Cao Bằng phát triển du lịch gắn với chuyển đổi số
Truyền thông - Ngày đăng : 10:37, 13/11/2024
Cao Bằng phát triển du lịch gắn với chuyển đổi số
Để tạo sự đột phá cho ngành du lịch, những năm qua các cấp chính quyền tỉnh Cao Bằng không ngừng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quá trình vận hành, từng bước nâng cao chất lượng phục vụ cho du khách.
Theo thông tin từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, năm 2024, ngành du lịch tỉnh đã chủ động phương án tổ chức các hoạt động, bố trí đủ lực lượng, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Nhiều địa điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Cao Bằng nhờ ứng dụng CĐS, nên độ phủ sóng ngày càng cao.
Nằm trên địa bàn xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, Thác Bản Giốc được xếp hạng danh thắng quốc gia trong vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng. Thác Bản Giốc rộng khoảng 300m, gồm thác chính và thác phụ, nơi đây được đánh giá là thác nước đẹp nhất Việt Nam, thác nước tự nhiên lớn nhất Đông Nam Á.
Mặc dù có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, tuy nhiên, với không gian rộng lớn, nếu chỉ quan sát bằng mắt thường, du khách rất khó hình dung và tiếp cận đầy đủ những điểm đến của danh thắng Thác Bản Giốc. Do đó, để hỗ trợ du khách có trải nghiệm tốt hơn, một số ứng dụng công nghệ số đã được triển khai tại Thác Bản Giốc, như công nghệ thực tế ảo VR360 giúp du khách có thể khám phá danh thắng một cách tổng thể từ nhiều góc độ khác nhau, kể cả những điểm bên trên thác.
Bên cạnh đó, việc tỉnh Cao Bằng đưa vào sử dụng ứng dụng CaoBang Tourism với nhiều thông tin và hình ảnh hấp dẫn về Thác Bản Giốc, cùng với phần thuyết minh chi tiết đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho du khách trong hành trình tham quan Thác Bản Giốc.
Thác Bản Giốc đang là mô hình điểm về du lịch thông minh, góp phần đưa ngành du lịch giữ vị trí hàng đầu về CĐS tại tỉnh Cao Bằng. Không chỉ đẩy mạnh CĐS tại khu du lịch Thác Bản Giốc, tỉnh Cao Bằng còn thúc đẩy quảng bá các điểm du lịch khác trên các nền tảng truyền thông điện tử…
Có thể nói, việc ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh CĐS trong hoạt động du lịch là hướng đi hoàn toàn phù hợp không chỉ ở Cao Bằng mà đối với ngành du lịch cả nước. Trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, việc triển khai đồng bộ CĐS du lịch đã tạo động lực, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển du lịch của từng địa phương.