và an ninh mạng được dự báo sẽ gia tăng nhu cầu mạnh mẽ nhất trong 5 năm tới.

Một báo cáo khác của Fortune Business Insights năm 2022 cũng dự đoán thị trường công nghệ nhân sự toàn cầu được dự đoán sẽ tăng lên 35,68 tỷ USD vào năm 2028. Những năm trở lại đây, quản trị nhân sự dựa trên phân tích dữ liệu đã trở thành một trong những xu hướng nổi bật nhất. Với nhu cầu đang gia tăng về nhân lực số, các doanh nghiệp rất cần các giải pháp đào tạo kịp thời để có thể đáp ứng được thay đổi hiện tại.

picture3(1).jpg
Hiện nay có khoảng 70% trên tổng số trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam hiện đang đào tạo nhóm ngành phát triển nhân lực công nghệ số.

Ở Việt Nam, chuyển đổi số là mục tiêu được Đảng, Nhà nước xác định từ rất sớm, thể hiện sự nhanh nhạy và đón đầu xu thế phát triển của thế giới trong thời đại số. Vấn đề này đã được xác định tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, theo đó một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII là: “thực hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/ QĐ-TTg ngày 03/6/2020 phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; 63 tỉnh, thành phố trên cả nước và các bộ, ngành Trung ương đã ban hành chương trình/kế hoạch/đề án riêng về chuyển đổi số trong giai đoạn 2021 - 2025. Tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh vai trò của nguồn nhân lực số, trong đó có những nhiệm vụ trọng tâm: “Xây dựng chương trình, nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước” và “Lựa chọn, đào tạo, tập huấn đội ngũ tối thiểu 1.000 chuyên gia về chuyển đổi số cho ngành, lĩnh vực, địa phương. Các chuyên gia này tiếp tục đào tạo lại cho cán bộ liên quan ở cơ quan, tổ chức mình và trở thành lực lượng nòng cốt để dẫn dắt, tổ chức và lan tỏa tiến trình chuyển đổi số quốc gia”.

Những năm qua, công tác phát triển nhân lực số được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Chính phủ, các bộ, ngành đã từng bước xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chính sách về phát triển nhân lực số. Đề án “Nâng cao nhận thức, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022.

Hướng đến chất lượng nguồn nhân lực hiện nay

Cũng tại Hội thảo “Đào tạo nhân lực công nghệ số đáp ứng nhu cầu thị trường lao động Việt Nam và thế giới” diễn ra tại Đà Nẵng hồi tháng 7/2024 khi đề cập về chính sách phát triển nguồn nhân lực TS. Nguyễn Thanh Tuyên – Phó Cục trưởng, Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Đến nay có khoảng 70% trên tổng số trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam hiện đang đào tạo nhóm ngành CNTT, cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc mở rộng nguồn cung nhân lực CNTT. Các trường đại học, cao đẳng đào tạo CNTT cũng bổ sung thêm các chuyên ngành mới để phù hợp với xu hướng công nghệ toàn cầu như AI và An ninh mạng. Điều này giúp tăng chất lượng và nguồn cung của nhân lực CNTT có tay nghề cao trên thị trường.

picture4(1).jpg
Hội thảo “Đào tạo nhân lực công nghệ số đáp ứng nhu cầu thị trường lao động Việt Nam
và thế giới”

Chính phủ và các Bộ, ngành, UBND các địa phương vẫn đang nỗ lực tập trung thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, công nghiệp nền tảng và công nghệ mới nổi, gắn kết chặt chẽ với thị trường và các doanh nghiệp trong nước, tham gia sâu rộng hơn vào các chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chủ trì làm việc với nhiều lãnh đạo tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, doanh nghiệp FDI tìm hiểu cơ hội mở rộng đầu tư tại Việt Nam (như Apple, Intel, NVIDIA, Foxxcon, Meta, Synopsys, Microsoft, SpaceX, Samsung…), đề nghị tăng cường hợp tác, đồng hành cùng Việt Nam thực hiện chuyển giao công nghệ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.

Nhận thấy nhân lực IT làm việc trong các công ty tư vấn/xuất khẩu phần mềm, là nhóm nhân lực CNTT bị ảnh hưởng cao nhất, chỉ có 45,6% có công việc ổn định. Đối với nhân sự IT làm việc ở các công ty có sản phẩm, dịch vụ không thuộc ngành công nghệ lại có xu hướng tự thôi việc, tìm kiếm cơ hội mới cao hơn, chiếm 21,6%.

Đánh giá về nhu cầu lao động công nghệ thông tin Việt Nam hiện nay TS Nguyễn Thanh Tuyên, lưu ý rằng: Số lượng đào tạo chính quy ngành công nghệ thông tin của các trường đại học, cao đẳng và trung cấp ở Việt Nam, hiện đang vượt quá khả năng hấp thụ của thị trường lao động ngành công nghiệp công nghệ thông tin của đất nước. Xét về đầu vào, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ngành công nghệ thông tin các cấp (từ trung cấp, cao đẳng và đại học) là rất lớn, trên 110.000, nếu so với số lượng tốt nghiệp PTTH toàn quốc năm 2023 là 650.000, chỉ tiêu này chiếm tới 17,3%.

Về đầu ra chất lượng đào tạo công nghệ thông tin của nhiều trường không cao. Chỉ có 1/3 sinh viên tốt nghiệp đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp công nghệ thông tin. Theo Topdev, hơn 45% lao động trong lĩnh vực phần mềm là từ mới ra trường và mới đi làm, tiếp theo là 28% cấp trung, cấp cao chỉ chiếm gần 20% tổng số nhân sự công nghệ thông tin trong khi đó, cấp trưởng nhóm trở lên chỉ là 7%”.

Điều này cho thấy, những vấn đề đặt ra tại “Đào tạo nhân lực công nghệ số đáp ứng nhu cầu thị trường lao động Việt Nam và thế giới”, tuy không phải là vấn đề quá mới, nhưng luôn là “câu chuyện thời sự” của nguồn nhân lực.

Muốn vậy, đột phá đầu tiên, chính là hoàn thiện hệ sinh thái từ đào tạo đến tuyển dụng và ổn định việc làm, đối với chuyên ngành công nghệ thông tin, theo đà phải chuyển tiếp nhịp nhàng, bắt kịp nhu cầu và yêu cầu nhân lực công nghệ số.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Gia Như, Hiệu trưởng trường Khoa học máy tính (Đại học Duy Tân) cũng nhìn nhận về hệ sinh thái đào tạo nhân lực từ góc nhìn từ trường Đại học: Ngay ở thời điểm này, yêu cầu và nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin đã phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Bối cảnh đã khác nhiều, các thách thức bao gồm: Tốc độ phát triển công nghệ quá nhanh: AI, IoT, Blockchain. Nhu cầu đa dạng và chuyên môn hóa sâu, khả năng thích ứng cao, những kỹ năng cần thiết của người lao động cũng phải thay đổi phù hộ, kịp thời, mới đáp ứng sự phân công lao động toàn cầu. Ngoài ra, một vấn đề về kỹ năng cũng quan trọng không kém, nhưng đến nay “hãy còn mới với sinh viên trong nước đó là Start-up.

Những thách thức này đặt ra yêu cầu phải cập nhật, cải tiến thường xuyên chương trình, phương pháp đào tạo để có được “chất lượng cao” cho nguồn nhân lực công nghệ thông tin sẵn sàng thích nghi nhanh với công nghệ số.

Về vấn đề hợp tác với doanh nghiệp, thầy hiệu trưởng trường Khoa học máy tính Đại học Duy Tân nhấn mạnh rằng: Hệ sinh thái đào tạo nhân lực công nghệ thông tin tại Đại học Duy Tân là một minh chứng rõ nét nhất, cho thấy phải có sự kết hợp giữa học thuật và thực tiễn, mới có thể tạo ra những thành tựu đáng kể trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp đóng vai trò then chốt, không chỉ mang lại cơ hội thực tiễn quý báu cho sinh viên, mà còn giúp nhà trường cập nhật liên tục những yêu cầu mới nhất của thị trường lao động. Hợp tác với doanh nghiệp chính là chìa khóa mở ra cánh cửa thành công cho thế hệ nhân lực tương lai, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp công nghệ thông tin, Công nghệ số.

Người đứng dầu trường Khoa học máy tính khẳng định sự đồng hành và hỗ trợ từ các doanh nghiệp Đại học Duy Tân có thể đảm bảo rằng sinh viên không chỉ nắm vững kiến thức lý thuyết mà còn thành thạo kỹ năng thực hành, sẵn sàng đáp ứng và vượt qua những thách thức của thị trường công nghệ thông tin quốc tế.

PV