Bộ TT&TT thúc đẩy 4 chương trình hợp tác kinh tế số trong 4 nhóm ngành, lĩnh vực

Kinh tế số - Ngày đăng : 14:13, 15/11/2024

Lần đầu tiên sẽ có 4 chương trình hợp tác thúc đẩy kinh tế số trong 4 nhóm ngành lĩnh vực là: thương mại, du lịch, nông nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ được ký kết trong tháng 11 - 12 năm 2024.
Kinh tế số

Bộ TT&TT thúc đẩy 4 chương trình hợp tác kinh tế số trong 4 nhóm ngành, lĩnh vực

AD 15/11/2024 14:13

Lần đầu tiên sẽ có 4 chương trình hợp tác thúc đẩy kinh tế số trong 4 nhóm ngành lĩnh vực là: thương mại, du lịch, nông nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ được ký kết trong tháng 11 - 12 năm 2024.

Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Phạm Đức Long tại Diễn đàn Quốc gia phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ II do Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương và UBND tỉnh Bình Dương tổ chức, với sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu từ các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp (DN) và chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế.

418-202411151117211.jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số là một xu thế tất yếu, khách quan, sự lựa chọn mang tính chiến lược.

Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, chuyển đổi số (CĐS), phát triển kinh tế số, xã hội số là một xu thế tất yếu, khách quan, sự lựa chọn mang tính chiến lược; vừa có thời cơ thuận lợi, vừa có khó khăn, thách thức. Quan trọng là chúng ta phải có sự kiên trì, bản lĩnh và trí tuệ để phát huy tối đa thời cơ, thuận lợi và hóa giải khó khăn, thách thức để phát triển nhanh, bền vững.

Việc lựa chọn các ngành: Nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch và logistics trong các Phiên chuyên đề của Diễn đàn cho thấy tính lan tỏa sâu rộng của kinh tế số trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, DN là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực để Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu đột phá trong phát triển kinh tế số, xã hội số với phương châm "Rộng hơn - Toàn diện hơn - Nhanh hơn - Chất lượng hơn - Thiết thực hơn".

Tư tưởng chính của Diễn đàn năm nay tập trung vào các nội dung về kích cung cho kinh tế số thông qua CĐS các DN; Kích cầu cho kinh tế số thông qua kích cầu tiêu dùng số; Đo lường kinh tế số các ngành, các địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế số; Mở dữ liệu, chia sẻ dữ liệu để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế số; Thúc đẩy sản xuất thông minh; Phát huy vai trò dẫn dắt của các DN công nghệ số lớn trong CĐS; Hỗ trợ DN vừa và nhỏ CĐS; Phát triển kinh tế số xanh và bền vững.

418-202411151117212.jpg
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và các đại biểu tham quan gian hàng triển lãm trong khuôn khổ Diễn đàn.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Thái Thanh Quý, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cũng nhấn mạnh: CĐS tạo ra không gian sinh tồn mới (gọi là không gian số), không gian số càng toàn diện thì không gian thực càng phát triển. Đầu tư cho CĐS là đầu tư cho động lực phát triển.

Ban Kinh tế Trung ương sẽ tiếp tục là cơ quan tham mưu chiến lược, đồng hành cùng các bộ, ngành và các địa phương trong quá trình xây dựng và triển khai các chính sách kinh tế số, xã hội số.

Bộ TT&TT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để mở rộng các lĩnh vực phát triển kinh tế số

Thay mặt Bộ TT&TT, Thứ trưởng Phạm Đức Long phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương.

Theo đó, lần đầu tiên sẽ có 4 chương trình hợp tác thúc đẩy kinh tế số trong 4 nhóm ngành lĩnh vực là: thương mại, du lịch, nông nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ được ký kết trong tháng 11 - 12/2024:

(1) Chương trình hỗ trợ các DN, cửa hàng, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ CĐS, ký kết giữa Bộ TT&TT với Bộ Công Thương;

(2) Chương trình hỗ trợ các cơ sở du lịch CĐS, phát triển các cơ sở du lịch thông minh, sẽ được ký kết giữa Bộ TT&TT với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

(3) Chương trình hỗ trợ các cơ sở sản xuất nông nghiệp CĐS, sẽ được ký kết giữa Bộ TT&TT và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

(4) Chương trình hỗ trợ các khu công nghiệp, nhà máy CĐS, phát triển các nhà máy thông minh, sẽ được ký kết giữa Bộ TT&TT và Bộ Công Thương.

418-202411151117213.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long: Bộ TT&TT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành khác để mở rộng các lĩnh vực phát triển kinh tế số bằng các chương trình ký kết trong năm 2025.

Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, lần đầu tiên xác định vai trò của 4 chủ thể trong phát triển kinh tế số gồm: Các bộ, ngành; Các địa phương; Các DN công nghệ số; Các DN trong các ngành lĩnh vực. Vai trò của từng chủ thể như sau:

Các bộ, ngành: Xây dựng và ban hành bộ tiêu chí đánh giá CĐS ngành, lĩnh vực; Phối hợp với Bộ TT&TT chỉ đạo các DN công nghệ số xây dựng hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ số; Xây dựng công cụ đo lường trực tuyến theo bộ tiêu chí đã ban hành.

Các địa phương: Xây dựng kế hoạch để khảo sát, đánh giá các DN trên địa bàn theo bộ tiêu chí đã được ban hành; Phối hợp với các bộ, ngành và DN công nghệ số tư vấn, kết nối các tổ chức, DN, hộ kinh doanh... trên địa bàn với hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ số.

Các DN công nghệ số: Phát triển các sản phẩm và dịch vụ số đáp ứng bộ tiêu chí do các bộ, ngành ban hành; Phối hợp với Bộ TT&TT và bộ, ngành, địa phương thử nghiệm, triển khai sản phẩm, dịch vụ số; Đưa ra các gói khuyến mại dùng thử miễn phí tối thiểu 6 tháng, giảm giá dịch vụ, kích cầu.

Các DN trong các ngành, lĩnh vực: Tự đánh giá mức độ CĐS của mình theo các tiêu chí; Sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số theo các tiêu chí còn chưa đạt yêu cầu.

Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng cho biết, Bộ TT&TT tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành khác để mở rộng các lĩnh vực phát triển kinh tế số bằng các chương trình ký kết trong năm 2025; đồng thời dự thảo Khung hướng dẫn phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực để hướng dẫn cụ thể các bộ, ngành, địa phương triển khai./.

AD