Hà Nội - Trung tâm lớn về giáo dục, đào tạo chất lượng cao
Truyền thông - Ngày đăng : 18:08, 12/11/2024
Hà Nội - Trung tâm lớn về giáo dục, đào tạo chất lượng cao
Hà Nội luôn là tấm gương điển hình trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo, phát triển và bồi dưỡng một đội ngũ trí thức đông đảo, đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô và đất nước.
Xây dựng trung tâm tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao
Hà Nội đang làm đồng thời 3 nhiệm vụ quan trọng có mối liên hệ trực tiếp với nhau là: Xây dựng quy hoạch Thủ đô, Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và xây dựng Luật Thủ đô mới đã được Quốc hội thông qua (Luật số 39/2024/QH15, ngày 28/6/2024). Hà Nội là địa phương được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Bộ Chính trị ban hành nhiều Nghị quyết riêng về phát triển Thủ đô, Quốc hội ban Hành Luật Thủ đô và nhiều chính sách đặc thù.
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ một số định hướng lớn phát triển Hà Nội như lấy Sông Hồng là trục cảnh quan xanh, trung tâm, phát triển đô thị cả hai bên sông Hồng; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục Nhật Tân - Nội Bài; tập trung triển khai quy hoạch, đầu tư xây dựng, ổn định dân cư hai bên bờ sông Hồng và sông Đuống; quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng... Những định hướng này là cơ hội để Hà Nội tập trung nguồn lực, phát triển hệ thống đô thị, thay đổi diện mạo đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. TP Hà Nội có lợi thế đặc biệt về quỹ đất lớn so với nhiều thủ đô trên thế giới nên Hà Nội có nhiều cơ hội để phân bố các không gian phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, không gian phát triển đô thị phù hợp với đặc điểm của mỗi khu vực.
Hà Nội có nguồn nhân lực có chất lượng cao, là trung tâm hội tụ nhân tài của cả nước; nơi tập trung đông đảo đội ngũ chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu của đất nước. Hà Nội cũng là nơi tập trung nhiều trường đại học, bệnh viện, viện nghiên cứu, các cơ sở văn hóa nghệ thuật và đội ngũ nhân lực chất lượng cao. Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có khoảng 80% số trường đại học, viện nghiên cứu của cả nước; 82% số phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia; 65% số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và tiến sĩ khoa học đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội… Hà Nội được hưởng các chính sách ưu đãi đặc thù nổi trội, cho phép tạo dựng hành lang pháp lý hỗ trợ mạnh mẽ phát triển toàn diện. Đây cũng là cơ hội riêng có do vị thế Thủ đô đem lại, rất thuận lợi cho sự phát triển.
Trước yêu cầu phát triển Thủ đô phải thành một thành phố kết nối toàn cầu, thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", đòi hỏi phải có nhiều đổi mới, sáng tạo trong cách nghĩ, các làm, cách tổ chức, để vừa phát huy được các yếu tố truyền thống, lại vừa hội nhập được với thế giới hiện đại đã rất phát triển. Mức độ cạnh tranh thu hút các nguồn lực, nhất là cạnh tranh thu hút nhân tài, để phát triển ngày càng gay gắt, đặc biệt là trong những lĩnh vực công nghệ cao, có ý nghĩa quyết định đối với tương lai của nền kinh tế... Hà Nội đã và đang tập trung hơn vào một số lĩnh vực để thực sự phát huy thế mạnh đặc thù và vai trò dẫn dắt sự phát triển quốc gia. Trong đó có các ngành, lĩnh vực dịch vụ hiện đại, ứng dụng công nghệ cao như tài chính, ngân hàng, thiết kế, luật pháp, khoa học công nghệ, giáo dục, y tế.
Hội nghị Trung ương 10, khóa XIII đã khẳng định: "Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đất nước đang đứng trước thời điểm mang tính bước ngoặt quyết định, trong đó Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa - khoa học - giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, có vị trí xứng đáng ở khu vực và trên thế giới". Thủ đô Hà Nội là trung tâm giáo dục và đào tạo hàng đầu cả nước. Bên cạnh hệ thống giáo dục bậc phổ thông rất phát triển, Hà Nội là nơi có độ tập trung rất cao số lượng các trường đào tạo nhân lực góp phần rất quan trọng trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Luật Thủ đô mới có nhiều cơ chế đặc thù để Hà Nội nâng cao chất lượng giáo dục
Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt được, hệ thống giáo dục đào tạo trên địa bàn Thủ đô Hà Nội còn tồn tại hai vấn đề lớn cần được khắc phục: Hạ tầng giáo dục phổ thông còn chưa phát triển kịp theo sự gia tăng dân số, dẫn đến hiện tượng thiếu trường, lớp; các trường đại học tập trung ở khu vực nội đô gây quá tải về hạ tầng; giáo dục nghề nghiệp tăng về quy mô nhưng chất lượng chưa cao… Như vậy, định hướng không gian phát triển giáo dục đào tạo trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cần giải quyết đồng thời hai việc. Một là tăng cường xây dựng các trường, lớp học phổ thông ở những nơi còn thiếu (so với chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo), bao gồm mở rộng, nâng cấp và xây mới hơn 80 trường trung học phổ thông, trong đó xây dựng mới ít nhất 50 trường trung học phổ thông trên toàn thành phố; xây dựng thêm các trường phổ thông liên cấp chất lượng cao tại những nơi có điều kiện và nhu cầu.
Hai là, theo Luật Thủ đô, trong khu vực nội đô lịch sử, sẽ không mở rộng diện tích đất của các bệnh viện hiện có; không mở rộng, xây dựng mới khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; không được đặt địa điểm đào tạo mới trong khu vực nội đô lịch sử. Các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị trong đô thị trung tâm không phù hợp với Quy hoạch chung Thủ đô phải thực hiện việc di dời. Việc di dời các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã được đặt ra từ lâu, nhưng việc thực hiện rất chậm chạp.
Trong Quy hoạch lần này, dự kiến sẽ tiến hành di chuyển và/hoặc xây dựng cơ sở 2 của 25 trường đại học ở nội đô sang khu vực Hòa Lạc, Xuân Mai và Sơn Tây. Đồng thời, tại vùng đô thị này sẽ xây dựng một số trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, đạt chuẩn nghề quốc tế. Điều 18 Luật Thủ đô cũng quy định rõ, biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch, trong đó, UBND thành phố có trách nhiệm bố trí quỹ đất phù hợp với quy hoạch để cơ quan, đơn vị, cơ sở thuộc danh mục phải thực hiện di dời xây dựng cơ sở, trụ sở mới nếu có nhu cầu.
Theo các chuyên gia, các chính sách của Luật Thủ đô sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố, là cơ sở để các trường đa dạng hóa các loại hình giáo dục; mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để các trường thu hút được nhân tài, phát triển sản phẩm khoa học, công nghệ, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, từ đó góp phần xây dựng Thủ đô là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của cả nước.
Ngày 12/11, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô (1954-2024), 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2024) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Sau 70 năm, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã phát triển mạnh mẽ về quy mô, chất lượng. Những ngày đầu thành lập, toàn ngành có 3 trường mầm non, 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông trung học, chỉ đáp ứng được 20% số trẻ đến trường. Đến nay, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có quy mô lớn nhất cả nước với 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp, gần 2,3 triệu học sinh, gần 130.000 giáo viên, trong đó có 342 nhà giáo được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”.
Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia chiếm gần 80% trường công lập của thành phố... Mạng lưới trường, lớp ngày càng được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư, từng bước được chuẩn hóa, hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong thời kỳ mới.