Thái Nguyên: Phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa - lịch sử truyền thống các dân tộc
Truyền thông - Ngày đăng : 13:21, 18/11/2024
Thái Nguyên:Phát triển du lịch cộng đồng gắn với văn hóa - lịch sử truyền thống các dân tộc
Bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Thái Nguyên rất đặc sắc và đa dạng với 51/54 dân tộc cùng sinh sống. Tỉnh Thái Nguyên đang đặc biệt quan tâm đến bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, trong đó chú trọng tổ chức triển khai gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Bảo tồn từ sản vật, điệu múa...
Hợp tác xã chè Khe Cốc, nằm trong vùng chè Tức Tranh, huyện Phú Lương vốn được biết đến với khí hậu thuận lợi, mát mẻ quanh năm, tương tự như Sapa và Tam Đảo. Vùng đất này được bao bọc bởi đồi núi, những khe suối, tạo điều kiện cho cây chè phát triển.
Từ lâu “Chè Khe Cốc” đã được tôn vinh là một trong “Tứ đại danh trà” của tỉnh Thái Nguyên, gồm: Tân cương (Thành phố Thái Nguyên), La Bằng (huyện Đại Từ), Khe Cốc (huyện Phú Lương), Trại Cài (huyện Đồng Hỷ).
Ông Nguyễn Văn Tỵ, Giám đốc Hợp tác xã chè An Toàn Khe Cốc, cho biết, tên vùng trà đặt theo tên con suối Khe Cốc, nước suối chảy về từ núi Chín Tầng, trong vắt nhìn rõ cá bơi. Hàng trăm năm nay, đây là nguồn nước sinh hoạt của dân bản địa và cũng là nguồn nước ngầm tưới mát cho 120ha đồi chè ở Khe Cốc. Từ năm 2020, Hợp tác xã chè An Toàn Khe Cốc là một trong những đơn vị tiên phong tại Thái Nguyên triển khai sản xuất chè hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam. Chè Khe Cốc đã được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp chứng nhận OCOP hạng 4 sao và 3 sao cho 3 sản phẩm: Đinh Tâm Trà, trà tôm nõn, trà móc câu.
Cũng tại xã Tức Tranh (xóm Đồng Tâm), huyện Đồng Hỷ, còn có một đặc sản văn hóa đó là điệu nhảy Tắc xình và hát Sấng Cọ. Người dân nơi đây nhiệt tình giới thiệu về hoạt động văn hóa và nghi lễ truyền thống, giúp khách tham quan cảm nhận sâu sắc hơn về bản sắc dân tộc. Đây là điểm đến tiềm năng để xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa khi người Sán Chay quần cư tập trung nhất, với hơn 180 hộ, chiếm hơn 90% tổng số hộ dân của xóm Đồng Tâm.
Theo ông Hầu Văn Nhân, Trưởng xóm Đồng Tâm, tuy lượng du khách đến tham quan, trải nghiệm chưa nhiều nhưng cũng đã mang lại nguồn thu nhất định và giúp bà con dần thay đổi tư duy, phục vụ du khách ngày một chuyên nghiệp hơn.
Giới thiệu thêm về các điệu nhảy Tắc xình, ông Hầu Văn Nhân cho hay đây là điệu múa dành riêng cho lễ cầu mùa, do các nam nữ thanh niên Sán Chay tham gia biểu diễn. Hình thức diễn xướng dân gian này hấp dẫn nhất là phần thể hiện những bài hát giao duyên, các điệu múa cổ độc đáo như: "Chim gâu", “Xúc tép”, “Tắc xình” hay những điệu múa Trống, múa Đâm cá…
Điệu múa Tắc xình có chín điệu cơ bản gồm: Thăm đường, lập làng, bắt quyết, mài dao, phát nương dọn rẫy, tra mố, hái lượm, mừng mùa vụ và chim câu. Múa Tắc xình với các động tác múa mô phỏng những hoạt động trong lao động sản xuất nông nghiệp, có giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời, gắn bó mật thiết với đời sống người dân tộc Sán Chay, được các nghệ nhân lưu truyền bằng hình thức truyền miệng và truyền dạy trực tiếp.
Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lương cho hay, múa Tắc xình hội tụ đủ các yếu tố của trình thức biểu diễn dân gian, được cộng đồng người Sán Chay lưu truyền, bảo tồn qua nhiều thế hệ, đã trở thành một di sản phi vật thể đặc sắc cấp quốc gia của tỉnh Thái Nguyên. Trong kho tàng văn hóa các dân tộc, nền văn hóa lâu đời đậm đà bản sắc của người Sán Chay đã hòa cùng dòng chảy văn hóa Việt, được phản ánh qua hệ thống, phong tục, tín ngưỡng, các ngày tết, lễ hội.
“Phú Lương là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm. Trong đó có một số tiềm năng nổi bật là rất giàu bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, đặc biệt những bản sắc văn hóa mang đặc trưng của địa phương, có di sản văn hóa lễ hội Cầu mùa và múa Tắc xình của đồng bào dân tộc Sán Chay, mùa khèn của dân tộc Mông và hát Pả dung của dân tộc Dao”, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Phú Lương nhấn mạnh.
... Đến sản phẩm du lịch cộng đồng
Trong Đề án Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử truyền thống các dân tộc huyện Định Hóa, giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030, xóm Khuôn Tát (huyện Định Hóa) được hoạch định là một trong những điểm đến quan trọng. Nơi đây có dịch vụ tham quan các điểm di tích lịch sử như nơi Bác Hồ và Chính phủ từng ở và làm việc trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp; Di sản cây đa Bác Hồ; suối Khuôn Tát - nơi Bác Hồ tắm giặt; thác và hồ Khuôn Tát, trải nghiệm các hoạt động văn hóa tại Làng du lịch cộng đồng Khuôn Tát.
Chia sẻ từ một chủ Homestay ở Khuôn Tát cho thấy, hiện nay xóm có 102 hộ dân, với 404 nhân khẩu, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 90%. Xóm nằm cách Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh đèo De, xã Phú Đình, khoảng 2 km. Đây cũng là nơi Bác Hồ từng ở và làm việc từ tháng 11/1947 đến tháng 1/1954. Với nhiều di sản văn hoá - lịch sử độc đáo và phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, nhiều gia đình ở Khuôn Tát đã tập trung sửa sang các nếp nhà sàn, khôi phục các nét văn hóa trong đời sống để đón khách du lịch. Tuy nhiên, hiệu quả đem lại chưa cao. Do đó, nhân dân trong xóm rất mong muốn được quan tâm, hỗ trợ để phát huy được những tiềm năng sẵn có nhằm phát triển du lịch cộng đồng và nâng cao thu nhập.
Theo ông Phạm Quang Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hoá, Định Hóa có 17 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 73% dân số toàn huyện. Các dân tộc sinh sống xen kẽ, quây quần, đoàn kết cùng giúp nhau phát triển kinh tế, xã hội, với những phong tục tập quán, văn hóa khác nhau là cơ sở, nền tảng quan trọng để huyện Định Hóa tập trung phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng.
Toàn huyện Định Hóa có 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; có 183 điểm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt; 18 di tích quốc gia và 29 di tích cấp tỉnh; có 2 điểm du lịch cộng đồng được UBND tỉnh công nhận. Địa phương đặc biệt quan tâm tới việc lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc như: Tày, Sán Chỉ, Dao…
Huyện Định Hoá đang triển khai các đề án về bảo tồn văn hóa, góp phần nâng cao nhận thức trong nhân dân, định hướng phát huy vai trò của Nhân dân tự nguyện bảo tồn di sản văn hóa trong cộng đồng, dựa vào di sản văn hóa để có thể phát triển kinh tế thông qua các hoạt động du lịch của địa phương.
Lãnh đạo huyện Định Hoá thông tin thêm, cùng với phát triển du lịch cộng đồng ở Khuôn Tát, địa phương đang hướng đến xây dựng tour du lịch ATK Định Hóa với các điểm đến nổi bật, như: xóm Phú Ninh, Đồng Kệu (xã Phú Đình); Bản Quyên (xã Điềm Mặc); hồ Bảo Linh (xã Bảo Linh); chùa Hang, Nhà tù Chợ Chu (thị trấn Chợ Chu)…
Ông Lê Ngọc Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên chia sẻ, tỉnh Thái Nguyên có 51/54 dân tộc cùng sinh sống. Bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số rất đặc sắc và đa dạng, nên Tỉnh Thái Nguyên cũng đặc biệt quan tâm đến bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh. Một trong những nội dung là cụ thể hóa bảo tồn phát huy những bản sắc văn hóa mà chúng tôi xác định, đó là việc tổ chức triển khai gắn với phát triển du lịch.
“Hiện nay tỉnh Thái Nguyên đang triển khai 4 dòng sản phẩm du lịch, trong đó là có dòng sản phẩm du lịch đồng gắn với phát huy bản sắc văn hóa của vùng đồng bào dân tộc, đặc biệt ở vùng miền núi. Chúng tôi cũng đang tích cực tham mưu để tỉnh có chính sách, nghị quyết hỗ trợ phát triển 5 điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Tất cả đều hướng vào những địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Lê Ngọc Linh khẳng định./.