Hà Nội hướng tới hệ thống giao thông hiện đại
Đời sống xã hội - Ngày đăng : 15:44, 05/11/2024
Hà Nội hướng tới hệ thống giao thông hiện đại
Đối với các thành phố lớn, hệ thống giao thông thông minh đã trở thành một trong những thành phần không thể thiếu, cung cấp cho người dân trải nghiệm di chuyển thuận tiện, an toàn. Đồng thời hỗ trợ các cơ quan quản lý theo dõi, điều hành giao thông một cách hiệu quả, tối ưu hơn.
Thí điểm Trung tâm điều hành giao thông thông minh
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về "Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" xác định mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, giao thông thông minh là một trong những nội dung quan trọng trong tổng thể thành phố thông minh. Trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo các mô hình giao thông thông minh trong và ngoài nước, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tổ chức xây dựng và trình UBND thành phố "Đề án Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội", triển khai hệ thống giao thông thông minh (ITS) giai đoạn 1 trên địa bàn TP Hà Nội, thời gian thực hiện từ năm 2025-2027.
Đầu tháng 7/2024, thành phố Hà Nội đã đưa vào vận hành thí điểm Trung tâm Điều hành giao thông thông minh (ITS), kỳ vọng sẽ góp phần tổ chức, quản lý điều hành hệ thống giao thông vận tải một cách hiệu quả. ITS sẽ được triển khai theo phương án thuê dịch vụ công nghệ thông tin, chi phí ước tính khoảng 392 tỷ đồng cho giai đoạn 1 từ nguồn ngân sách thành phố.
Hệ thống giao thông thông minh ITS bao gồm các ứng dụng kỹ thuật công nghệ vào công tác tổ chức, quản lý điều hành hệ thống giao thông vận tải một cách hiệu quả đảm bảo an toàn giao thông giảm thời gian và chi phí đi lại, bảo vệ môi trường... Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel đã phối hợp với Sở Giao thông vận tải triển khai phương án thí điểm hệ thống giao thông thông minh, thiết lập Trung tâm điều hành giao thông thông minh tại Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP. Hà Nội, số 1 Kim Mã, quận Ba Đình, bao gồm: Thiết bị (Máy tính, màn hình tấm ghép, tường lửa, thiết bị mạng, các thiết bị, phụ kiện đi kèm…); các phần mềm điều khiển (phần mềm đo đếm lưu lượng, giám sát vi phạm, cung cấp thông tin, điều khiển đèn tín hiệu giao thông thông minh…).
Hệ thống cũng được lắp đặt thiết bị ngoại vi tại 2 nút giao thông thí điểm trên đường Phạm Văn Bạch (Nút giao Hoàng Quán Chi và Ngõ 9) bao gồm: Lắp đặt camera hỗ trợ xử phạt, camera đo đếm lưu lượng, camera đo tốc độ, biển VMS…
Các chức năng của hệ thống giao thông thông minh trong giai đoạn thí điểm bao gồm: Hệ thống giám sát giao thông; cung cấp thông tin giao thông; điều khiển giao thông; hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; quản lý giao thông công cộng; quản lý sự cố; quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; quản lý đỗ xe; quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng.
Theo đó, 2 chức năng quản lý đỗ xe, quản lý thanh toán vé điện tử giao thông công cộng sẽ được tích hợp khi các dự án thí điểm theo chương trình riêng của thành phố đã sẵn sàng đưa vào vận hành. Hệ thống được thiết kế bảo đảm tính mở, sẵn sàng mở rộng, tích hợp đủ 12 chức năng khi các ứng dụng hoàn thiện, đủ điều kiện kết nối, chia sẻ dữ liệu và từng bước hoàn thiện hệ thống. Điểm ưu việt của hệ thống camera thông minh này là khả năng quét và lưu thông tin của tất cả phương tiện khi đi vào vùng camera soi chiếu với độ sắc nét cao, ngay cả vào ban đêm; đồng thời có thể lọc hành vi vi phạm giữa hàng trăm phương tiện giao thoa để thực hiện tái ghi hình từ trước thời điểm vi phạm và lưu dữ liệu.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho hay, việc đưa vào khai thác Trung tâm Điều hành giao thông thông minh có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là nền tảng cốt lõi trong việc hình thành hệ thống giao thông thông minh, là cơ sở thực tiễn quan trọng cho việc hoàn thiện đề án "Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội" trong thời gian tới.
Thu hút khối kinh tế tư nhân tham gia
Để đạt được mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới đòi hỏi phải xây dựng lộ trình phát triển phù hợp với thực tế. Phát triển hệ thống giao thông thông minh cần huy động nguồn lực rất lớn, từ đầu tư hạ tầng đến chuyển đổi sang phương tiện giao thông sử dụng năng lượng thân thiện với môi trường (điện, khí hóa lỏng) nên rất cần thu hút nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia thực hiện.
Các chuyên gia giao thông cũng cho rằng, việc đầu tư sẽ gặp khó khăn, thách thức khi hạ tầng giao thông Hà Nội đang trong giai đoạn xây dựng, chưa hoàn thiện. Đơn cử như tỷ lệ đất dành cho giao thông còn ít, vận tải hành khách công cộng chưa phát triển. Bên cạnh đó, công tác quản lý, điều hành giao thông chưa tập trung, nhiều đơn vị, tổ chức tham gia nhưng thiếu kết nối, chia sẻ; các ứng dụng giao thông thông minh ít, rời rạc, thiếu liên kết. Hạ tầng giao thông thông minh cũng chưa được hình thành, khung tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ đầu tư thiết bị giao thông thông minh chưa đầy đủ...
Chính vì vậy rất cần thiết để thu hút nhiều nguồn lực ngoài chính phủ cùng tham gia vào hệ thống giao thông thông minh như hệ thống quản lý xe buýt; hệ thống vé liên thông; hệ thống quản lý và thu phí bãi đỗ; hệ thống thu phí đường bộ; hệ thống bảng điện tử điều khiển giao thông; hệ thống đo đếm và phân tích lưu lượng xe lưu thông; hệ thống thu phí không dừng, hệ thống cân tự động; ứng dụng cung cấp thông tin giao thông cho người tham gia giao thông…
Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội, để tạo được sự đột phá khi triển khai thí điểm hệ thống giao thông thông minh, cần đồng bộ hóa các dự án thành phần giao thông thông minh đang triển khai một cách rời rạc của từng lĩnh vực, từ đó tích hợp thành mạng lưới để phục vụ việc đi lại trở nên dễ dàng hơn, và an toàn hơn với những lộ trình tối ưu.
Còn với cơ quan quản lý giám sát, các quyết định quản lý điều hành cũng sẽ chính xác, hiệu quả, kịp thời hơn, từ đó giúp giảm ùn tắc, giảm tai nạn, bảo đảm tốt hơn an ninh trật tự, an toàn xã hội… Thực tế, để thu hút khối kinh tế tư nhân tham gia vào Đề án giao thông thông minh của Thủ đô, thành phố Hà Nội đã, đang và sẽ có những cơ chế đặc thù về thuế, ưu đãi với thiết bị nhập khẩu, ưu đãi doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới vào vận hành hệ thống giao thông thông minh.