Xây dựng văn hoá con người Thủ đô bắt kịp xu thế phát triển và hội nhập

Đời sống xã hội - Ngày đăng : 13:22, 07/11/2024

Sáng 6/11 tại Hà Nội, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước” trên địa bàn Thành phố.
Đời sống xã hội

Xây dựng văn hoá con người Thủ đô bắt kịp xu thế phát triển và hội nhập

Trung Quân 07/11/2024 13:22

Sáng 6/11 tại Hà Nội, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước” trên địa bàn Thành phố.

Nghị quyết số 33-NQ/TW ra đời trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng vào sự phát triển chung của thế giới, đặt ra những thời cơ mới, thách thức mới. Xây dựng văn hóa, con người Hà Nội là một chủ trương xuyên suốt được các cấp uỷ, chính quyền Hà Nội quan tâm triển khai qua nhiều nhiệm kỳ.

Chủ trì và phát biểu tại Hội nghị Đồng chí Nguyễn Văn Phong – Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết: Trong 10 năm qua, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW trên địa bàn thành phố mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, song Thủ đô đã ra sức phấn đấu, tạo sự chuyển biến tích cực với những kết quả nổi bật.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong – Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội phát biểu tại Hội nghị.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết Hà Nội đã và đang tiếp tục quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo những chủ trương, quan điểm về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam của Trung ương, kế thừa và phát huy tốt những thành tựu đạt được sau 15 năm Hà Nội thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII); khẳng định cách làm sáng tạo, hiệu quả và phù hợp với tình hình cụ thể của Hà Nội, từng bước đáp ứng yêu cầu cũng như xu thế của thời đại. Hà Nội đã cụ thể hóa bằng các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thiết thực.

Thời gian tới Hà Nội đặc biệt quan tâm tới xây dựng chiến lược, tầm nhìn phát triển văn hóa phù hợp với xu thế của thời đại như: Thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, là địa phương đầu tiên của Việt Nam tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO vào năm 2019.

“Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa, từ đó đã xác định đúng và trúng về các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô, đưa công nghiệp văn hoá Hà Nội phát triển xứng tầm với tiềm năng và lợi thế”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, nhấn mạnh.

Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai được thực hiện nhất quán từ Thành phố tới cơ sở gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị các cấp, xây dựng đội ngũ làm công tác văn hóa, tăng cường nguồn lực cho văn hóa. Qua đó, nhận thức, ý thức, trách nhiệm của đa số cán bộ, đảng viên và Nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò và nhiệm vụ phát triển văn hoá, xây dụng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã được nâng lên rõ rệt. Sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Nội đã có bước phát triển mạnh mẽ, khá toàn diện, đạt và vượt chỉ tiêu trên nhiều lĩnh vực.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong cũng nêu bật thành tựu nổi bật của Hà Nội trong 10 năm Thủ đô thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) như: “Chỉ đạo cụ thể hóa việc phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh được dư luận Nhân dân đồng tình, ủng hộ: Ban hành Chỉ thị 11- CT/TU ngày 3/10/2012 của Thành ủy Hà Nội (khóa XV) về “Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn thành phố Hà Nội”; Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”; “Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội” và “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố” đưa vào giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội”, “Giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương” trong nhà trường; và nhiều mô hình gia đình, làng, tổ dân phố, khu dân cư, đơn vị văn hóa được xây dựng góp phần thiết thực xây dựng nếp sống văn hóa Hà Nội”.

Trong đó công tác quy hoạch và quản lý nhà nước về văn hóa ngày càng đi vào nền nếp, từng bước nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, chú trọng thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động văn hóa, thu hút mạnh mẽ nhiều nguồn lực của xã hội tham gia vào tiến trình thúc đẩy quá trình xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Các phong trào quần chúng được phát động gắn với các nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và phong trào xây dựng nông thôn mới thu hút đông đảo quần chúng tham gia, bước đầu hình thành nhiều mô hình về văn hóa và thể thao ở cơ sở.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Hà Nội được chú trọng. Nhiều công trình văn hóa được đầu tư, tôn tạo và phát huy vai trò đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân Thủ đô, điển hình là công trình Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội (cơ sở 2) vừa được khánh thành và đưa vào sử dụng dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô vừa qua. Hà Nội là đơn vị đi đầu trong cả nước tiến hành tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể góp phần làm rõ hơn bản sắc văn hóa Thủ đô nghìn năm văn hiến. Việc củng cố xây dựng và hoàn thiện thể chế và chính sách văn hóa trên địa bàn Thành phố luôn được chú trọng.

Cùng những kết quả trên, chất lượng của các hoạt động văn hóa, văn nghệ của Thành phố ngày càng được đổi mới và nâng cao, sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật phong phú, đa dạng. Thành phố Hà Nội với vai trò là cơ quan thường trực chủ trì đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, văn hóa lớn của đất nước và Thủ đô để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân cả nước và bạn bè quốc tế. Hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế có nhiều khởi sắc. Công tác tuyên truyền, quảng bá về lịch sử, văn hóa của Hà Nội trên lĩnh vực thông tin đối ngoại có nhiều đổi mới, đạt hiệu quả cao.

Công tác củng cố, xây dựng, phát triển hệ thống thông tin luôn được Thành phố tập trung chỉ đạo, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của các tầng lớp Nhân dân. Các hình thức thông tin được chú trọng, bảo đảm chất lượng thông qua hệ thống báo chí, đài phát thanh từ thành phố đến cơ cơ sở, cổng thông tin điện tử, các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền...

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đồng thời nhấn mạnh: “Công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa trong tình hình mới được thực hiện chặt chẽ và đồng bộ từ thành phố tới cơ sở, trong đó môi trường mạng xã hội được quan tâm chỉ đạo. Kết quả đã ngăn chặn và xử lý kịp thời những sự việc phức tạp xảy ra trên địa bàn, được Trung ương đánh giá cao”.

Thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI), Thành phố cũng rất quan tâm chăm lo và phát huy được trách nhiệm, tình yêu Hà Nội của đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức, cộng đồng xã hội trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Nội. Tạo không gian và điều kiện cho các trào lưu văn hóa mới và tích cực xuất hiện và phát triển từ cộng đồng với nhiều hình thức phong phú, đa dạng góp phần bồi đắp thêm tinh thần nhân văn, nhân ái, nghĩa tình, khoan dung, nâng cao ý thức sống có trách nhiệm với xã hội của người dân Hà Nội.

Các đại biểu dự Hội nghị.

Dự kiến thời gian tới Hà Nội sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI). Điển hình là nâng cao nhận thức về văn hóa, con người Việt Nam, trước hết là các cán bộ Đảng viên, tổ chức Đảng, tổ chức Nhà nước của thành phố. Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao vai trò của cấp ủy Đảng các cấp, xác định xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Nội là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên quan trọng. Đồng thời định vị tầm nhìn rộng để hoạch định chiến lược phát triển văn hóa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Tập trung phát huy chú trọng môi trường văn hóa lành mạnh và nhân văn trong hệ thống chính trị, khu dân cư, tổ dân phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Duy trì mục tiêu xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, trọng tâm là thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 30/CT-TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch.

Tiếp tục nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Đẩy mạnh mối quan hệ hữu nghị với hơn 100 thủ đô, thành phố các nước đưa Hà Nội trở thành địa điểm hấp dẫn về giao lưu, hợp tác, tổ chức các sự kiện văn hóa - thể thao trong nước và quốc tế.

Các cá nhân nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố.

Cũng tại Hội nghị, Ban tổ chức đã trao khen thưởng của Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đổi mới.

Trung Quân