Hà Nội sẽ cấm hoặc hạn chế ô tô, xe máy gây ô nhiễm
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 12:37, 10/11/2024
Hà Nội sẽ cấm hoặc hạn chế ô tô, xe máy gây ô nhiễm
Hà Nội liên tục lọt vào danh sách các thành phố ô nhiễm nhất thế giới và nguyên nhân chủ yếu từ khí thải của phương tiện giao thông. Trước thực tế này, Hà Nội dự kiến hạn chế phương tiện gây ô nhiễm tại 5 khu vực từ đầu năm 2025, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.
Thí điểm hạn chế phương tiện gây ô nhiễm ở Hà Nội là rất cần thiết
Hiện nay, UBND thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến công khai về Dự thảo Nghị quyết “Quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp (LEZ) trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Nghị quyết xây dựng để cụ thể hóa quy định tại khoản 2, Điều 28, Luật Thủ đô (sửa đổi) năm 2024 về tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp. Nếu thông qua, đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để Hà Nội hiện thực hóa lộ trình hạn chế xe cơ giới cá nhân vào một số khu vực nhằm giảm thiểu khí thải gây ô nhiễm môi trường.
Vùng phát thải thấp là một khu vực có hạn chế hay kiểm soát phương tiện lưu thông dựa trên khí thải với mục tiêu giảm chất gây ô nhiễm không khí và cải thiện chất lượng không khí của đô thị nói chung. Theo đại diện phòng Quản lý môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, dự thảo nêu các tiêu chí, điều kiện và lộ trình xây dựng vùng phát thải thấp để quận, huyện, thị xã căn cứ vào đó xây dựng tại địa bàn mình tùy theo điều kiện kinh tế, xã hội.
Hà Nội dự kiến giai đoạn 2025-2030 sẽ lựa chọn một khu vực trên địa bàn quận Hoàn Kiếm để thực hiện thí điểm vùng phát thải thấp. Sau đó sẽ tổ chức đánh giá hiệu quả và đề xuất nhân rộng mô hình ở các địa phương. Trong thời gian này, thành phố cấm lưu thông các xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel trong vùng phát thải thấp, ưu tiên ô tô đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4, xe máy đáp ứng tiêu chuẩn mức 2. 100% xe buýt thay thế, đầu tư mới ở Hà Nội sẽ sử dụng điện, năng lượng xanh; tỷ lệ đảm nhận của vận tải hành khách công cộng cho vùng phát thải thấp đạt 45-50%.
Các tổ chức, cá nhân đang sinh sống và làm việc trong vùng phát thải thấp sẽ được ưu tiên áp dụng lộ trình (12 tháng) để chuyển đổi các phương tiện phát thải thấp hoặc đạt quy chuẩn phát thải cho phép khi lưu thông trong vùng phát thải thấp; thành phố sẽ phát triển hạ tầng sạc điện trong khu vực phát thải thấp phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Từ 2031-2035, Hà Nội khuyến khích các địa phương xác lập vùng phát thải thấp theo tiêu chí, điều kiện.
Bên cạnh đó, thành phố phấn đấu tỷ lệ phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt tối thiểu 50%; 100% xe taxi thay thế, đầu tư mới sử dụng điện, năng lượng xanh lưu thông trong vùng phát thải thấp. Ngoài ra, Hà Nội sẽ hoàn thiện hạ tầng sạc điện, cung cấp năng lượng xanh trong khu vực phát thải thấp phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Từ năm 2036 trở đi, Hà Nội bắt buộc các vùng ô nhiễm môi trường không khí phải đầu tư nguồn lực, đảm bảo điều kiện để thực hiện vùng phát thải thấp. Trong giai đoạn này, 100% xe buýt, xe taxi sử dụng điện, năng lượng xanh; toàn bộ các bến xe, trạm dừng nghỉ đạt tiêu chí xanh; chuyển đổi toàn bộ máy móc, trang thiết bị xếp, dỡ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh.
Hạn chế phương tiện gây ô nhiễm, không khí dần cải thiện
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, đến hết tháng 4, trên địa bàn Thủ đô có hơn 8 triệu phương tiện giao thông, trong đó có hơn 1,1 triệu ôtô và hơn 6,9 triệu xe máy với gần 73% phương tiện đã sử dụng trên 10 năm. Trước thực trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường tại Hà Nội luôn ở mức cao, đã tới lúc cần phải có những biện pháp mạnh để giải quyết. Trong đó hạn chế và tiến tới cấm phương tiện gây ô nhiễm trong các khu vực trọng điểm là một trong những biện pháp cần thiết.
6 tiêu chí để xác định các khu vực hạn chế phát thải, bao gồm toàn bộ vùng bảo vệ nghiêm ngặt và hạn chế phát thải theo quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Đó là các khu dân cư tập trung tại 12 quận hiện nay: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Tây Hồ, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông. 5 quận dự kiến thành lập trong giai đoạn 2020-2025 là Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng và thành phố phía Bắc (Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) thành phố phía Tây (Hòa Lạc, Xuân Mai).
Theo Luật Thủ đô, các khu vực hạn chế phát thải sẽ được áp dụng biện pháp hạn chế giao thông phù hợp. Việc lựa chọn và thực hiện biện pháp này sẽ căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội và đặc điểm riêng của mỗi khu vực. Việc xây dựng Nghị quyết quy định tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định vùng phát thải thấp nhằm để cụ thể hóa Luật Thủ đô năm 2024 với mục tiêu hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường, cải thiện chất lượng không khí.
Theo các chuyên gia việc hạn chế xe cá nhân phải được kết hợp đồng bộ, nhịp nhàng, đảm bảo không gây xáo trộn lớn trong đời sống nhân dân. Do vậy, Hà Nội cần có lộ trình phù hợp, xác lập các tiêu chí cụ thể, hài hòa quyền lợi của cả cộng đồng như: Tỷ lệ giao thông công cộng phải đáp ứng được bao nhiêu phần trăm nhu cầu đi lại, xe máy phát thải mức nào phải bị cấm, mức nào phải nộp phí lưu thông. Việc xây dựng vùng phát thải thấp là xu hướng tất yếu, cần nhiều giải pháp để thực hiện, trong đó có việc hạn chế các xe cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, Hà Nội cần thiết phải nghiên cứu xây dựng lộ trình cụ thể. Khi quyết định cấm xe máy, tiến tới hạn chế các phương tiện cá nhân, Hà Nội cần đánh giá tác động xã hội, bởi khi cấm xe cá nhân thì phải có xe thay thế, phương tiện công cộng phải sạch, tiện lợi...
6 tiêu chí xác định các khu vực hạn chế phát thải
Một là thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải được xác định tại quy hoạch thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Tiêu chí này bao gồm các quận của Hà Nội hiện nay cũng như năm huyện sắp lên quận và hai thành phố mới sắp được thành lập.
Hai là khu vực thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.
Ba là chất lượng không khí đánh giá trong tối thiểu một năm không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí.
Bốn là khu vực đủ điều kiện áp dụng tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn về phát thải của phương tiện giao thông.
Năm là các xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường được dán tem nhãn, nhận dạng biển số thì được lưu thông trong vùng phát thải thấp.
Sáu là khu vực mà chính quyền và người dân đồng thuận xây dựng vùng phát thải thấp với tỷ lệ đồng thuận đạt từ 51% trở lên.