Hiện đại hóa các hệ thống CNTT “di sản” bằng AI
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 10:38, 15/11/2024
Hiện đại hóa các hệ thống CNTT “di sản” bằng AI
Trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ là công cụ tự động hóa mà còn là phương tiện để khai thác giá trị kinh tế từ dữ liệu, mở ra cơ hội mới trong phát triển kinh doanh và tối ưu hóa vận hành.
Trong thế giới thay đổi nhanh chóng hiện nay, việc thích ứng với các yêu cầu kinh doanh mới trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. "Cá nhanh sẽ nuốt cá lớn" - điều này dễ thấy khi nhiều công ty lớn đang mất dần danh tiếng và thị phần chỉ vì họ không kịp cập nhật các công nghệ mới nhất.
Chia sẻ về việc chuyển đổi các hệ thống CNTT “di sản” (legacy system) cho khách hàng trong khuôn khổ FPT Techday 2024 sáng ngày 14/11 ở TP HCM, ông Phạm Minh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc FPT kiêm Tổng Giám đốc FPT Software cho biết, FPT hiện có hơn 1.000 khách hàng trên khắp thế giới, khoảng 65% trong số họ vẫn dựa vào công nghệ thông tin (CNTT) cũ, đòi hỏi hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn nhân lực để duy trì và hỗ trợ cho các hệ thống cốt lõi. Việc quản lý và vận hành những hệ thống này là một thách thức.
Theo báo cáo Gartner 2024, hiện đại hóa hệ thống cũ là ưu tiên hàng đầu ở cả thị trường Tây Âu và châu Á. Theo ông Phạm Minh Tuấn, có 5 vấn đề chính mà các khách hàng phụ thuộc vào hệ thống CNTT cũ thường gặp phải: Rủi ro cao; chi phí cao; hiệu suất thấp; dễ tổn thương; độ trễ cao.
Trong quá trình đó, AI đóng vai trò đầy quan trọng. AI tạo sinh sẽ giúp giảm 70% chi phí chuyển đổi các hệ thống cũ. "Trong 5 năm tới, có nhiều yếu tố thúc đẩy quá trình hiện đại hóa này", ông Tuấn cho biết, và bổ sung trong quá trình hiện đại hóa di sản, các doanh nghiệp (DN) sẽ tự tin hơn nhờ tiếp cận sức mạnh từ AI tạo sinh, hiểu rõ hệ thống cũ, kiểm nghiệm và chứng thực các hệ thống.
Theo Phó Tổng Giám đốc FPT, trong 5 năm qua, FPT đã phát triển các phương pháp và công cụ tăng tốc dựa trên GenAI, giúp xây dựng nguồn lực lớn, sẵn sàng cho quá trình hiện đại hóa nhằm tập trung giải quyết 4 vấn đề chính: Một là đánh giá đúng, dựa trên AI thế hệ mới, hỗ trợ đánh giá chính xác hệ thống. Hai là hiểu hệ thống cũ, GenAI giúp đọc mã (code) để tiến hành đảo ngược hệ thống. Ba là xác thực hệ thống để đảm bảo kết quả cuối cùng giống nhau. Bốn là tự động hóa lập trình: sử dụng các công cụ lập trình tích hợp GenAI
“Chúng tôi cung cấp dịch vụ cao cấp từ đầu đến cuối trong suốt vòng đời của hệ thống cũ và mainframe. FPT giúp khách hàng tái hình dung và đổi mới hệ thống cũ với quy trình tự động hóa và hỗ trợ AI”, ông Phạm Minh Tuấn nhấn mạnh.
Để cùng khách hàng thực hiện quá trình này, FPT có một loại công cụ AI. Cụ thể, EMT (Engineering Platform and Modernization Technologies) và xMainframe là những công nghệ hỗ trợ cho các thành viên mới nhanh chóng nắm bắt công nghệ và hệ thống cũ để họ có thể tham gia dự án trong thời gian ngắn. Với xMainframe, FPT giúp tiết kiệm 30% thời gian tham gia dự án với độ chính xác lên tới 90%.
Trong khi đó, CodeVista là một công cụ hỗ trợ độ chính xác lên đến 30%. Trong 2 năm qua, đã có 6.500 lượt cài đặt, giúp sinh ra 1,5 triệu dòng mã và có 6.000 thành viên đang làm việc trong các dự án thực tế. Trong tương lai, các kết quả này sẽ còn tăng trưởng nhiều nhờ thế hệ GenAI tiếp theo.
Ông Tuấn cũng dẫn chứng hiệu quả khi tự động hóa dữ liệu bằng Xmainframe tại một DN thép và một DN bất động sản Nhật Bản. Theo đó, dữ liệu tại công ty bất động sản đã được tự động hóa hàng tuần thay vì hàng tháng như trước.
“Chúng ta sẽ phải tiếp tục sống cùng với công nghệ cũ trong nhiều năm, và hiện đại hóa là điều tất yếu dù mang lại nhiều thách thức. FPT giúp khách hàng tự tin hơn trong quá trình hiện đại hóa, làm cho kế hoạch dự án trở nên thực tế, khả thi và giúp triển khai thành công. Quan trọng nhất, chúng tôi giúp DN đồng hành với nhu cầu thị trường và sẵn sàng cho tương lai”, Phó Tổng Giám đốc FPT khẳng định./.