Sơn La tăng cường trồng cây dược liệu - mở lối phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS

Truyền thông - Ngày đăng : 09:03, 19/11/2024

Những năm qua, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, nhiều nông dân và Hợp tác xã (HTX) ở tỉnh Sơn La đã mạnh dạn chuyển đổi khai thác, chế biến các sản phẩm dược liệu. Đây đang là một trong những hướng đi mở lối phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh.
Truyền thông

Sơn La tăng cường trồng cây dược liệu - mở lối phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS

Thảo Lâm 19/11/2024 09:03

Những năm qua, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, nhiều nông dân và Hợp tác xã (HTX) ở tỉnh Sơn La đã mạnh dạn chuyển đổi khai thác, chế biến các sản phẩm dược liệu. Đây đang là một trong những hướng đi mở lối phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh.

Tập trung phát triển cây dược liệu với quy mô lớn

Tỉnh Sơn La hiện có trên 1.000 loài cây dược liệu, nhiều loài có giá trị kinh tế cao, như: Thảo quả, giảo cổ lam, đỗ trọng, đương quy, sa nhân, actiso, ý dĩ, hồi, quế, gấc, đinh lăng, ba kích... tập trung nhiều nhất ở các huyện Mộc Châu, Vân Hồ, Mai Sơn. Vấn đề bảo tồn và phát triển cây dược liệu bước đầu đã được các cấp chính quyền và các ngành liên quan quan tâm, chỉ đạo thực hiện bằng những hành động cụ thể, thiết thực.

Giai đoạn 2020-2025, Sơn La đã dành riêng 250 tỷ đồng từ ngân sách tập trung phát triển 55 loài dược liệu quy mô lớn, giá trị kinh tế cao và bảo tồn 86.292 ha rừng đặc dụng có cây dược liệu dưới tán rừng. Tỉnh đã ban hành chủ trương triển khai nghiên cứu, khảo sát đầu tư cây dược liệu; phê duyệt dự án Quy hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thông qua nhiều nghị quyết về ban hành các chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển cây dược liệu.

Để phát triển mở rộng diện tích cây dược liệu và tiến tới đưa Sơn La trở thành vùng trọng điểm dược liệu, bên cạnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sau thu hoạch để xử lý và chế biến nguyên liệu thô thành sản phẩm phù hợp nhu cầu của thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm, Sơn La đã và đang tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng nghiên cứu các loại cây phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; chú trọng thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực trồng, sơ chế, chế biến cây dược liệu. Đồng thời, quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm từ cây dược liệu, từ đó tạo nguồn thu nhập ổn định cho đồng bào các DTTS.

Người Thái ở xã Pi Toong “bén duyên” với cây sả Java

Tại xã Pi Toong (huyện Mường La, tỉnh Sơn La), hơn 80 hộ nông dân người dân tộc Thái đang có thu nhập ổn định nhờ trồng cây sả Java. Nơi đây, có HTX Tinh dầu dược liệu Mường La tập hợp nông dân trồng cây sả Java theo chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm OCOP” và tiến hành chiết xuất thành công tinh dầu sả Java nguyên chất.

Những năm trở lại đây, cấp ủy, chính quyền huyện Mường La đã khuyến khích, vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng ngô, sắn năng suất thấp sang trồng sả Java để lấy tinh dầu. Bởi giống sả này phù hợp với điều kiện địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng ở xã Pi Toong nên phát triển tốt, hiệu quả. Do đó, HTX tinh dầu dược liệu Mường La đang hỗ trợ, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật và mở rộng sản xuất, trở thành cây trồng chủ lực, giúp người dân phát triển kinh tế gia đình.

day-manh-ket-noi-giao-thuong-san-pham-ocop-phu-1575280630-width500height333.jpg
Sản phẩm tinh dầu sả của Mường La. (Ảnh Internet)

Chị Lò Thị Kim Thương, người dân tộc Thái, Giám đốc Hợp tác xã Tinh dầu dược liệu Mường La cho biết: Nhiều người vẫn thường nhầm lẫn giữa sả Java và sả chanh - loại cây thường thấy trong cuộc sống thường ngày. Trên thực tế, đây là hai loại cùng thuộc chi sả nhưng khác giống. Củ của cây sả chanh thường có màu xanh, lá hơi trắng ngà. Cây sả chanh được dùng làm gia vị xào nấu, ướp hàng ngày như một loại gia vị trong cuộc sống. Sả Java hay còn gọi là sả cỏ, củ sả màu tía hoặc hơi tía, thân và củ có vị đắng không ăn được, dùng làm nguyên liệu chiết suất tinh dầu và chủ yếu dùng trong công nghiệp dược phẩm hay dùng để sản xuất các sản phẩm làm đẹp.

unnamed.jpg
Người dân xã Pi Toong thu hoạch cây sả Java.

Ông Lò Văn Thành, bản Chò, xã Pi Toong, chia sẻ: Năm 2018 trở về trước, gia đình tôi trồng ngô, với 6 sào ngô chỉ thu được khoảng 15 -18 triệu đồng một năm. Từ năm 2019 đến nay, khi chuyển sang trồng sả được hợp tác xã bao tiêu sản phẩm, gia đình tôi thu được hơn 45 triệu đồng.

Trồng ngô rất vất vả vì mỗi vụ chỉ trồng trong vài tháng, thu hoạch xong phải làm đất, trồng vụ mới. Nhưng trồng sả nhàn hơn nhiều, sả lớn thì thu hoạch để lại phần gốc, chúng tự mọc lên tiếp. “Cây sả có ưu điểm phát triển tốt trên đất dốc, dễ chăm sóc, không cần bón nhiều phân, sau khi trồng được 3-5 tháng có thể thu hoạch lần đầu. Sau đó, cứ 45 ngày thu hoạch một lần, thu hoạch từ 5-7 năm mới phải trồng lại”, ông Thành nói.

Chị Lò Thị Kim Thương cho hay: Hợp tác xã Tinh dầu dược liệu Mường La được thành lập năm 2018, với 15 thành viên góp vốn. Ban đầu, chúng tôi vận động một số hộ dân trong xã trồng thử nghiệm hơn 20ha sả Java làm nguyên liệu cung cấp cho hợp tác sản xuất, chiết xuất tinh dầu. Sau thời gian chăm sóc và thu hoạch, nhận thấy cây sả có khả năng sinh trưởng phát triển tốt, lượng tinh dầu tương đối cao, đáp ứng đủ các chỉ tiêu để làm nguyên liệu chiết xuất tinh dầu, hợp tác xã đã vận động toàn bộ bà con nông dân trong cả thôn tham gia chuyển đổi và mở rộng diện tích trồng sả Java.

Với những thành viên chưa có vốn, hợp tác xã hỗ trợ 30 - 50% số tiền mua cây giống, hỗ trợ về kỹ thuật, phương pháp trồng, chăm sóc và thu hoạch lá. Đồng thời, trực tiếp thu mua toàn bộ lá sả để chiết xuất tinh dầu. Từ diện tích trồng thí điểm ban đầu, đến nay diện tích trồng sả đã tăng lên hơn 80ha, tập trung chủ yếu ở xã Pi Toong.

Nhờ sự liên kết này, hợp tác xã có vùng nguyên liệu ổn định phục vụ hoạt động sản xuất tinh dầu, vừa đảm bảo đầu ra cho sản phẩm cây trồng, vừa ổn định thu nhập của các thành viên. Hiện hợp tác xã đang tính toán các điều kiện để xuất khẩu sản phẩm, đem lại nguồn thu ổn định cho các hộ thành viên, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Hiện nay, cơ sở chiết xuất tinh dầu sả Java của hợp tác xã đang hoạt động ổn định và đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất. Trung bình 1 tấn lá sả chiết xuất được 8kg tinh dầu, giá thị trường khoảng 400.000 đồng/kg tinh dầu. Mỗi năm sả cho thu khoảng 5-6 lượt lá, năng suất trung bình trên 17 tấn lá/ha/năm.

Hợp tác xã tinh dầu dược liệu Mường La đang sản xuất tinh dầu dạng lọ có vòi xịt và lọ nắp đậy dùng cho đèn xông tinh dầu, giá bán 150.000 đồng/lọ nhỏ và 250.000 đồng/lọ to. Tinh dầu sả có rất nhiều công dụng, dùng để xông hơi, khử mùi, thanh lọc không khí, diệt khuẩn, đuổi côn trùng. Tinh dầu sả có thể kết hợp với các mùi hương khác trong sản xuất nước hoa, có thể được sử dụng để mát-xa, làm giảm đau nhức chân, tay...

Sản phẩm tinh dầu sả Java của Hợp tác xã Tinh dầu dược liệu Mường La đã được chọn là sản phẩm mỗi làng, xã một sản phẩm điểm của tỉnh Sơn La từ năm 2019. Hiện sản phẩm đã tạo dựng được thương hiệu trên thị trường, đầu ra ổn định, giá thành cao, cung cấp cho một số thị trường trong - ngoài tỉnh và đang tiếp tục mở rộng thị trường để xuất khẩu ra nước ngoài.

Mô hình trồng và chế xuất tinh dầu sả Java của Hợp tác xã Tinh dầu dược liệu Mường La được đánh giá là một mô hình sản xuất hiệu quả, được chọn là sản phẩm đầu tiên trong Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” của huyện Mường La. Mô hình này đã và đang góp phần tạo việc làm, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Trong giai đoạn 2020 - 2025, huyện Mường La dự tính có ít nhất 2 - 3 sản phẩm “Mỗi xã, phường một sản phẩm” mỗi năm để các nông hộ, nhóm hộ và hợp tác xã đăng ký theo hình thức đặc sản, là những sản phẩm mang đặc trưng của mỗi làng xã, mỗi địa phương. Qua đó, tiếp tục tạo nên những sản phẩm mới, tạo thêm việc làm cho người dân, giúp phát huy lợi thế tài nguyên sẵn có trong tự nhiên. Đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh Sơn La./.

Thảo Lâm