Giải pháp phát huy chính sách truyền thông về đa văn hóa hiện nay ở nước ta
Truyền thông - Ngày đăng : 09:16, 17/11/2024
Giải pháp phát huy chính sách truyền thông về đa văn hóa hiện nay ở nước ta
Việc phát huy và đẩy mạnh hơn nữa truyền thông chính sách đa văn hóa cả về bề rộng và chiều sâu, nhằm giúp người dân và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, luôn sẵn sàng đón nhận, dung hòa các giá trị văn hóa nước ngoài trên cơ sở “hòa nhập nhưng không hòa tan”.
Đây là chia sẻ của PGS. TS. Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền tại Hội thảo khoa học quốc tế “Truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Nhà Xuất bản (NXB) Chính trị quốc gia Sự thật và Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp tổ chức tháng 10 vừa qua.
Việt Nam đã đạt được một số thành tựu trong việc truyền thông và quản lý chính sách đa văn hóa
PGS. TS. Phạm Minh Sơn cho biết, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thông tin - truyền thông ngày càng đóng vai trò quan trọng, thiết yếu, có tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội. Các nước trên thế giới cũng như Việt Nam đều rất coi trọng hiệu quả công tác truyền thông chính sách tới người dân và đầu tư nhiều nguồn lực nhằm thúc đẩy hoạt động quan trọng này.
Tại Việt Nam thời gian qua, truyền thông chính sách nói chung và truyền thông chính sách đa văn hóa nói riêng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong tuyên truyền, phổ biến quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát hiện và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, những vấn đề nóng trong đời sống xã hội...
“Việc phát huy và đẩy mạnh hơn nữa truyền thông chính sách đa văn hóa cả về bề rộng và chiều sâu, nhằm giúp người dân và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, luôn sẵn sàng đón nhận, dung hòa các giá trị văn hóa nước ngoài trên cơ sở “hòa nhập nhưng không hòa tan” là rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, PGS. TS. Phạm Minh Sơn nhấn mạnh.
Theo PGS. TS. Bùi Chí Trung, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, truyền thông chính sách trong bối cảnh đa văn hóa và hội nhập quốc tế là quá trình truyền đạt các thông điệp và thông tin của chính quyền đến các nhóm dân cư nhằm thực hiện và quản lý chính sách một cách hiệu quả.
Truyền thông đóng vai trò then chốt trong việc quản lý các xã hội đa văn hóa, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Nó không chỉ là công cụ để truyền đạt chính sách, mà còn là phương tiện tạo ra sự hiểu biết và đồng thuận giữa các nhóm văn hóa khác nhau.
Các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội và các kênh truyền thông trực tuyến hiện nay đóng góp quan trọng trong việc lan truyền các giá trị đa văn hóa, nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự khác biệt và thúc đẩy sự hòa nhập.
Việt Nam đã đạt được một số thành tựu trong việc truyền thông và quản lý chính sách đa văn hóa. Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và bảo tồn văn hóa của các dân tộc thiểu số (DTTS).
Đơn cử như, Quyết định 1719/QĐ-TTg, ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025 đã mang lại những kết quả tích cực trong việc nâng cao điều kiện sống và giáo dục cho các nhóm dân tộc, với tỷ lệ giảm nghèo ở các vùng DTTS giảm khoảng 10% từ khi chương trình được triển khai.
Bên cạnh đó, một số phương tiện truyền thông đã bắt đầu sử dụng ngôn ngữ DTTS trong các chương trình phát thanh và truyền hình, góp phần thu hẹp khoảng cách văn hóa và nâng cao nhận thức cộng đồng. Ví dụ, từ năm 2002, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã triển khai các chương trình truyền hình tiếng dân tộc trên VTV5 với 25 ngôn ngữ DTTS.
Ngoài ra, các chiến dịch truyền thông văn hóa như: Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam, hay các hoạt động văn hóa truyền thống tại các địa phương cũng đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các DTTS...
Yếu tố quyết định sự thành công truyền thông chính sách về đa văn hóa
Tuy nhiên, theo PGS. TS. Bùi Chí Trung, Việt Nam vẫn đang đối mặt với những thách thức trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách truyền thông đa văn hóa. Đó là các thách thức về: Sự phân tầng kinh tế - xã hội giữa các dân tộc; Vấn đề bảo tồn và phát triển văn hóa; Thiếu sự phối hợp liên ngành.
Do đó, PGS.TS. Bùi Chí Trung cho rằng, việc xây dựng các chiến lược truyền thông chính sách cần bảo đảm tính khách quan, trung thực và hòa nhập, đồng thời chú trọng đến sự tham gia tích cực của các nhóm văn hóa khác nhau trong quá trình truyền thông.
PGS. TS. Bùi Chí Trung cũng chỉ rõ các yếu tố quyết định sự thành công trong truyền thông chính sách về đa văn hóa, bao gồm:
Sự tham gia của cộng đồng: Chính phủ và các cơ quan truyền thông cần hợp tác chặt chẽ với các cộng đồng văn hóa khác nhau để bảo đảm rằng các thông điệp chính sách được truyền đạt một cách phù hợp và chính xác.
Đa dạng hóa phương tiện truyền thông: Sử dụng nhiều kênh truyền thông khác nhau, bao gồm cả truyền thông chính thống và truyền thông xã hội, nhằm bảo đảm rằng thông tin đến được với mọi nhóm dân cư.
Tôn trọng và thúc đẩy bản sắc văn hóa: Các chính sách và thông điệp cần phản ánh sự tôn trọng và thúc đẩy các giá trị văn hóa của mọi nhóm dân cư, thay vì áp đặt các giá trị văn hóa chủ đạo.
Tạo ra không gian tương tác: Khuyến khích các cơ hội tương tác giữa các nhóm văn hóa khác nhau là một yếu tố quan trọng giúp giảm thiểu xung đột và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.
“Truyền thông cũng có thể trở thành con dao hai lưỡi nếu không được sử dụng một cách hợp lý trong quá trình hội nhập quốc tế. Sự thiên vị hoặc định kiến trong các nội dung truyền thông có thể làm gia tăng xung đột và chia rẽ xã hội. Do đó, việc xây dựng các chiến lược truyền thông chính sách cần bảo đảm tính khách quan, trung thực và hòa nhập, đồng thời chú trọng đến sự tham gia tích cực của các nhóm văn hóa khác nhau trong quá trình truyền thông”, PGS.TS. Bùi Chí Trung chia sẻ.
Giải pháp phát huy chính sách truyền thông về đa văn hóa hiện nay ở nước ta
Từ kinh nghiệm truyền thông chính sách về đa văn hóa trên thế giới, PGS. TS. Phạm Minh Sơn đã đề xuất chính sách truyền thông chính sách về đa văn hóa đối với Việt Nam hiện nay.
Theo đó, Việt Nam nên đẩy mạnh cách tiếp cận bao trùm hơn đối với chủ nghĩa đa văn hóa, bao gồm việc công nhận và tôn vinh hơn nữa di sản văn hóa của các cộng đồng dân tộc, gắn với thúc đẩy, phát huy giá trị bản sắc chung của dân tộc, đất nước; Đẩy mạnh hơn nữa chính sách đa ngôn ngữ trong hệ thống giáo dục. Bên cạnh việc xác định tiếng Việt là ngôn ngữ dạy - học chính, cần tăng cường khuyến khích học ngôn ngữ các DTTS và tiếng nước ngoài, đặc biệt là tiếng Anh.
Đồng thời, thực hiện các chính sách thúc đẩy sự hòa nhập dân tộc hơn nữa thông qua sử dụng các biện pháp cân bằng về nhà ở có sự chung sống của đa dạng các thành phần dân cư và các bối cảnh xã hội khác. Đẩy mạnh hoạt động các sự kiện cộng đồng, các lễ hội đa văn hóa, nhằm thúc đẩy ý thức về sự gắn bó và tôn trọng lẫn nhau.
Bên cạnh đó, áp dụng chính sách nhập cư toàn diện nhằm phản ánh bản chất đa văn hóa trên cơ sở bảo đảm quy định pháp luật, đặc biệt hướng tới nhóm lao động có tay nghề cao và các sáng kiến để hòa nhập người lao động nước ngoài vào cộng đồng địa phương.
Ngoài ra, giải quyết linh hoạt, thấu đáo tình cảm dân tộc chủ nghĩa ăn sâu bén rễ, một mặt biến thành sức mạnh nội sinh gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, mặt khác thúc đẩy sự hiểu biết toàn diện hơn về bản sắc dân tộc và đa văn hóa, coi sự đa dạng văn hóa là thế mạnh, là cơ hội chứ không phải là thách thức.
Từ thực tế tại Việt Nam cũng như kinh nghiệm trên thế giới, PGS. TS. Bùi Chí Trung cũng đề xuất giải pháp cho chính sách truyền thông về đa văn hóa hiện nay ở nước ta, cụ thể:
Thứ nhất, phát triển hệ thống truyền thông đa ngôn ngữ và đa nền tảng: Để nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách về đa văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cần xây dựng các chương trình truyền thông bằng nhiều ngôn ngữ của các dân tộc khác nhau.
Thứ hai, tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong quá trình hoạch định và thực hiện chính sách. Điều này cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn thông qua việc tạo ra các cơ chế đối thoại giữa Chính phủ và các nhóm dân tộc thiểu số. Các cuộc tham vấn cộng đồng, hội thảo và các diễn đàn đa văn hóa nên được tổ chức thường xuyên để thu hút ý kiến đóng góp và phản hồi từ các cộng đồng dân cư.
Thứ ba, tăng cường giáo dục về đa văn hóa và bảo tồn bản sắc văn hóa. Cần phát triển các chương trình giáo dục về đa văn hóa từ cấp học phổ thông đến đại học, tập trung vào việc giảng dạy các giá trị tôn trọng, hòa nhập và bảo vệ sự đa dạng văn hóa. Việc bảo tồn bản sắc văn hóa cũng nên được lồng ghép vào các chương trình giáo dục và truyền thông để thế hệ trẻ không chỉ hiểu rõ về bản sắc dân tộc mình, mà còn biết tôn trọng và bảo vệ sự đa dạng văn hóa của đất nước.
Thứ tư, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng truyền thông ở các địa phương vùng sâu, vùng xa. Để thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, cần đẩy mạnh đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng truyền thông tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều DTTS sinh sống. Điều này bao gồm việc mở rộng phạm vi phủ sóng của các đài phát thanh, truyền hình, cũng như cung cấp Internet và các dịch vụ truyền thông kỹ thuật số tới các khu vực này.
Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác./.