Lai Châu phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc DTTS để phát triển du lịch

Truyền thông - Ngày đăng : 07:06, 20/11/2024

Những năm qua, tỉnh Lai Châu đã tích cực, chủ động phát huy thế mạnh của các nguồn lực văn hoá, nhất là các giá trị văn hoá truyền thống gắn với những lợi thế về thiên nhiên, biến “di sản thành tài sản” để nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Truyền thông

Lai Châu phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc DTTS để phát triển du lịch

Thảo Lâm 20/11/2024 07:06

Những năm qua, tỉnh Lai Châu đã tích cực, chủ động phát huy thế mạnh của các nguồn lực văn hoá, nhất là các giá trị văn hoá truyền thống gắn với những lợi thế về thiên nhiên, biến “di sản thành tài sản” để nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Lai Châu là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc với 20 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 84%, trong đó có 13 dân tộc thiểu số cư trú thành cộng đồng, mỗi dân tộc đều mang những nét văn hóa độc đáo tạo nên bức tranh đa màu sắc.

Chính sự đa dạng trong nền văn hoá ấy là tiền đề để Lai Châu thực hiện các chương trình bảo tồn văn hoá truyền thống tốt đẹp của các DTTS cư trú thành cộng đồng gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

image001_dyhh.jpg
Điểm du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ gìn giữ phong tục tập quán (Ảnh Internet).

Những mục tiêu cụ thể, thiết thực và hiệu quả

Để thực hiện hiệu quả các chương trình, tỉnh Lai Châu đã đặt ra những mục tiêu cụ thể là: Đảm bảo sự tham gia của cộng đồng 13 dân tộc thiểu số trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống và nâng cao tính tự quản và tự chủ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng mình: bao gồm ngôn ngữ, phong tục, lễ hội, nghệ thuật dân gian và các tri thức bản địa, góp phần duy trì bản sắc dân tộc và lan tỏa các giá trị văn hóa độc đáo ra cộng đồng rộng lớn hơn, bao gồm cả khách du lịch và các thế hệ trẻ.

Biến bản sắc văn hóa thành nguồn sức mạnh nội sinh, trở thành động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với phát triển du lịch văn hóa cộng đồng dựa trên giá trị đặc sắc của 13 dân tộc thiểu số cư trú thành cộng đồng. Tạo ra cơ hội phát triển kinh tế cho người dân địa phương, từ đó cải thiện đời sống và kinh tế bền vững cho các cộng đồng: thúc đẩy sản xuất các sản phẩm thủ công, nông nghiệp truyền thống và các ngành nghề truyền thống của từng dân tộc, qua đó kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn văn hóa.

Đề xuất các giải pháp, xây dựng mô hình phát triển văn hóa gắn với phát triển du lịch cho cộng đồng 13 dân tộc thiểu số ở Lai Châu có thể nhân rộng, lan tỏa những cách làm hay, những ý tưởng sáng tạo trong việc quản lý nguồn lực để phát triển văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số khác không chỉ trên địa bàn tỉnh Lai Châu mà có thể nhân rộng đối với các tỉnh khu vực Tây Bắc, Đông Bắc…

Phát huy tối đa các nguồn lực của đồng bào DTTS

Những năm trở lại đây, các địa phương và hộ dân trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ kinh phí để khôi phục lễ hội, nghề thủ công truyền thống; bảo tồn và phát huy các lễ hội, tổ chức các đội văn nghệ quần chúng; cải tạo, sửa chữa nhà ở truyền thống… Từ đó, các địa phương đã phát huy lợi thế về văn hóa của từng dân tộc, điều kiện cảnh quan của từng bản, vận động đồng bào các dân tộc giữ gìn văn hóa dân tộc mình, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng.

Hiện Lai Châu đã thực hiện hiệu quả mô hình phát triển du lịch cộng đồng vừa nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, vừa nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vừa phát triển kinh tế xã hội của địa phương

Cụ thể, đã có 13/13 dân tộc thiểu số cư trú thành cộng đồng được bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp. Trong đó: Dân tộc Thái: 34 di sản văn hoá; dân tộc Mông: 12 di sản văn hoá; dân tộc Dao: 9 di sản văn hoá; dân tộc Hà Nhì: 7 di sản văn hoá; dân tộc Khơ Mú: 7 di sản văn hoá; dân tộc Mảng: 8 di sản văn hoá; dân tộc Cống: 5 di sản văn hoá; dân tộc Si La: 5 di sản văn hoá; dân tộc Giáy: 7 di sản văn hoá; dân tộc Lào: 4 di sản văn hoá; dân tộc Lự: 4 di sản văn hoá; dân tộc La Hủ: 2 di sản văn hoá.

Bên cạnh đó, Lai Châu cũng thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Trò chơi kéo co trong nghi lễ dân tộc Thái, Lễ Tủ Cải dân tộc Dao, Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông, nghề dệt thổ cẩm dân tộc Lự); 2 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Nghệ thuật Múa xòe và Then dân tộc Thái): các lễ hội cấp tỉnh, cấp tỉnh đều tổ chức hoạt động múa xoè; duy trì tổ chức liên hoan Hát Then Đàn tính 2 năm/lần.

Đồng thời, xây dựng 2 hồ sơ khoa học văn hóa phi vật thể quốc gia đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Hồ sơ khoa học tri thức dân gian, ẩm thực dân tộc Thái xã Mường So, huyện Phong Thổ và Trường ca "Xa Nhà ca" dân tộc Hà Nhì, huyện Mường Tè).

Đặc biệt là việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó có sản phẩm du lịch đạt sản phẩm OCOP 5 sao; Lựa chọn phục dựng không gian kiến trúc nhà truyền thống của 10 dân tộc: Hà Nhì, La Hủ, Si La, Mảng, Cống, Khơ Mú, Dao, Giáy, Lự, Lào; Bảo tồn chợ phiên truyền thống; Hỗ trợ đầu tư bảo tồn làng văn hóa truyền thống tiêu biểu như: Bản du lịch cộng đồng (DLCĐ) dân tộc Giáy tại bản San Thàng, xã San Thàng, Thành phố Lai Châu; hỗ trợ đầu tư điểm đến du lịch tiêu biểu: Bản DLCĐ Lao Chải 1, xã Khun Há; bản DLCĐ Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu, Tam Đường…

Lai Châu cũng đã đưa ra định hướng cụ thể hỗ trợ xây dựng 05 bản đặc trưng gắn với phát triển DLCĐ nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có, gồm: (1) Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp dân tộc Mông bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ, (Sin Suối Hồ, Phong Thổ) gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp. (2) Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp dân tộc Dao (nhóm ngành Dao Đầu bằng) bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải, (Hồ Thầu, Tam Đường) gắn với du lịch mạo hiểm (dù lượn, chinh phục đỉnh Putaleng). (3) Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp dân tộc Giáy bản San Thàng, (San Thàng, thành phố Lai Châu) theo hướng du lịch cộng đồng gắn với chợ phiên và chợ đêm San Thàng. (4) Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp dân tộc Thái bản du lịch cộng đồng Vàng Pheo (Mường So, Phong Thổ) gắn với trải nghiệm bản sắc văn hóa. (5) Bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp dân tộc Lự bản Thẳm, (Bản Hon, Tam Đường) gắn với bản sắc văn hóa độc đáo.

Những năm qua, khách du lịch đến Lai Châu đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, tính đến tháng 6/2024 ước đạt gần 2,5 triệu lượt người. Trong đó, thị trường khách nội địa là chủ yếu, với gần 2 triệu lượt người; khách quốc tế có bước phát triển tích cực với trên 500 nghìn lượt người, thị trường tập trung ở các nước truyền thống như: Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Bỉ… và thị trường mới được mở rộng tại các nước như: Canada, Hà Lan, Hàn Quốc, Úc, Nhật…

Thúc đẩy kết nối văn hóa gắn với phát triển bền vững

Để thúc đẩy văn hóa của 13 dân tộc thiểu số cư trú thành cộng đồng ở Lai Châu phát triển, trở thành nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Lai Châu đã đặt ra những giải pháp đồng bộ đó là:

Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội và sự tham gia của các tầng lớp nhân dân của 13 dân tộc thiểu số trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Tiếp tục tuyên truyền, vận động, giáo dục nâng cao nhận thức, tính chủ động của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ.

Đồng thời, thực hiện đầy đủ, đồng bộ, quyết liệt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về công tác dân tộc, tập trung giải quyết, tháo gỡ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc đã được chỉ ra. Trọng tâm là quản lý hiệu quả nguồn tài chính; nâng cao chất lượng, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số; nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; định hướng cụ thể với từng điểm du lịch cộng đồng phù hợp với đặc điểm, lợi thế sẵn có.

Tập trung chỉ đạo nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung một số nội dung chính sách về hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và bố trí ngân sách, lồng ghép, huy động tối đa các nguồn lực, tập trung ưu tiên nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về văn hóa, du lịch; phát huy vai trò truyền dạy của các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân; người nắm giữ và thực hành di sản văn hoá trong cộng đồng; tăng cường liên kết, hợp tác nhân rộng các mô hình câu lạc bộ; tiếp tục củng cố, kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy ngành văn hóa, thể thao và du lịch các cấp.

Xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch sinh thái tại 05 điểm bản du lịch thành một trong những sản phẩm đặc trưng thế mạnh của tỉnh, phấn đấu hình thành sản phẩm du lịch nổi trội trong khu vực, tạo sự cạnh tranh với các tỉnh có các sản phẩm du lịch tương đồng. Thực hiện hiệu quả việc nhân rộng các mô hình câu lạc bộ bảo tồn dân gian cấp xã; các câu lạc bộ trong trường học; phát huy vai trò của các đội văn nghệ quần chúng trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống gắn với phát triển du lịch.

Phát huy thế mạnh của các nguồn lực văn hoá nhất là các giá trị văn hoá truyền thống gắn với những lợi thế về thiên nhiên, biến “di sản thành tài sản”. Tăng cường liên kết, hợp tác trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc và phát triển du lịch; Chú trọng hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hoá - du lịch; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động hợp tác xúc tiến, quảng bá trong và ngoài nước; tăng cường ứng dụng công nghệ số trong công tác quảng bá hình ảnh miền đất và con người Lai Châu, đảm bảo việc kết nối văn hóa gắn với phát triển bền vững./.

Thảo Lâm