Đào tạo nhân lực công nghệ cao vấn đề cấp thiết hiện nay
Kinh tế - Ngày đăng : 16:13, 02/10/2024
Đào tạo nhân lực công nghệ cao vấn đề cấp thiết hiện nay
Trong bối cảnh mới, nước ta có cơ hội lớn để thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược, nền tảng của CMCN lần thứ tư. Dự thảo Đề án Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025 – 2035 và định hướng tới năm 2045 sẽ tháo gỡ vấn đề nguồn nhân lực công nghệ cao ở Việt Nam hiện nay.
Hiện trạng về đội ngũ nhân lực phát triển công nghệ cao
Mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý Dự thảo Đề án Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025 – 2035 và định hướng tới năm 2045.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Lý do xây dựng Đề án là hiện nay cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư gắn với sự phát triển đột phá của các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là công nghệ số, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo. Những nghề nghiệp hoặc công việc giản đơn nhanh chóng bị thay thế bằng những việc làm mới yêu cầu trình độ và kỹ năng cao, trong khi cả nguồn cung nhân lực mới và một bộ phận lao động của nước ta hiện có chưa đáp ứng được. Nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là nguồn tài năng trong các lĩnh vực công nghệ then chốt, mới nổi trở thành yếu tố cạnh tranh cốt lõi giữa các quốc gia.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chỉ ra rằng trong bối cảnh mới, nước ta có cơ hội lớn để thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực công nghệ chiến lược, nền tảng của CMCN lần thứ tư như công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ năng lượng mới và vật liệu tiên tiến, cũng như đầu tư và phát triển các lĩnh vực ứng dụng những công nghệ đó. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, điểm nghẽn lớn nhất của Việt Nam hiện nay là sự thiếu hụt đội ngũ nhân lực trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) có trình độ, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn công nghệ lớn. Đây chính là nguồn nhân lực nền tảng phục vụ cho sự phát triển của các ngành công nghệ cao, đặc biệt là những lĩnh vực then chốt.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng cho rằng: Sự thiếu hụt nguồn nhân lực này sẽ dẫn đến nguy cơ lớn nhất làm Việt Nam tuột mất cơ hội thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là yêu cầu cấp thiết để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Đây là chủ trương lớn đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng, Quốc hội cũng là nhiệm vụ trọng tâm đã được đề ra trong nhiều chiến lược, quy hoạch, chương trình và đề án đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cũng theo Thứ trưởng việc xây dựng “Đề án đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghệ cao giai đoạn 2025-2035 và định hướng tới năm 2045” là yêu cầu cấp thiết. Nhằm phân tích, đánh giá khách quan thực trạng và nhu cầu, từ đó xác định rõ quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy hợp tác, huy động và sử dụng hiệu quả cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Góp phần phục vụ phát triển các lĩnh vực công nghệ cao nói chung và một số lĩnh vực công nghệ cao then chốt nói riêng, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước trước những thách thức và cơ hội của cuộc CMCN lần thứ tư. Đề án Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM) có trình độ đại học, kỹ sư, thạc sĩ và tiến sĩ làm lực lượng nòng cốt của đội ngũ nhân lực công nghệ cao. Trong đó đặc biệt chú trọng đội ngũ nhân lực tài năng STEM phục vụ phát triển một số lĩnh vực công nghệ then chốt cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh như công nghệ thông tin và truyền thông, vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học, vật liệu tiên tiến và năng lượng xanh.
Theo Dự thảo đề án, dự kiến tổng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Đề án đến năm 2030 khoảng 20.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước (NSNN) khoảng 16.000 tỷ đồng và nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 4.000 tỷ đồng, nhưng chưa bao gồm: Phần kinh phí đào tạo tiến sĩ cho giảng viên (đã có trong đề án thực hiện theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ); Phần kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo theo nhu cầu đặc thù của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan và doanh nghiệp; Phần kinh phí đầu tư xây dựng các trung tâm đào tạo, nghiên cứu xuất sắc theo hình thức hợp tác công-tư (thực hiện theo đề án riêng).
Bộ GD-ĐT đã đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 của đề án là tăng nhanh quy mô đào tạo trình độ cao thuộc khối ngành STEM, nhất là các ngành khoa học cơ bản và các ngành liên quan tới công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học: Tỷ lệ người theo học các ngành STEM đạt 35% ở mỗi trình độ đào tạo, trong đó ít nhất 2,5% thuộc các ngành khoa học cơ bản và 18% thuộc các ngành liên quan tới công nghệ số.
Tính trên tổng quy mô đào tạo khối ngành STEM, số người học các chương trình đào tạo kỹ sư, thạc sĩ chiếm ít nhất 10% và số người học các chương trình đào tạo tiến sĩ chiếm ít nhất 1%, tỉ lệ nữ giới chiếm ít nhất 25%. Số người tốt nghiệp các chương trình đào tạo về công nghệ thông tin và truyền thông đạt 80 nghìn người/năm trong đó ít nhất 10% được cấp bằng kỹ sư, thạc sĩ hoặc tiến sĩ. Số người tốt nghiệp các chương trình đào tạo chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo đạt 20 nghìn người/năm trong đó ít nhất 20% được cấp bằng kỹ sư, thạc sĩ hoặc tiến sĩ, 100% chương trình đào tạo cử nhân, kỹ sư và thạc sĩ thuộc khối ngành STEM được tích hợp kiến thức, kỹ năng phân tích dữ liệu và trí tuệ nhân tạo.
Số người tốt nghiệp các chương trình đào tạo chuyên sâu về sinh học, công nghệ sinh học và y sinh đạt 5 nghìn người/năm trong đó ít nhất 20% được cấp bằng kỹ sư, thạc sĩ hoặc tiến sĩ.
Đề án cũng kỳ vọng tạo chuyển biến mạnh về chất lượng đào tạo các ngành STEM, nhất là các ngành khoa học cơ bản và các ngành liên quan tới công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và công nghệ sinh học: Các chỉ số chất lượng tuyển sinh đại học của phần lớn nhóm ngành STEM được cải thiện rõ rệt và cao hơn mức trung bình chung; ít nhất 40% học sinh từ các trường THPT chuyên chọn học các ngành STEM. Các chỉ số điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo khối ngành STEM tiếp tục được cải thiện và cao hơn mức trung bình chung, trong đó tỉ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ cao hơn 42%. Hơn 80% chương trình đào tạo ngành STEM trình độ đại học có tỉ lệ tốt nghiệp và tỉ lệ có việc làm phù hợp với trình độ chuyên môn đạt trên 80%, trong đó hơn 50% làm việc trong các lĩnh vực liên quan tới công nghệ cao.
Bộ GD-ĐT kỳ vọng: Số người tốt nghiệp các chương trình đào tạo tài năng trong các lĩnh vực công nghệ then chốt đạt khoảng 5 nghìn kỹ sư, thạc sĩ và 500 tiến sĩ (hằng năm), trong đó ít nhất 20% thuộc các chương trình chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo.