Để trẻ em an toàn cả trên môi trường thực và môi trường mạng

An toàn thông tin - Ngày đăng : 09:22, 13/11/2024

Đại diện nhiều tổ chức xã hội vì trẻ em, các trường học đã thảo luận kế hoạch chiến lược trong việc huy động sự tham gia tích cực của cha mẹ, các tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ trẻ em, tạo môi trường an toàn cho trẻ em trên các không gian như gia đình, nhà trường và mạng xã hội.
An toàn thông tin

Để trẻ em an toàn cả trên môi trường thực và môi trường mạng

Anh Minh {Ngày xuất bản}

Đại diện nhiều tổ chức xã hội vì trẻ em, các trường học đã thảo luận kế hoạch chiến lược trong việc huy động sự tham gia tích cực của cha mẹ, các tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ trẻ em, tạo môi trường an toàn cho trẻ em trên các không gian như gia đình, nhà trường và mạng xã hội.

Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử với trẻ em, trong đó có trẻ khuyết tật

Ngày 12/11, hội thảo tổng kết Dự án "Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử với trẻ em, trong đó có trẻ khuyết tật" (AVAC) đã diễn ra với sự tham gia của các đại biểu nhà nước, các tổ chức xã hội, các trường học, đối tác dự án.

Sự kiện được tài trợ bởi Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, do Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á của Việt Nam (SEARAV) là chủ Dự án; Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD) là đơn vị chủ trì thực hiện Dự án tổ chức.

toa-dam-2.jpg
Các đại biểu dự Tọa đàm “Chung tay phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử với trẻ em” đã thảo luận giải pháp để tạo môi trường an toàn cho trẻ em trên các không gian như gia đình, nhà trường và mạng xã hội.

Hội thảo nhằm tổng hợp các kết quả đạt được trong việc thực hiện dự án thời gian vừa qua; Chia sẻ kết quả đánh giá dự án cuối kỳ của chuyên gia tư vấn độc lập; Lắng nghe ý kiến của đại diện người hưởng lợi và bài học kinh nghiệm của các đối tác thực hiện dự án. Đồng thời, đây cũng là dịp để các bên liên quan trao đổi về việc duy trì và lan tỏa hoạt động dự án.

Hội thảo đã thu hút sự tham dự của hơn 80 đại biểu từ các đơn vị liên quan, trong đó có đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Cục Trẻ em - Bộ Lao động Thương binh và xã hội, Bộ Công an, Thành đoàn TP. HCM, Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, Viện MSD, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (VACR), Viện Nghiên cứu phát triển cộng đồng (ACDC), Chương trình kỷ luật tích cực (PDEP) cùng nhiều tổ chức xã hội về trẻ em trong nước. Đặc biệt là sự tham gia của các thầy, cô giáo từ các cơ sở giáo dục, bậc phụ huynh và các em học sinh trong khuôn khổ dự án AVAC.

TS. Phạm Thanh Tịnh, Chủ tịch Hội Nghiên cứu Khoa học về Đông Nam Á của Việt Nam, cho biết dự án đã đạt được những kết quả và thành tựu tích cực trong thời gian triển khai, đúng với mục tiêu chung là góp phần cùng Nhà nước và các bên liên quan ở tất cả các cấp thực hiện hiệu quả quyền trẻ em. Đặc biệt là trẻ em khuyết tật được hỗ trợ bởi các tổ chức xã hội và các bên liên quan đề thực hiện quyền tham gia một cách có ý nghĩa và được bảo vệ khỏi mọi hình thức bạo lực.

Bà Trần Vân Anh, Phó Viện trưởng Viện MSD, đã chia sẻ về quá trình thực hiện dự án và một lần nữa nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đảm bảo quyền trẻ em và sự tham gia của trẻ. Bên cạnh đó, việc lắng nghe tiếng nói của trẻ, đặc biệt là trẻ khuyết tật, không chỉ giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bạo lực, phân biệt đối xử mà còn tạo cơ hội cho trẻ em được tham gia vào các quyết định liên quan đến cuộc sống của mình.

ba-tran-van-anh-pho-vien-truong-vien-nghien-cuu-quan-ly-phat-trien-ben-vung-msd-.jpg
Bà Trần Vân Anh, Phó Viện trưởng Viện MSD.

Phát biểu tại hội thảo, bà Lê Thị Thùy Dương, Giám đốc Chiến lược, Chất lượng và Hiệu quả chương trình, tổ chức Save the Children International - Văn phòng đại diện tại Việt Nam (Tổ chức Cứu trợ Trẻ em) cũng chia sẻ về những ưu tiên trong chương trình can thiệp và quá trình triển khai hoạt động của tổ chức nhằm đảm bảo việc thực thi quyền trẻ em, trong đó bao gồm dự án "Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử với trẻ em, trong đó có trẻ khuyết tật".

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, hai tọa đàm đã diễn ra với chủ đề “Lắng nghe trẻ em để bảo vệ trẻ em”, và “Chung tay phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử với trẻ em”, trong đó nhấn mạnh đến tầm quan trọng của cơ quan Nhà nước và các tổ chức xã hội, nhà trường trong việc bảo vệ trẻ em (BVTE), phòng chống các hình thức bạo lực, xâm hại và phân biệt đối với trẻ em, đặc biệt là trẻ em khuyết tật.

Các diễn giả đã tập trung thảo luận kế hoạch chiến lược tiếp theo trong việc huy động sự tham gia tích cực của cha mẹ, các tổ chức xã hội trong công tác BVTE, tạo môi trường an toàn cho trẻ em trên các không gian như gia đình, nhà trường và mạng xã hội.

Chia sẻ tại tọa đàm, cô giáo Nguyễn Thị Bình, giáo viên trường THCS Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội) đã nhấn mạnh vai trò của nhà trường và gia đình trong việc BVTE trên môi trường mạng. Cô Bình đã chia sẻ những trăn trở, lo lắng khi tại địa phương mình, các gia đình có nhiều phụ huynh bận rộn, làm nghề buôn bán hoặc đi làm xa, khiến việc giám sát, hỗ trợ con em gặp nhiều khó khăn.

“Một số gia đình chưa quan tâm đầy đủ đến con, hoặc do bận rộn nên thường đưa điện thoại cho trẻ sử dụng mà không kiểm soát, dễ dẫn đến các rủi ro khi các em tham gia mạng xã hội. Vì vậy, nhà trường luôn mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ với gia đình và các chương trình hỗ trợ trẻ em của các tổ chức xã hội, để bảo vệ trẻ em an toàn cả trong đời sống thực lẫn trên môi trường mạng”, cô Nguyễn Thị Bình nói.

Nguy cơ bạo lực thể chất và tinh thần đối với trẻ em diễn ra cả trên môi trường thực lẫn môi trường mạng

Trao đổi bên lề sự kiện, TS. Phạm Thanh Tịnh, Chủ tịch Hội Nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á Việt Nam, cũng cho rằng hiện nay, mạng viễn thông và Internet đã phát triển rất mạnh. Trong khi đó, trẻ em là đối tượng nắm bắt thông tin rất nhanh, thậm chí nhanh nhạy hơn so với thế hệ trước. Tuy nhiên, các em chưa đủ nhận thức để phân biệt giữa thông tin tốt và xấu, vì vậy, TS Phạm Thanh Tịnh cho rằng “việc BVTE trên mạng cần được xem là ưu tiên hàng đầu”.

“Ngoài giáo dục tại nhà trường, các nội dung trên mạng cũng tác động rất lớn đến suy nghĩ, cảm xúc và hành động của trẻ. Do đó, cần có các biện pháp để ngăn ngừa các tác động độc hại từ môi trường mạng, giúp trẻ phát triển lành mạnh, phù hợp với mục tiêu giáo dục”, TS Phạm Thanh Tịnh nói.

tien-si-pham-thanh-tinh-chu-tich-hoi-nghien-cuu-khoa-hoc-ve-dong-nam-a-viet-nam.jpg
TS. Phạm Thanh Tịnh phát biểu tại hội thảo.

Các đơn vị giáo dục, như nhà trường và các trung tâm xã hội vì trẻ em, cần chú trọng công tác hướng dẫn trẻ em nhận thức rõ về môi trường mạng, nhận diện các thông tin, nội dung độc hại để phòng tránh. Đặc biệt, TS. Phạm Thanh Tịnh cho rằng có sự khác biệt rõ rệt giữa việc chăm sóc, đồng hành cùng trẻ trong môi trường thực và trên môi trường mạng.

“Trong đời sống thực, chúng ta có thể nắm bắt các hoạt động của trẻ, nhưng trên môi trường mạng, chúng ta khó có thể biết các em đang xem gì, suy nghĩ gì, hay làm theo điều gì. Đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên, nhận thức của các em còn chưa đủ đầy đủ, nên việc kiểm soát những nội dung, thông tin mà các em tiếp xúc trở nên phức tạp”, TS Phạm Thanh Tịnh nói và nhấn mạnh sự quan tâm của nhà trường, xã hội và đặc biệt là gia đình rất cần thiết.

“Nếu bố mẹ có thể quản lý các nội dung mà trẻ tiếp cận trên mạng, thì sẽ giảm thiểu đáng kể tác động của các thông tin độc hại đến các em”, TS. Phạm Thanh Tịnh nói.

Ông cho rằng để có biện pháp bảo vệ trẻ toàn diện hơn, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông, cần có chiến lược rà soát các thông tin trên mạng Internet, lọc những thông tin độc hại, từ đó hạn chế sự phát tác của các thông tin này ra môi trường mạng. Điều này rất quan trọng nhằm phát huy mặt hiệu quả, tích cực của mạng Internet với trẻ em, đồng thời bảo vệ trẻ an toàn trên Internet.

“Dù nỗ lực BVTE, nhưng nếu thông tin xấu vẫn tiếp tục phát tán, chúng ta khó có thể giảm thiểu tác động tiêu cực đến các em”, TS Phạm Thanh Tịnh nói và cho rằng những chương trình như Dự án "Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần và phân biệt đối xử với trẻ em, trong đó có trẻ khuyết tật" nếu được áp dụng rộng rãi trên môi trường mạng, sẽ góp phần nâng cao ý thức và kỹ năng số cho trẻ em.

TS. Phạm Thanh Tịnh cũng cho biết các dự án về bảo vệ, chăm sóc trẻ thường có các hoạt động tuyên truyền xã hội, gia đình và nhà trường quan tâm đến việc đảm bảo an toàn cho trẻ em ở mọi môi trường, trong đó có môi trường mạng. Tuy vậy, “điều quan trọng vẫn là định hướng để các em nhận diện thông tin độc hại, tránh xa tác động tiêu cực từ môi trường mạng, giúp các em phát triển lành mạnh hơn”, TS. Phạm Thanh Tịnh cho biết.

Bà Lê Thị Thùy Dương, Tổ chức Cứu trợ trẻ em cho biết hiện nay, nguy cơ bạo lực thể chất và tinh thần đối với trẻ em diễn ra cả trên môi trường thực tế lẫn môi trường mạng.

Theo đại diện Tổ chức Cứu trợ trẻ em, khi tiếp cận với thế giới 4.0, chúng ta kỳ vọng trẻ em có cơ hội kết nối, mở rộng tầm nhìn, học hỏi kiến thức và kỹ năng trong bối cảnh chuyển đổi số.

“Mong muốn xây dựng công dân số và chính phủ số đồng nghĩa với việc trẻ em sẽ tiếp cận và sử dụng Internet. Điều này đòi hỏi các em cần thành thạo các kỹ năng số để ứng phó với những nguy cơ tiềm ẩn ngày càng rõ ràng. Tổ chức Cứu trợ Trẻ em mong muốn bảo vệ các em khỏi những nguy cơ về bạo lực thể chất, tinh thần, và cả trên môi trường mạng. Đây sẽ là một trong những ưu tiên quan trọng của tổ chức trong thời gian tới”, bà Lê Thị Thùy Dương chia sẻ./.

Anh Minh